Một Nội Các Chết Non Của  VNCH

Lâm Vĩnh Thế

Lời Mở Ðầu

Bs Nguyễn Lưu Viên

Tài liệu dịch sau đây là một công điện gồm 4 trang, mang số TDCS-314/01862-65 của Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (C.I.A. = Central Intelligence Agency), đề ngày 10-02-1965, được công bố ngày 20-12-1975.  Tài liệu này được làm bảng dẫn (indexed) trong Quyển 1 (Volume 1), trang 45, đoạn B, của bộ sáchThe Declassified Documents : Retrospective Collection, do nhà xuất bản Carrolton Press xuất bản tại Washington, D.C vào năm 1976.  Toàn bộ văn bản của tài liệu này có thể đọc được trong bộ vi phiếu (microfiche) mang tên Declassified Documents Reference System : Retrospective Collection (DDRS), ở vi phiếu dành cho các trang 45B-48B. 

Bản Dịch Tài Liệu

Cơ Quan Trung Ương Tình Báo

Công Ðiện Tình Báo

Quốc Gia:           Nam Việt Nam                      Số: TDCS – 314/01862-65

Ngày:              10-02-1965                                 Phân phối: 10-02-1965

Ðề Mục: Sự thành lập và các thành viên chính của một chính phủ mới được đề nghị do ông Nguyễn Lưu Viên đứng đầu

Ðánh Giá: Cho đến ngày của bản báo cáo một, ông Nguyễn Lưu Viên tin rằng ông đã được sự đồng ý của một số thành viên cao cấp và then chốt của Hội Ðồng Quân Lực về sự thành lập và thành phần của một Chính Phủ mới do chính ông đứng đầu, và sẽ được Hội Ðồng Quân Lực và Quốc Trưởng phê chuẩn vào ngày 11-02-1965.

1.         Vào lúc 6 giờ chiều ngày 10-02-1965, Tổng Trưởng Viên1 cho biết ông đã chấp nhận chức vụ Thủ Tướng và, với sự đồng ý của các đại diện của Hội Ðồng Quân Lực2 (HÐQL), ông đã tạm thời chọn các nhân vật sau đây để thành lập Chính phủ:

            Phó Thủ Tướng, Tướng Thiệu3

            Quốc Vụ Khanh không giữ bộ nào, cựu Tướng Lê Văn Nghiêm4 (người Miền Trung)

            Quốc Vụ Khanh không giữ bộ nào, Bác sĩ Lê Văn Hoạch5  (người Miền Nam)

            Tổng Trưởng Chiến Tranh, Tướng Thiệu (Phó Thủ Tướng và Tổng Trưởng Chiến Tranh do cùng một người)

            Dưới Tổng Trưởng Chiến Tranh sẽ có các Bộ Trưởng sau đây:

                        Bộ Trưởng Quân Lực, Tướng Trần Văn Minh6

                        Bộ Trưởng Nội Vụ, Ðề Ðốc Cang7

                        Bộ Trưởng Chiến Tranh Tâm Lý, Tướng Viên8

                        Bộ Trưởng Thanh Niên, Tướng Nguyễn Chánh Thi9 hay Tướng Kỳ10 (theo thứ tự lựa chọn một)

                        Tổng Trưởng Tái Thiết, ông Nguyễn Văn Phát (Giám Ðốc Ngân Hàng Sài gòn)

            Dưới Tổng Trưởng Tái Thiết:

                        Bộ Trưởng Kinh Tế, ông Âu Trường Thanh 11

Bộ Trưởng Tài Chánh, ông Nguyễn Thành Lập (Giám đốc ngân hàng) hay ông Trần Quí Thân (cựu Tổng Trưởng Tài Chánh)

                        Bộ Trưởng Công Chánh, ông Ngô Trọng Anh12 (người Miền Trung, vừa mới từ Hoa Kỳ về Sài gòn)

                        Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn, ông Ngô Ngọc Ðối13 (đương kim Tổng Trưởng Cải Tiến Nông Thôn)

                        Tổng Trưởng Văn Hoá Giáo Dục, Ông Trần Văn Ðỗ14 hay Bác sĩ Phan Huy Quát15  hay Bác sĩ Phan Quang Ðán16

            Dưới Tổng Trưởng một sẽ có:

                        Bộ Trưởng Giáo Dục, ông Nguyễn Văn Trường17

                        Bộ Trưởng Y Tế, Bác sĩ Nguyễn Hữu Lương(hiện đang sống ở Ðà Lạt) hay Bác sĩ Huỳnh Kim Hữu18  

                        Bộ Trưởng Xã Hội, ông Ðàm Sĩ Hiến19 (đương nhiệm)

                        Bộ Trưởng Lao Ðộng, ông Nguyễn Hữu Hùng20 (đương nhiệm)

                        Bộ Trưởng Tư Pháp, Ông Lữ Văn Vi21 (đương nhiệm) hay Luật sư Vương Văn Bắc22

                        Tổng Trưởng Ngoại Giao, Tướng Chiễu23 (đương kim Ðại Sứ Việt Nam tại Ðài Bắc).

