Khoảng hơn tuần trước ngày tốt nghiệp thiếu úy (28/11/1964), các sinh viên sĩ quan (SVSQ) Khoá 19 chúng tôi được thông báo hai Binh Chủng Tổng Trừ Bị là Nhảy Dù (ND), Thuỷ Quân Lục Chiến (TQLC) sẽ đến thuyết trình và tuyển mộ một số tân thiếu uý tại phòng chiếu bóng Lê Lợi, SVSQ nào muốn về hai Binh Chủng này thì đến tham dự.

Phòng chiếu bóng có sức chứa hơn 350 người, nhưng chúng tôi đã phải đứng chen chân nhau. Sau khi ND thuyết trình và chọn xong 25 người thì đến TQLC do hai Đại Úy Đỗ Kỳ và Phạm Văn Chung, hai ông nói TQLC cần tuyển mộ 30 tân thiếu úy, ai tình nguyện thì dơ tay lên.

Cả phòng nhất loạt dơ tay lên khiến hai ông TQLC mỉm cười với vẻ hãnh diện, nhưng tim tôi thì đập nhanh, lòng hồi hộp lo âu: “Làm sao chiếm được một chỗ đây?” Vì khi đi trình diện nhập K19 trường Võ Bị, tôi đã mang theo một mũ xanh TQLC rồi.

Mũ beret xanh này tôi xin của anh rể tôi, chồng chị Tô Thị Thảo, tức anh Nguyễn Duy Xướng. Anh “tốt nghiệp” quân trường Đền Sùng, tỉnh Kiến An (Bắc Việt, 1954), là Commando Nord Viet-Nam, sau khi di cư vào Nam năm 1954 thì đổi thành TĐ1/TQLC. Với thâm niên quân vụ như thế, huy chương đỏ ngực, sẹo đầy người, 7 lần thăng cấp, anh là thần tượng của tôi nên tôi đã “chọn” TQLC khi gia nhập Trường Võ Bị Quốc Gia.

Tiếng loa của Đại Úy TQLC kéo tôi về thực tế:

– TQLC chúng tôi chỉ chọn có 30 thiếu úy, nay các anh tình nguyện đông quá! Vậy chúng tôi cho bốc 60 lá thăm vòng sơ tuyển, sau đó chúng tôi sẽ chọn lấy 30 trong số 60 người bốc trúng thăm theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Vụ bốc thăm này mới hào hứng làm sao! Tôi may mắn bốc được 1/60 lá thăm, coi như đã đi được nửa đoạn đường, nhưng khi thấy những đồng khoá bốc được thăm vòng sơ tuyển toàn là những người cao lớn, tôi lo âu về chiều cao của mình. “Cùng tắc biến”, tôi kín đáo độn nhiều giấy vào gót giầy, cao thêm phân nào thì hy vọng thêm phần ấy. Biết làm thế là vi phạm nội quy SVSQ “Cấm ăn gian nói dối”, nhưng “ăn gian”, khai gian tuổi để được nhập ngũ vào Binh Chủng chiến đấu thì “chưa hẳn” là điều đáng trách.

Khi hai ông TQLC bắt 60 thiếu úy K19 bốc được thăm đứng sát lưng vào tường theo thứ tự từ cao xuống thấp để các ông chọn thì người đứng thứ tự thứ 30 là Nguyễn Chí (tục danh Chí Trắng, Chí Sịa), dù đã độn gót giày, Tô Văn Cấp tôi vẫn bị lọt vào số 31. Thế có nghĩa là tôi sẽ không được chọn, tôi thất vọng muốn khóc, ứa nước mắt khóc thật.

Đại Úy TQLC Phạm Văn Chung đã chọn được 29 người rồi, chỉ còn một chỗ cuối cùng nữa thôi, ông dừng lại trước mặt Chí Trắng rồi liếc nhìn sang tôi ra điều suy nghĩ. Tôi hồi hộp thất vọng, máu dồn lên mặt, nên mặt tôi đã đen lại càng đen thêm. Tôi gập cằm 3 ngấn, mắt trợn trừng nhìn thẳng vào ông TQLC, nhưng kín đáo cố nhón gót chân lên thêm chút nữa. Rồi có lẽ chiều cao hai thằng “ngang nhau”, Chí Trắng dáng thơ sinh, còn tôi có nước da “hồng quân”, trông bậm trợn, nặng ký hơn nên Đại Úy TQLC Phạm Văn Chung chọn tôi, Ông ghi tên vào sổ “phong thần” TQLC.

