Niên khóa 1974–1975, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa đưa môn Quốc văn vào chương trình lớp Mười Hai (lớp Đệ Nhất theo tên gọi những năm trước 1969/1970) chuẩn bị thi Tú Tài. Trước đó học sinh trung học chỉ học môn học này từ lớp Sáu (Đệ Thất) đến lớp Mười Một (Đệ Nhị); lên tới lớp Mười Hai, thay vào môn Quốc văn là môn Triết học gồm ba phần: Luận lý học, Tâm lý học, và Đạo đức học.

Trong bản thành tích biểu lớp Mười Hai niên khóa 1974–1975 của trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký mà tôi còn giữ được, đối với ban B (ban Toán) môn Việt văn (theo đúng tên môn học ghi trong thành tích biểu) có hệ số hai, cùng hệ số với môn Triết học vẫn được tiếp tục giảng dạy. Vị giáo sư dạy lớp chúng tôi là Thầy Khiếu Đức Long.

Thầy luôn vào lớp với áo sơ mi dài tay trịnh trọng, cổ thắt cà vạt nhỏ đậm màu. Giọng Thầy sang sảng, đôi khi pha chút hài hước trong câu chuyện với cái nhíu mày dí dỏm, khiến cho không khí lớp học rất sống động.

Trong buổi học đầu tiên, Thầy giảng cho chúng tôi về tên gọi của môn học. Theo Thầy, không thể đánh đồng môn học này với các môn học ngoại ngữ khác như Anh văn hay Pháp văn. Vì vậy không nên gọi đó là môn Việt văn mà phải gọi là Quốc văn, môn học về tiếng nói và văn học của tổ quốc, là tiếng nói đầu đời của tất cả người Việt Nam. Lời giảng này theo tôi suốt quãng đời còn lại.

Như đã nói ở trên, chương trình Quốc văn lớp Mười Hai được giảng dạy lần đầu tiên (và duy nhất) vào niên khóa 1974–1975. Sách giáo khoa không nhiều, hoàn toàn mới, do một số giáo sư biên soạn kịp thời cho niên học. Lớp chúng tôi học quyển sách do Thầy Khiếu Đức Long soạn. Đã nửa thế kỷ trôi qua, tôi không còn nhớ rõ chương trình học gồm những đề mục gì, nhưng nhớ nó hoàn toàn khác với những gì chúng tôi được học trước đó. Ở lớp Mười (Đệ Tam) chúng tôi được học Chinh Phụ Ngâm, lớp Mười Một học Truyện Kiều và thơ mới. Chương trình Quốc văn ở lớp Mười Hai hoàn toàn khác hẳn: văn chương bình dân, ca dao, tục ngữ, tôn giáo (Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo). Còn nhớ khi giảng về văn chương bình dân và truyền khẩu “tân thời”, Thầy đọc mấy câu:

Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Bao giờ hết chuyện nước non
Anh về anh có Mỹ con anh bồng.

Những câu thơ bình dân trên cũng được in trong quyển sách giáo khoa do Thầy biên soạn mà không bị kiểm duyệt, cho thấy một nền giáo dục thật sự khai phóng.

Sau ngày vận nước đổi thay năm 1975, tôi vẫn cất giữ quyển sách của Thầy mà không đốt đi như đã đốt hàng trăm quyển sách khác trong tủ sách gia đình, vì nghĩ đó chỉ là sách giáo khoa. Nhưng rồi một lần một người bà con trong gia đình là dân tập kết, trở về làm giáo viên dạy Văn (theo đúng tên gọi của môn học từ 1975 cho đến nay), tình cờ thấy quyển sách đó. Sau khi xem lướt qua bà ta thốt lên “Quyển sách này cực kỳ phản động” và yêu cầu tôi đem đốt. Tôi ngỡ ngàng nhưng không thể chất vấn tại sao, mà chắc lúc đó ở tuổi mười tám tôi cũng không đủ lý lẽ để tranh luận. Thế là quyển sách có chung số phận với bao nhiêu quyển khác vì Ba Mẹ tôi lúc đó rất sợ bị phiền phức. Không biết bây giờ Thầy và gia đình có còn giữ được bản thảo?

Một buổi sáng gần cuối năm 1974, Thầy vào lớp với nét mặt đăm chiêu thoáng buồn. Thầy kể trên đường đến trường Thầy thấy một chiếc xe GMC của quân đội chở khá đông thanh niên đi trên đường Lê Văn Duyệt về hướng Ngã Tư Bảy Hiền. Những thanh niên ngồi trên xe mặc quần áo dân sự, cho thấy đó là những thanh niên chuẩn bị vào quân dịch. Nét mặt họ buồn bã, thất vọng. Lúc đó tình hình chiến cuộc đang gia tăng. Tuổi trẻ chúng tôi thời đó nhiều người hoang mang về cuộc chiến giữa những người anh em cùng màu da.