2.         Theo ông Viên, Tướng Khánh24 có một vài sự dè dặt đối với ông Ngô Ngọc Ðối, đương kim Tổng Trưởng Cải Tiến Nông Thôn, về việc ông này tham gia chính phủ mới.  Ông Viên cho biết đã thuyết phục được Tướng Khánh chấp nhận ông Ðối trong nội các mới.

3.         Tổng Trưởng Viên cũng nói rằng Hội Ðồng Quân Lực sẽ công bố vào ngày Thứ Năm, 11 Tháng Hai, về việc Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu25 đã bổ nhiệm Tổng Trưởng Nội Vụ Viên làm Thủ Tướng để thành lập một chính phủ mới.  Trong công bố một sẽ không có đề cập đến thành phần nội các đã được chấp thuận tạm thời như đã ghi ra trong đoạn 1 nói trên.

4.         Tổng Trưởng Viên nói rằng cho đến 6 giờ chiều ngày 10-02-1965 ông chưa tiếp xúc với các nhân vật đề cập đến cho các chức vụ ghi trên.  Tuy nhiên, ông sẽ tiếp xúc với họ trong vòng 24 giờ sắp tới.Tổng Trưởng Viên cảm thấy chắc chắn rằng hầu hết, nếu không phải là tất cả, các nhân vật được lựa chọn sẽ đồng ý phục vụ trong chính phủ của ông.Vào ngày Thứ Sáu, 12-02-1965, sẽ công bố chính thức thành phần chính phủ mới.

5.         Tổng Trưởng Viên cho biết danh sách ứng viên nói trên đã được soạn thảo theo kết quả của một cuộc họp giữa ông và các thành viên sau đây của Hội Ðồng Quân Lực: Tướng Thiệu, Ðề Ðốc Cang, Tướng Viên, Tướng Nguyễn Cao, Tướng Huỳnh Cao26 và Chuẩn Tướng Lân(Công Binh).  Buổi họp này diễn ra vào sáng sớm ngày 10-02.  Các thành viên của HÐQL đã có quyền phủ quyết đối với bất cứ nhân vật nào do ông đề nghị và ngược lại ông cũng đã có quyền phủ quyết đối với bất cứ nhân vật nào do 6 thành viên của HÐQL đề nghị.  Sau khi đạt được sự đồng ý đối với danh sách nói trên, 6 thành viên của HÐQL đã trình danh sách lên Tướng Khánh và Tướng Khánh có vẽ chấp nhận các lựa chọn đã được đồng ý vào sáng sớm.

Thay Lời Kết

Công điện một cho thấy các dàn xếp trong hậu trường chính trị của Việt Nam Cộng Hòa sau khi chính phủ Trần Văn Hương (từ 04-11-1964 đến 28-01-1965) bị Hội Ðồng Quân Lực khai tử vào cuối tháng 1-1965.  Nội các Nguyễn Lưu Viên một đã chết non, không bao giờ được khai sinh vào ngày Thứ Sáu, 12-02-1965, như Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên đã tin tưởng.  Thay vào đó là sự ra đời của Chính phủ Phan Huy Quát vào ngày 16-02-1965.  Chúng ta thử cố gắng tìm hiểu xem những việc gì đã xảy ra trong thời gian 5 ngày ngắn ngủi đó ?

