Để tưởng nhớ Y Sĩ Đại Tá Đặng Tất Khiêm Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Thanh Trước

Sau khi ra trường vào cuối năm 1968, tôi được hoãn dịch một năm để theo chương trình Hậu Đại Học và sau đó, tôi bị động viên vào Khóa 12 Trưng Tập vào tháng 4/1970 và sau khi thụ huấn quân sự tại Trường Bộ Binh Thủ Đức và Hành Chánh Quân Y tại trường Quân Y, tôi được bổ nhiệm về phục vụ tại Quân Y Hải Quân từ tháng 10/1970 đến 30 tháng tư năm 1975 thì “đứt phim”. Trong thời gian 5 năm phục vụ trong quân đội, một thời gian không quá dài nhưng cũng đã đủ để lại trong tâm tư tôi nhiều kỷ niệm khiến tôi không thể quên được nhiều kỷ niệm thân thương của “gia đình Hải Quân”.

NĂM THÁNG KHÓ QUÊN

Sau biến cố Tết Mậu Thân và khi Tổng Thống Nixon muốn “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” thì binh chủng Hải Quân đã bành trướng mau chóng. Từ quân số khoảng 10 ngàn người, đến năm 1970, quân số Hải Quân đã tăng gấp 4 lần, đến hơn 40 ngàn người. Lực lượng chiến hạm của Hải Quân đã được tiếp nhận nhiều chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ như Khu Trục Hạm HQ1, Tuần DươngHạm HQ5… Lãnh hải của Hải Quân trước đó được phân thành 4 vùng duyên hải và 2 vùng Sông Ngòi, sau thêm một vùng Viễn Duyên là Vùng 5 Duyên Hải căn cứ đặt tại Năm Căn, Cà Mâu, và thành lập thêm nhiều đơn vị chiến đấu như Lực Lượng Thủy Bộ 211, Lực Lượng Tuần Thám 212, Lực Lượng Duyên Phòng 213, Lực Lượng Đặc Nhiệm Trung Ương 214. Mỗi lực lượng đặc nhiệm đồn trú tại một vùng và có cấp số tương đương với một vùng duyên hải hoặc sông ngòi và vị tư lệnh có cấp số là Phó Đề Đốc…

Vì gia tăng quân số và nhiều lực lượng tác chiến nên Hải Quân cần nhiều bác sĩ để đảm nhận các chức vụ của các cơ cấu Quân Y Hải Quân như Phòng Quân Y (Trưởng Phòng) hay các Bệnh Xá (Y Sĩ Trưởng) của các vùng hoặc lực lượng cho nên Khối Quân Y Hải Quân đã xin Bộ Tổng Tham Mưu bổ nhiệm nhiều bác sĩ về Hải Quân. Đợt bổ nhiệm của tôi có 7 bác sĩ theo thứ tự (do xếp hạng cao thấp) như sau: Trần Văn Nam, Văn Sơn Trường, Nguyễn Tấn Hiển, Nguyễn Diêu (Y Khoa Huế), Nguyễn Thế Lịch (Y Khoa Huế), Phạm Văn Cự (lý do gia cảnh), Lữ Chí Thành (ly do gia cảnh). Nguyên tắc phân hạng cao thấp để chọn nhiệm sở của Cục Quân Y là sau khi thụ huấn quân sự và hành chánh quân y, Cục Quân Y sẽ xếp hạng các bác sĩ theo nguyên tắc sau đây: Điểm học quân sự tại trường Bộ Binh Thủ Đức, chấp hành kỷ luật khi học tập, các tiêu chuẩn chuyên môn như chức vụ đã đảm nhận tại các phân khu trường Đại Học Y Khoa và tại các bệnh viện (nội trú ủy nhiệm hoặc nghiệm chế viên…), đã trình luận án hay chưa, lý do gia cảnh và điểm học hành chánh quân y tại Trường Quân Y. Các bạn nào có điểm cao thì được ưu tiên chọn nhiệm sở trước, ai có điểm thấp thì chọn sau. Tôi đứng đầu bảng xếp hạng nên được ưu tiên chọn về Hải Quân.

Khi chúng tôi được điều động về Hải Quân, chúng tôi phải trình diện Trưởng Khối Quân Y, lúc đó là Bác Sĩ Đặng Tất Khiêm. Lúc đó, anh Khiêm mang lon Trung Tá, sau thăng chức Đại Tá, anh tốt nghiệp tại Đại Học Y Khoa Bordeaux, Pháp, năm 1956, và đã phục vụ tại Bệnh Xá Hải Quân Cát Lái từ năm 1957 đến năm 1960.

Anh Khiêm có dáng người to lớn, trông rất bề thế, anh thường đeo kính râm, tính hơi nghiêm, tôi “hơi ngán” nên tôi cũng ít tiếp xúc với anh. Các anh em y, nha, dược sĩ trong Khối Quân Y Hải Quân thường gọi anh là “Anh Năm”. Khi ở Hải Quân, tôi có mấy lần tiếp xúc với anh Khiêm khi có chuyện cần hoặc khi nào anh gọi tôi lên để hỏi han về một số việc hay tình hình trong đơn vị. Khi tiếp xúc, tôi thấy anh rất vui vẻ và rất quan tâm đến các bác sĩ đàn em và các quân nhân thuộc cấp, không có gì là “khó khăn” trái với tướng tá cao lớn của anh. Năm 1984, khi định cư tại Hawaii, tôi có viết thư thăm hỏi anh, anh trả lời kèm với những lời khuyên quý báu và anh đã viết thư giới thiệu (letter of recommendation) cho tôi học lại ngành Y Tế Công Cộng (public health).

