(Nguồn: Đặc san 50 năm Petrus Ký 1973 – 2023)

Melbourne bắt đầu bước vào những ngày đầu của mùa Đông. Đúng là ở đâu quen đó. Bây giờ tôi lại thích cái lành lạnh dễ chịu của mùa Đông chứ không còn sợ như hồi mới đến Úc. Buổi sáng trời ngập sương mù không còn thấy City ở phía xa xa nữa. Hồi mới qua chúng tôi cứ bảo nhau Melbourne giống Đà Lạt của mình quá. Thì đúng là Đà Lạt rồi chứ còn gì nữa. Mỗi năm những ngày gọi là nóng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại là mát mẻ dễ chịu hoặc lạnh lẽo, cho nên lúc nào cũng phải ít nhất 2 lớp áo, đi đâu cũng phải coi thời tiết chứ không như Sài Gòn suốt một năm chỉ phong phanh chiếc áo, không hề để ý đến nhiệt độ bên ngoài.

Tôi nhớ hồi nhỏ ở Đà Lạt, nhà trên đường Yagut, không biết giờ đã đổi tên chưa. Yagut là con đường dốc chạy thẳng lên bệnh viện Đà Lạt và ở lưng chừng đường là một cầu thang cao vun vút dẫn lên ngôi trường tiểu học mà tôi phải leo lên leo xuống hàng ngày. Tôi chỉ nhớ ngôi trường ở trên đỉnh đồi có phong cảnh thật đẹp và có tiếng trống đánh báo giờ mà ngồi ở nhà tôi cũng nghe thấy. Một kỷ niệm ở Đà Lạt mà tôi còn nhớ là chính nơi này lần đầu tiên Ba tôi dẫn cậu bé súng sính với bộ quần áo mới Sói con gia nhập Hướng đạo. Nơi họp mặt mỗi cuối tuần cũng là một ngọn đồi thật đẹp với các cây thông lãng mạn tiêu biểu của thành phố này.

Xuống đến Hội An, giờ tôi chẳng thể nhớ mình đã học ở trường nào nữa, chỉ nhớ nhà mình ở ngay trước dinh Tỉnh trường và ngày đêm nhin thấy các chiếc trực thăng lên xuống, lòng mơ ước lúc lớn lên được ngồi trên đó bay bổng khắp phương trời. Về đến Đà Nẵng là lúc tôi học những năm cuối tiểu học. Ngôi trường tiểu học khá gần nhà chỉ đi bộ chừng 2 đoạn đường là tới. Tôi chỉ nhớ một điều trong giai đoạn này là tiệm đá banh bàn ở đối diện trường, một nơi đã huấn luyện tôi trở thành một cầu thủ khá giỏi, tài vặt mà cho đến bây giờ vẫn còn sử dụng được.

Lúc đó là Mậu Thân 1968 và lần đầu tiên cả nhà tôi nếm mùi súng đạn ngay tại nhà mình. Số là ông lao công đang sửa cái cổng vào nhà thì thấy một chiếc GMC chở một đám lính Mỹ chạy tới, nghĩ sao đó ổng vội dọn dẹp dồ đạc di nhanh vào nhà. Lính Mỹ kéo tới tưởng VC nên đứng xả súng thằng vào nhà. Sau một hồi lục lọi tìm kiếm họ mới bỏ đi. Rất may chỉ thiệt hại vật chất thôi chứ không ai bị thương cả. Lần đầu tiên nghe đạn M16 nổ ngang tai và chứng kiến các cửa sổ, đồ đạc trong nhà tan nát bởi súng đạn của “phe ta”. Ngay thành phố mà còn như vậy, ở thôn quê thường dân còn khổ sở vì chiến tranh nhiều lắm.

Lên trung học tôi thi đậu đê thất trường Phan Chu Trinh, kết quả khá cao làm bất ngờ cả gia đình và cả chính tôi. Học tiểu học cũng thuộc loại giỏi nhưng đối với cả thành phố thì làm sao biết được vị trí của mình. PCT là một trường nam nữ nên vào lớp mình mới thấy bực mình vì cứ phải bám đuôi một cô bé giỏi và xinh, mình chỉ hơn được duy nhất môn luận văn. Cậu bé thi được đầu lớp, cô giáo cho đứng lên đọc bài văn để cả lớp nghe nhưng bị Cô thòng một câu “viết văn hay nhưng ngữ vựng phải coi lại ” 🙂 Cô bé đó tình cờ tôi gặp lại ở Đai học Dược khoa Sài Gòn, cô dược sĩ hiện giờ ở một nơi nào đó bên Mỹ.