Đại Đội H/K19 (12/1962): Hàng đứng sau cùng là Nguyễn Chí (Chí Trắng) – người đã bị tôi dành mất chỗ về TQLC. Chí đã đi rồi!

Thật là hãnh diện, việc đầu tiên tôi làm là chiều hôm đó, tôi đội mũ beret xanh TQLC khi đi tập diễn hành mãn khoá, hậu quả là ông sĩ quan cán bộ T.M.D. – người có 10 năm thâm niên ở lại quân trường sau khi tốt nghiệp thiếu uý – quát nạt đòi cho tôi ra trung sĩ vì cái tội đội mũ xanh thay vì mũ beret SVSQ! May mà có “Thuỷ Thần Mũ Xanh” cứu.

Năm 2003, Khoá 19 Võ Bị họp đại hội tại Seatle, Washington, tôi gặp Nguyễn Chí, tức Chí Trắng, hắn nói:

– Hồi TQLC chọn, tao xếp hàng thứ 30 chiều cao, còn mày hàng thứ 31, tao trắng, mày đen, nhưng vì mày ăn gian chiều cao nên tao bị loại, không được về TQLC.

– Nhờ bị loại nên nay mày mới còn đây, nếu không thì mày theo thằng Kháng rồi.

Không riêng Võ Bị, khoá sinh các quân trường Thủ Đức, Quang Trung, Đồng Đế đều mê TQLC. TQLC đến nơi nào tuyển mộ thì khóa sinh tranh nhau tình nguyện, cho dù “sống hùng sống mạnh, nhưng không sống lâu”, vừa trình diện đơn vị thì đã tử trận!

Sau 15 ngày phép mãn khoá, chúng tôi đến Bộ Tư Lệnh (15 Lê Thành Tôn, Sàigòn) trình diện Trung Tá Tham Mưu Trưởng TQLC. Ông niềm nở đón tiếp chúng tôi, sau vài lời giáo huấn răn đe, ông phân chia các tân thiếu uý về 5 tiểu đoàn tác chiến theo thứ tự:

TĐ1: Trương Đình Khánh1, Lâm Văn Minh1, Nguyễn Văn Sự, Nguyễn Tiến Tấn, Nguyễn Thừa1 (5 người).

TĐ2: Vũ Đoàn Dzoan, Trần Văn Hợp1, Trần Văn Thuật, Trần Phú Tỉnh (4 người).

TĐ3: Hoàng Đôn Tuấn, Nguyễn Trọng Thăng1, Nguyễn Văn Trọng1, Đinh Long Thành1, Phạm Văn Nhậm1, Trịnh Xuân Mão1 (6 người).

TĐ4: Võ Thành Kháng1, Nguyễn Văn Hùng1, Thái Bông1, Trần Vệ, Đỗ Hữu Ái1, Hồ Ngọc Hoàng1, Nguyễn Văn Hạnh1 (7 người).

TĐ5: Lê Quý Bình, Trần Xuân Bàng1, Tô Văn Cấp, Trần Văn Chích1, Đàm Đình Loan1, Phạm Thanh Quang, Huỳnh Văn Phú (7 người).

(Vũ Cao Phan được Lạng Sơn chỉ định học Không Trợ, rồi Phan về Không Quân luôn.)

Ngoài ra còn một người học Khoá 19 Võ Bị cùng về TQLC là Phạm Hiệp Sĩ. Sĩ học giỏi, nhưng ra trường sớm vì lý do “coi trời bằng vung”. Sĩ ra SĐ22BB rồi thuyên chuyển qua BĐQ, sau cùng tìm về TĐ4/TQLC. Tháng 6/1969, TĐ2 và TĐ.4 hành quân vùng Chương Thiện. Buổi sáng trước khi xuất phát, Phạm Hiệp Sĩ mời chúng tôi gồm Cấp, Dzoan và Hợp vào chợ Hoả Lựu ăn sáng, Sĩ mở nắp bidon, đưa cho chúng tôi mỗi thằng một chút cay cay và nói:

– Tao với 3 thằng mày cùng khoá nhưng khác chìa, nên tao mời tụi bay…

Nếu hiểu theo ý Sĩ nói “cùng khoá khác chìa” thì Khoá 16 có anh Nguyễn văn Cảnh, Khoá 17 có anh Lê Văn Huyền, Khoá 18 có anh Phan Bát Giác và K19 là Phạm Hiệp Sĩ. (Phạm Hiệp Sĩ đã tử nạn sau 30/4/1975!)

