I

BẨM QUAN LỚN

Tiền Vĩnh Lạc

Cách nay khoảng bảy mươi năm, An Nhơn Xã là một làng quê cách Tòa Đô Chính Sài Gòn 9km, cách chợ Gò Vắp 2km, đất trống còn nhiều lắm, dân cư thưa thớt, cả làng chỉ có khoảng ba ngàn người dân. Với số dân này, An Nhơn là một làng khá lớn, vì ở thôn quê nhiều làng chỉ có vài trăm dân mà thôi.

Hồi đó, khi hữu sự người dân thường phải kiếm người biết chữ làm đơn giùm. Thí dụ như đơn gởi cho “Quan lớn Chủ Quận” sau đây:

An-Nhơn-Xã, le 5 Novembre 1931

Kính bẩm Quan Lớn
Chủ Quận Gò-Vắp

Bẩm Quan Lớn,

Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn-văn-Mít, 46 tuổi, làm ruộng, nhà ở Ấp Bến Đình, làng An-Nhơn-Xã, tổng Bình-Trị-Thượng, quận Gò-Vắp, tỉnh Gia-Định,

Kính trình Quan Lớn việc oan ức của tôi sau đây:

Nguyên hôm rằm tháng Mười năm ngoái, tôi có mượn của ông Trần-văn-Thanh, cũng ở Ấp Bến Đình, một số tiền là hai chục đồng bạc để chạy thuốc cho mẹ tôi đau nặng. Tôi đưa đứa con gái lớn của tôi là Nguyễn-thị-Hường tới nhà ông Thanh làm công chuyện nhà không lấy tiền ở, bù lại, ông Thanh không tính tiền lời trên số tiền cho tôi mượn. Hai bên giao hẹn rằng khi nào tôi có đủ hai chục đồng bạc để trả lại cho ông Thanh thì tôi được lãnh con Hường về. Ông Thanh viết một tờ giấy mượn tiền, đọc cho tôi nghe rồi biểu tôi lăn tay vì tôi dốt, không biết đọc, không biết ký tên. Con Hường ở nhà ông Thanh rất là cực khổ, phải gánh nước, giặt đồ, nấu cơm, nấu cháo heo, bửa củi, thức khuya dậy sớm cực hết sức, cho nên vợ chồng tôi rán làm, dành dụm để có tiền chuộc con Hường về.

Tới hôm mùng Chín tháng Mười năm nay, tôi chạy đủ hai chục đồng bạc, tôi đem tới trả cho ông Thanh thì ổng nói tôi mượn ổng tới ba chục đồng nên ổng không chịu lấy. Tôi nói tôi mượn có hai chục đồng mà, có giấy tờ mà, thì ổng đưa tờ giấy tôi lăn tay ra làm chứng. Tôi cậy chú Ba ở gần nhà coi lại giùm tôi, thì chú Ba nói trong giấy ghi rõ ràng là ba chục đồng …

…………..

Đọc qua phần đầu của lá đơn, ta có những nhận xét sau đây:

– Đề ngày bằng “chữ Tây”, le 5 Novembre 1931, vì lúc đó đất Nam Kỳ là thuộc địa của nước Pháp, Tây kêu là “Cochinchine”. Học trò thường chơi nghịch bỏ dấu chữ “Cochinchine” thành “Cô Chín chị nè!”.

– Chủ Quận, người dân phải kêu là “Quan Lớn Chủ Quận”, khi nói chuyện với “Ngài” phải chấp hai tay, thưa “bẩm Quan Lớn”. Chủ Quận là “Quan Lớn” thiệt, vì trong bộ máy hành chánh của Pháp lúc đó, người “An-Nam” được làm Chủ Quận là hết cỡ. Chức vụ từ Chủ Tỉnh trở lên đều do người Pháp đảm trách. Chủ Tỉnh, lúc đó còn kêu là “Quan Chánh Tham Biện”, hoặc “Quan Chánh Chủ Tỉnh”.

– Nguyễn Văn Mít ở nhà không số, đường không tên, chỉ nói ở “Ấp Bến Đình”. Tới Ấp Bến Đình hỏi nhà Nguyễn Văn Mít ở đâu thì người ta chỉ cho. Tất cả nhà cửa trong làng đều không có số. Tên đường cũng không, vì cả làng chỉ có một con đường tráng nhựa chạy từ chợ Gò Vắp qua làng An Nhơn, rồi lên ngã tư cầu Bến Phân (Xóm Mới ngày nay), đi tiếp lên chợ Cây Xoài, lên Bà Điểm, Hóc Môn, ngoài ra đều là đường đất đỏ, đường xe bò. Con đường làng tráng nhựa này, nay là đường Lê Đức Thọ.