Trước hết, chúng ta đều biết rằng hai thế lực chính trị chủ yếu tại V.N.C.H. trong thời gian một là Quân Ðội và Phật Giáo.  Cả hai thế lực một tuy chưa thật sự ra mặt kình chống nhau, nhưng nói chung đều không tin tưởng nhau và luôn luôn tìm cách kìm chế nhau, như ta đã thấy trong bài viết “Tài liệu mật của C.I.A. về tình hình V.N.C.H. tháng 2-1965”.  Chính phủ Trần Văn Hương, sau cải tổ ngày 18-01-1965, với sự tham gia của 4 tướng lãnh, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Trung Tướng Trần Văn Minh, Thiếu Tướng Linh Quang Viên, và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, vẫn tiếp tục bị Phật Giáo chống đối.  Ðiều này chứng tỏ rằng phe Phật Giáo không chấp nhận cho phe quân nhân có nhiều ảnh hưởng hơn trong chính phủ.H.Ð.Q.L. đã giải nhiệm Chính phủ Trần Văn Hương để hóa giải bớt sự chống đối này. NộI các mới được đề nghị của BS Nguyễn Lưu Viên, nếu được khai sinh, chắc chắn sẽ bị phe Phật Giáo chống đối càng mạnh hơn, vì nội các này sẽ có tới 7 tướng lãnh.  Ngoài ra, bản thân BS Nguyễn Lưu Viên cũng bị phe Phật Giáo chống đối vì ông là người của Công Giáo.  Một công điện của CIA gởi Tòa Bạch Ốc mang số TDCSDB-315/00506-65 ngày 13-02-1965 (vi phiếu 46A của DDRS) ghi lại, theo lời kể của Bác sĩ (BS) Viên, nội dung cuộc họp tại văn phòng của BS Viên ngày 11-02-1965 giữa BS Viên, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Ðề Ðốc Chung Tấn Cang.  Buổi họp diễn ra vào lúc 10 giờ sáng, hai tướng lãnh đề nghị BS Viên một thay đổi trong thành phần chính phủ: bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi vào chức vụ Bộ Trưởng Nội Vụ, thay vì Ðề Ðốc Chung Tấn Cang như đã đồng ý ngày hôm trước.  BS Viên không đồng ý, ông cho rằng Tướng Thi không có đủ sự tế nhị và ngoại giao cần thiết cho chức vụ này.  Ông cũng cho rằng việc bổ nhiệm Tướng Thi vào chức vụ đó, mà ông tin là do áp lực của Viện Hóa Ðạo (Phật Giáo), chắc chắn sẽ gây ra xáo trộn mới về chính trị do sự chống đối của các đảng phái chính trị và tôn giáo khác.  BS Viên đề nghị H.Ð.Q.L. xét lại đề nghị này và nói thêm là ông có thể đồng ý để Tướng Thi đãm nhiệm Bộ Quốc Phòng hay một Bộ nào khác do H.Ð.Q.L. quyết định.  Ngay sau đó, Tướng Thiệu đã dùng điện thoại trong văn phòng BS Viên để tường trình sự việc này cho Ðại Tướng Khánh lúc đó đang ở Huế.Sau buổi họp này, BS Viên cho biết ông không được H.Ð.Q.L. tiếp xúc nữa và vì thế ông đã không xúc tiến việc thành lập chính phủ mới như đã dự định.