Trong lớp có một bạn thật to con như Jumbo Phước của mình, là con một bác sĩ, có một lần dẫn cả nhóm bạn thân về nhà đem sách về thân thể con người của ông già ra khoe. Chương nào của cuốn sách thì chắc các bạn đoán biết rồi. Cả nhóm cứ mở to mắt, há tròn miệng nhìn các hình ảnh rõ mồn một của cuốn sách.

Nha trang là thành phố miền Trung sau cùng mà chúng tôi cư ngụ. Học hơn một năm ở trường Võ Tánh rồi sau đó vào Sài Gòn. Nha trang, thành phố ven biển khí hậu ôn hòa mà tôi rất thích. Bãi biển thật đẹp, nước ấm áp nhưng lúc đó cũng ít khi đi tắm, cái gì sẵn một bên thì mình lại không để ý. Vì 4 Đặc San 50 Năm PK thế tôi không biết bơi, có lẻ chỉ lõm bỏm theo kiểu bơi chó. Cho đến sau này lúc tìm cách ” theo chân bác tìm đường cứu nước” tôi mới đi học bơi một cách thật bài bản ở hồ bơi Yết Kiêu :). Giờ đi xa rồi quay trở lại mới thấy quý, ngày nào cũng ra biển tắm. Hồi tôi ở, đường Duy Tân không có một cao ốc nào, chạy dọc bờ biển đến Hải Học viện Nha Trang, biển một bên, đồng cỏ một bên, cảnh thật đẹp như đồng quê.

Vào Sài Gòn, được nhận ngang vô Petrus Ký tôi thật thích thú với ngôi trường cổ kính này. Từ cổng chính bước vào nhìn thấy tượng Petrus Ký giữa sân, đến hành lang lát đá hoa mát rượi nối liền hai dãy lầu các lớp học, toát ra một vẻ uy nghiêm và tuyệt mỹ của một trong những ngôi trường nỗi tiếng nhất của miền Nam VN.

Vào giữa năm nên phải chấp nhận ngồi phía cuối của lớp, làm quen với các bạn ở xóm nhà lá, bị (hay được) cho xem những tấm hình phụ nữ trần truồng (dĩ nhiên rồi) ở các tư thế không lấy gì làm đàng hoàng cho lắm. 🙂

Thế nên đầu năm lớp 11 thằng bé phải đi học sớm, nhảy tót lên bàn đầu ngồi, ngay trước mặt bàn giáo sư, có thể nói là không chổ nào gần hơn nữa. 🙂 Tôi chỉ còn nhớ thầy Lắm, thay Phỏng dạy Sử địa thật hay làm tâm hồn mình bay bổng đi những phương trời xa, ước mong một ngày có thể đi mọi nơi trên thế giới tham quan các thẳng cảnh và tìm hiểu những phong tục tập quán của từng sắc dân. Tôi luôn nhớ thầy Hoàng dạy Triết nói những điều trừu tượng mà phái suy nghĩ hồi lâu mới hiểu được và những chữ như “sâu bọ” hoặc “đám đông ngu xuẩn” tạo nên một cá tính độc đáo của thầy mà có lẻ cả lớp không thế nào quên. Tôi vẫn nhớ thầy Biên dạy toán với những tóm tắc thật ngắn gọn nhưng đầy đủ, giúp chúng ta ôn bài thi cuối năm dễ dàng, nhớ những ngày quân sự học đường biết được bao điều mới lạ với bạn bè…

 Trưởng thành, học đại học, ra trường và đi làm, tôi nhận thấy những gì cần thiết cho công việc, muu sinh cho cá nhân, gia đình và đóng góp cho xã hội chỉ tóm gọn một hai môn học từ trường đại học mà thôi. Những gì học được ở Trung học có vẽ xa mờ quả, gần như chẳng giúp ích gì cho công việc chuyên nghiệp này cả.

Vậy có ai hỏi tôi nếu có khả năng xoá bỏ tất cả làm lại từ đầu tiểu học và trung học, tôi có muốn thay đổi gì không. Không, tôi chẳng muốn thay đổi gì cả, đó là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của tôi, tạo cho tôi một con người toàn diện hơn. Chỉ một điều là nếu không có chiến tranh là mọi sự sẽ tốt đẹp hơn nữa. Phải không các bạn? Ôi thế mà đã 50 năm rồi nhỉ!?

Lê Hữu Trí

Melbourne 2023