“Huynh Đệ Chi Binh” TQLC.

Tô Văn Cấp

Anh em trong nước gửi cho tôi một số hình ảnh các anh em đi viếng lăng mộ, hài cốt, di ảnh của các cấp chỉ huy và đồng đội đã ra đi và cũng cho biết tin tức về những ai còn thở sống thế nào, ở đâu, tại sao? Nghĩa cử này giống như lời của bài hát: “Sống chết có nhau là huynh đệ chi binh”.

Tôi xin dùng nội dung những điện thư này thay cho lời tựa của tuyển tập:

“Huynh Đệ Chi Binh” TQLC

                                                ***

Điện thư của vuvantam11101xxx@gmail.com gửi ngày 21/9/2022

To: CAP TO

Kính gửi anh Cấp

 Hôm nay em và một số anh em ở TĐ2/TQLC đến thăm hài cốt của Niên Trưởng (NT) Hà Nội Trần Văn Hợp, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ.2, NT Hà Tiên Nguyễn Hữu Hào, tức ông già M72. Trước đó chúng em cũng đã đến chùa kính viếng hài cốt NT Tr/Tá Huỳnh Văn Lượm.

 Em gởi anh 5 tấm hình: Một tấm hũ cốt của Anh Trần Văn Hợp, một tấm anh em đứng trước cửa phòng “Vãng Sanh Cực Lạc”, một tấm trong phòng hài cốt với mâm trái cây, nhang đèn và trên đó chúng em để tấm biển: “Kính Tưởng Nhớ NT Hà Nội-819”.

Một tấm chúng em đứng nghiêm chào di ảnh NT Hà Tiên-Ông Già M72.

Một tấm chúng em đứng nghiêm chào hũ hài cốt NT Long Lễ Huỳnh Văn Lượm

 Các bạn này ở các đại đội thuộc TĐ.2, và TĐ.9. Người mặc áo xanh là Th/Sĩ Oánh, Ban 1 TĐ.2, còn những người kia anh không biết đâu vì họ về TĐ.2 sau ngày anh bị thương.

Em liên lạc được một số anh em ĐĐ.1 của mình: Anh Ba Chiêm hiện bị bệnh nặng, Tr/Sĩ Tất vẫn ở Tam Hà, Tám Già ở gần trại Chương Dương, riêng Th/Sĩ Nguyễn Văn Cương, Thường Vụ Đại Đội thì em không biết anh ấy ở đâu cả. Hai cận vệ của anh là H/Sĩ Đường và Hợi cứu được cố vấn Mỹ trong trận Bời Lời, Đường được thưởng huy chương Mỹ bronzer-star, nhưng Đường đã tử trận sau khi anh bị thương, còn Hợi thì lâu rồi em không nghe tin tức.

Năm trước em có nhận được số tiền do các thẩm quyền bên đó gửi về để trao cho gia đình Tr/Sĩ Trần Tráng ĐĐ.1 khi anh ấy mất, em đã đến thăm, chia buồn và trao cho gia đình anh Tráng, em đã báo việc này cho hai anh Huỳnh Vinh Quang và Kiều Công Cự biết rồi.

Em có đọc được những bài viết của anh rất hay, ý nghĩa và chính xác. Hạ Sĩ 1 Nguyễn Văn Thà, mang máy C25 cho anh, hy sinh trong trận Bời Lời. Thắng Con, vác băng ca cũng đã mất. Tám Tôn, thư ký ĐĐ.1, quê ở Lái Thiêu, Hạ Sĩ Thu, tài xế của anh, ở Tam Hà, nhưng lâu rồi em không gặp. Xin anh kể lại những kỷ niềm buồn vui ở ĐĐ.1/TĐ.2 thời em mang máy cho anh

                                                Kính anh

Em Tám Nhót.

Hũ cốt của Th/Tá Trần Văn Hợp TĐT/TĐ.2 TQLC, tử nạn trong trại tù Hoàng Liên Sơn, hưởng dương 37 tuổi)

(Vũ Văn Tám và đồng đội đứng nghiêm chào di ảnh NT Hà Tiên Nguyễn Hữu Hào)

Vũ Văn Tám cùng đồng đội nghiêm chào hũ hài cốt của NT Long Lễ Huỳnh Văn Lượm. NT Long Lễ tử nạn trong trại tù Z30D Xuân Lộc

Điện thư của dongtrieuxxx@gmail.com gửi ngày 28/9/2022:

To: CAP TO

Anh Cấp kính mến.

Em gửi cho anh hình anh em gia đình Trâu Điên VN đi thăm lại Chiến trường xưa.

Năm 2017, Trên đường ra Cổ Thành Quảng Trị, theo sự hướng dẫn của Thượng Sĩ Trần Sơn, chúng em đã vào dâng hương trên những gò đất, nơi Trung Tá Lê Hằng Minh đã nằm lại vĩnh viễn cùng 41 thuộc cấp tại chiến trường Phò Trạch, Huế trong trận chiến ngày 29/6/1966. Hơn 50 năm rồi nhưng nơi này cảnh vật như vẫn còn hùng khí của trận chiến. Nhìn những gò đất (sau lưng tấm hình) mà chúng em cứ tưởng là những nấm mồ của Trâu Điên đã hy sinh.