Khối Quân Y Hải Quân lúc đó gồm 4 phòng chính do các bác sĩ và sĩ quan hành chánh Quân Y đảm trách. Một vị bác sĩ khác mà tôi có dịp tiếp xúc là anh Nguyễn Văn Đính, lúc đó mang cấp bậc thiếu tá, sau thăng trung tá. Anh Đính là Y Sĩ Phụ Tá Trưởng Khối kiêm Trưởng Phòng Kỹ Thuật. Anh rất hiền, ít nói và rất trực tính. Tôi có nhiều dịp nói chuyện với anh và các anh em bác sĩ ở Khối Hải Quân rất quý mến anh.

Rồi lại có một bác sĩ khác cũng dễ thương và đầy tinh thần trách nhiệm, bác sĩ Nguyễn Tích Lai, là Trưởng Phòng Kế Hoạch và Quân Y Dân Sự Vụ. Anh học trên tôi 4 lớp ở Đại Học Y Khoa Saigon và tôi có biết anh ngay từ dạo đó. Anh là một người rất hiền lành, ít nói và rất tử tế, thân thiện với mọi người và rất hợp tình với anh Đặng Tất Khiêm và anh Khiêm rất mến anh. Riêng tôi rất quý mến anh Lai và không bao giờ quên anh. Anh rất được các binh sĩ Hải Quân và các thân nhân rất quý mến.

Các cấp chỉ huy Hải Quân cũng vậy, rất quý mến anh. Một vị chỉ huy mà tôi làm việc dưới quyền, ở đơn vị Lực Lượng Đặc Nhiệm Trung Ương 214 là Đại Tá Nguyễn Phổ từng là Hạm Trưởng HQ400 (Hát Giang) mà anh Nguyễn Tích Lai là Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Hạm HQ400; Đại tá thường nhắc nhở đến BS Lai khi nói chuyện với tôi.

BS Nguyễn Thanh Trước, mang cấp bậc Thiếu Tá, phụ trách Phòng Tổ Chức Huấn Luyện Hải Quân VNCH. Anh người dong dỏng cao, hay cười lớn tiếng rất vui vẻ, nên cũng được nhiều người quý mến. Sau thăng Trung Tá và được thuyên chuyển về làm Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Hải Quân, thay thế BS Tạ Văn Luyện, cấp bậc Trung Tá, giải ngũ. Khi anh ở Khối Quân Y Hải Quân, tôi ít có dịp tiếp xúc với anh. Sau này, khi về Bệnh Viện Hải Quân, làm việc với anh nên tôi có nhiều kỷ niệm với anh, sẽ kể ở đoạn sau.

Một người khá vui là BS Nguyễn Quang Giao, thường gọi là “Giao Đen”, lúc đó ở Phòng Kỹ Thuật Quân Y Hải Quân, sau này lên Thiếu Tá và giữ chức Y Sĩ Phụ Tá kiêm Trưởng Phòng Kỹ Thuật thay thế anh Đính khi anh Đính được thuyên chuyển về làm Trưởng Phòng Quân Y Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Anh Giao rất có tình, có nghĩa và tử tế với anh em. Tôi ở cùng xóm với nhà anh Giao ở Saigon và sau này, khi tù cải tạo về, anh em thường gặp nhau chuyện trò và có nhiều kỷ niệm.

Một vị nữa là Thiếu Tá Hành Chánh Quân Y Cao Sanh Nhờ, Trưởng Phòng Nhân Viên, rất lịch sự và hiền lành, còn Dược Sĩ Phạm Xuân Dũng lúc đó là Trung Úy Chánh Văn Phòng của Trưởng Khối. Lúc đó, anh chưa học xong Dược Sĩ, bị động viên. Sau khi thi đỗ dược sĩ, anh được cải ngạch, đeo lon Dược Sĩ Trung Úy. Còn hai dược sĩ nữa ở Khối Quân Y mà tôi cũng thường tiếp xúc là dược sĩ Nguyễn Tất Tiên (Phòng Kỹ Thuật) và DS Vũ Huy Đạo (Trưởng Kho Y Dược). Hai anh, sau này, được biệt phái sang Bộ Y Tế, và anh DS Nguyễn Như Thụy về thay anh Đạo. Dược Sĩ Nguyễn Như Thụy hiện định cư tại San Jose. Cũng như các bác sĩ kể trên, hai vị dược sĩ này cũng tử tế và hiền lành. Khi anh Nhờ đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ thì có anh Nguyễn Hữu Trí, Đại Úy Hành Chánh Quân Y thay thế. Sau này anh Trí cũng lên cấp Thiếu Tá.

Tuy làm việc ở Cát Lái, tôi hay về Khối Quân Y để liên lạc hoặc báo cáo nên tôi thường gặp các anh, lúc thì 15 phút, lúc cả tiếng đồng hồ. Mối quan hệ giữa chúng tôi rất tốt đẹp. Tôi được các anh chỉ dẫn và giúp đỡ, tôi không bao giờ quên những ưu ái và tình đồng nghiệp và “huynh đệ chi binh”.

Ngoài Khối Quân Y ở Bộ Tư Lệnh (trụ sở ở trong Hải Quân Công Xưởng), Khối Quân Y Hải Quân còn có một bệnh xá được nâng lên thành Bệnh Viện Hải Quân trước ở ngay trong Bộ Tư Lệnh (Bến Bạch Đằng), sau dời về Trung Tâm Quản Trị Hành Chánh, số 9 đường Cường Để (sát ngay Bến Bạch Đằng).

