IV

BỤI CHUỐI SAU HÈ

Tiền Vĩnh Lạc

Sơ đồ ba vẽ ở trang 28 có Công Sở, trường học, chợ, rạp hát, tức là trung tâm của làng. Dân ở đây tập trung khá đông. Bên kia chợ là dãy phố gạch và nhiều nhà cất sát vách nhau để buôn bán. Sau chợ, ngang rạp hát cũng có một dãy nhà để ở, không buôn bán. Phía sau rạp hát và nhà ông nội mấy con là cánh đồng mọc những cây duối, cây đủng đỉnh, bụi mây, … rải rác mấy cái nhà lá. Phía bên kia chợ cũng vậy, sau dãy phố gạch và dãy nhà liên kế cũng là đất trống hoặc vườn cây ăn trái, rồi tới rẫy trồng thuốc lá, trồng các loại “hàng bông” như cà chua, khổ qua, bầu, bí, đậu đũa, cà tím, dưa chuột. Lơ thơ mấy cái nhà lá của nông dân. Những gia đình khá giả thì cất nhà dọc theo hai bên con đường tráng nhựa và con đường đất đỏ đi xuống Bến Đình. Nhiều nhà chiếm một khoảng đất rộng một vài ngàn thước vuông, nhà nhỏ cũng có sân, có vườn. Người ở phố chợ chỉ buôn bán nhỏ: tiệm “chạp phô” (tạp hóa), tiệm nước, tiệm hớt tóc, tiệm may … Phía sau những ngôi nhà cất dọc theo đường là đất trống minh mông, nhà cửa rất là thưa thớt, hầu hết là nhà lá. Từ nhà ga tới chợ Cây Xoài còn vắng hơn nữa, chiều tối ít ai dám đi, vì sợ ma! Hai bên đường trồng tre, nếu không là đất trống bỏ hoang thì là ruộng, chớ không có nhà cửa dày đặc như ngày nay.

Đường Nguyễn Oanh ngày nay xe cộ rộn rịp như vậy, nhưng ngày xưa chỉ là đường xe điện từ An Nhơn đi Gò Vắp, rồi ra Sài Gòn, Chợ Lớn. Đi ngược lại là lên Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Dọc theo đường xe điện không có xe cộ nào khác chạy được, ngoại trừ xe máy và người đi bộ đi dọc theo lối mòn ở hai bên đường rầy5. Khi có xe điện tới thì người đi xe máy phải dắt xe nhảy qua bên kia mương thoát nước đào dọc theo đường rầy để tránh. Đường xe điện chạy tới khoảng Đài Liệt Sĩ bây giờ phải qua một vùng đất cao, người ta đào một cái mương lớn để cho xe điện chạy, nếu không, xe không thể leo dốc nổi. Ngồi xe điện tới chỗ này, người ta thấy hai bên là vách đất, có đoạn mặt đất cao hơn đường rầy hơn 3m. Về sau, người các tỉnh về Sài Gòn sanh sống ngày càng đông, người ta đào lấy đất ở vùng này để san lấp mặt bằng, lần hồi vùng đất cao này không còn, đường Nguyễn Oanh ngày nay bằng phẳng, không thấy “gò” đâu nữa. Qua khỏi ga An Nhơn chừng vài trăm mét thì không thấy nhà cửa gì nữa, hai bên toàn là đất trống, là “vườn tiêu” đã bỏ hoang, tre, mây, đủng đỉnh mọc chung với lùm bụi, cỏ dại.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, năm 1945 Pháp đem quân định tái chiếm Việt Nam. Quân đội Pháp lấy một vùng đất rất lớn, từ cánh đồng trống chung quanh cái đồn đất (đã nói ở chương II, trang 25) qua tới “vườn tiêu” để làm căn cứ quân sự, xung quanh xây nhiều tường gạch và lô cốt. Về sau, Pháp giao căn cứ này cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1975, bộ đội miền Bắc vào tiếp thu. Mấy tấm bảng trên các cửa lớn sơn lại nền đỏ chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Căn cứ quân sự đó nay vẫn còn. Đi đường Phan Văn Trị và đường Nguyễn Oanh ngày nay còn thấy bức tường do Pháp xây hồi đó. Như vậy đủ biết làng An Nhơn ngày xưa “đất rộng người thưa” như thế nào.