 Hình gia đình Trâu Điên VN thăm viếng chiến trường xưa nơi Trung Tá Lê Hằng Minh tử trận năm 1966

 

Trái -> phải: 1) Thượng Sĩ Nguyễn Đăng Thọ, Thường Vụ Đại Đội 2/TĐ2. 2) Trung Sĩ Nhất Lưu Văn Ngà, Trung Đội Phó TrĐ36/ĐĐ4/TĐ2. 3) Đông Triều, Trung Đội Trưởng TrĐ27/ĐĐ4/TĐ2. 4) Thượng Sĩ Trần Sơn, Thường Vụ ĐĐ4/TĐ2. 5) Nguyễn Văn Oanh, ĐĐ Chỉ Huy TĐ2. 6) MX Vương Công Danh, Trung Đội 18/ĐĐ4/TĐ2. 7)Thượng Sĩ Bùi Văn Rơi, Thường Vụ ĐĐ5/ TĐ 2 (đứng trước Vương Công Danh). 8) MX Trần Minh Hùng, Trung đôi 21/ĐĐ5/TĐ2. 9) MX Nguyễn Văn Hùng, Trung Đôi 27/ĐĐ4/ TĐ2. 10) Trung Sĩ Võ Văn Phúc,Trung Đội 27/ĐĐ4/TĐ2

Tháng 8/2022, chúng em cùng gia đình lại đến thôn An Dương, thăm lăng mộ “Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ” 132 tử sĩ mà Tồng Hội TQLC đã cho trùng tu. Trong nhóm chúng em có Th/Uý Trương Châu Huy, măc dù đang bệnh, sức khỏe rất yếu nhưng vẫn cố gắng vượt gần 1000 cây số từ Phan Thiết ra Thuận An đến thôn An Dương để thắp nhang cho Th/Tá Nguyễn Trí Nam, Tiểu Đoàn Phó TĐ4/TQLC, Đ/Uý Tô Thanh Chiêu ĐĐT/ĐĐ.3 cùng anh em Kình Ngư và đồng đội TQLC đã nằm lại tại bãi biển Thuận An vào những ngày cuối tháng 03/1975

Th/Uý Huy và TPB Hùm Xám

“Sống Chết Có Nhau Là Huynh Đệ Chi Binh”.

Điện thư hồi đáp của MX Tô Văn Cấp đến Đông Triều và Tám Nhót:

Anh đã nhận được tin tức và hình ảnh các chú (em) gửi qua.

Thú thật là anh nghẹn họng, ngồi im lặng thật lâu, thật lâu mà không tìm ra chữ nào diễn tả cho đúng, cho đủ việc làm đầy tình nghĩa của các anh em bên nhà, cuối cùng thì đành mượn lời ca bản nhạc “Huynh Đệ Chi Binh” của nhạc sĩ Anh Bằng đã diễn tả đúng, cả về thời gian lẫn không gian giữa cấp chỉ huy và thuộc cấp trong Binh Chủng TQLC.

Xưa, trên chiến trường, những Lữ Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Đội Trường, Trung Đội Trưởng, những Anh Năm Lê Hằng Minh, Anh Tư Trần Văn Hợp, Anh Tư Nguyễn Trí Nam, Anh Ba Tô Thanh Chiêu, Anh Hai Nguyễn Hữu Hào v.v.. đã sống chết với anh em, nay, sau 50-60 năm, anh em vẫn nhớ, vẫn đến dâng hương, hoa, và chào kính trước di ảnh, hài cốt, và trước cả những gò đất, nơi các anh đã đổ máu, đã hy sinh vì chúng ta, vì mọi người, đó là tình nghĩa anh em:

“Sống Chết Có Nhau Là Huynh Đệ Chi Binh TQLC”.

Những cấp chỉ huy của chúng ta, của anh, của các em, dù đã hy sinh hay còn tại thế, mà vẫn nhớ đến thuộc cấp đều là những người anh đáng kính.

Những trang sau tuyển tập Huynh Đệ Chi Binh này, anh sẽ kể cho các chú em nghe về các “anh bảy, anh sáu, anh năm, anh tư, anh ba, anh hai, anh một TQLC” mà anh được hân hạnh phục vụ dưới quyền, cùng chung chiến đấu hoặc có dịp tiếp xúc thân quen. Còn trang giấy này thì anh nhắc lại vài kỷ niệm với các chú (em), thay cho lời cám ơn.

 Thư hồi đáp của MX Tô Văn Cấp đến Đông Triều:

Anh đã nhiều lần liên lạc với Đông Triều nên biết chú là gạch nối giữa Mũ Xanh “hậu cứ” (trong nước) với Tổng Hội Trưởng Cam Ranh, Long Hồ, Trung Việt, Mũ Xanh hải ngoại để xây dựng, trùng tu khu lăng mộ An Dương, Thuận An, nơi an nghỉ của 132 chiến hữu TQLC. Tuy cách trở hằng ngàn cây số, nhưng các anh em vẫn thay nhau đến thăm viếng nhang khói, vẫn “sống chết có nhau” khiến người người nể phục.

Dân địa phương An Dương gọi nơi đây là: “Hiển Hách Chi Mộ”, một số thân hữu hải ngoại đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc với Tổng Hội với Đông Triều để tu bổ khu nghĩa trang, trong đó có Bà Tố Thuận, Bà Quả Phụ Quách Xuân Hương, cô Khôi An.