Bệnh Viện Hải Quân lúc đó có chỉ huy trưởng là Y Sĩ Thiếu Tá Tạ Văn Luyện, sau này lên Trung Tá và giải ngũ. Anh Luyện thuộc khóa 1 Sĩ Quan Thủ Đức bị động viên năm 1951, cùng khóa với Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ). Sau này anh Luyện thi vào Quân Y và tốt nghiệp bác sĩ năm 1961. Dáng người cao ráo, đẹp trai và cũng rất hiền lành nhưng hơi “lè phè”. Mỗi lần đi họp, tôi thường gặp anh và nói chuyện vui vẻ. Anh không bao giờ làm mất lòng ai. Vợ anh là chị BS Công Huyền Tôn Nữ Tường Vi, BS điều trị tại Bệnh Viện Nhi Đồng, và là chị vợ BS Đặng Vũ Báy.

Từ tháng 10/1970 đến tháng 10/1973, ba năm làm việc tại căn cứ Hải Quân tôi từng đảm nhiệm các chức vụ Trưởng Phòng Quân Y Lực Lượng Trung Ương 214 kiêm Y Sĩ Trưởng Bệnh Xá Hải Quân Cát Lái. Cát Lái thuộc Quận Thủ Đức, chỉ cách Saigon 18km (nếu đi qua ngã Thủ Thiêm thì chỉ cách Saigon 12km, còn nếu đi qua xa lộ Biên Hòa khoảng 5km thì có lối đi vào Cát Lái). Cát Lái có một căn cứ Hải Quân quan trọng được xây cất từ thời Pháp và sau này thì có thêm căn cứ của Hải Quân Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ đã xây giúp nhiều cơ sở cho Hải Quân như Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Người Nhái, nhiều cơ sở chỉ huy của nhiều Giang Đoàn và một bệnh xá rất khang trang và tôi làm việc tại bệnh xá này sau khi việc xây cất hoàn tất và Hoa Kỳ chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Tại Cát Lái còn nhiều đơn vị khác như Trung Tâm Huấn Luyện Tuần Giang, một Trung Đội Pháo Binh, một Đại Đội Quân Vận và bên kia bờ sông là Kho Đạn Nhơn Trạch, và do đó quân số phục vụ tại đây có khi lên tới khoảng 2.000 người vì Đặc Khu Cát Lái là một vị trí chiến lược quan trọng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Theo cấp số, Phòng Quân Y thuộc Khối Tiếp Vận của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng tại Đặc Khu Cát Lái. Với chức vụ Trưởng Phòng Quân Y Hải Quân, tôi là tham mưu cho vị Tư Lệnh Hải Quân về các vấn đề y tế, điều động và theo dõi tình trạng nhân viên, lo cung cấp y dược và dụng cụ cho các đơn vị trực thuộc, thanh tra đơn vị và thỉnh thoảng làm công tác Quân Y Dân Sự Vụ ngoài nhiệm vụ khám bệnh cho các quân nhân hải quân trực thuộc căn cứ Cát Lái và gia đình. Vì phương tiện giới hạn nên chúng tôi chỉ khám bệnh mà thôi. Khi cần những xét nghiệm quan trọng hơn, hay chụp hình quang tuyến, hoặc gặp những trường hợp bệnh nặng hay cần nhiều khả năng chuyên môn hơn, chúng tôi thường giới thiệu lên Bệnh Viện Hải Quân tại Bến Bạch Đằng.

Lúc đầu, Phòng Quân Y ngoài tôi là trưởng phòng, còn có một thượng sĩ y tá và độ 10 nhân viên. Sau này, năm 1973, có thêm một dược sĩ phụ trách trông coi Kho Y Dược bệnh xá. Vị dược sĩ này tên là Vũ Văn Hồng (nếu tôi nhớ không lầm), thuộc khóa 1972, Trường Đại Học Dược Khoa Sai- gon. Cơ sở của tôi rất rộng rãi do Hải Quân Hoa Kỳ làm và bàn giao lại, nên tôi đã tổ chức thành một bệnh xá hẳn hòi, có giường nằm, có cả khu chụp quang tuyến và một phòng nha khoa, do nha sĩ đảm trách, tuy lúc đó chưa có cấp số cho bệnh xá hải quân Cát Lái này.

Tại Bộ Tư Lệnh Đặc Nhiệm Trung Ương 214, vị chỉ huy lúc đó là Hải Quân Đại Tá Vương Hữu Thiều. Đại Tá Thiều thuộc Khóa 1 Thủ Đức Nam Định (cùng khóa với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ), sau này được cử đi học Khóa 1 Brest, tại Pháp. Năm 1972, ông rời đơn vị, sang đảm nhiệm một chức vụ khác tại một đơn vị khác. Người thay thế là Đại Tá Đặng Cao Thăng, sau lên Phó Đề Đốc. Sau này Ông Thăng đổi về Cần Thơ làm Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi. Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng cũng xuất thân Khóa 1 Thủ Đức Nam Định và cũng được đề cử đi học Khóa 1 Brest, Pháp. Cả 2 vị Vương Hữu Thiều, Đặng Cao Thăng là những sĩ quan hải quân thâm niên, ưu tú của Hải Quân Việt Nam và đều đảm nhận những chức vụ quan trọng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa như Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, Giám Đốc Hải Quân Công Xưởng, Hạm Trưởng. Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng có lúc còn làm Tư Lệnh Phó Hải Quân kiêm Tham Mưu Trưởng Hải Quân.

Vị Tham Mưu Trưởng lúc đó của Lực Lượng Đặc Nhiệm Trung Ương, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, là Trung Tá Nguyễn Phổ sau lên Đại Tá, và đi làm Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 Duyên Hải.