Sau khi trình diện Bộ Tư Lệnh xong, các tiểu đoàn đến nhận và đưa các thiếu uý “sữa” ra chiến trường ngay. Riêng TĐ5 thì đưa chúng tôi về hậu cứ tại suối Lồ Ồ, Dĩ An, Thủ Đức để tiếp tục được huấn luyện, vì TĐ5 đang trong giai đoạn thành lập.

Chức vụ đầu đời binh nghiệp của tôi là Trung Đội Trưởng Trung Đội 43/ĐĐ4/TĐ5. Trung Đội Phó của tôi là Trung Sĩ Nhất Nguyễn Văn Lô1-người đã có 10 năm thâm niên quân vụ. Đại Đội Trưởng của tôi là Trung Úy Dương Bửu Long1, Khoá 9 Võ Khoa Thử Đức. Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Dương Hạnh Phước1.

“TQLC sống hùng, sống mạnh nhưng không sống lâu”

Mỗi khi anh em chúng tôi tự hào về 4 chữ TQLC thì cũng tự hài với câu: “Sống hùng, sống mạnh nhưng không sống lâu” rồi cười với nhau cho thêm vui, nhưng đó lại là sự thật đau lòng mà những người ngoài Binh Chủng TQLC khó có thể tưởng tượng được. Có biết bao Cọp Biển vừa về trình diện đơn vị thì đã ra người “thiên cổ”!

Ngày 30/12/1964, khi TĐ5 chúng tôi đang thực tập hành quân tác chiến trong rừng, dưới chân núi Châu Thới thì được lệnh cấp tốc trở về doanh trại để tiếp viện cho TĐ4 đang đụng nặng tại Bình Giả. Nhưng chưa kịp tiếp viện thì chuyện đã xong rồi, TĐ4 bị thiệt hại nặng nề với 112 tử trận, trong đó có Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Nho, Đại Úy Tiểu Đoàn Phó Trần Văn Hoán, Bác Sĩ Tiểu Đoàn Trương Bá Hân. Riêng 7 thiếu uý Khoá 19 mới trình diện thì Thủ Khoa Võ Thành Kháng và Nguyễn Văn Hùng tử trận, 5 người còn lại thì bị thương hết.

Sau 2 năm dùi mài kinh sử, tốt nghiệp ngày 28/11/1964, Thiếu Úy Võ Thành Kháng hãnh diện được Đại Tướng Nguyễn Khánh – đại diện Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu – trao cung kiếm thủ khoa, nhưng hãnh diện hơn nữa là Kháng và Hùng được “sống hùng sống mạnh” với TQLC được 15 ngày thì tử trận ngày 31/12/1964. (Cũng tại trận Bình Giả, người bạn cùng phòng trong quân trường với tôi là Thiếu Úy Nguyễn Thái Quan TĐ30 BĐQ, đã tử trận ngày 28/12/1964.)

 Các bạn tôi ra đơn vị chiến đấu chưa đầy 2 tuần thì đã hy sinh ở tuổi 20! Nhưng với TQLC thì đó chưa phải là những người tử trận sớm nhất và trẻ nhất. Thực tế chứng minh sau này còn rất nhiều người như thế. Thằng em Vũ Văn Hùng chưa đủ tuổi nhập ngũ thì lấy khai sinh của thằng anh là Vũ Văn Tuấn đi lính để được hãnh diện trên cổ tay có hàng chữ “TQLC Sát Cộng”. Bỗng một ngày kia, hậu cứ báo cho chị cả và anh rể của tôi là Vũ Văn Keng đi nhận xác con “Vũ Văn Tuấn” tức Hùng! Hùng tử trận ở tuổi 17! Hai năm sau, 1972, thằng anh Vũ Văn Tuấn ở TĐ4/ TQLC, dưới thời Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Trần Xuân Quang, tử trận và mất xác ở tuổi 19 tại Quảng Trị.