Trong công điện mang số 2569, ngày 13-02-1965 (vi phiếu 872D của DDRS), gởi Bộ Ngoại Giao, Phó Ðại Sứ Hoa Kỳ, ông Alexis Johnson báo cáo về cuộc họp giữa ông và Ðại Tướng Khánh vào buổi trưa cùng ngày.  Khi được ông Johnson hỏi về việc thành lập chính phủ của Bác sĩ Viên, Tướng Khánh cho biết BS Viên đã có những đề nghị về nhân sự cho chính phủ của ông mà H.Ð.Q.L. không thể chấp nhận được.  Tướng Khánh cũng cho biết là khó khăn lớn nhứt trong việc thành hình một chính phủ là phải thoả mãn cả hai phe Phật Giáo và Công Giáo nhưng ông không nhận là việc H.Ð.Q.L. gạt bỏ BS Viên ra là do áp lực của Thượng Tọa Thích Trí Quang và Viện Hoá Ðạo của Phật Giáo.  Khi được ông Johnson hỏi về các bước kế tiếp, Tướng Khánh cho biết ông đã tham khảo Hội Ðồng Quân Dân27 và Hội Ðồng đã nêu ra tên một số nhân vật cho H.Ð.Q.L. thăm dò trong việc thành lập chính phủ.  Các vị này là Luật sư Trần Văn Tuyên, Bác sĩ Trần Văn Ðỗ, ông Trần Văn Ân, Bác sĩ Phan Huy Quát và Bác sĩ Hồ Văn Nhựt.  Bác sĩ Hồ Văn Nhựt đã từ chối vì lý do tuổi tác và sức khoẻ.  Luật sư Tuyên chỉ được sự hậu thuẫn của Cao Ðài, Bác sĩ Ðỗ của Phật Giáo, và như thế có thể bị các phe khác chống đối.  Do đó chỉ còn lại hai ứng viên là Bác sĩ Phan Huy Quát và ông Trần Văn Ân.  Khi được Tướng Khánh hỏi ý kiến về hai vị này, ông Johnson cho biết ông nghiêng về Bác sĩ Quát là người mà ông biết rõ hơn và cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong chính phủ hơn.  Ông Johnson cũng nói thêm là một mặt ông không biết rõ về ông Trần Văn Ân, mặt khác ông có phần e ngại do những điều mà ông được nghe nói về ông Ân.  Tướng Khánh cũng đồng ý với nhận xét của ông Johnson về Bác sĩ Quát, ông cũng nói thêm là Bác sĩ Quát còn được sự hẩu thuẫn của nhiều phe phái hơn. Một công điện khác của CIA, mang số TDCS-314/02012-1965, ngày 15-02-1965 (vi phiếu 46B của DDRS), ghi lại lời tường thuật của Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, về cuộc họp ngày 14-02-1965 của H.Ð.Q.L.  Tướng Khang cho biết BS Phan Huy Quát đã chấp nhận lời mời của H.Ð.Q.L. đứng ra thành lập chính phủ mới. Một công điện khác, mang số 2603, ngày 15-02-1965, của Ðại sứ Maxwell Taylor gởi Bộ Ngoại Giao (vi phiếu 872F của DDRS), báo cáo về buổi họp của ông với Tướng Khánh vào trưa ngày 15-02-1965.  Tại buổi họp này Tướng Khánh xác nhận với Ðại sứ Taylor về nguồn tin là Bác sĩ Quát sẽ thành lập chính phủ mới và cũng thông báo cho Ðại sứ Taylor về thành phần của chính phủ này. Nội các Phan Huy Quát được khai sinh với một số nhân vật đại diện cho nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, trong đó có một số đại diện cho Phật Giáo, và chỉ có 3 quân nhân mà thôi (Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quân Lực; Thiếu Tướng Linh Quang Viên, Tổng Trưởng Thông Tin, Tâm Lý Chiến; và Y sĩ Trung Tá Nguyễn Tấn Hồng, Tổng Trưởng Thanh Niên và Thể Thao).   Như vậy, rõ ràng là nội các Phan Huy Quát là một thỏa hiệp tốt nhứt có thể thực hiện được trong giai đoạn đó, thỏa mãn được gần như tất cả các khuynh hướng chính trị và tôn giáo của V.N.C.H mà cũng đáp ứng được sự đòi hỏi (gián tiếp) của Toà Ðại sứ Mỹ.  Nhưng cũng như tất cả mọi thỏa hiệp chính trị khác, thoả hiệp này khó tồn tại lâu dài.Chính phủ Phan Huy Quát chỉ sống được bốn tháng (từ 16-02-1965 đến 19-06-1965).

Mong rằng trong tương lai ta sẽ còn được biết nhiều hơn và rõ ràng hơn về những gì đả xảy ra trong thời gian 5 ngày ngắn ngủi đó.

Ghi Chú:

1. Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên là một nhân vật chính trị rất quen thuộc trong khoảng thời gian này.  Ông sẽ còn tham chính nhiều lần nữa trong thời Ðệ Nhị Cộng Hòa

2. Hội Ðồng Quân Lực là cơ quan tối cao của Quân Lực V.N.C.H. được thành lập ngày 18-11-1964 với thành viên là các tướng lãnh do Ðại Tướng Nguyễn Khánh làm Chủ Tịch.

3. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001), thành viên cao cấp và then chốt của H.Ð.Q.L., về sau trở thành Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và Tổng Thống của Ðệ Nhị Cộng Hòa.

4. Trung Tướng Lê Văn Nghiêm (1912-1988), đã từng giữ chức Tư Lệnh Vùng I, là một thành viên của Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm.

5. Bác sĩ Lê Văn Hoạch (1896-1978), một nhân sĩ nổi tiếng của Miền Nam, từng tham chính rất nhiều lần..

6. Trung Tướng Trần Văn Minh (1923-2009), thường được báo chí Mỹ gọi là Minh Nhỏ (Little Minh) để phân biệt với Tướng Dương Văn Minh, thường được gọi là Minh Lớn (Big Minh), về sau có một thời gian ngắn giữ chức Tổng Tư Lệnh của Quân đội VNCH (1965).Cần phân biệt với một vị tướng cùng tên họ là Trung Tướng Trần Văn Minh (1932-1997), Tư Lệnh Không Quân.