Với 3 vị này, tôi có nhiều kỷ niệm: Đại Tá Thiều nói tiếng Huế rất nặng, hơi khó nghe, và có tật hút thuốc lá liên miên, ông cũng thích chuyện trò vui vẻ, là một cấp chỉ huy thâm niên, nhiều kinh nghiệm, không giận dữ hay la mắng ai bao giờ. Ông là người hiền lành và tốt. Ông có một người em ruột là nha sĩ Thiếu Tá Vương Hữu Cáp, phục vụ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Sau này, ông mất tại Hoa Kỳ vì bệnh ung thư phổi.

Hai vị kia là Đặng Cao Thăng và Nguyễn Phổ là những vị được nhiều người mến mộ. Phó Đề Đốc Thăng là một người lịch sự, nhã nhặn, hiền hòa. Ông có tính cẩn thận, mỗi khi đi hành quân về, ông thường nhờ tôi khám bệnh và tham khảo về sức khỏe. Sau này, tại Nam California, tôi có dịp gặp lại ông, thăm hỏi. Ông mất cách nay gần 10 năm, hưởng thọ 77 tuổi và tôi có tham dự tang lễ của ông. Ông là người chủ biên cuốn Hải Sử của Việt Nam Cộng Hòa. Qua Mỹ, ông cũng tích cực hoạt động với cộng đồng.

Vị chỉ huy mà tôi mến nhất là Hải Quân Đại Tá Nguyễn Phổ. Đại tá Phổ tốt nghiệp Khóa 5 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, cùng khóa với Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, ông đã làm hạm trưởng HQ400 (Hải Vận Hạm Hát Giang) một bệnh viện hạm của Hải Quân). Ông ăn nói nhỏ nhẹ, nhã nhặn, không bao giờ nói lớn tiếng, không bao giờ la mắng ai, kể cả lính tráng, không hề phạt ai… Ông như là một “Phật sống”, chúng tôi thường nói với nhau như thế, nên rất mến ông.

Còn một vị nữa cũng được gọi là “Phật sống” là Hải Quân Trung Tá Trịnh Hòa Hiệp, chỉ huy trưởng Liên Đoàn Người Nhái. Tôi không bao giờ nghe hai vị này nói nặng ai, thường có thái độ hòa nhã, lịch sự với các sĩ quan và binh lính.

Hai vị cuối cùng mà tôi biết và quý là Hải Quân Đại Tá Lê Thanh Truyền, người đã thay thế Đại Tá Nguyễn Phổ trong chức vụ Tham Mưu Trưởng và Hải Quân Trung Tá Noel Nguyễn Thiện Nhựt. Đại Tá Truyền rất vui vẻ, hay cười xòe xòe. Ông thích nghiên cứu về Y Khoa và thường hay trao đổi với tôi về bệnh tật, thuốc men. Trung Tá Noel Nguyễn Thiện Nhựt rất hiền lành và vui vẻ. Cả hai vị đều là Sĩ Quan Hải Quân khóa 3 Hải Quân Nha Trang (cùng khóa với Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy). Tuy đã cách xa khá lâu nhưng vẫn luôn nhớ đến các vị này. Tôi may mắn được làm việc với nhiều sĩ quan tài giỏi, nhiều kinh nghiệm của Hải Quân.

Khi mới ra trường và khi bị gọi nhập ngũ tôi rất ốm yếu và nhỏ con (cao 1.53m, nặng 90 pounds=42kg, cận thị 6.0). Tôi có được ra Hội Đồng Giám Định Y Khoa, đáng lẽ tôi phải được giải ngũ vì không đủ sức khỏe, nhưng không biết lý do gì đã giữ tôi trong quân ngũ, trong khi đó có một số bác sĩ cùng khóa trưng tập cùng cỡ chiều cao và kích thước, đã được giải ngũ.

Tôi có dáng thư sinh, nên lính tráng có vẻ không nể tôi.

Tính tình tôi cũng không thích hợp với cuộc sống và kỷ luật của nhà binh, có lẽ tôi thích hợp với vai trò một nhà iáo hơn là một sĩ quan, tôi không có “uy” và quá hiền, nên bị anh em “lính tráng” có người dễ ngươi, qua mặt, đôi khi đòi hỏi quá đáng, gây phiền hà cho tôi, nhưng tôi vẫn cương quyết giữ đúng nguyên tắc, và nói cho cùng, bản chất tôi là thương người nên cũng không chấp nhặt, bỏ qua, nên không có gì nặng nề, mâu thuẫn lắm… Đó là tinh thần huynh đệ chi binh trong đời quân ngũ. Tôi vẫn nhớ đến nhiều y tá có tình nghĩa như Thượng Sĩ Thạch Liêm, Trung Sĩ Trịnh Minh Thể, Trung Sĩ Nguyễn Văn Chính, Trung Sĩ Huỳnh Khải Nguyên, Trung Sĩ Đào Minh Tư, Lương Văn Thạnh… tất cả đều rất tốt. Cũng có vài sĩ quan hống hách, ỷ cấp bậc chèn ép anh em, kể cả tôi, nhưng không phải là điều làm tôi quên nhiệm vụ của mình, lương y như từ mẫu, yêu thương bệnh nhân và anh em.

Tuy nhiên quân đội là một môi trường giúp tôi trưởng thành. Nói chung các cấp chỉ huy đều dễ mến, lịch sự nên cuộc sống quân ngũ, đối với tôi cũng đầy tình huynh đệ chi binh.

