VI
CÂY CỐI – CHIM CHÓC
Tiền Vĩnh Lạc
Hồi đó, không nghe ai nói tới “môi trường”. Còn nói “ô nhiễm môi trường” người ta lại càng không hiểu. Chưa có xe lam, xe Honda. Lâu lâu mới có một chiếc xe hơi chạy qua làng. Vấn đề “khí thải” không có đặt ra.
Rác chợ chẳng có bao nhiêu, mỗi ngày có người lo quét dọn, chỉ một xe đẩy tay là đủ đem rác đi hết.
Nhà nào cũng có một cái hố rác nho nhỏ ở góc sân. Hồi đó chưa có túi ni-lông, chưa có đồ dùng bằng nhựa. Giấy cũng rất ít, vì ít người đọc báo hằng ngày. Bởi vậy, rác gồm hầu hết là lá chuối, vỏ trái cây, xương heo, xương cá, trời mưa ít lâu là mục hết, thành phân bón để trồng cây, rất tốt. Nhà ít người, không có hố rác thì cứ quét tấp vô gốc cây là xong. Ngày nay (2004), mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 250.000 tấn bao bì nhựa, rất tiện lợi, nhưng lại là một tai họa cho môi trường. Thứ rác này không chịu phân hủy, nổi lều bều trên mặt sông, mặt ao, bay tùm lum trên các cánh đồng, trông dơ dáy hết sức.
Hồi đó, làng An Nhơn cây cao bóng mát còn nhiều. Ngay ở khu trung tâm, người Pháp cho trồng nhiều cây sao để lấy bóng mát cho chợ, trường học và Công Sở (xem lại sơ đồ ở trang 28). Đầu đường đất đỏ dẫn xuống Bến Đình cũng có mấy cây sao rất lớn. Trước sân đình là một hàng sao rợp bóng nên học trò thường rủ nhau ra sân đình chơi. Ngoài cây sao, còn có một số cây me lớn lắm, và một hàng cây điệp cổ thụ trồng dọc theo đường Hàng Điệp chạy từ Chợ Giữa An Nhơn tới Xóm Thuốc. Những cây cổ thụ ba nói đó, ngày nay không còn cây nào. Vườn cao su nhỏ trên đường từ An Nhơn xuống Gò Vắp, gần Cầu Hố, nay cũng không còn.
Nhiều nhà trồng cây ăn trái như xoài, ổi, mảng cầu, đu đủ, vú sữa, sa-bô-chê, nhãn, v.v… Cây rừng cũng còn nhiều loại như tre, mây, đủng đỉnh, trâm, lồng mứt, duối … Dưới sông có dừa nước xanh um, hai bên bờ mọc nào mù u, bần, bình bát, bàng … Ngày nay Làng An Nhơn đã “đô thị hóa”, nhà cửa san sát, chen chúc nhau, không còn bàu, ruộng, rẫy trồng rau cải, không còn những vườn trồng thuốc lá bạt ngàn, không còn cây cao bóng mát, trẻ em không còn được hưởng những cái thú vui sống ở đồng quê, thật uổng quá.
Hồi đó, cây cối nhiều thì chim chóc cũng nhiều. Ra ruộng là thấy cò. Ruộng không có cò thì cảnh thiên nhiên thiếu mất một vẽ đẹp thanh bình. Hình dáng con cò đứng trên lưng trâu trông rất nên thơ, đã đi vào hội họa và văn chương thi phú.
Chim sáo cũng nhiều. Sáo trâu và sáo sậu thường bay từng bầy bảy tám con, đáp xuống đồng, xuống rẫy để bắt cào cào, châu chấu, thằn lằn mà ăn. Sáo trâu hay đậu trên lưng trâu để bắt ve, bắt mòng. Sáo sậu có khoang trắng ở cổ, không biết tại sao lại kêu là sáo sậu?
Chim cu thì có cu đất, cu ngói. Những buổi trưa êm ả thì nghe nó kêu “Cúc cu! Cúc cu!”.