7. Ðề Ðốc Chung Tấn Cang (1926-2007), tại thời điểm này là Tư Lệnh Hải Quân.

8. Thiếu Tướng Cao Văn Viên (1921-2008), tại thời điểm này là Tư Lệnh Vùng III..

9. Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi (1923-2007), tại thời điểm này là Tư Lệnh Vùng I. 

10. Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ (1930-2011), tại thời điểm này là Tư Lệnh Không Quân. . 

11. Tiến sĩ Âu Trường Thanh (1925-2009), một nhân sĩ trí thức cấp tiến, đã từng giữ chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế trong Chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ.

12. Ông Ngô Trọng Anh (1926-  ), Kỹ sư, nhân sĩ Phật Giáo, sẽ là Tổng Trưởng Giao Thông Công Chánh trong Chánh phủ Phan Huy Quát.

13. Ông Ngô Ngọc Ðối, Tổng Trưởng Cải Tiến Nông Thôn trong Chánh phủ Trần VĂn Hương

14. Bác sĩ Trần Văn Ðỗ (1903-1990), cựu Tổng Trưởng Ngoại Giao trong nội các đầu tiên của ông Ngô Ðình Diệm, Trưởng Phái Ðoàn Quốc Gia Việt Nam tại Hội Nghị Genève 1954.

15. Bác sĩ Phan Huy Quát (1909-1979), một chính khách thuộc đảng Ðại Việt, đã tham chính nhiều lần, là người sẽ được Hội Ðồng Quân Lực cử nhiệm giữ chức vụ Thủ Tướng.

16. Bác sĩ Phan Quang Ðán (1918-2004), một chính trị gia nổi tiếng đối lập trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa.

17. Giáo sư Nguyễn Văn Trường (1930- ), tại thời điểm này là Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục; về sau còn đảm nhận chức vụ này một lần nữa trong Chánh phủ Nguyễn Cao Kỳ.

18. Bác sĩ Huỳnh Kim Hữu, một thành viên của Nhóm Caravelle, cựu Tổng Trưởng Y Tế trong Chánh phủ Ngô Ðình Diệm cải tổ ngày 24-9-1954

19. Ông Ðàm Sĩ Hiến, Tổng Trưởng Lao Ðộng trong Chánh phủ Nguyễn Khánh, và Tổng Trưởng Xã Hội trong Chánh phủ Trần Văn Hương.

20. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Tổng Trưởng Lao Ðộng của Chánh phủ Trần Văn Hương; về sau còn giữ bộ này một lần nữa trong Chánh phủ Nguyễn Cao Kỳ.

21. Luật sư Lữ Văn Vi, Luật sư, Tổng Trường Tư Pháp trong Chánh phủ Trần Văn Hương; về sau cũng giữ bộ này trong Chánh phủ Nguyễn Cao Kỳ.

22. Luật sư Vương Văn Bắc (1927-2011), về sau là một thành viên trong Phái đoàn VNCH tại Hòa Ðàm Paris, và Tổng Trưởng Ngoại Giao trong 2 Chánh phủ Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Bá  Cẩn.

23. Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu (1920- ), một thành viên trong Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm; về sau là Tổng Thư Ký của Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia.

24. Ðại Tướng Nguyễn Khánh(1927-2013), tại thời điểm này là Chủ Tịch Hội Ðồng Quân Lực, kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Việt Nam Công Hòa.

25. Ông Phan Khắc Sửu (1893-1970), cựu Tổng Trưởng Canh Nông trong Chánh phủ Ngô Ðình Diệm, một thành viên của Nhóm Caravelle; về sau là Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến đã soạn thảo Hiến Pháp năm 1967 của VNCH.

26. Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao (1927-2013), cựu Tư Lệnh Vùng IV.

27. Hội Ðồng Quân Dân là cơ cấu chính trị do Hội Ðồng Quân Lực ủy nhiệm cho Ðại Tướng Nguyễn Khánh triệu tập ngày 27-01-1965, sau khi chính phủ Trần Văn Hương bị giải nhiệm.  Hội Ðồng gồm 20 nhân vật đại diện các tôn giáo, nhân sĩ và quân lực.Hội Ðồng này chỉ họp một cách bán chính thức mà thôi.