Khi tôi về làm việc tại Bệnh Viện Hải Quân thì BS Nguyễn Thanh Trước là y sĩ trưởng, mang cấp bậc Trung Tá. BS Trước dáng người cao, hơi gầy, là một người tính tình vui vẻ, rất tốt, biết trên, biết dưới, nhưng nhân viên dưới quyền phải tuân theo kỷ luật, có tôn ti trật tự, nhân viên đều thương yêu và mang ơn anh. Khi BS Trước về làm Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Hải Quân thì người thay thế cho anh ở Khối Quân Y là BS Vũ Tiến Bản, cấp bậc Trung Tá Y Sĩ. BS Bản là sĩ quan thâm niên trong Bệnh Viện Hải Quân, chỉ sau anh Tạ Văn Luyện và là bác sĩ chuyên môn về quang tuyến. BS Bản lúc đó đảm nhiệm vai trò Trưởng Phòng Tổ Chức Huấn Luyện. Anh rất hiền lành và dễ mến. Năm 1975, anh đã có giấy bảo lãnh của vợ anh, một giáo sư Anh Ngữ đang tu nghiệp tại Hoa Kỳ. Anh vào Tòa Đại Sứ Mỹ để đi mà không được. Sau anh phải đi tù cải tạo, về đi vượt biên, nhưng không may chết trên đường vượt biên.

Lúc đó, ở Bệnh Viện Hải Quân, ngoài BS Nguyễn Thanh Trước, người thâm niên nhất là Bác Sĩ Thiếu Tá Phạm Minh Ngọc, y sĩ giải phẫu. Khi anh Trước đi học Khóa Tham Mưu Cao Cấp Quân Y, anh đã lên làm Y Sĩ Trưởng trong vòng 4 tháng cuối năm 1974. Anh Ngọc cũng vui vẻ, ít nói và hay tập trung ở Phòng Sĩ Quan Quản Lý là anh Vĩnh Độ (cấp bậc Đại Úy Hành Chánh Quân Y) để chuyện trò khi rảnh rang, hết công việc.

Kế đến là BS Trịnh Quốc Hưng, cấp bậc Y Sĩ Thiếu Tá, chuyên khoa gây mê kiêm trưởng phòng mổ. Sau này, BS Hưng làm phụ tá cho BS Trước (chức vụ Chỉ Huy Phó).

Sau đó là BS Thiếu Tá Nguyễn Như Vọng làm một thời gian ở Khu Nội Khoa rồi đi du học tại Mỹ, sau đó trở lại Bệnh Viện Hải Quân chuyên về Nội Thương.

Vì ở gần Bộ Tư Lệnh Hải Quân nên tôi thường biết chung quanh có nhiều tai mắt và cấp trên, nếu không thi hành nhiệm vụ tốt, có thể bị quy trách. BS Trước và BS Hưng biết tính tôi nhát gan nên hay hù tôi, và khi biết tôi mắc mưu thì các anh cười lớn “diễu tôi” nhưng các anh rất tốt, chỉ giỡn chơi mà không có ác ý.

Ngoài các vị đàn anh, đa số các bác sĩ còn lại thuộc khóa 1968 như Trần Bình Chi (Y Sĩ Thiếu Tá, giải phẫu), Liêu Mỹ Tuấn (Y Sĩ Đại Úy, Nhãn Khoa), Văn Sơn Trường (YK69, Nội Khoa, tu nghiệp tại Mỹ một năm), Trần Bình Diệp (YK68, sản phụ khoa, khu Gia Đình Quân Nhân), Trần Kiêm Sử (Quang Tuyến), Nguyễn Tấn Hiển (YK69, Tai Mũi Họng) và Trần Văn Nam (YK68, Ngoại Chẩn và Ngoài Da), và BS Trần Văn Mân (YK69).

Khi tôi đổi về Bệnh Viện Hải Quân, BS Mân còn làm việc một thời gian ngắn mới đi tu nghiệp tại Mỹ, sau khi về thì được đổi đi làm việc ở Bệnh Xá Hải Quân Cam Ranh.

Về dược sĩ thì có hai vị làm việc ở phòng thí nghiệm là Dược Sĩ Đại Úy Trịnh Văn Nượng (DK67, con rể của BSGS Nguyễn Văn Hồng), Dược Sĩ Nguyễn Mạnh Lương; còn Kho Y Dược thì có hai vị là Dược Sĩ Nguyễn Văn Thẩm và DS nữa tôi quên mất tên.

Sĩ quan quản lý bệnh viện là Đại Úy Hành Chánh Quân Y Vĩnh Độ rất hào hoa phong nhã và chúng tôi thường tụ tập ở phòng của anh để nói chuyện chơi sau khi xong việc. Sau này, anh Nguyễn Văn Sáu (Đại Úy Hành Chánh Quân Y) (tính tình cũng năng nổ, vui vẻ) về thay thế anh Độ (thuyên chuyển ra Nha Trang). Còn hai nha sĩ phụ trách Phòng Nha Khoa là Nha Sĩ Thiếu Tá Đỗ Hùng Phi và Nha Sĩ Thiếu Tá Dương Đức Phước, hai anh rất hiền. Riêng nha sĩ Phi thì tôi có nhiều kỷ niệm, anh là một nha sĩ có nhiều thâm niên nhất trong quân đội và Quân Y Hải Quân, tốt nghiệp nha sĩ năm 1962, rất nghệ sĩ và lè phè, có một thời gian cặp kè với ca sĩ Giao Linh nên “bị trù”. Anh sống rất bụi đời. Trước năm 1975, anh có một cô vợ rất trẻ và đã lên tầu Hải Quân đi Hoa Kỳ vào ngày cuối cùng (29/4). Anh nha sĩ Phước ít nói và sau khi làm xong việc, thỉnh thoảng anh còn về Đại Học giảng dậy cho các sinh viên các khóa đàn em.