Có câu ví:
“Ở đời có bốn người ngu:
“Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu
Ba người bị cho là ngu kia thì có lẽ ai cũng đồng ý, còn gác cu thì có gì là ngu? Sắm một cái lồng có bẫy sập, trong lồng để con cu mồi, ra đồng, ra rừng gác lên cây cao. Con cu mồi kêu “cu! cu!”, dụ mấy con khác tới đá. Giống cu cũng háo chiến, nghe con cu mồi kêu chọc tức liền hăng tiết bay tới đá. Nhưng vừa đậu trước lồng con cu mồi liền bị bẫy sập, vướng vô lưới. Vậy thì con cu mồi với con cu rừng ham đá với đồng loại mới ngu, chớ người gác cu đâu có ngu? Đi gác cu vui lắm chớ! Hay là tại đi gác cu mà bỏ bê công việc, làm ăn thất bát, bị vợ cằn nhằn cũng là ngu?
Cưởng, nhồng thỉnh thoảng có thấy. Hai loài chim này có thể dạy cho nói tiếng người, có lẽ vì vậy mà người ta hay bắt về nuôi, nên ít thấy ở trên đồng ruộng. Con nhồng chỉ ăn ớt mà thôi, sao nó ăn cay dữ vậy không biết?
Chim hoành hoạch rất nhiều, thường đáp vô vườn cây để ăn trái chín. Vườn nhà ông nội mấy con thường trồng mảng cầu. Buổi sáng, nghe chim hoành hoạch kêu – tiếng nó kêu nghe “hoạch hoạch” – ba ra vườn thế nào cũng hái được vài trái mảng cầu chín cây vừa bị chim ăn một góc, ngon lắm!
Lại có chim tốp mỡ. Trẻ con bắn được, nhổ lông, đem nướng trên lửa than, mỡ chim chảy xuống xèo xèo.
Lại có chim vàng nghệ. Lông của nó màu vàng đậm như nghệ.
Còn có thứ chim gì ba không biết tên, mình nó nhỏ xíu, chỉ bằng hột mít, mỏ nhọn mà dài, hay ở trên “chùm gởi” là một loài cây ký sinh thường bám trên cây xoài, cây vú sữa. Chim này màu lông sặc sỡ, có thể bay định vị, tức là bay mà ở một chỗ như con chuồn chuồn, đút cái mỏ nhỏ xíu của nó vô bông chùm gởi mà hút mật. Có lẽ đây là một loài chim “colibri”, ba thấy hình trong mấy cuốn sách nói về chim.
Chim sâu rất nhiều loại, bước ra vườn, ra đồng là nghe chim sâu kêu. Mỗi loại có tiếng kêu khác nhau. Thứ này nhỏ con mà lớn tiếng lắm, thường bị người ta bắt nhốt vô lồng để nghe nó kêu.
Lại còn chim chèo bẻo, chim chích chòe, chim bà bóng, chim manh manh, chim áo dà, két, v.v…
Ra tới bờ sông là nghe chim bìm bịp kêu:
“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi!
“Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê
Tác giả hai câu này phải là người buôn bán nhỏ trên sông nước, mới thường nghe bìm bịp kêu, mới chèo chống mỏi mê.
Lại có diều hâu, hay bay là là, rình bắt gà con mà ăn. Khi một con gà mái dắt bầy con ra đồng kiếm ăn mà thấy có diều hâu bay trên không thì nó liền xòe hai cánh ra, kêu “cục! cục!” cho bầy con nó vô núp trong cánh. Con gà trống đứng gần, lom lom, sẵn sàng chiến đấu với con diều hâu.
Ban đêm, thỉnh thoảng nghe chim cú kêu. Tiếng nó kêu nghe xa vời, buồn lắm. Người ta đồn rằng khi nào nhà có người bịnh nặng mà ban đêm có chim cú đậu gần nhà kêu lên ba tiếng rồi bay đi, đó là điềm báo người bịnh sắp qua đời.
Chim se sẻ nhiều lắm, ai cũng biết, khỏi nói. Ở đâu có người ta ở là ở đó có chim se sẻ. Lông nó màu nâu, không đẹp. Tiếng nó kêu “chíp chíp”, không hay. Nhờ đó mà không có ai bắt nhốt vô lồng. Nhưng lại dùng bẫy bắt, đem rô-ti bán cho mấy bợm nhậu, tội hết sức.