Bà Tố Thuận là người đã có tấm lòng nhân ái, vận động thân hữu tại hải ngoại để có tiền để cải táng và xây lăng mộ, Bà là người sinh sống từ nhỏ tại làng An Dương, nơi có phần mộ tử sĩ và bà đã chứng kiến qua các biến cố tang tóc vào cuối tháng 3/1075.

Bà quả phụ Quách Xuân Hương, cư dân San Diego, ngoài việc yểm trợ tài chánh cho TPB và tu bổ khu lăng mộ, bà còn về tận nơi để dâng hương hoa, nhang khói khấn vái các anh linh tử sĩ TQLC.

Năm 2021, Bà Xuân Hương viếng lăng mộ An Dương.

Tháng 8 năm 2022: Anh chị Khôi An và Sơn, cư dân Bắc California, người đã từng tích cực yểm trợ TPB, cũng đã về khu lăng mộ An Dương đế thể hiện lòng biết ơn của tuổi trẻ đối với chú bác TQLC. (Xem hình chụp ở trang sau)

Rất nhiều người Việt quan tâm quý trọng lăng mộ An Dương, vì thế, nhiệm vụ của TQLC (nói chung), của anh em Mũ Xanh trong nước (nói riêng), đối với An Dương rất quan trọng và lâu dài nên cần mọi người tiếp sức. Các thẩm quyền và đồng đội hải ngoại luôn tin tưởng Đông Triều và các Mũ Xanh trong nước, mỗi khi thấy cần thiết cho lăng mộ thì Đông Triều nên thông báo ngay cho Tổng Hội.

Anh chị Khôi An và Sơn đến thăm khu lăng mộ An Dương

Tổng Hội TQLC đã biết cách lo cho TPB của mình nên được mọi quân nhân tích cực đóng góp vào Quỹ Thương Phế Binh, coi đó là bổn phận chứ không phải những người làm ơn (ân nhân), và được các thân hữu tin tưởng tiếp tay.

Tổng Hội sẽ luôn tiếp tay với các anh em trong nước để lo cho khu lăng mộ “Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ”, vì các em có lòng thành.

Chúc Đông Triều và các anh em trong nước luôn bình an, mạnh khoẻ để đường trường xa về An Dương nhang khói “Sống Chết Có Nhau Là Huynh Đệ Chi Binh”.

TÁM NHÓT VŨ VĂN TÁM

Nhắc về đơn vị cũ chiến trường xưa, dù trung đội, đại đội hay tiểu đoàn, cấp chỉ huy thường quên tên và ít nhớ những kỷ niệm với thuộc cấp, nhưng các quân nhân trong đơn vị thì nhớ rõ người chỉ huy của mình là ai, tính tình ra sao, nếu quá khứ đẹp thì gọi tên, kể lại kỷ niệm cũ với thái độ mến phục, ngược lại thì… làm thinh.

Tám Nhót đến kính viếng hài cốt và di ảnh của các NT Long Lễ, Trần Văn Hợp, Nguyễn Hữu Hào, vì họ là những cấp chỉ huy đáng kính.

Tám Nhót gửi lời chào, nhắc đến tên các “Uý” Lâm Tài Thạnh, Huỳnh Vinh Quang, Kiều Công Cự, Trần Thành Nghĩa, Nguyễn Văn Ngộ v.v.. đó là cái đẹp của tình huynh đệ. Vậy thì anh cũng kể lại những kỷ niệm vui buồn với các chú (em) suốt trong thời gian gần 3 năm anh coi ĐĐ,1/TĐ.2.

Khoảng giữa năm 1967, khi TĐ.2 hành quân vùng Xuân Trường, Dương Liễu, Bình Định, anh đang là ĐĐP/ĐĐ.4 cho Tr/Uý Trần Văn Hợp thì được lệnh của Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn sang làm ĐĐP/ĐĐ.1 cho Đ/Uý Nguyễn Kim Đễ. Những ngưởi đầu tiên anh gặp trong Ban Chỉ Huy ĐĐ.1 là Thượng Sĩ Cương thường vụ, hai người mang máy C25 là Thà và Tám, sau đó anh lên coi ĐĐ.1 khi anh Đễ lên làm Tiểu Đoàn Phó TĐ.2. Anh hỏi tính nết hai người mang máy thì anh Đễ căn dặn:

-Thà và Tám đều thông minh lanh lợi, nhưng chú coi chừng thằng Tám, nó ưa nhảy nhót nên anh mới đặt cho nó cái biệt danh là “Tám Nhót”.

Cho đến nay- 10/2022, anh không còn nhớ Vũ Văn Tám là ai, nhưng anh nhớ đại đội mình có ba người tên Tám: Tám Già (vác đại liên 30), Tám Tôn (thư ký đại đội) và Tám Nhót. Tám Nhót mang máy liên lạc với các trung đội nên sát cánh với anh nhất, gần như ăn cùng gà-men, ngủ cùng lều, ngồi chung một hố suốt gần 3 năm trời, nên anh em mình biết nhau nhiều, biết cả những chuyện tình kín đáo của nhau.

Trong email gửi ngày 21/9/2022, chú nói:

-“Em có đọc các bài viết của anh, hay, ý nghĩa và chính xác như việc HS1 Thà hy sinh, chuyện HS1 Đường cứu cố vấn Mỹ được huy chương, chuyện trận Kinh Cái Thia Tr/Uý Chính tử trận v.v.. Xin anh viết tiếp.”