Quản Nội Trưởng là anh Chu Đình Trương (cấp bậc chuẩn úy, nguyên là Thượng Sĩ Y Tá già) cũng rất vui vẻ, lém lỉnh và cũng hay “hù tôi” vì biết tính tôi nhát. Cùng làm việc lúc đó có hai y tá là Thượng Sĩ YTá Nguyễn Minh Châu (nay đã mất) mà tôi rất quý mến, một Thượng Sĩ Y Tá nữa là Vũ Văn Khấu rất lém lỉnh. Còn tại Khối Quân Y cũng có một anh y tá trông giống người ngoại quốc, to lớn, là thượng sĩ y tá Hứa Văn Vương (anh ruột BS Hứa Thị Năm, học sau tôi), sau này được thăng Chuẩn Úy, rất vui vẻ và nói tiếng Pháp rất hay tại phòng thí nghiệm. Tại phòng thí nghiệm, ngoài hai dược sĩ phải kể đến một người rất có tài và tính tình rất dễ thương, chuyên về xét nghiệm máu, đó là Thượng Sĩ Y Tá Nguyễn Văn Viễn, tự Viễn Phương, anh đã từng được du học tại Mỹ về xét nghiệm. Ngoài tài chuyên môn, anh còn có khả năng về âm nhạc và là một nhạc trưởng biết sử dụng nhiều loại đàn. Anh đã sáng tác nhiều nhạc phẩm, nhất là về Thánh Ca Công Giáo. Anh cũng bị kẹt lại ở Saigon và mới vượt biên sau này. Hiện nay anh định cư tại Texas.

Về làm việc tại Hải Quân từ tháng 10/1973 tới 30 tháng 4, 1975, tôi đã sống trong một môi trường thân thương giữa anh em trong ngành quân y và đã được anh Đặng Tất Khiêm cho đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ về môn Ngoài Da tại Bệnh Viện Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego vào tháng 11 năm 1974. Nhưng vì bà xã tôi lúc ấy đang tu nghiệp về vi trùng học tại Hoa Kỳ nên tôi xin hoãn lại, chờ bà xã tôi về săn sóc các con nhỏ, để đi vào mùa thu năm 1975, nhưng chưa kịp thì xẩy ra biến cố 30 tháng 4, 1975.

Trong thời gian ở Cát Lái và Bệnh Viện Hải Quân, thỉnh thoảng tôi cũng có đi công tác dân sự vụ tại vài nơi mà tôi không bao giờ quên. Đó là vùng Năm Căn, Cà Mau, là vùng xôi đậu, là căn cứ tiềm phục của Việt Cộng (và tôi đã đi công tác hai lần) và Đại Tá Vương Hữu Thiều là tư lệnh chiến dịch Trần Hưng Đạo tại đây, đã tham gia hành quân phối hợp với Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Thủy Quân Lục Chiến. Sau đó, cuối tháng 1/1973, khi Hiệp Định Ba Lê có hiệu lực, tôi đã đi công tác dân sự vụ tại đây và có dịp gặp và làm việc với Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, tư lệnh Chiến Dịch Trần Hưng Đạo tại đây.

Tôi cũng có lần đi công tác tại hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta và được vinh hạnh đi trên các chiến hạm của Hải Quân của chúng ta như Khu Trục Hạm HQ1 của Hạm Trưởng Trung Tá Võ Văn Huệ, Hạm Phó là Trung Tá Nguyễn Văn Bé. Tôi cũng được đi trên chiến hạm tuần dương HQ5 của hạm trưởng HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh. Tôi cũng được đi trên cơ xưởng hạm HQ802 của hạm trưởng Hải Quân Trung Tá Bùi Trọng Kim. Trên các chiến hạm này đều có một phòng y tế trang bị rất đầy đủ như phòng khám bệnh, phòng tiểu giải phẫu… Khi mới lên tầu, tôi cũng bị say sóng “với anh em” rồi quen dần, cứ như là đi chơi, du lịch trên biển bao la hay các cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp trên các hải đảo thân yêu của ta.

Một kỷ niệm không thể bao giờ quên được là trận đánh bảo vệ Hoàng Sa chống lại quân Trung Cộng xâm lăng tháng 1 năm 1974, lực lượng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa của ta có 74 sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ hy sinh, trong đó Hạm Trưởng Thiếu Tá Ngụy Văn Thà đã quyết ở lại trên tầu, cùng chết với tầu. Ngoài ra, chúng ta cũng có nhiều chiến sĩ bị quân xâm lăng Trung Cộng bắt làm tù binh, sau mới được Trung Cộng trao trả và tôi cũng được lệnh ra Qui Nhơn đón anh em về Bệnh Viện Hải Quân để tiếp tục săn sóc sức khỏe và trình diện vị Tư Lệnh Hải Quân lúc đó là Đô Đốc Trần Văn Chơn (ông hiện ở San Jose). Cho đến hiện nay, mỗi lần nhớ đến những anh em chiến sĩ của ta hy sinh bảo vệ biển đảo của ta, quả thật tôi không cầm được nước mắt vì thương cảm cho anh em.

Cuối cùng, khi nói đến Bệnh Viện Hải Quân, phải nói đến một BS hiền lành mà anh em rất quý mến là BS Nguyễn Như Vọng. BS Vọng trên tôi 3 lớp và có vợ là bạn thân của chúng tôi, khoảng trung tuần tháng 4 trong một đêm cấm trại. BS Vọng gọi tôi vào phòng riêng và nói nhỏ cho tôi biết về tình hình chiến sự và còn nhấn mạnh rằng Miền Nam sẽ bị lọt vào tay cộng sản và khuyên tôi hãy ra đi vì không thể sống với cộng sản và BS Vọng đã có chuẩn bị ra đi chung, nhưng tôi không nghe, cho rằng chắc anh là Bắc Kỳ di cư nên sợ cộng sản, chứ cộng sản cũng là người mình, chắc cũng không sao đâu. Vì không nghe lời anh mà sau này tôi phải ân hận, đã không di tản cùng anh.