An Nhơn ngày nay không còn là “làng” nữa, vì đã “đô thị hóa”, được chia thành nhiều “phường” của Quận Gò Vắp. Dân số mỗi phường lại đông hơn dân số cả làng hồi xưa nhiều. Người ở chen chúc nhau, xe cộ rầm rộ suốt ngày. Không biết ở đâu mà người ta về An Nhơn đông quá như vậy? Cây cối, vườn ruộng không còn thì chim chóc cũng hết, chỉ còn chim se sẻ. Họa hoằng mới thấy một con chim khác.
Trở lại chuyện ngày xưa. Làng An Nhơn ở xa rừng. Thú hoang chỉ có chồn, chuột đồng, sóc, rắn. Chồn hay lén vô nhà bắt gà, bắt vịt, ai cũng ghét.
Rắn thì nhiều. Rắn lục màu xanh lè, hay lẩn trong lá cây, ban ngày không thấy đường. Rắn hổ hành hôi mùi hành lá, có nọc độc. Ban đêm ngủ, nếu thình lình nghe mùi hành lá thì phải thức dậy, rọi đèn kiếm rắn hổ hành, nó hay vô chuồng bắt gà con, có khi còn vô nhà, bò lên giường ngủ của người ta nữa mới ghê chớ!
Ở nhà ông nội mấy con, cứ tối đến là nghe rắn lục hút gió trong hàng rào quanh nhà. Còn nghe tiếng con nhái kêu thất thanh thì biết có một con rắn đã táp được con nhái. Cho nên ban đêm có việc phải ra sân, phải đem theo đèn pin để rọi dưới đất coi chừng rắn! Hồi đó nhà ông nội có một chuồng chim lớn, bề dài lối 2m, bề cao 1,50m, bề ngang cũng 1,50m, nuôi chim manh manh, chim áo dà, chim bạc má, keo, két, v.v… Có lần, ban đêm một con rắn chun vô chuồng, bắt nuốt một con chim, cái bụng nó phình lên một cục. Tới chừng muốn chun ra thì cái bụng nó không qua lọt lưới mành mành, nó kẹt lại trong chuồng, đầu và một phần mình nó thòng ra ngoài, múa lên múa xuống, không ra được. Sáng lại, bị người làm của ông nội đập chết.
Hồi đó, cóc, ếch, nhái, ểnh ương, chàng hiu cũng nhiều. Cây cối nhiều, côn trùng nhiều thì loài ếch nhái cũng nhiều. Đó là quy luật thiên nhiên mà mấy nhà sinh học gọi là “cân bằng sinh thái”.
Dưới bàu, gần cầu sắt xe lửa, ngày đêm ếch nhái kêu rân. Sau một trận mưa lớn thì có nhiều người cầm đèn đi “soi ếch”. Đèn soi ếch hình trục, đáy bằng, dài chừng ba gang tay, một đầu bít, một đầu trống, có quai xách, bên trong để một cái đèn dầu phộng hoặc dầu hôi. Ánh sáng phát ra từ bên đầu để trống. Xách đèn đi quanh bàu, đi dọc theo đường rầy xe lửa, bắt chừng nào đầy giỏ thì về. Nhái thì chỉ bắt để làm mồi câu cá lóc.
Chàng hiu ở trên cây. Có khi mình đi tới, nó nhảy vô mình mình, làm mình hết hồn! Cái mình nó lạnh ngắt, mà nó lại hay nhảy ôm cổ mình mới ghê chớ! Cho nên có câu “Đi đêm coi chừng chàng hiu hót cổ!” Con chàng hiu ốm nhom, cho nên người ta thường ví “ốm như con chàng hiu”.
