Với tuổi đời 100 năm, các bảo tàng vừa là “mỹ nhân” tiêu biểu của ba miền, vừa là báu vật văn hóa – lịch sử, rất cần được gìn giữ, khơi dậy và quảng bá sâu rộng ở tầm cỡ quốc tế.

Một trong những tiện nghi văn minh mới mẻ mang dấu ấn hội nhập văn hóa Đông – Tây ở Việt Nam chính là các bảo tàng. Vào đầu thế kỷ XX, không phải ngẫu nhiên, liên tiếp ra đời các bảo tàng lớn ở thủ phủ của ba miền. Điều rất lý thú, tại các bảo tàng này ngay từ phong cách kiến trúc cho đến hiện vật cũng như nhân lực và cách thức quản trị đều thể hiện sự kết nối văn hóa quốc tế phong phú chứ không riêng yếu tố bản địa. 

Bảo tàng Khải Định – không chỉ có cổ vật nhà Nguyễn 

Cả kinh thành Huế là một “đại kho tàng văn hóa” nhiều mặt, trong đó từ năm 1923 đã có hẳn một bảo tàng cổ vật quý hiếm mang tên Bảo tàng Khải Định. Toàn bộ khuôn viên bảo tàng rộng hơn 6.000m2 nằm trong khu vực Thành Nội. Thuở ban đầu, bảo tàng lưu giữ hơn 4.000 cổ vật, còn hiện giờ đã tăng lên trên 9.000. 

Kho báu hiện vật tại đây bao gồm các sưu tập trang phục, đồ nội thất, trang trí và các phương tiện sinh hoạt… dùng cho vua và cung đình. Trong đó, đồ gốm sứ hay kim khí không chỉ là tác phẩm của Việt Nam mà còn đến từ Trung Quốc và phương Tây. 

Bên trong một gian trưng bày Bảo tàng Khải Định thập niên 1920 – 1930 (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Ảnh: tư liệu


Bảo tàng còn có các sưu tập ấn triện, nhạc khí, tranh gương, đồ gỗ sơn son thếp vàng và binh khí Á, Âu. Ngoài ra còn có sưu tập súng thần công, phần lớn của các nước phương Tây thế kỷ XVII – XVIII. Đặc biệt, bảo tàng trưng bày hơn 80 tác phẩm điêu khắc Champa quý hiếm, xuất xứ ở miền Trung. Bản thân tòa nhà bảo tàng cũng là một cổ vật tuyệt tác. Nơi đây từng là cung điện mang tên Long An (Rồng yên bình), xây năm 1845, kiến trúc bằng gỗ với 128 cột và nhiều chi tiết nội, ngoại thất rất thanh nhã và tinh xảo. Ngay khi mở cửa, Bảo tàng Khải Định thu hút đông đảo công chúng người Âu và người Việt. Từ tháng 2 đến tháng 9.1924, đã có khoảng 1.300 lượt khách, sang năm 1925 là 3.900 lượt và năm 1926 là 7.000 lượt. 

Sáng kiến xây dựng bảo tàng đến từ vua Khải Định sau chuyến “Tây du” tham dự Hội chợ Thuộc địa ở Marseille – Pháp vào năm 1922. Và một nhân tố không thể thiếu là Hội Những người bạn của Huế xưa, một tổ chức nghiên cứu văn hóa Việt Nam rất uy tín, thành lập năm 1913. Thêm nữa, Ban quản trị bảo tàng không phải là một đơn vị nhà nước mà là một tổ chức độc lập, gồm nhiều nhân vật Pháp, Việt nổi tiếng. Chính quyền Đông Dương và vua Khải Định cùng nhiều nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật, cũng như các nhà tài trợ, đã góp sức làm nên một bảo tàng cổ vật độc đáo, chưa từng có ở Việt Nam.