BỆNH VIỆN HẢI QUÂN NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Tối ngày 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975 là phiên trực cuối cùng của tôi tại Bệnh Viện Hải Quân (thực ra phiên trực bắt đầu từ trưa ngày 29 và chấm dứt vào trưa ngày hôm sau, 30-4) và sau phiên trực sẽ được nghỉ bù. Trưa ngày 29 tôi lấy xe tính về nhà ăn cơm với ba má bà xã và các con của tôi (lúc đó mẹ các cháu còn tu nghiệp tại Hoa Kỳ) nhưng vừa ra đến cổng bệnh viện thì gặp Hải Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, tân Tư Lệnh Hạm Đội (mà tôi đã viết ở trên) đang đi bộ về nhà, ngang qua Bệnh Viện Hải Quân. Sau khi nói chuyện với Đại Tá Khuê, tôi biết đã có lệnh di tản vào ban đêm. Đại Tá Khuê khuyên tôi về nhà ngay và chuẩn bị để đi. Trước đó, tôi cũng có nguồn tin từ các sĩ quan cao cấp của Bộ Tư Lệnh Hải Quân mà tôi quen cho biết sẽ có di tản. Chạy vội về nhà, tôi báo cho ông bà nhạc biết lệnh di tản tối đó, nhưng ông bà không dám đi vì sợ nguy hiểm, sợ pháo kích. Tôi lại chạy về nhà tôi kêu ba tôi đi nhưng ba tôi cũng không chịu đi, lúc đó sức khỏe ba tôi cũng không được tốt và cũng sợ nguy hiểm.

Chiều hôm đó, 29-4, tất cả các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ đều tập trung đầy đủ. Gia đình Bác Sĩ Nguyễn Thanh Trước cũng đầy đủ, có cả gia đình người anh ruột là Nguyễn Chánh Lý, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Chánh, cựu Tổng Giám Đốc Kỹ Thương Ngân Hàng cũng có mặt sẵn sàng để di tản. Nhưng không hiểu vì sao, sau khi bàn bạc với anh Nguyễn Chánh Lý, anh Trước và một số anh em đã bỏ về, chỉ có bác sĩ Lâm Tài Thượng, dược sĩ Vũ Dũng lên tầu mà thôi. Vắng mặt hôm đó có BS Trần Văn Mân, BS Vũ Tiến Bản. BS Nguyễn Như Vọng, BS Văn Sơn Trường cũng đã ra đi bằng phương tiện khác. Trưởng Khối Quân Y Hải Quân BS Đặng Tất Khiêm đã đi theo ngõ Phi Trường Tân Sơn Nhứt. Nha sĩ Đỗ Hùng Phi cũng lên tầu. Riêng BS Liêu Mỹ Tuấn đã lên tầu rồi lại xuống.

Thấy nhiều người lên tầu hải quân, tôi cũng nôn nao, nhưng tôi nghĩ không thể nào bỏ đi một mình, để lại cha già, mẹ yếu cùng ba con (một trai, hai gái nhỏ) nên tôi đã ở lại, kẹt lại, lòng cũng hoang mang, đành phó mặc, chỉ còn biết cầu nguyện Thiên Chúa… Lúc sau, thấy BS Trần Bình Chi cũng vừa vào Bệnh Viện Hải Quân. BS Chi là em Đại Tá Trần Bình Phú, người phút chót đảm nhiệm quyền Tư Lệnh Phó Hải Quân nhưng rồi ông cũng ra đi kịp vào giờ thứ 25.

Tối hôm đó, không còn ai bên Khối Quân Y Hải Quân và Bệnh Viện Hải Quân nên BS Tôn Thất Minh, YSĩ Trung Tá, là sĩ quan thâm niên nhất tạm thời nắm quyền Trưởng Khối Quân Y, và tại Bệnh Viện Hải Quân BS Trần Bỉnh Chi thâm niên nhất, tạm thời nắm quyền chỉ huy trưởng và chỉ định tôi làm phụ tá. Tôi cũng muốn lên tầu nhiều lần vì nhiều tầu đậu ngay bến Bạch Đằng, trước Hải Quân Công Xưởng, nhưng BS Trần Bình Chi khuyên tôi không nên đi vì sắp có dàn xếp giữa chính quyền Cộng Sản và TT Dương Văn Minh. Một người nữa là Thiếu Tá Quân Cảnh Trang Khắc Trung, chỉ huy trưởng Quân Cảnh Hải Quân có vợ đang nằm Bệnh Viện Hải Quân cũng khuyên tôi như vậy. Vì đang trực tại Bệnh Viện Hải Quân, và ngay Hải Quân Công Xưởng, trên Bến Bạch Đằng nên tôi đã chứng kiến nhiều cảnh chia ly xẩy ra trong những giờ phút cuối cùng ở bến cảng và toàn bộ những diễn tiến của việc di tản ấy: Chuyến hải hành cuối cùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa: Tôi đã thấy những tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhiều bộ trưởng, giám đốc của chính quyền cuối cùng Nguyễn Bá Cẩn đi theo các tầu hải quân. Tôi cũng đã qua nhà Đô Đốc Trần Văn Chơn ở ngay cạnh Bệnh Viện Hải Quân, tôi đã gặp vị sĩ quan quản gia của ông, cho biết ông cũng không đi. Vậy là trong chuyến hải hành cuối cùng của Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã vắng mặt Đô Đốc Trần Văn Chơn và tôi. Thật là “vô duyên” khi có đầy đủ phương tiện mà không đi, biết rõ giờ khởi hành và có đầy đủ phương tiện và việc ra đi thật dễ dàng mà không đi, mà ở lại để chịu nhiều đắng cay, đầy đọa… Đô Đốc Trần Văn Chơn chịu 13 năm tù cải tạo, còn tôi thì tù cải tạo ít hơn nhưng gia đình tôi bị tan nát, khiến bao năm qua, tôi vẫn mang nặng nỗi đắng cay của một người lỡ bước.