Chú Tám Nhót thân:

Chú nói anh viết tiếp, vậy thì anh sẽ nhắc lại những tấm gương sáng, anh dũng chiến đấu, và hy sinh của các Hạ Sĩ Quan (HSQ) và Binh Sĩ (BS) trong Đại Đội 1 của mình mà anh còn nhớ, em cũng cần nhắc thêm những kỷ niệm mà anh quên. Những kỷ niệm buồn vui mà anh em mình kể cho nhau nghe xin được xem như những nén nhang dâng lên anh linh các đồng đội đã khuất, xem như lời thăm hỏi chân thành chúc sức khoẻ đến các đồng đội năm xưa. Hãy cùng nhau lưu lại những ký ức đang đi dần vào quên lãng, vì chúng ta đã phân tán khắp nơi, hay âm dương cách biệt không bao giờ còn được gặp lại nhau nữa.

Có biết bao nhiêu kỷ niệm để nhắc và nhớ, nhưng anh không biết bắt từ đâu, theo thứ tự nào, thôi thì nhớ đâu nói đó, dựa theo email chú gửi ngày 21/9/2022, trong đó có nhắc đến, Tr/Sĩ Trần Tráng, H/Sĩ Hợi và Đường, Thà và Tha trong trận Bời Lời (Hố Bò) ngày 17/9/1968, tức là những sự việc xảy ra cách nay đúng 54 năm 4 ngày.

***

TRUNG SĨ TRẦN TRÁNG, HẠ SĨ ĐƯỜNG, VÀ HẠ SĨ HỢI TRONG TRẬN HỐ BÒ

Sáng ngày 17/9/1968, TĐ.2/TQLC nhảy trực thăng vào mật khu Bời Lời, Hố Bò, Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn cho ĐĐ.4 của Đ/Uý Dzoan nhảy trước, còn ĐĐ.1 của mình nhảy sau cùng, vì 2 ngày trước đó (14-15/9), mình đã đụng nặng ở Cầu Khởi rồi. Nhưng khi trực thăng đang bay đến thì bất ngờ bãi bốc ĐĐ4 bị pháo kích nên buộc lòng Đồ Sơn phải thay đổi thứ tự, cho trực thăng bốc anh em mình đi trước, rồi tới ĐĐ.3. Khi trực thăng vừa đổ quân mình xuống bìa rừng là bị đụng ngay, ĐĐ.1 và ĐĐ.3 phải chiến đấu cho tới sáng ngày hôm sau (18/9) thì cánh A của Đồ Sơn mới xuống được.

Anh sẽ không nhắc lại trận đánh, mà chỉ nhắc lại trường hợp của Tráng, Đường, Hợi.

Khi vừa đổ quân xuống, Cố vấn Captain White bị thương, Lt Joe Bargerstock đến thay, nhưng trực thăng chở Joe đến bị phòng không bắn trúng, Lt Joe bị thả vội xuống nên lạc vào tuyến địch, trực thăng trúng đạn nổ, phi hành đoàn tử nạn.

Lệnh từ cấp trên, theo yêu cầu của cố vấn Mỹ, mình phải cấp tốc đi tìm cho bằng được Lt Joe. Thật là khó trong khi hai bên đang đối đầu, thi nhau nổ thì biết tìm Joe chỗ nào, làm sao tránh khỏi quân mình chết. Đồ Sơn nhắc khéo cẩn thận, đừng giống “Bắc Bình-Gay Go” (Bình Giả), anh hiểu ý Đồ Sơn nên anh cứ chần chừ suy nghĩ cách đề “câu giờ”. Thà cũng lo lắng dùng ống nhòm quan sát và bất ngờ phát giác ra chỗ Lt Joe ẩn núp trong bụi cỏ trước tuyến VC giúp anh thở phào.

Như chú đã biết, anh đang bối rối tìm cách gỡ thì Đường và Hợi tình nguyện bò ra cứu Joe, Tr/Sĩ Trần Tráng cũng tình nguyện dẫn theo một tiểu đội yểm trợ. Cảm phục đàn em tình nguyện vào chỗ chết đế cứu “đồng đội” nên anh cho tất cả M60 và M79 của đại đội tập trung tác xạ vào tuyến địch, xả láng tối đa đạn Mỹ cứu cố vẫn Mỹ để giảm thiểu thương vong anh em mình. May mắn Đường Hợi đã cõng được Joe về, anh ta bị bắn rách nách trọng thương, toán Tr/Sĩ Trần Tráng an toàn. Đ/Uý cố vấn trưởng nói anh chọn đưa tên mầy người trong nhóm cứu Lt Joe để…,

Anh nói với ông ta:

-Khi cả nhóm tình nguyện thì không nghĩ tới huy chương, tôi không chọn ai cả.

Sau đó thì H/Sĩ Đường được Bronze Star, còn tiểu đội của Tr/Sĩ Trần Tráng được huy chương khác. Ngoài ra Đường còn được Th/Tá Lê Đình Bảo Trưởng Phòng Chính Huấn Sư Đoàn đề nghị tặng thưởng chiếc Honda của phái đoàn giáo xứ..

Rất tiếc, huy chương chưa có dịp mang, Honda chưa kịp chở bạn đường dạo phố thì Đường đã tử trận, còn Tr/Sĩ Trần Tráng thì Tám cho biết cũng đã từ trần rồi. Tiểu đội Trung Sĩ Tráng còn những ai, nay lưu lạc phương trời nào, nhưng các anh là những HSQ và BS đã góp chiến công cho Quân Kỳ TĐ.2/TQLC được thêm nhành Dương Liễu.

