Làm Cha khó lắm!

đoàn xuân thu 

Lam cha kho lam 02Là tác phẩm, những người con trai và con gái, con nuôi, con riêng của vợ mình, đều tổ chức ăn mừng ‘Happy Father’s Day’ mỗi năm để vinh danh tác giả.

Không có các bực ‘tác giả’ nầy là thế giới đã tiêu vong!

Chẳng qua “Father’s Day” của  Úc cọp dê theo Father’s Day của Mỹ về cách ăn mừng, na ná như nhau, nhưng ngày lại khác vì phải tuân theo thời tiết!

Vì ở Úc, tháng Sáu, là đầu mùa Ðông, mưa suốt, bão lụt liên miên thì ăn mừng cái nỗi gì hè? Nên Úc tự tiện dời Father’s Day qua Chủ Nhựt đầu tiên của Tháng Chín khi mùa Xuân tới!

Ở Mỹ, Father’s Day, là Chủ Nhựt thứ ba của tháng Sáu, rơi vào ngày hạ chí, mùa Hè.

Father’s Day tổ chức lần đầu là do sáng kiến của Sonora Smart Dodd, có thân phụ tên là William Jackson Smart, đã một mình gà trống nuôi một bầy con tới 6 đứa.

Mother’s Day, năm 1909, Sonora nghe một ông Mục sư thuyết giảng về tình mẫu tử, nhưng mình lại không có Mẹ, chỉ có Cha nuôi mình khôn lớn.

Có ngày Từ Mẫu sao lại không có ngày Từ Phụ cho nó công bằng chớ?

Lam cha kho lam 03Ðem cái ý tưởng nầy đạo đạt với ông Mục sư và đề nghị lấy ngày 5, tháng Sáu hằng năm, là ngày sinh nhựt của thân phụ mình, để tổ chức ‘Father’s Day’ đầu tiên trên nước Mỹ.

Nhưng vì gấp gáp quá, làm không có kịp! Phần ngày 5, tháng Sáu, mỗi năm mỗi khác. Nó có thể rơi vào thứ Hai, thứ Ba gì đó, ngày bận đi làm kiếm cơm, thì ai mà rảnh… để nhớ tới công sanh thành dưỡng dục của Tía!

Nên ông Mục sư nầy dời qua ngày Chủ Nhựt thứ ba của tháng Sáu, ngày Hạ chí, bắt đầu mùa hè rực nắng… chơi mới đã!

Thế là Father’s Day đầu tiên vào ngày 19 tháng Sáu năm 1910, tại Spokane, Washington do Hội Thanh Niên Cơ Ðốc (Young Men’s Christian Association) tổ chức để cho có nhiều người tham dự mới tạo được cái phong trào.

Giới truyền thông gồm báo chí, tạp chí truyền hình, phim ảnh ‘lăng xê’ bằng cách ra những số đặc biệt về Father’s Day.

Mới đầu chỉ là một cú gọi hay tấm thiệp từ các đứa con để chúc mừng “Happy Father’s Day!”

Rồi tại các trường học, thầy cô biểu học sinh tự tay làm lấy quà tặng để chúc mừng thân phụ.

Cả nhà, (cho Má ăn theo Ba), đi chơi ở công viên, đi Sở Thú coi khỉ ăn chuối, đi xe đạp xuyên rừng, đi bơi, đi câu cá nếu yêu đời hoang dã.

Ngoan đạo thì đi nhà thờ cầu nguyện, sau đó đi xem phim về tình Phụ tử!

Lam cha kho lam 04Về quà tặng: Thằng cháu nội của tui, 5 tuổi, học lớp prep, tự tay vẽ một tờ 100 đô la, đề tặng cho tui, tức ông Nội (ăn theo Father’s Day) của nó!

Tui vò đầu, hỏi đứa cháu yêu: “Con có thích dàn trống Nội mua cho làm quà hôm sinh nhựt của con không?”

“Dạ thích lắm. Vì mỗi lần con không chơi trống là Tía móc túi cho con 10 đô la hè!”

Rồi quà cho Tía ‘hảo ngọt’ là sô cô la (chocolate) mà hồi xưa có người dịch là ‘súc-cù-là’.

Về ăn: Tía nào có tâm hồn ăn uống, không sợ cao máu, cao mỡ, cao đường thì mời Tía đi ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối ở nhà hay đi ăn ‘yum cha’ nhà hàng Tàu, bún nước lèo Sóc Trăng nhà hàng Việt, ăn tom yum nhà hàng Thái hay ăn sushi của nhà hàng Nhựt Bổn gì gì đó! Ở Footscray nầy đều có hết!

Về mặc: Tía khoái diện kẻng, đi họp hội Cựu học sinh trường xưa năm cũ, chống gậy lên sân khấu, trịnh trọng đọc diễn văn, thì con cái mua cho Tía áo vest ở tiệm ‘David Jones’ và giày “Made in Italy”

Nghĩa là tác giả muốn gì thì một đống tác phẩm xúm lại chiều chuộng, năm chỉ một lần, có đông vui hao đâu mà sợ!

***

Lam cha kho lam 05Thưa năm nào cũng vậy, tới Father’s Day là tui lại nhớ tới Tía tui, người đã mất rồi, năm tới là 20 năm chẵn.

Nhớ để cảm thông rằng: “Làm Cha khó lắm! Phải đâu chuyện đùa!”

Vậy mà Tía tui đã làm Cha một cách dễ ợt. Chẳng qua là vì tình phụ tử vô bờ bến đối với đám con mình vậy thôi.

Cũng như những người cha khác, người muốn tui học giỏi hơn con thiên hạ. Mà đau lòng thay, tui lại học dở mới chết.