Từ ga An Nhơn đi ngược về Lái Thiêu chừng năm bảy trăm mét thì tới một cái bàu rộng, quanh năm đầy nước, cỏ, năn mọc quanh bàu. Bên mặt đường rầy là bàu, bên trái là ruộng lúa, ngày đêm ếch nhái kêu rân. Ngày Chủ Nhựt ba thường xuống cái bàu này để câu cá rô hoặc hớt cá lia thia về nuôi. Có khi bị đỉa đeo, lấy vôi hoặc cục xà bông chấm vô vòi, con đỉa nhả ngay.

Qua khỏi bàu thì tới cầu sắt xe lửa, bây giờ là cầu An Lộc. Cầu sắt xe lửa chỉ có xe lửa qua được. Bộ hành muốn qua phải “nhảy đà”, tức là phải bước trên từng cây đà lót đường rầy, phía dưới trống trơn, nếu nhảy hụt chưn là rớt xuống sông.

Bây giờ thì cái bàu không còn, thay vào đó là những dãy nhà lầu ba bốn từng rất nguy nga, đẹp đẽ. Bên kia đường rầy, ruộng cũng bị lấp hết, nhà hàng, quán ăn, hãng xưởng mọc lên san sát làm ăn rộn rịp, mỗi thước vuông đất là mấy lượng vàng …

Hồi trước, nhà cửa trong làng phần nhiều là nhà lá. Chưa có nhà lợp tôn như ngày nay. Những gia đình khá giả mới ở nhà ngói. Giàu có lắm mới ở “nhà tây”, “nhà lai”. Nhà tây là nhà có nền cao, lót gạch bông (chưa có gạch tráng men như bây giờ), vách xây bằng gạch thẻ, lợp ngói móc “bên Tây đem qua”, vì hồi đó chưa có hãng làm gạch bốn lỗ, làm ngói móc. Nhà tây có “la-phông” (plafond), tức có trần nhà tô xi-măng, quét vôi sạch sẽ. Cả làng chỉ có chừng mười mấy cái nhà tây. Nhờ xây bằng vật liệu kiên cố nên tới nay (hơn bảy mươi năm) vẫn còn vài cái, như:

– Nhà ở đường Lê Đức Thọ, hiện đang làm “Phòng Khám và Chữa Bịnh Lao”, xưa của bà Sáu Chừng;

– Nhà của “Thầy Hai” ở đường xuống Bến Đình;

– Nhà của ông Phán, đường Lê Đức Thọ, gần chùa Trung Nghĩa.

– …

Nhà “lai” là nhà nửa tây nửa ta, cũng có nền cao lót gạch bông hay gạch tàu, cột gạch, vách gạch hoặc vách ván,  mái lợp ngói móc hoặc ngói âm dương, không có trần.

Nhà ngói tiêu biểu cho lối kiến trúc của người Việt Nam từ ngàn xưa. Không cần đào móng, đóng cừ gì hết. Nền nhà có thể bằng đất đắp cao lên chừng 20 hay 30 phân, hoặc xây gạch bốn bên, rồi đắp đất, “đầm” cho dẽ, lót gạch tàu. Sườn nhà gồm có cột, kèo, trính, đòn tay, rui. Nhà lớn thì dùng cột tròn, nguyên một thân cây làm một cây cột, thường là danh mộc như gõ, cẩm lai, huỳnh đàn … Nhà nhỏ thì cột vuông. Người ta cưa đầu cột làm mộng, rồi ráp kèo vô vừa khít, cứ ba bốn cột làm một hàng. Rồi dựng những hàng cột lên, mỗi chưn cột dựng lên một viên đá táng, làm giàn chống tạm. Khi các hàng cột đã dựng lên hết, người ta ráp những cây trính đâm ngang hàng cột để sườn nhà được vững chắc. Kế đó, người ta lót đòn tay lên mấy cây kèo, dọc theo bề dài của cái nhà, vô mộng hoặc đóng đinh chắc chắn. Kế đó là đóng rui lên mấy cây đòn tay. Mỗi tấm rui có bề ngang khoảng 8cm đến 10cm, dày độ 1,50cm, đóng cách nhau lối 16cm để lợp ngói. Đóng rui xong thì coi như cái sườn nhà đã hoàn tất. Ở chóp đầu mái nhà là cây đòn dông, gác lên trước đó … Toàn bộ sườn nhà đều làm bằng cây, quan trọng nhứt là giàn cột. Như vậy, trọn cái sườn nhà được đặt trên đá táng. Kế đó, người ta đóng vách, thường là vách cây, gọi là “vách bổ kho”. Ở dưới thợ đóng vách thì ở trên thợ lợp ngói. Ngói đại xếp theo khoảng trống giữa hai tấm rui, miếng này chồng lên 2/3 miếng kia. Trên hai hàng ngói đại, người ta lợp ngói tiểu lên, ngay hàng rui, cũng miếng này chồng lên 2/3 miếng kia. Do nắng chỉ rọi lên 1/3 miếng ngói và giữa các lớp ngói có khoảng trống, nên nhà lợp ngói không cần đóng trần mà vẫn mát.