– An Nhơn Xã lại viết là “làng An-Nhơn-Xã”; xã là làng rồi, dư một chữ.

– An Nhơn Xã thuộc “Tổng Bình-Trị-Thượng”, “Quận Gò-Vắp”, “Tỉnh Gia-Định”.

Dưới thời Nhà Nguyễn, trước khi người Pháp đánh chiếm nước ta, toàn Nam Kỳ được kêu chung là “đất Gia-Định”, gồm có sáu tỉnh nên gọi là “Nam Kỳ Lục Tỉnh”. Ba tỉnh miền Đông là: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường; ba tỉnh miền Tây là: Long Hồ, An Giang và Hà Tiên. Như vậy thì tỉnh Gia Định hồi xưa rộng lắm.

Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, họ chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh:

1- Gia Định           6- Sa Đéc                 11- Thủ Dầu Một16- Chợ Lớn
2- Châu Đốc7- Bến Tre               12- Tây Ninh17- Vĩnh Long
3- Hà Tiên              8- Long Xuyên    13- Biên Hòa18- Gò Công
4- Rạch Giá        9- Tân An              14- Mỹ Tho19- Cần Thơ
5- Trà Vinh             10- Sóc Trăng          15- Bà Rịa20- Bạc Liêu

Không có Cà Mau và Cap Saint Jacques (Vũng Tàu – Bà Rịa ngày nay), có lẽ hai tỉnh này lập sau?

Cách sắp xếp này không theo mẫu tự A, B, C, cũng không theo thứ tự địa dư: từ Gia Định nhảy xuống Châu Đốc, từ Long Xuyên trở lên Tân An, rồi trở xuống Sóc Trăng, v.v… Tuy vậy, học trò lớp Sơ Đẳng (tức “Cours Élémentaire”, tương đương với lớp Ba ngày nay) đều thuộc lòng tên của 20 tỉnh theo thứ tự đó, nhờ học thuộc 20 chữ đầu:

Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà, Sa,
Bến, Long, Tân, Sóc,
Thủ, Tây, Biên, Mỹ, Bà,
Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc.

rồi đếm theo ngón tay thì biết tỉnh nào thuộc số mấy.

Quân đội Pháp chiếm đóng Nam Kỳ có chiêu mộ người Việt Nam – Pháp kêu là “Annamite”, người “An-Nam” – để làm “lính tập”. Kêu là lính tập có lẽ do lúc đó không có chiến tranh, lính này chỉ thấy “đi tập”. “Tập lính”, ngày nay gọi là “huấn luyện quân sự”. Người mình kêu là “lính tập” cho gọn, để phân biệt với “lính phú-lít”, phiên âm tiếng Pháp “police”, tức “cảnh sát”, và “lính săn-đầm” (hay “sen-đầm”), phiên âm tiếng “gendarme”, “hiến binh”. “Gendarme” có lẽ do hai từ “gens d’armes” viết gọn lại. Cũng có người kêu lính phú-lít là “lính mã tà”.

Cơ lính tập An Nam
(Hình từ Internet)

Mỗi tỉnh đều có một trại lính tập. Mỗi người lính tập đều đeo số trại của tỉnh mình trên hai bâu áo ở cổ. Thí dụ người lính tập đeo số 5 là ở Trà Vinh, số 19 ở Cần Thơ, số 15 ở Bà Rịa, v.v…

Nói tới bâu áo, lại nhớ tới câu ca dao:

       “Thương trò, may áo cho trò
       “Thiếu bâu, thiếu vạt, thiếu hò, trò ơi!

Cũng chẳng khác nào nói: “Xe đạp của nó đủ hết, chỉ thiếu có cái sườn, hai bánh và tay cầm!”

Mỗi tỉnh lại chia làm nhiều quận, quận chia làm nhiều tổng, mỗi tổng có nhiều làng. Đứng đầu mỗi tổng có “Thầy Cai Tổng”. “Thầy”, chớ không phải “Quan”, dân làng gọi tắt là “Thầy Cai”, không trực tiếp cai trị mà chỉ làm gạch nối giữa quận và các làng. Thật ra, ba cũng không biết nhiệm vụ của Cai Tổng là gì, vì trong trường không có dạy.