Rồi Thầy kể một câu chuyện xưa trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Cần nhắc lại rất nhiều người tham gia cuộc kháng chiến là những người yêu nước không cộng sản. Nhiều thiếu niên tuổi 14–15 khai gian tuổi để được cầm súng đánh Pháp giành độc lập cho dân tộc. Có những anh vì thiếu sức khỏe không được tham gia đã khóc như khóc cha mẹ mất. Có những người lấy gạch đá bỏ vào túi áo quần để đủ sức nặng khi cân.

Khi nghe câu chuyện Thầy kể, tôi không hoàn toàn hiểu ý Thầy khi ngầm so sánh hai câu chuyện. Nhiều năm về sau, trải qua nhiều biến cố xã hội, chứng kiến nhiều bất công trong cuộc sống, tôi dần nghiệm ra được ý Thầy muốn gửi gắm qua hai câu chuyện đó.

Những năm cuối thập niên 1970, tôi là sinh viên ngành Toán trường Đại Học Tổng Hợp (trước năm 1975 là Khoa Học Đại Học Đường, hiện nay trường mang tên Đại Học Khoa Học Tự Nhiên). Như bao nhiêu sinh viên khác thời đó, ngoài giờ học tôi làm thêm việc dạy kèm để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống. Lần đó tôi dạy hai cô học trò vừa học xong lớp Mười Hai đang chuẩn bị thi vào đại học. Biết được hai em học trò này từng học ở ngôi trường cũ của mình nay đã thay tên, tôi hỏi thăm về những thầy cô cũ. Khi hỏi đến Thầy Khiếu Đức Long, hai em nói đã học môn Văn lớp Mười Hai với Thầy. Nhưng hai em không vui khi nhắc đến Thầy. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao. Hai em đáp “Cuối năm học lớp Mười Hai, Thầy chúc mừng lớp tụi em, nhưng Thầy lại nói (đại ý)

Mong là các em luôn giữ được tình “kim lang”.

Hai em nói tiếp “Trong khi tụi con trai trong lớp em cười rần lên đắc ý thì tụi con gái bọn em vừa mắc cỡ vừa giận”. Tôi hỏi:

Có phải các em giận vì liên tưởng đến hai chữ “tình lang”? Cũng có thể các em đã nghĩ đến hai câu thơ trong Kiều

Kim lang ơi hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.

Hai em im lặng gật đầu. Tôi giải thích cho hai em học trò hiểu là theo tôi ý Thầy nói “kim lan” chớ không phải “kim lang”. Kim lan có nghĩa là tình bạn bè bền vững. Ý Thầy muốn nói Thầy mong cho tình bạn bè giữa các em luôn bền vững. Cần nói rõ thêm, hai em này sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nói giọng Sài Gòn, nên không phân biệt được cách phát âm khác nhau giữa “lang” và “lan”, trong khi Thầy Khiếu Đức Long có cách phát âm rất chuẩn của người Hà Nội xưa. Lúc đó hai em gái mới nhận ra lâu nay mình đã hiểu lầm một người Thầy. Và tôi cũng chợt nhận ra chỉ mới sau vài năm mà trình độ tiếng Việt của học sinh đã đi xuống.

Năm 2013, vợ chồng tôi có dịp đón tiếp Thầy Trần Thế Xương (nay đã quá vãng), cựu giáo sư Quốc văn trường Trung Học Gia Long, sang Sydney tham dự Đại Hội Gia Long Thế Giới nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường. Biết tôi là học trò của Thầy Khiếu Đức Long, Thầy Xương cho biết Thầy Long đang sống ở Canada. Tôi xin Thầy Xương địa chỉ email của Thầy Long và viết thư thăm Thầy. Nhưng có lẽ địa chỉ email này Thầy không còn dùng nữa nên tôi không được hồi âm. Nay được đọc Tiểu luận Cao học của Thầy và lá thư của cô Khiếu Ngọc Lam, ái nữ của Thầy, bao ký ức cũ hiện về, ghi vội vài hàng những kỷ niệm xưa. Kính chúc Thầy và bảo quyến luôn mạnh khỏe và vạn sự an khang.

Sydney ngày 10 tháng 3 năm 2024

Trần Thạnh