Tối hôm đó, được biết Dương Văn Minh có gọi Đô Đốc Chung Tấn Cang lên gặp, bàn về tình hình chiến sự nhưng Đô Đốc Cang đã không lên mà nhờ Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy đi thay. Tướng Minh cũng không đi và cho con rể là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài đem vợ con đi theo tầu Hải Quân.

Sau một đêm không ngủ, vì hoang mang về hoàn cảnh mình, về gia đình mình, về tình trạng tan nát của chính quyền mà mình từng phục vụ, cảnh đời thay đổi tang thương, tôi vẫn tiếp tục làm việc và được chứng kiến cảnh dân biểu tới Bệnh Viện Hải Quân hỏi thăm, tìm đường ra đi, nhưng trễ rồi, tất cả tầu đều đã ra đi, chỉ còn mấy chiếc tầu hư, nằm ụ đâu đó.

Lúc đó, Đô Đốc Chung Tấn Cang, tư lệnh Hải Quân đã di tản. Đại Tá Nguyễn Văn Tấn lên nắm Quyền Tư Lệnh và Hải Quân Đại Tá Trần Bình Phú lên làm Tư Lệnh Phó. Đến khoảng 9, 10 giờ sáng thì Đại Tá Trần Bình Phú và Trung Tướng Vĩnh Lộc cũng ra đi “trễ tràng” bằng chuyến tầu Hải Quân chót, vừa kịp thoát khỏi kiếp tù đầy nhục nhã vào giờ phút 25.

Đến 11 giờ trưa, qua radio, nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, lúc đó tôi mới vỡ mộng về giải pháp “dàn xếp” mà BS Trần Bình Chi và một số người bảo tôi như vậy. Vào giờ phút chót ấy, không còn tin tưởng, bấu víu vào đâu được, tôi phải lấy đồ dân sự ra thay, cởi bỏ quân phục lấy xe Honda chạy về nhà.

Vào giờ phút chót, được biết chỉ có một ít y tá còn ở lại Bệnh Viện Hải Quân và cũng giờ phút chót, có BS Nguyễn Thanh Trước quay trở lại bệnh viện để bàn giao cho quân đội Việt Cộng.

Vào giờ chót, trong chuyến hải hành cuối cùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đáng lẽ phải có các bác sĩ của Hải Quân nhưng lại vắng mặt hầu như tất cả các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, vắng mặt cả Đô Đốc Trần Văn Chơn, và cả tôi, BS Trần Văn Nam và BS Vũ Tiến Bản và tất cả những người vắng mặt đã phải trả giá bằng những kỷ niệm hằn đau suốt đời. BS Bản sau này vượt biên đã mất tích trên biển cả.

Sau này, nghĩ lại, thời Việt Nam Quốc Gia (từ 1943 tới 1975), được sinh sống trong an bình, được ăn học, kể ra đời mình cũng đã được nhiều may mắn. Rồi khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, theo tiếng gọi của tổ quốc, gia nhập quân đội, phục vụ các chiến sĩ Hải Quân, được đề cử đi tu nghiệp về Bệnh Ngoài Da, nhưng không may, chuyến đi bị lỡ, phải ở lại học tập cải tạo “trong kiếp tù đầy”. Ôi chẳng qua cũng là vận số không may của dân tộc, mà cá nhân mình cũng chịu ảnh hưởng, chịu trách nhiệm với biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Cho đến giờ phút chót, vẫn tiếp tục phục vụ tại nhiệm sở, không rời bỏ quân ngũ, rời bỏ chiến hữu…

Sau này tôi đã sang Hoa Kỳ vào cuối năm 1983 và lập lại cuộc đời. Qua Mỹ, sau nhiều thăng trầm, tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, trôi nổi nhưng rồi đã ổn định được cuộc sống tốt đẹp, các con tôi cũng đã tìm thấy tương lai xán lạn, không còn phải khổ đau, khốn khó nơi quê nhà, tôi cũng cảm thấy vui và bớt ân hận vì đã để lỡ không đưa các con và cha mẹ thoát khỏi cuộc sống khốn khó, mất tự do nơi quê nhà. So với bao người đã chết, tôi tự nghĩ vẫn còn may mắn sau khi đến được bến bờ tự do, được học lại, lấy bằng Cao Học Y Tế Công Cộng (master of public health) tại Đại Học ở Hawaii, có công ăn việc làm, lo cho các con ăn học thành tài, kể cũng là nhờ ơn Chúa, đã vượt qua được mọi thử thách. Cuối cùng, tự vấn lương tâm mình, thấy không làm gì trái với trách vụ khi phục vụ trong Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và luôn nhớ mãi những kỷ niệm ngày xưa cùng anh em Hải Quân…

Tôi hãnh diện đã làm tròn bổn phận của một thanh niên Việt Nam trong thời chiến, và rất hãnh diện đã phục vụ trong Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.