Trong Nam, làng không có Lý Trưởng như ngoài Bắc, cũng không có Xã Trưởng như ông “Maire” ở bên Pháp. Mọi việc trong làng đều do Ban Hội Tề lo liệu. Ban Hội Tề tiếng Pháp là “Conseil des Notables”, có nghĩa là “Hội Đồng những người có địa vị”. Ban Hội Tề (người dân kêu chung là “mấy ông làng”) gồm có 12 người:

– Hương Cả, tức Chủ Tịch Ban Hội Tề,

– Hương Chủ, giữ công nho (ngân sách của làng),

– Hương Sư, cùng với Hương Cả và Hương Chủ trông nom việc làm của các hương chức khác, cùng với Hương Chủ thay thế Hương Cả khi ông này vắng mặt,

– Hương Trưởng, trông nom các trường học, giao tế với các giáo chức và đề nghị mọi canh cải hay phát triển nền học trong làng,

– Hương Chánh, chỉ dẫn và đôn đốc Xã Trưởng, Hương Thân và Hương Hào trong phận sự của họ, phân xử những việc kiện thưa tầm thường, hòa giải những việc tranh chấp của dân làng,

– Hương Giáo, giữ sổ nhựt ký biên bản các phiên họp Ban Hội Tề, chỉ dẫn, tập rèn các hương chức mới,

– Hương Quản, giữ an ninh, trật tự trong làng về mặt chánh trị, đề hình, trộm cướp và làm ban tá cho Biện Lý để truy tầm tội phạm, dẫn nạp phạm nhân, v.v…

– Hương Bộ, giữ các bộ sổ, thư khế của làng, lập sổ thâu và xuất, cùng giữ gìn khí dụng, vật liệu của làng,

– Hương Thân, cùng với Xã Trưởng và Hương Hào thay mặt làng trong các việc quan về thuế khóa, công sưu, án từ, phát mãi, tu lập các sắc bộ, thị chứng tờ khế, thủ hộ lâm phần, làm phái viên đo đất và phụ tá Hương Quản trong việc tuần phòng về chánh trị và đề hình,

– Xã Trưởng, giữ con dấu của làng và công văn của Nhà Nước, và chuyên lo thâu thuế, nạp thuế cho Nhà Nước,

– Hương Hào, phụ tá Hương Quản trong các công việc của ông này, cắt đặt việc canh phòng, coi cho dân chúng tuân hành các điều lệ trên các đường giao thông, làm thứ sai cho Tòa Án, chuyển giao giấy tờ thôi thúc, truyền thị,

– Chánh Lục Bộ, giữ Bộ Đời, tức là khai sanh, khai tử và hôn thú.

 (theo Tự-Điển Việt-Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ)

Dân làng rất kính nể vị Hương Cả. Mỗi khi có việc trình làng phải khăn áo chỉnh tề, bưng khai trầu rượu đến “Nhà Việc” (còn gọi là “Nhà Làng”, “Công Sở”) để “Bẩm Cả”. Có lẽ do kính trọng ông Cả cho nên trong Nam khi sanh con đầu lòng thì kêu là “thằng Hai” hoặc “con Hai” để tránh tiếng “Cả”. Vì nếu sai con đi mua rượu mà kêu lớn: “Thằng Cả đâu? Đi mua rượu cho tao!” thì phạm thượng quá.

Cũng có giả thuyết rằng vào thời Vua Gia Long chạy vô Nam, có Hoàng Tử Cảnh cùng đi. Dân Gia Định kêu Hoàng Tử Cảnh là “ông Hoàng Cả”, do đó người con đầu lòng phải tránh tiếng “Cả” mà kêu là “Hai”. Ba nghĩ cả hai thuyết đều đúng.

Dân làng ngán nhứt “Thầy Hương Quản”, vì Thầy đi tuần có khi mang súng theo và luôn có mấy anh “Trùm” vác gậy, đem dây trói đi theo.

Xã Trưởng chăm lo thâu thuế, nhứt là “thuế thân” (impôt personnel) và “thuế điền thổ” (impôt foncier). Thời đó thuế thân là bốn đồng rưỡi ($4,50) một năm, một số tiền khá lớn, bằng giá bốn trăm năm mươi trứng vịt. Thuế thân là một mối lo đè nặng trên vai dân nghèo. Ai thiếu thuế thân có thể bị bắt bỏ tù. Tới kỳ đóng thuế, Xã Trưởng thường cho đánh mõ để thúc dân đi đóng thuế. Ba nhớ hồi đó khi nghe làng đánh mõ để thúc thuế thì ông nội mấy con ngồi thở dài: thương cho dân nghèo mà bản thân bất lực, chẳng biết làm sao!

Ông Xã Trưởng giữ con dấu của làng. Chạy lo giấy tờ xong, dân phải đem tới cho Xã Trưởng đóng dấu, mỗi lần phải đóng vài cắc bạc. Một cắc bạc (10 xu) là 10 trứng vịt đó! 