Người ta không nói “xây nhà” mà nói “dựng nhà”, “cất nhà”, vì toàn bộ cột và vách đều bằng cây, không có phần nào “xây” hết. Ngày dựng cột và gác đòn dông là ngày quan trọng nhứt. Chủ nhà sắm một mâm lễ có bông, trái cây, một trái dừa tươi, một bộ “tam sên” (“tam sanh”, đọc trại, thường có một miếng thịt heo luộc, một con tôm càng luộc và một cái hột vịt, tượng trưng cho loài thú, loài ở dưới nước và loài chim) để cúng Thổ Thần và người khuất mặt, cầu nguyện cho gia đình dọn vô nhà mới được bình yên, mạnh giỏi, làm ăn phát tài … Lối kiến trúc “nhà rường” này rất thích hợp với khí hậu ở Việt Nam. Nếu dùng gỗ tốt, nhà có thể tồn tại cả ngàn năm. Cung đình ở Huế, cửa Ngọ Môn, Văn Miếu ở Hà Nội, các chùa cổ ở Bắc Việt, các đình, chùa cổ ở trong Nam đều áp dụng lối kiến trúc này. Tùy theo túi tiền, tùy theo nhu cầu mà cất nhà lớn hay nhỏ. Có thể là chỉ có một căn, hoặc một căn một chái. Khá hơn thì cất nhà ba căn. Giàu nữa thì cất nhà ba căn hai chái. Thậm chí có nhà rộng minh mông, tới năm căn. Còn thêm thảo bạc và hành lang xung quanh nhà để treo võng nằm chơi … Ngày nay không thể cất nhà ngói như xưa, vì rừng không còn bao nhiêu, cây, ván rất hiếm và mắc lắm.

Nhà lá là nhà làm bằng lá dừa nước. Nhà lớn thì cột cây, nhà nhỏ cột tre, đòn tay cũng bằng tre. Không có rui, vì người ta lợp lá ngay trên mấy cây đòn tay. Vách cũng bằng lá luôn. Cửa thường là cửa “lá sách”, kín đáo mà gió luồn vô được nên trong nhà mát và thoáng. Tiện và rẻ tiền hơn hết là “cửa liếp”, ban ngày dở lên, lấy cây tre chống, vừa là cửa ra vào, vừa là mái che nắng. Ban đêm sụp xuống, lấy cây song hồng gài lại là xong! Nhà lá cũng có kích cỡ khác nhau như nhà ngói, cũng một căn, một căn một chái, hai căn, ba căn hai chái … Không phải chỉ có nhà nghèo mới ở nhà lá. Nhiều gia đình khá giả vẫn thích nhà lá, vì ở nhà lá là mát nhứt. Chỉ bất tiện là lá mau mục, cứ ba năm phải lợp lại một lần. Ngoài ra, cuốn chiếu, bò cạp, rít cũng hay rúc ở trong vách lá!

Trước nhà lá người ta thường làm một cái giàn bằng tre để trồng bầu, trồng mướp, vừa có bóng mát cho cái sân, vừa đẹp mắt, lại có bầu, mướp để ăn. Ăn một lần không hết trái bầu thì cắt nửa trái vô nấu, còn nửa trái treo lại đó, bữa khác ăn, tươi hơn để trong tủ lạnh như bây giờ.

Nhà lá Việt Nam

(Hình từ Internet)

Tới một cái nhà lá có giàn bầu, giàn mướp coi rất vui mắt: phía trên bông vàng chen lẫn lá xanh, phía dưới bầu, mướp lòng thòng, xanh tươi, thấy bắt thèm! Trước cửa nằm một con chó mực, sau nhà ủn ỉn một đôi heo! (Lấy theo ý trong một bài thơ của Tiền Anh Nhi hồi còn học ở Đại Học Văn Khoa sau năm 1975, lúc có phong trào các trường học nuôi heo để “cải thiện”, có câu “Sân trường ủn ỉn một đôi heo!”).

Nhà lá lại là một phần của văn hóa Việt Nam. Nhà lá đã đi vào văn chương, thi thơ, hội họa. Một bức tranh phong cảnh Việt Nam mà không có cái nhà lá với bụi chuối sau hè, hàng cau trước ngõ thì không ra phong cảnh Việt Nam.