Còn con ễnh ương có cái tật kỳ cục, hễ đụng tới nó thì nó ngậm miệng, phình cái bụng nó căng ra tròn vo. Cho nên con nít gặp ễnh ương hay lấy chưn đá cho nó phình lên coi chơi! Càng đá, nó càng phình! Ban đêm, tiếng ễnh ương kêu “uềnh uang” nghe xa vời, buồn não nuột. Nó ở trong bụi cách nhà mình chừng mười thước chớ mấy, mà tiếng của nó kêu nghe như nó ở xa mình cả trăm thước.
Gần gũi với con người nhứt lại là “cậu ông trời”, con cóc:
“Con cóc là cậu ông trời
“Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho
Vua Lê Thánh Tôn cũng tuyên dương con cóc:
“Bố mẹ sinh ra vốn ao sồi
“Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
“Chép miệng năm ba con kiến gió
“Nghiến răng chuyển động bốn phương trời …
Hễ nghe tiếng cóc kêu ban ngày thì biết trời sắp mưa. Loài cóc nhái thở bằng da, rất nhạy cảm với nhiệt độ và ẩm độ của không khí bên ngoài, nhờ vậy chúng nó biết lúc nào thì trời mưa.
Bài thơ Con cóc có lẽ là bài thơ được phổ biến từ Nam chí Bắc, và được nhiều người thuộc nhứt:
“Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra
“Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó
“Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi …!
Muốn chê bài thơ nào dở quá, người ta thường nói là “Thơ con cóc”. Ý ba thì khác. Ba không cho bài thơ đó là quá dở. Thể thơ rất độc đáo, chỉ có ba câu, mỗi câu tám chữ gồm hai vế, mỗi vế bốn chữ. Vế sau của câu trước đem xuống làm vế đầu của câu sau. Đó là “thơ mới”, đâu phải đợi đến Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử mới có thơ mới? “Thơ con cóc” không hay sao ai cũng thuộc? Còn về nội dung cũng không phải dở. “Con cóc trong hang” chẳng khác nào một ẩn sĩ, tài ba, thao lược có thừa nhưng chẳng mấy người biết tới. Cũng như Gia Cát Lượng lúc còn ở Thảo Lư. Rồi “Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra”, tức là từ trong bóng tối bước ra ánh sáng, quyết đem tài an bang tế thế ra giúp đời. Nhưng sao “Con cóc nhảy ra” rồi con cóc lại “ngồi đó”? Đó là hành động của kẻ trí: kẻ trí không manh động; trước khi hành động phải suy nghĩ chính chắn, phải nghiền ngẫm kế hoạch, chiến lược để nắm chắc thành công. Sau khi “hạ quyết tâm”, “con cóc nhảy đi”. “Nhảy đi” là nhập thế, là đem tài ba, thao lược ra mà giúp nước, cứu dân!
Một bài thơ mới, độc đáo, với nội dung “xây dựng” như vậy, cho nên ai cũng thuộc. Nhưng một ông bạn của ba lại nói: “Thơ gì có ba câu mà điệp tới sáu lần ‘con cóc’? Nếu không lặp đi, lặp lại ‘con cóc’, thì bài thơ chỉ còn một câu ‘Con cóc trong hang, nhảy ra, ngồi đó, nhảy đi’!”. Ba hết ý kiến, đành chịu thua. Ông bạn đó khó tính dễ sợ!
Dầu sao mặc lòng, trong loài ếch nhái chỉ có con cóc là được vô văn chương, thi thơ nhiều nhứt. Ngoài nhiều bài thơ về cóc, còn có chuyện Trê cóc kiện nhau, chuyện Hoàng Tử Cóc, v.v… (Bên Tây cũng có chuyện Hoàng Tử Cóc nữa!).
Bây giờ trở lại chuyện thực tế. Ban ngày, cóc rút vô trong hang, chun dưới đáy lu, đáy chậu kiểng mà núp. Trời chạng vạng tối, cóc nhảy ra đầy sân để ăn mối, ăn muỗi.
Thịt cóc ăn được. Người ta nói “ăn thịt cóc nên thuốc”. Không rõ “nên thuốc” là trị được bịnh gì, nhưng trị được bịnh suy dinh dưỡng là cái chắc.
Chuyện cóc nhái kể tới đây xin tạm ngưng.