Năm 2014, Đồ Sơn gửi email cho cựu cố vấn trưởng Captain John Sheehan (tướng 4 sao) hỏi thăm tình trạng của White và Joe, Ông John trả lời Đồ Sơn như sau:

                                                ***

On Tue, Aug 26, 2014 at 7:57 PM, John Sheehan wrote:

Col, Dinh; we think the Marine in question is I/Lt Joe Bargerstock. He was shot in the chest and upper body, more serious than originally thought –spent a long time in the hospital. He ultimately retired after 20 years in the Marine Corps. Carl White talks to him and Carl will give you the detail info​.

Hope this helps.

Your friend and fellow Marine

Jack

            ——————-

Col. Dinh.​ As I was going through my records in search of the information you requested I came across a picture of the team of VN Marines who rescued Lt Bargerstock. The squad leader was awarded a Bronze Star and the others were awarded achievement medals. The picture was taken a month or so after the fight.

I will send you a copy of the picture in the morning. (I need to go buy a new memory card)

S/F

Jack.

                                                ***

Hạ Sĩ Thà hay Hạ Sĩ Tha đã tử trận?

HS Thà mang máy C25 cho anh, HS Tha mang máy cho Trung Uý Thạnh-Đại Đội Phó.

Suốt ngày và đêm 17/9 trận chiến sôi động qua lại, tới khoảng 6 giờ sáng hôm sau (18/9), thì địch tấn công “rạng đông”, một chàng nón tai bèo ôm thuốc nổ xung phong vào tuyến, đúng chỗ anh em mình ngồi, Thà trông thấy vội quăng ống liên hợp, chạy tới ôm “bạn ta” vật xuống, và cả hai cùng biến mất trong tiếng nổ kinh hồn. Thà đã cứu anh em ta và ban chỉ huy đại đội.

Theo như em kể lại thì Hạ Sĩ Tha nói gở, than phiền là công điện báo Thà tử trận về hậu cứ không bỏ dấu (dấu huyền) nên vợ của Tha tưởng chồng chết nên khóc lóc. Nào ai ngờ lời nói đùa, nói gở của Tha lại xảy ra thật! Tha cũng lại hy sinh sau Thà vài tiếng đồng hồ trong khi đi lục soát! Thà và Tha, hai hiệu thính viên cùng tử trận cách nhau vài tiếng!

Trước trận Bời Lời 17/9, thì ngày 14/9, một mình ĐĐ.1 nhảy trực thăng xuống Cầu Khởi (Hiếu Thiện Tây Ninh) thì bị tiểu đoàn 14 chủ lực Tây Ninh bao vây và tấn công 3 mặt rất mãnh liệt. Nhờ tinh thần chiến đấu từ Tr/Uý Đại Đội Phó đến Binh Nhì, nhờ Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn và cố vấn Charles gọi máy bay phản lực B57, trực thăng Cobras yểm trợ sát tuyến nên đại đội mình mới đứng vững được tới đêm khuya, chỉ cỏ 3 “Ki-lô” và 10 “Wishkey”. Tới 10 giờ đêm, trực thăng mới đến tải thương 10 người bị thương, còn 3 tử thương thì nằm lại với anh em mình bên gốc cao su.

Anh không thể nhớ tên 3 đồng đội đã hy sinh, còn 10 bị thương thì anh chỉ nhớ có hai người: Chuẩn Uý Hoá (mới thuyên chuyển về). Ông Hoá-Già bị bắn vào háng, vết thương làm vùng hạ lưu sưng vù, xém chút nữa thì mất tiêu “cái giống”, may mà tải thương kịp, nếu không, ông có thế tử vì “anh hùng đông khái anh hùng tiêu”.

Người thứ hai là cố vấn Captain Charles James Moore. Sau này ông Tướng John Sheehan, cựu cố vấn trưởng Tiểu Đoàn báo cho cựu Tiểu Đoàn Trưởng – Đại Tá Đồ Sơn – biết là Charles được tải thương nhưng sau đó đã tử thương.

Khi tiểu đoàn đi hành quân, cố vấn trưởng đi với Tiểu Đoàn Trưởng (cánh A), cố vấn phó đi Tiểu Đoàn Phó (Cánh B), nhưng vì ĐĐ.1 đi riêng nên Đồ Sơn cho cố vấn đi theo để giúp xin yểm trợ hoả lực và tải thương hữu hiệu và nhanh chóng hơn.

 Đêm đó sau khi tải thương xong thì mình nằm tại chỗ, ôm gốc sao su phòng thủ. Khuya về sáng, họ rút, nhưng có chàng lớ ngớ đi lạc vào tuyến Trung Sĩ Trần Sịa nên bị ông Sịa tóm gọn, cho nằm chung với 3 chàng “ki-lô” của mình.

NHỮNG HẠ SĨ QUAN (HSQ) LÝ TƯỞNG CỦA TQLC

Hình chụp tháng 10/1967 trước cửa văn phòng ĐĐ.1 tại hậu cứ Lê Hằng Minh, Tam Hà.

Trái -> phải: Trung Sĩ Lê Môn, Trung Sĩ Trần Sịa, Trung Sĩ Trần Tráng, Thượng Sĩ Cương.