Bảo tàng  Nam Kỳ – không dừng lại ở một vùng đất 

Sau Bảo tàng Khải Định, chính quyền Đông Dương thành lập Bảo tàng Nam Kỳ tại Sài Gòn vào năm 1929. Nhưng sau đó đổi thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse, mang tên vị Thống đốc Nam Kỳ – người đã nỗ lực tạo điều kiện có đất đai và kinh phí xây dựng, điều hành bảo tàng. Nằm ở đầu khuôn viên rộng lớn của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, tòa nhà bảo tàng là một kiến trúc bề thế với tổng diện tích khoảng 2.000m2. Song đó không phải là một kiến trúc kiểu dáng phương Tây mà lại là một kiến trúc theo kiểu Á Đông. Công trình không chỉ gợi nhớ cung điện Huế mà còn là kiến trúc Trung Hoa và Nhật Bản. 

Tòa nhà Bảo tàng Blanchard de la Brosse thập niên 1920 – 1930 (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM). Ảnh: tư liệu 


Các hiện vật của bảo tàng bao gồm nhiều cổ vật về văn hóa, nghệ thuật của người Việt ở 3 miền Nam – Trung – Bắc. Kế đến là các sưu tập về Champa, Khmer và Lào. Tại đây còn có các phòng trưng bày chuyên đề văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Miến Điện (Myanmar), Xiêm La (Thái Lan) và Indonesia. Đặc biệt, bảo tàng có các phòng chuyên đề về tiền cổ và dân tộc học của các nước Đông Dương. Tất cả các cổ vật của bảo tàng là thành tựu sưu tầm và nghiên cứu nhiều thập kỷ của Société des Études Indochinoises – quen gọi là Hội Cổ học Ấn – Hoa, một tổ chức tư nhân thành lập ở Sài Gòn cuối những năm 1860. 

Sau năm 1954, nơi đây trở thành Bảo tàng viện Quốc gia của miền Nam. Từ sau 1975, đổi tên là Bảo tàng Lịch sử tại TP.HCM và có thêm nhiều sưu tập giá trị khác về Sài Gòn và miền đất phương Nam.

Bảo tàng Louis finot – tích hợp Á đông

Năm 1932, Bảo tàng Louis Finot được thành lập tại Hà Nội. Bảo tàng mang tên một học giả Ấn Độ, giám đốc đầu tiên của École Française d’Extrême Orient – Học viện Viễn Đông Bác Cổ (viết tắt là EFEO). Chính EFEO, do Chính phủ Pháp thành lập năm 1900, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có Việt Nam, đã đóng góp các kết quả khảo sát cùng rất nhiều tài liệu và hiện vật thu thập ở nhiều xứ sở Á châu để làm nên hồn cốt đặc sắc của bảo tàng.

Lý thú hơn nữa, tòa nhà bảo tàng là một kiệt tác kiến trúc Âu – Á. Đây là tác phẩm của kiến trúc sư Ernest Hébrard, kiến trúc sư trưởng Đông Dương thời đó. Tòa nhà được xây với kích thước lớn trên khu đất rộng hơn 1.800m2 gần Nhà hát Lớn Hà Nội. 

Tháp lấy sáng trung tâm của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (xưa là Bảo tàng Blanchard de la Brosse) tạo dáng theo kiến trúc cung điện Á Đông tuyệt đẹp (tác giả chụp tháng 2.2024).


Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều bộ sưu tập đồ sộ, thể hiện đời sống và văn minh của nhiều dân tộc châu Á. Đó là các dân tộc sinh sống ở 3 nước Đông Dương và ở Thái Lan, Miến Điện (Myanmar), Indonesia. Ngoài ra còn có các sưu tập về Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên và Tây Tạng. Các hiện vật quý giá dẫn dắt người xem khám phá nguồn cội Đông Dương và giao lưu văn hóa giữa các miền đất Á Đông. Nhiều hiện vật là đồ cúng tế hay đồ vật trong các lăng mộ, đồ dùng gia đình và các vương triều. Kế đến là đồ nội thất, tranh tượng, nhạc cụ, trang phục và trang sức… Tiêu biểu là các bộ sưu tập trống đồng, đồ gốm sứ và tượng Phật các loại. Bước vào thế kỷ XXI, nhiều bảo vật quốc gia của Việt Nam được bổ sung, bảo quản và trưng bày tại đây. 