         “Gió đưa bụi chuối sau hè
         “Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ!

Thời nào cũng vậy, đàn ông mê vợ bé là “phổ biến”. Lại có câu:

     “Trăng lên khỏi núi khuất bụi chuối con trăng mờ
     “Tiếng anh ở chợ sao khờ hơn em?

Ai khôn thì khôn, ai khờ thì khờ, chớ đâu phải tại ở chợ hay ở quê?

Hồi đó, ngoài những căn phố, căn nhà ở gần chợ, hầu như nhà nào cũng có sân, có vườn. Nhà nào cũng có lập một “bàn thiên” ở trước nhà, mỗi chiều đều có thắp nhang, ngày rằm, mùng Một có cúng nước, bông và trái cây. Bên hông nhà, hoặc sau nhà là “sàng nước”, tức là một cái sàng cao chừng 20cm đến 30cm, rộng khoàng 1,20m – 1,50m, dài chừng 2m, là chỗ để rửa chén và giặt quần áo.

Trừ mấy cái nhà tây, nhà lai, hầu hết các nhà loại khác đều không có buồng tắm, “toa-lét” trong nhà. Người ta thường dừng một cái nhà tắm ở sau nhà, chỉ có bốn vách bằng lá hoặc bằng cây, có cửa ra vô, không có nóc, bên trong để một cái lu chứa nước và một cái gáo dừa. Dưới đất có lót mấy miếng ván, người ta đứng lên đó, lấy gáo múc nước mà tắm. Nhà giàu tắm bằng xà bông thơm hiệu “Cadum”. Khá giả thì tắm với xà bông “Cô Ba” do hãng xà bông Việt Nam của ông Trương Văn Bền sản xuất. Nhà nghèo tắm “xà bông đá”, tức xà bông để giặt đồ, rửa chén, cũng xong. Mấy cô, mấy bà thích gội đầu với nước bồ kết, sạch lắm.

Nhiều nhà lại có thêm “giàn hành” và “giàn úp nồi” ở ngoài sân sau nhà.

Giàn hành đóng như một cái bàn hình chữ nhựt, cao  khoảng 1m, trên mặt đóng bốn tấm ván bửng xung quanh cao chừng 20cm, đổ đầy đất trong đó mà trồng hành lá, rau răm, ngò gai, rau giấp cá, v.v… Có khi trồng ớt, cải rổ, cà tô-mát trên đó nữa. Trồng dưới đất sợ gà bươi nên phải trồng trên giàn.

Còn giàn úp nồi là giàn để … úp nồi. Tương tợ như giàn hành, nhưng trên mặt là những cây tre đóng theo chiều dài. Nồi, niêu úp lên đó thì nước nhểu xuống đất. Hồi đó nồi, niêu, soong, chảo bằng nhôm hiếm và mắc lắm. Cũng chưa có đồ dùng nhà bếp làm bằng thép không rỉ (inox – stainless steel). Nấu cơm bằng nồi đồng hoặc nồi đất. Chảo thường là chảo gang. Ngoài ra, các thứ khác như nồi hầm, trã, ơ, tay cầm …6 đều bằng đất nung. Để trong bếp thì choán chỗ quá, nên đem úp ngoài giàn. Hồi đó làng An Nhơn chưa có điện. Hơi đốt, bếp ga cũng chưa có. Lò dầu hôi chưa được phát minh. Nhà nào cũng chụm củi. Tiệm mì, quán ăn mới chụm than. Vì vậy các món úp ngoài giàn đều đóng lọ nghẹ đen thui. Trong bếp thì tối om vì khói đóng lên vách, lên mái nhà bếp. Lại còn treo lủng lẳng nào hũ mắm, nào xâu khô, nào hột giống, v.v… Món ăn nào muốn để dành lại, nếu không để trong “gạc-măng-giê” (garde-manger) thì cũng đem treo giàn bếp.

Một bộ phận quan trọng của cái nhà là … nhà tiêu. Đây là vấn đề lớn, cần phải “triển khai” thành một chương riêng. Ai muốn biết thì đọc tiếp, còn chê kém vệ sinh thì bỏ một chương, không sao.

_______________________

5 Rầy: âm tiếng Pháp “rail”, tức đường sắt.

6 Nồi hầm: nồi lớn để hầm thịt, bằng đất nung.

  Trã: nồi đất lớn, rộng miệng, có hai quai như cái chảo, nhưng sâu hơn.

  Ơ: nồi nhỏ bằng đất nung, có tay cầm.

  Tay cầm: ơ nhỏ, thường dùng để kho cá.