(Ba-lô, súng đạn, xe GMC đã đã sẵn sàng để lên đường hành quân)

Ngoài những người anh vừa nhắc tới là Trung Sĩ Trần Tráng, Trung Sĩ Trần Sịa, thời gian đó Đại Đội mình còn có Trung Sĩ Lê Văn Ngôn, Trung Sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Trung Sĩ Lâm Khâm, Thượng Sĩ Nguyễn Văn Cương, v.v… là những HSQ lý tưởng của TQLC, với thâm niên Binh Chủng hằng chục năm trời, kinh nghiệm chỉ huy và chiến đấu của các anh hơn các Úy tuổi trẻ nhiều.

Năm 11/1964, khi anh là “thiếu úy sữa” về TĐ5/TQLC làm Trung Đội Trưởng Trung Đội 43 thì Trung Đội Phó là Trung Sĩ 1 Nguyễn Văn Lô, gốc Commando Du Nord nhập ngũ từ năm 1954 ở Bắc Việt. Sau khi vào Nam 1955, Trung Sĩ 1 Lô cũng như Thượng Sĩ Cương, Thượng Sĩ Xướng, Trung Sĩ 1 Phạm Khắc Dật sát nhập vào TQLC.

Trung Sĩ 1 Trung Đội Phó Nguyễn Văn Lô đã hướng dẫn, căn dặn cho Trung Đội Trưởng Tô Văn Cấp những điều cần thiết khi súng nổ. Trung Sĩ 1 Lô đã bị thương cụt chân tới háng trong trận Mộ Đức 12/6/1966.

Thời gian đó, khi chưa đủ sĩ quan, những vị kể trên đã là các trung đội trưởng rồi

 Những HSQ Tiểu Đội Trưởng, Trung Đội Phó TQLC là người nằm bên cạnh, sát ngay sau lưng binh sĩ ở tuyến đầu khi súng nổ, họ trực tiếp đối diện với địch quân, là chỗ dựa vững chắc, là những “cây tùng trước bão” nêu cao tinh thần chiến đấu cho binh sĩ. HSQ là những người đem chiến thắng về cho đơn vị, nhưng lại ít người biết đến. Họ bị thương, tử thương nhiều hơn là thăng thưởng. 

 ***.

Trong điện thư, chú Tám Nhót có nhắc đến các HSQ, việc Thiếu Úy Huỳnh Vinh Quang, Kiều Công Cự gửi quà về cho Trung Sĩ Trần Tráng. Mỗi quý danh chú nhắc tới làm anh nghĩ đến những trận đánh mà các HSQ và Binh Sĩ (BS) đã góp công vào chiến thắng của đơn vị.

Trong trận Kinh Cái Thia 31/12/1967, anh nghĩ tới Trung Úy Nguyễn Quốc Chính đã hy sinh, nhưng điều làm anh nhớ và nể phục là sự gan dạ của hàng lớp HSQ và BS.

Khi mình vừa nhảy từ trực thăng xuống, thì địch từ trong bờ kinh bắn ra với đủ loại vũ khí, quân ta ngoài ruộng lúa ngập nước chẳng khác nào như những tấm bia trên thềm bắn. Khi Trung Úy Chính phất tay xung phong thì binh sĩ hét vang phóng tới, dù Trung Uý Chính gục ngã, nằm lại, nhờ vậy mà ta chiếm được bờ kinh, giảm thiểu thiệt hại.

Xong trận Cái Thia, TĐ2 lội thêm vài trận nữa rồi về nghỉ dưỡng quân ở hai bên bờ sông Cai Lậy để chuẩn bị đón Xuân Mậu Thân 1968. Vợ con từ hậu cứ Tam Hà, Thủ Đức đã lục tục xuống để ăn Tết cùng chồng cha, nhưng oái oăm thay, những Cọp Biển lại tức tốc phải lên trực thăng Chinook bay về hậu phương Thủ Đô Sàigòn để ăn cái Tết tưng bừng khói lửa, còn vợ con thì bơ vơ ở lại ngoài “tiền tuyến” Cai Lậy!

TQLC đã tham dự trận Mậu Thân khắp nơi, Sàigòn, Huế. Riêng Trâu Điên thì cày ải nội ngoại thành phố suốt 9 tháng, khi Sàigòn đã yên thì ta mới đi Cầu Khởi, Bời Lời.

Có biết bao buồn vui cùng mồ hôi, nước mắt và máu trong trong trận Mậu Thân tại Thủ Đô Sàigòn. Xin nhắc lại một vài trường hợp mà anh và chú chứng kiền.

Khi tiểu đội của Trung Sĩ Châu Văn Khánh được lệnh tiến vào khu dân cư ngõ hẻm chằng chịt sau rạp hát Đông Nhì (Gò Vấp) thì Binh Nhất Xuân nói:

– Để em tình nguyện dẫn đầu, em biết rõ khu này như bàn tay, nhà em trong này.

Tâm lý ai cũng thế, mỗi khi có dịp trở về “mái nhà xưa” thì mình phải là người đầu tiên bước vào với bao cảm xúc, Binh 1 Xuân cũng thế, nhất là mẹ già Xiêm đang chờ con. Nhưng đau đớn thay, Xiêm đã gục ngã trước khi về đến nhà mình vì viên đạn AK! Mẹ con cách nhau dăm bước mà vĩnh viễn không đến được với nhau.