Sau nầy qua Úc, tui  thấy Tía Úc cũng khoái con mình học giỏi như Tía tui thôi.

Nên có chuyện vầy: “Thầy giáo môn Lý Hóa hỏi: Khi nào đạt tới điểm sôi? – Dà khi Tía em nhìn thấy cái học bạ của em.”

Hoặc: Tía hỏi:  “Con có thích học lớp Bốn không?”- “Con không thích lắm. Khó quá!”. “Ðối với Tía thì lớp Bốn là ba năm đẹp nhứt trong đời đi học của Tía đấy!”

Rồi cũng như những người con khác. Hồi thơ ấu, dưới mắt tui, Tía là một anh hùng cái thế, cái gì cũng biết, cái gì cũng làm được hết. Tía tui giỏi hơn Tía tụi nó.

Không có Tía kề bên, con không biết sẽ làm sao như thằng Úc con dưới đây:

“Tại chuồng cọp của Sở Thú, Tía nói cọp là loài ăn thịt sống rất hung dữ, nó có thể tấn công cả con người khi có dịp.”

“Giời ơi! Lỡ nó sút chuồng ăn thịt Tía thì con đâu biết phải đón chuyến xe bus số mấy để về nhà. Hu hu!”

Nhưng từ từ, lúc lên mười bảy, bẻ gãy sừng trâu, tuổi nổi loạn, thì mấy thằng con Úc hoặc con Việt được sanh đẻ ở đây, lại nhìn thấy: “Tía mình là một ông già xưa, mù vi tính, chơi games không biết, không biết xài mobile phone, tiếng Anh ù ù cạc cạc, đã lạc loài trong thế giới văn minh.”

Mấy thằng con trứng đòi khôn hơn vịt nầy quên mất ngày xưa yêu dấu khi xưa ta bé ta chơi nghịch trên đầu, trên cổ đến nỗi: “Tía không cho con ngồi trên vai của Tía nữa nếu chú mầy cứ rứt tóc của Tía hoài.” “Ðâu có! Con chỉ muốn gỡ miếng kẹo cao su của con ra thôi mà!”

***

Bây giờ nghe nói trong nước, mấy quan chức Cộng Sản cũng chăm lo cho con của mình, con của vợ lớn, con của vợ bé, hay con của bồ nhí gì gì… cũng chăm lo hết ráo vì nhà mặt phố, bố làm to mà để thua sút con mấy đồng chí mình đâu có được hè.

Vậy là: “Một thằng con vừa mới có bằng lái muốn Bố nó mua một chiếc xe hơi xì po”. Bố sẽ mua cho con nhưng với ba điều kiện.

Một là: “Con phải ráng học, từ rày về sau không được để môn nào có điểm 2, điểm 3 mà phải từ điểm 5 trở lên.

Hai là con phải nghiên cứu chánh trị học Mác- Lê- Nin vì nhà ta ba đời theo Cộng sản.

Lam cha kho lam 06Ba là con phải cắt tóc cho gọn gàng; không được để râu um tùm che khuất cả cái mồm và để tóc bùm sùm như một cái tổ quạ.

Sáu tuần lễ trôi qua, thái tử đảng lại nhắc Bố mình về chiếc xe ‘xì po’!

“Bố rất hãnh diện về con! Từ hạng bét lớp leo lên, giờ học giỏi hơn được, năm, mười đứa khác. Nhứt là con đã được điểm ưu về môn Triết học Mác- Lê- Nin

Nhưng bố lại rất không hài lòng vì con vẫn để râu um tùm che khuất cả cái mồm và để tóc bùm sùm như một cái tổ quạ.

“Bố à! Con có suy nghĩ về điều đó chớ! Nhưng lúc nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lê -Nin thì thấy Các Mác, thủy tổ của Chủ nghĩa Cộng Sản, cũng để râu um tùm che khuất cả cái mồm và để tóc bùm sùm như cái tổ quạ!

“Con nhận xét rất chính xác; nhưng con quên một điều là Các- Mác mạt rệp nên đâu có tiền mua chiếc xe nào. Muốn đi đâu, người đều xài ‘lô ca chưn’ hết đó sao?

Không được Bố mình mua cho chiếc xe xịn để làm yêng hùng, đi đua mỗi tối trên đường cao tốc, nên thái tử đảng nầy sa đà vào cờ bạc, gái gú, hút xách và chơi cả hàng đá (ice), nên Bố nó cố gắng dạy con mình về tác hại của rượu chè be bét bằng cách bỏ một con lãi vào một ly rượu mạnh Vodka của đồng chí Putin. Con lãi chết ngắc!

“Vậy con rút ra bài học gì từ cái thí nghiệm nầy?” “Dà! Bài học đó là: Nếu mình uống rượu mình sẽ không bị bệnh sán lãi ạ!”

***

Thưa! Bất cứ tuổi nào, già khú đế như tui mà khi thân phụ mình mất đi rồi mình vẫn là một đứa bé mồ côi!

Nhưng có sanh là có diệt, lẽ thường của Tạo Hóa không ai cãi lại được. Thế nên còn cha, còn mẹ còn vui! Mất cha, mất mẹ bùi ngùi đời con!

Năm nay, Father’s Day sẽ là ngày Chủ Nhựt, 18 tháng Sáu năm 2017. Ai may mắn còn cha sẽ mang bông hồng đỏ. Ai mất cha rồi là trắng cả màu bông, bông hồng trắng!

Tui xin gởi một bông hồng đến những người cha bên Mỹ nhe!

“Happy Father’s Day!”

Lam cha kho lam 01
Tranh Bảo Huân

đoàn xuân thu 

melbourne