Các bạn Kháng, Hùng K19/TQLC, Nguyễn Thái Quan K19/BĐQ tử trận khi vừa ra đơn vị thì có những bạn K19 chúng tôi “tử trận” khi chưa nhận đơn vị.

Trước khi làm lễ tốt nghiệp thiếu uý, K19 chúng tôi phải đi học Khoá Rừng Núi Sình Lầy (RNSL) 6 tuần lễ ngày đêm tại trung tâm huấn luyện BĐQ Dục Mỹ, một trung tâm mà bất cứ quân nhân nào được về đây học đều biết đó là trung tâm “tàn phá sắc đẹp”.

Chiều tối ngày 22/10/1964, chúng tôi học và thực tập bài “tấn công đêm”, mục tiêu là Hòn Khô và rồi trong đêm thực tập ấy đã xảy ra tai nạn đau thương khiến 14 người bị thương, 6 tử thương “thật” trên chiến trường “giả”, đó là các Thiếu Uý: Phan Thừa, Lê Quang Trị, Nguyễn Thế Long Trọng, Bùi Thình Túc, Nguyễn Khắc Vũ, Bùi Quang Vực!

Khởi đầu là thế nên đường binh nghiệp của chúng tôi vất vả vô cùng. Khi chúng tôi về TQLC thì các đàn anh Khoá 16, K17 ra trường trước đó 2 năm vẫn còn là đại đội trưởng thì bao giờ mới tới phiên chúng tôi đây? 

Khi chúng tôi mang cấp bậc Đại Úy thâm niên 3 năm vẫn còn là đại đội trưởng, rồi tử thương, trọng thương, bị loại khỏi cuộc chiến 90%. Vì thế K19 ra trường năm 1964, tác chiến liên tục tới năm 1972 mới chỉ có một người được làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2, đó là Thiếu Tá Trần Văn Hợp và rồi Trâu Điên Trần Văn Hợp lại tử nạn trong ngục tù CS!

Còn một người nữa được làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4 vào tháng 3/1975, đó là Thiếu Tá Đinh Long Thành. Thành nhận chức Tiểu Đoàn Trưởng vào “giờ thứ 25”, chưa biết mặt các trung đội trưởng thì tan hàng tại bãi biển Thuận An 27/3/1975!

Ngày 23/11/1962, một đoàn trai 412 người hăm hở lên đường nhập trường Võ Bị, sau 2 năm quân trường, ngày 28/11/1964 có 391 thiếu úy tốt nghiệp thì chỉ có 30 người được chọn về Binh Chủng TQLC sau khi phải qua hai giai đoạn khó khăn là bốc được 1/60 lá thăm rồi tới màn so tài “cao thấp” mới được chọn về Binh Chủng TQLC.

Phục vụ trong Binh Chủng Tồng Trừ Bị kể từ ngày đó, chúng tôi rong ruổi khắp 4 vùng chiến thuật, đồng đội tôi đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt, mất một phần thân thể và gục ngã trên các địa danh Gio Linh, Bến Hải, Đông Hà, Cửa Việt, Quảng Trị, Huế, Thừa Thiên, Phong Điền, Mộ Đức, Quảng Ngãi, Ba Gia, Tam Quan, Bồng Sơn, An Quý, Quy Nhơn. Bình Định, thung lũng An Lão, đầm Trà Ổ lên Cao Nguyên Kontum, Tân Cảnh, Dakto, Đức Cơ, Pleiku, Chiến Khu D, Bời Lời, Hố Bò, Mây Tàu, Bình Giả, Mũi Cà Mau, Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Rạch Ruộng, Chương Thiện Phụng Dư, U Minh Thượng Hạ, tràn cả sang Camphuchia, Hạ Lào. Nơi nào có súng nổ, máu đổ là có TQLC.

Chúng tôi vẫn còn mong tiến bước, nhưng sau 13 năm lính thì bị gãy súng theo vận nước suy vong, bị đưa tay vào còng “Bắc tiến”, qua các miền rừng núi âm u, hơn 10 năm trong ngục tù “xã hội chủ nghĩa”, rồi tiếp theo 30 – 40 năm xa quê hương, sống đời tị nạn!