Khi đại đội mình phòng thủ quanh đài phát thanh Phan Đình Phùng, Binh 1 Thủy, Trung Đội Súng Nặng của Trung Sĩ Lâm Khâm, lén đi ra gặp người yêu ở sân vận động Hoa Lư, tình yêu lâu không gặp nhau khiến Thuỷ quên lối về mà đi lạc vào “thiên thai” với 12 tháng lương tử tuất.

Buổi sáng khi đi lục soát xóm Phú Hữu trong khu Giồng Ông Tố (xa lộ Biên Hoà) Binh 2 Thông hy sinh, đến buổi trưa thì bà già Thông lặn lội từ Bình Chánh lên thăm con!

Không còn ngôn ngữ nào diễn tả nổi nỗi lo âu khổ đau của bà mẹ có con đi lính trận. Mẹ mong ngóng tin con từng giờ, lo lắng khi đêm về nghe tiếng đại bác từ xa vọng lại, sáng sớm vội vã đi tìm thăm con thì con đã hy sinh!

Chú Tám,

Anh chỉ nhắc lại một vài trường hợp binh sĩ tử trận mà anh và chú trông thấy trong hắng trăm trường hợp hy sinh khác. Trận Bình Giả, 112 Kình Ngư tử trận thì có tới 101 HSQ và BS. Trận Phò Trạch, 42 Trâu Điên hy sinh thì có tới 40 HSQ và BS. Thời gian tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị có tới 3,658 chiến sĩ TQLC hy sinh.

Trời ban cho mỗi người một mạng sống thì tại sao binh sĩ lại phải chết nhiều như vậy! Không bút mực nào diễn tả nổi nỗi đau cùng cực của những gia đình có con em tử trận. Không ngôn ngữ nào nói cho đủ sự hy sinh cao quý của người lính.

Đã mấy ai hậu phương hiểu được đời sống người lính chiến khó khăn khổ cực và ngắn ngủi như thế nào?

***

BUỒN VUI ĐỜI LÍNH

“Tiền lính tính liền”, chưa lãnh lương đã hết tiền, vì luôn mang nợ gối đầu. Độc thân vui tính đã nợ ngập đầu thì những anh em có gia đình biết lấy đâu chi tiêu. Xin nghe tâm sự bốn chàng Sói Biển (TĐ3) trong bài viết của Bixitrum Giang Văn Nhân:

Cả tiểu đoàn mừng rỡ, khi tan hàng họ hét to vang dội và túa chạy về văn phòng đại đội chờ nhận giấy phép. Anh em nào cũng mong cầm được tờ giấy phép, khi có nó trong tay là họ đi ngay nên số người trong doanh trại dần dần thưa thớt, Thiếu Tá Sắt cầm cây gậy nhỏ đi vòng quanh nhà ở của binh sĩ, nghe tiếng chuyện trò văng vẳng, ông bước vào, bốn người lính hoảng sợ đứng nghiêm chào, ông thắc mắc hỏi:

– Các em đã nhận giấy phép chưa?

– Thưa Thiếu Tá, chúng em đã nhận rồi.

– Nếu có giấy phép rồi thì các em rời khỏi đây ngay.

– Thưa Thiếu Tá, chúng em không biết đi đâu bây giờ.

– Tôi đã cho đi phép tại sao các em không đi?

– Quê chúng em ở xa, không có tiền biết ở đâu, thà ở lại trại có cơm ăn chỗ ngủ.

Thiếu Tá Sắt nhớ lại kỷ niệm hồi mới về Tiểu Đoàn 3, nhà thì ở xa, không có tiền, được người thượng sĩ thường vụ mời ăn cơm, nhưng vì học “lãnh đạo chỉ huy” ở quân trường, để tránh việc khó xử trí sau này ông nên trả lời là “Còn no,” rồi suốt đêm đó ông cố dỗ giấc ngủ với bụng đói meo. Hôm nay ông nhìn thấy và nghe tường tận hoàn cảnh của thuộc cấp sau chuyến hành quân trở về được hưởng phép mà không muốn đi vì lý do nhà xa và không có tiền khiến ông xúc động:

– Các em đi theo tôi.

Thiếu Tá TĐT dẫn bốn người lính xuống Ban Quân Lương và chỉ thị nơi đây làm giấy ứng tiền lương trước cho anh em này và cả cho những người cần về thăm gia đình ở xa.

(Trích đặc san Sóng Thần 2022)

    ***

Khổ thế đấy! Được đi phép sau mỗi chuyến hành quân là thời gian thần tiên đời lính, nhưng vì không có tiền mà phải ở lại để sống nhờ cơm trại! Rồi những người lính nghèo như thế có thề thành “tiên” trong lần hành quân kế tiếp.

Ở doanh trại đã thế, khi đi hành quân, thời tiết xấu không được tiếp tế hoặc đụng trận không kịp ăn thì đói là chuyện quá bình thường, khát thì chia nhau nắp bi-đông nước.

Khi TĐ2 tiếp viện cho Trung Đoàn 10, Sư Đoàn 7 BB trong trận tại xã Mỹ Thạnh, quận Giồng Trôm, Bến Tre, đụng nhau cả ngày không có gì ăn, tối đến dừng quân phòng thủ, Tám Nhót và Ô-đô Xiêm lấy nước dưới mương cho vào bịch gạo xấy để “thày trò” mình nhai với thịt hộp 3 lát. Sáng hôm sau Xiêm lại ra đó lấy nước thì thấy có mấy chàng “chỏng” nằm dưới mương đó từ bao giờ. Cũng chả sao!