Thầy Chánh Lục Bộ lo việc khai sanh, khai tử, hôn thú. Làng nào có được thầy Chánh Lục Bộ rành chữ Quốc ngữ thì đỡ. Gặp thầy chữ nghĩa không rành, viết khai sanh cho người ta mà sai chánh tả tùm lum. Thí dụ dân đặt tên cho đứa con gái là “Lê-thị-Bưởi”, thầy viết “Lê-thị-Bử”, hoặc khai tên “Đinh-kỳ-Trân”, thầy viết “Đinh-kỳ-Chân”, v.v… Dân phần đông l̀à dốt, có đọc được đâu mà biết đúng hay sai? Đem về cuộn tròn, nhét đâu đó, khi cần tới thì kiếm hoài không ra, tức muốn chết. Lấy đại tờ khai sanh của anh nó mà xài. Vì vậy, vào thời đó nhiều người mang khai sanh không đúng với ngày, tháng, năm sanh  của mình.

Chức danh của Ban Hội Tề không được ai dịch ra tiếng Pháp, nên hồi đó học trò trả bài bằng tiếng Pháp: “le Hương Cả”, “le Hương Hào”, “le Hương Thân”, v.v… ( “le” là mạo từ, đọc “lơ”, ở đây có nghĩa là “ông” hoặc “thầy”).

– Chỉ có Chánh Lục Bộ được dịch là “Officier de l’État Civil”, nghĩa là “Viên chức giữ Bộ Đời”,

– Thầy Cai Tổng dịch là “Chef de Canton”,

– Chủ Quận: “Délégué Administratif”, có nghĩa là “người được ủy nhiệm lo về hành chánh”,

– Chủ Tỉnh: “Administrateur, Chef de Province”, người dân thường kêu là “Quan Chánh Tham Biện”,

– Thống Đốc Nam Kỳ: “Gouverneur de  Cochinchine”,

– Thống Sứ Bắc Kỳ và các Khâm Sứ Trung Kỳ, Cao Miên, Ai Lao: “Résidents Supérieurs”,

– Toàn Quyền: “Gouverneur Général”.

Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier khoái tổ chức hành chánh trong làng thuở đó lắm. Ông biết câu tục ngữ “Phép Vua thua lệ làng” nên trong cuốn L’Annam d’autrefois (Nước An Nam ngày xưa), ông ví một làng của nước An Nam như một nước Cộng Hòa nhỏ, có quy chế gần như tự trị, có Nội Các riêng với đủ các bộ phận nội vụ, an ninh, tài chánh, tư pháp, v.v…

Trên thực tế, nhìn chung thì các Ban Hội Tề cũng làm được việc, nhứt là giữ được an ninh, trật tự chung, giúp cho dân làng sống được yên ổn. Nhưng trong số các “ông làng” ở miền quê xa xôi, cũng có vài cường hào, ác bá, ỷ quyền, ỷ thế, áp bức dân lành, tìm cách chiếm đoạt ruộng đất của dân, lấy vợ, lấy con người ta, gây ra bao nhiêu cảnh đau thương, oan ức. Trong số ác ôn này, mấy thầy Hương Quản chiếm đa phần! Vì vậy, có một số người không ưa mấy ông làng. Nhưng vì thấp cổ, bé miệng, họ không có cách nào chống lại ngoài cách đặt chuyện tiếu lâm để chế nhạo, cười với nhau chơi. Ba và các bạn của ba phân chuyện tiếu lâm thành hai nhóm: tiếu lâm chay và tiếu lâm mặn. Tiếu lâm chay là những chuyện vui lành mạnh, có thể nói cho ai nghe cũng được mà không mắc cỡ miệng. Còn tiếu lâm mặn là tiếu lâm tục tĩu. Tiếu lâm dân làng đặt ra để cười mấy ông làng đều là tiếu lâm mặn mới là ác chớ! Vả lại, tiếu lâm mặn dễ chọc cười hơn tiếu lâm chay cho nên người bình dân ưa nói tiếu lâm mặn hơn.

Ai cũng biết ít nhiều chuyện tiếu lâm, cả chay lẫn mặn. Ba cũng biết nhiều chuyện tiếu lâm độc đáo, nhưng đây không phải chỗ viết, dài dòng lắm.

Trước khi kể tiếp chuyện làng An Nhơn, ba nói qua về hệ thống hành chánh của 3 nước Việt, Miên, Lào dưới thời Pháp thuộc nghe chơi.