Các bạn K19/TQLC của tôi nhiều người đã đi rồi, ai còn ở lại đang thở không khí tự do thì đã trên 80 cả rồi, hành trang đã sẵn sàng, khi nào Tư Lệnh Lạng Sơn gọi “trình diện” thì lên đường, “nhanh chóng” lên đường nhận nhiệm vụ mới. Xưa 100 đồng khoá đã tử trận trong chớp mắt ở độ tuổi 20 – 30 không “đau đớn” thì nay ở cái tuổi 80 nếu được ra đi bình an, không “rên la” là một niềm hạnh phúc. Những người lính già không khóc trên giường bệnh, không sợ chết, nhưng lại sợ là gánh nặng cho gia đình, cho người thân yêu.

Đường binh nghiệp của K19VB/TQLC chúng tôi chậm đường tiến bước, nhưng không hối tiếc mà mãi mãi chúng tôi vẫn hãnh diện là một TQLC. TQLC hấp dẫn không phải huy chương, cấp bậc hay bộ quân phục rằn ri bên em dạo phố, mà là tình huynh đệ ngoài chiến trường, khi súng nổ, không cần ai hô, ai hét, chỉ cần liếc mắt nhìn nhau là cùng xung phong phóng tới.

Niềm vui và hạnh phúc cuối đời là tôi còn trí nhớ, còn viết được tên đồng đội, đồng môn, đồng khoá lên những trang giấy tuyển tập “Huynh Đệ Chi Binh Thuỷ Quân Lục Chiến” này.

Khoá 19 Võ Bị

Các “Hung Thần” cho khoá sinh chùm poncho chạy dưới nắng hè

Nhân nói về Khoá 19 phục vụ trong Binh Chủng TQLC, chúng tôi xin lướt qua vài chi tiết về Khoá 19 Trường Võ Bị Quốc Gia (thường quen gọi là Đà Lạt).

Như tôi đã nói ở trên, ngày mà hai Đại Úy Đỗ Kỳ và Phạm Văn Chung lên Đà Lạt tuyển mộ 30 thiếu uý K19 về TQLC thì có tới hơn 300 thiếu úy đưa cao tay tình nguyện. Nếu như hai ông gật đầu nhận hết thì K19 chúng tôi đều là “Huynh Đệ Chi Binh TQLC”.

K19 chúng tôi nhập trường ngày 23/11/1962 với sĩ số là 412, thời gian học tập và huấn luyện 4 năm. Khởi đầu là những tuần huấn nhục, bị lột xác bởi các hung thần Khoá 17, các ông hành hạ chúng tôi ngất xỉu, không dám nghĩ tới đoạn đường khổ ải còn dài thêm 4 năm nữa. Nhưng bất ngờ Bộ Tổng Tham Mưu cho lệnh rút ngắn thời gian huấn luyện xuống còn 2 năm vì nhu cầu chiến trường khiến chúng tôi như mở cờ trong bụng. Vào thời điểm này 11/1962, hai Khoá 16 và Khoá 17 đã thụ huấn hơn 3 năm nên được tốt nghiệp ra trường ngay. Khoá 16 tốt nghiệp  ngày 22/12/1962, có 10 thiếu úy về TQLC. Khoá 17 tốt nghiệp ngày 30/3/1963, có 12 thiếu úy về TQLC.

Ngày 28/11/1964 mãn khoá với 391 thiếu úy hăm hở ra chiến trường. Chiến trường sôi động nên tất cả chúng tôi 100% trình diện các đơn vị tác chiến như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thuỷ Quân Lục Chiến và các Sư Đoàn Bộ Binh. Những chàng trai tuổi đời đôi mươi vốn “khát khao gió mưa cùng nguy hiểm”, vừa ra chiến trường thì tin thắng trận dồn dập dội vể quân trường, các anh được huy chương, nhưng cũng nhiều anh nhanh chóng được truy thăng, sớm trở lên người thiên cổ!

Đầu tiên là Thiếu Úy Nguyễn Thái Quan TĐ30/BĐQ tử trận tại Bình Giả ngày 28/12/1964 (đúng 1 tháng sau ngày ra trường)! Thủ Khoa Võ Thành Kháng, Nguyễn Văn Hùng TĐ4/TQLC tử trận tại Bình Giả ngày 31/12/1964 khi các bạn chưa được lãnh lương!

“Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì … mà hãy hỏi mình…”

Vâng, Tổ Quốc Việt Nam, Quân Trường Võ Bị đã đào tạo chúng tôi thành những quân nhân, nhiệm vụ tuy chưa thành công, nhưng đã thành danh, đã là lính chiến “phải có danh gì với núi sông”, sử xanh đề tên:

– Trước khi gắn lon, 6 bạn K19 tử nạn khi huấn luyện Rừng Núi Sình Lầy Dục Mỹ!