Còn niềm vui của người lính trận không phải là danh ca phòng trà với “cô nhắc”, mà là ngồi trên nón sắt, bên vệ đường, dựa lưng vào tường trên hè phố trong khi chờ đợi giờ G tiến vào mục tiêu sẽ có súng nổ, có hy sinh, nhưng anh em không quan tâm, coi cái chết nhẹ tựa “lông hồng” nên vẫn cứ vui, cứ nghêu ngao:

“Tôi ở miền xa, trời quen, đất lạ, thiếu bóng đàn bà…”

Tấm hình này dường như chụp năm Mậu Thân 1968 trên đường Bà Hạt Chợ Lớn, trong khi chờ lệnh bao vây khu vực chùa Án Quang thì các chú em này mang đàn ra “từng tưng” chơi. Tất cả còn rất trẻ, hồn nhiên, nhưng nét mặt có chút đăm chiêu.

Anh không chắc lắm, nhưng chú em ngồi góc trái, đội nón sắt trông giống Hạ Sĩ Cư mang M79, chú em ngồi trên nón sắt, mang súng Colt 45 có lẽ là người mang máy C25, không biết đó có phải là hiệu thính viên Thà hay Tám Nhót? Người chơi đàn, có tí râu, trông giống anh, có lẽ là “Long Cụt”. Nếu đúng là Long Cụt, trước khi vào TQLC thì Long là tay quậy có tiếng khu Lê Quốc Hưng, Khánh Hội, Quận 4 – nơi anh ở ngày trước. Long gặp anh ở Đại Đội 1 thì hết quậy, rồi bị thương cụt chân trong trận Tân Uyên.

Cũng trên đoạn đường này, trong khi anh, Thà và Tám ngồi nghỉ dựa lưng vào gốc cây thì đồng bào hai bên đường hé cửa ra xem tình hình rồi mang bánh chưng, dưa hấu cho lính ăn Tết. Chú Xiêm mang ở đâu về đĩa cơm với thịt heo quay kho Tàu và dưa giá, nhưng mệt quá, anh chỉ ước ao ly café sữa đá với điếu Ruby Queen.

Chiến công và sự hy sinh của các HSQ và BS của TĐ2/TQLC trong ba trận: Kinh Cái Thia (31/12/1967), Mậu Thân 1968 Sài Gòn (1/1968 – 9/1968) và Cầu Khởi, Bời Lời (14 – 17/9/1968), chỉ trong vòng một năm đã góp cho Quân Kỳ TĐ2 được thêm 3 nhành Dương Liễu trong số 8 lần TĐ2/ TQLC được tuyên dương công trạng trước Quân Đội.

Do những chiến công này, tháng 12/1968, Tổng Tống, Phó Tổng Thống, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cùng phái đoàn tướng lãnh cao cấp đã đến hậu cứ TĐ2 (Trại Lê Hằng Minh ở Tam Hà, Thủ Đức) để khen thưởng.

Các tướng lãnh và báo chí đến thăm đơn vị tại chiến trường khi còn vương khói súng là chuyện bình thường, nhưng đến thăm tại hậu cứ thì không bình thường khiến các cấp chỉ huy đơn vị thì lo sốt vó, mệt bể hơi tai xếp hàng chờ đợi, còn các Binh Sĩ thì “coi trời bằng vung”, nhảy nhót tưng bừng “Let’s Twist Again” khiến Tổng Thống cũng vui lây.

Ngoài Trung Tá Ngô Văn Định TĐT/TĐ.2, Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh TQLC, Tổng Thống, Phó Tổng Thống, và các tướng lãnh thì 2 “Trâu Điên” đang múa trươc mặt Tổng Thống chính là Tám Nhót và Danh Thon (đen). Ở mép phải tấm hình, người cao-cao, cánh tay mặt mủa trên đầu trông có vẻ là Lâm Tài Cao thì phải. Ai cũng được, mấy khi “Trâu” được múa trước mặt Rồng.

Với những người như Đông Triều là Trung Đội Trưởng và Tám Nhót, sau 4 lần thăng cấp cũng đã là Hạ Sĩ Quan, họ rất hiểu đời lính tác chiến khổ cực, gian nan và thiếu thốn biết chừng nào! Anh em chết trẻ quá, nhiều quá ở những nơi sình lầy, núi cao, rừng rậm, ít ai biết đến nên đời tặng cho mấy chữ “Chiến Sĩ Vô Danh”. Nhiều ngưởi trở thành những phế nhân “thiếu chân đi”, không tay để chào, nhìn đời bằng “nửa con ngươi”!

Anh cũng quên gần hết các Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ thuộc Đại Đội 1/TĐ2 rồi, ai hy sinh, ai là TPB, anh cũng không nhớ, không lẽ cấp chỉ huy nào cũng thế chăng?

Nhưng HSQ và BS thì nhớ mãi về những cấp chỉ huy, dù cấp chỉ huy đã ra đi, hay còn trả nợ đời. Tấm lòng của các chú em khi thăm hài cốt là những chứng minh cụ thể.

Sống chết có nhau, khốn khó giúp nhau, nhớ về nhau, đó là:

“Huynh Đệ Chi Binh” TQLC. ⬛