Quả thật Bảo tàng Louis Finot, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội từ lúc thành lập đến nay luôn nổi bật ở vị trí hàng đầu về quy mô kiến trúc cho đến các hiện vật tích hợp từ nhiều xứ sở và quá trình hình thành.

Khơi dậy và làm giàu thêm cho ba “kho báu” 

Như vậy, chưa kể Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng, ngay từ trước 1945, Bảo tàng Khải Định ở Huế, Bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn và Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội đều là những “kho báu” văn hóa đa dân tộc, đa quốc gia về nhiều mặt. Đó cũng là 3 biểu tượng kết nối văn hóa Đông – Tây kỳ vĩ của Việt Nam. Ở các nước Đông Nam Á, thời điểm đó có lẽ không nhiều bảo tàng lớn lưu giữ và giới thiệu các báu vật đến từ nhiều xứ sở như thế! Thế nhưng, hiện tại, ngay từ tên gọi, cũng như việc trưng bày hiện vật và quảng bá giá trị của 3 bảo tàng vẫn chưa tận dụng được tài sản và tên tuổi quốc tế từng có.  

Theo chúng tôi, để khơi dậy và làm giàu thêm giá trị của 3 “kho báu” này, trước hết cần “mở kho” và giới thiệu đầy đủ các bộ sưu tập cổ vật của nhiều nước Á Đông ở mỗi bảo tàng. Qua đó thể hiện rõ mục tiêu của các bảo tàng không chỉ là trường học bồi dưỡng kiến thức văn hóa Việt Nam xưa nay mà còn góp phần mở mang hiểu biết và tầm nhìn về quan hệ văn hóa – lịch sử liên quan khu vực Á Đông cũng như thế giới. 

Tòa nhà Bảo tàng Louis Finot, Hà Nội thập niên 1930 (nay là Bảo tàng Quốc gia Việt Nam). Ảnh: tư liệu 


Kế đến, cần có nhiều hình thức liên kết giữa 3 bảo tàng với nhau, giữa 3 bảo tàng với các bảo tàng công – tư ở Việt Nam và các nước khác để tổ chức những cuộc triển lãm chung, kể cả trên mạng. Song song đó, cần tái lập hoặc tân lập các tổ chức sưu tầm nghiên cứu cổ vật cùng hoạt động hợp tác và hỗ trợ các bảo tàng. Chẳng hạn, cần khởi động lại Hội Những người bạn của Huế xưa, Hội Cổ học Ấn – Hoa hay những tổ chức tương tự.  

Cuối cùng, nhưng xét ra vẫn là việc đầu tiên cần làm ngay, đó là thể hiện sự trân trọng, tri ân những cá nhân, tổ chức sáng lập; đóng góp tài chính, hiện vật và nghiên cứu cho từng bảo tàng. Đến nay tại 3 bảo tàng đều chưa có bảng lưu niệm vinh danh những người sáng lập, điều hành và làm nên sự giàu đẹp của các “kho báu”! 

Với tuổi đời 100 năm, các bảo tàng trên vừa là “mỹ nhân” tiêu biểu của 3 miền, vừa là báu vật văn hóa – lịch sử, rất cần được gìn giữ, khơi dậy và quảng bá sâu rộng ở tầm cỡ quốc tế. Hơn thế, cần nhìn nhận bảo tàng nói chung chính là một nguồn lực quan trọng để gia tăng kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa và công nghiệp du lịch. Qua đó, các bảo tàng sẽ đem lại nguồn lợi không nhỏ cho quốc gia và xã hội trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục cho đến bang giao quốc tế. 

Phúc Tiến