– Trong khi chiến đấu, 100 bạn K19 tử trận trên mọi chiến trường!

– Sau khi gãy súng, 11 bạn K19 tử nạn trong ngục tù CS, trong đó có 4 người bị tử hình là Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Khánh, Trần Văn Bé, Phạm Văn Tư.

Những bạn còn lại thì 90% là thương binh, phế binh!

Sau 13 năm cầm súng trên khắp các chiến trường, rồi theo vận nước, trải qua hằng chục năm trong ngục tù CS với những cái chết đau thương rồi tha phương tị nạn “cày cuốc” hằng mấy chục năm trời, nay đã bước qua tuổi 80 thì cứ việc rong chơi, lạc quan với những ngày còn lại chỉ là “bonus”. Rồi cũng tới ngày, người trước, người sau, thay nhau tiến chiếm mục tiêu cuối cùng, nhiều lúc “ham vui” lại rủ nhau cùng đi cho có bạn có bè. Chỉ trong tuần lễ cuối cùng của tháng 3/2023, cái tháng đau buồn của 48 năm về trước (3/1975), các bạn BĐQ Lê Văn Chiểu, TQLC Đỗ Hữu Ái, BB Lâm Vạn Niên, BĐQ Trương Văn Lâm cùng rủ nhau về chốn bình an!

Thôi nha.

Khoan khoan chớ vội các chàng ơi!

Tính đến nay 3/2023, tồng số K19 thuyên chuyển về “Quân Khu V” đã lên tới 222, trong đó có những Thủy Quân Lục Chiến sau đây:

1. Đỗ Hữu Ái, sinh 1938 từ trần 4/2023 tại Houston TX.

2. Trần Xuân Bàng, sinh 1940, từ trần 4/2009 tại Nam CA.

3. Trần Văn Chích, sinh 1940, tử trận 12/1967 tại Rạch Ruộng.

4. Nguyễn Văn Hạnh, sinh 1938, từ trần 5/2015 tại Nam CA.

5. Hồ Ngọc Hoàng, sinh 1942, tử trận 3/1975 tại Đà Nẵng.

6. Trần Văn Hợp, sinh 1942, tử nạn trong tù CS năm 1978 tại Yên Bái.

7. Nguyễn Văn Hùng, sinh 1945, tử trận 1/1965 tại Bình Giả.

8. Võ Thành Kháng, sinh 1940, tử trận 1/1965 tại Bình Giả.

9. Trương Đình Khánh, sinh 1938, từ trần 3/2016 tại Missouri.

10. Đàm Đình Loan, sinh 1941 từ trần trong tù 7/1977 Bắc Việt.

11. Trịnh Xuân Mão, sinh 1940, từ trần 1/2022 tại VN.

12. Lâm Văn Minh, sinh 1942, từ trần 3/2018 tại Bắc CA.

13. Phạm Văn Nhậm, sinh 1940, từ trần 2/2015 tại Nam CA.

14. Phạm Hiệp Sĩ, sinh 1942, tử nạn 1989 tại VN,

15. Đinh Long Thành, sinh 1941, từ trần 12/2020 tại Nam CA.

16. Nguyễn Trọng Thăng, sinh 1943, từ trần 1980 tại Bắc CA.

17. Nguyễn Thừa, sinh 1941, tử trận 1/1970, tại Chương Thiện.

18. Nguyễn Văn Trọng, sinh 1938, tử trận 4/1967 tại Bồng Sơn.

Hiện nay chúng tôi không liên lạc được với Vũ Đoàn Dzoan, Trần Văn Thuật, Hoàng Đôn Tuấn.

Các bạn còn lại: Lê Quý Bình (Pháp), Nguyễn Văn Sự (Pháp). Huỳnh Văn Phú (Philadelphia), Trần Phú Tĩnh (Houston), Phạm Thanh Quang (Houston), Trần Vệ (CA), Nguyễn Tiến Tấn (CA), Tô Văn Cấp (CA). ⬛

CA, ngày 6 tháng 4/2023


1 Đã tử trận hay từ trần từ trần tính đến ngày viết bài này (25/4/2023)