Tháng 4 năm 1975, CSBV chiếm miền Nam. Dân cả nước bị bọn Công An CS kềm kẹp qua tờ hộ khẩu. Nên có chuyện rằng: “Em Chim sợ cứ tử thủ làm con gái thì CS sẽ bắt em lấy thương binh CS què đui sứt mẻ nên em đi lấy chồng lính ‘ngụy’. Sau đêm động phòng hoa chúc đuốc hoa còn đó mặc chàng nằm trơ; sáng ra em tới ủy ban xã làm hôn thú để vô hộ khẩu nhà anh. Thằng ủy viên thơ ký hỏi em: “Chim” có ê không?” Em đỏ mặt trả lời: “Cũng hơi ê ê”.

Bài học rút ra là: ‘ê hoặc không ‘ê’? Nó quan trọng lắm cho tình ta. Chớ không phải muốn viết sao cũng được. Chính vì thế, tui khoái chim có ‘ê’; cũng như hủ tiếu  phải có ‘ê’. Ê mới đã! Tui nhớ tiếu cũng có nghĩa là tiếu lâm, là vui, là cười. Nên lúc ăn hủ tiếu của con vợ tui (là một á xẩm) nấu; nhớ cái vụ ‘ê ê’, tui vừa ăn vừa cười tủm tỉm. Thấy vậy, con vợ tui rầy tui như rầy con nó: “Lo ăn cho xong đi! Vừa ăn vừa cười sặc thấy bà bây giờ!” Bị em rầy, tui nịnh sảng: “Anh cười cười vì anh nhớ ngày anh theo ba má qua nhà em để hỏi cưới em cho anh. Em mắc cỡ núp sau chuồng heo nhìn anh với nụ hoa hàm tiếu. Con vợ tui nghe vậy nó khoái quá trời. Nên suốt tuần sau đó tui không được ăn cơm. Sáng hủ tiếu. Trưa hủ tiếu. Tối hủ tiếu. Ngủ mớ tui thấy toàn là hủ tiếu. Xoay mặt qua em, tui không còn thấy nụ hoa hàm tiếu nữa. Tui chỉ thấy em yêu ngủ mớ chắc đi đánh ghen hay sao mà nghiến răng trèo trẹo nghe ghê quá?! Lúc tỉnh giấc, em nói vì ưa ăn nem chua làm bằng thịt sống nên bụng em có lãi; ngủ nghiến răng!

Bà con mình ai cũng biết: “Một chữ có nhiều cách viết! Tui viết ‘tô hủ tiếu’ thì có một ông ‘Ba thịt nợn’ sửa lưng tui là: “Phải viết: ‘tô hủ tíu’.

Tiếng súng chống lại bọn CSBV cướp nước, đã ngừng 49 năm nay rồi. Nhưng trên trường văn trận bút giữa tự do sáng tác và độc tài kiểm duyệt, trận chiến vẫn chưa tàn. Ba Ke 2 nút đến khiêu chiến về chánh tả hủ tíu phải viết không ‘ê’. Tui vốn đâm mấy thằng gian bút chẳng tà, bèn lên ngựa ra roi nghênh chiến. Chớ không lẽ treo biển miễn chiến bài, chạy xịt đâu có được nè?

Tui có cái tật ai sửa lưng tui, tui không những không sửng cồ mà tui lại mừng. Mừng vì mình không bị vẹo cái lưng khỏi phải đi Thầy Ba Cầu Bông chữa trật đả! Nhưng vốn là một con người đa nghi, tui hổng biết tay nghề của ổng tới đâu mà dám sửa lưng người khác nên tui lễ phép xin ổng dẫn nguồn! Ai dè ổng là dân mật khu Lê Hồng Phong thấy lính quốc gia ruồng nên nín khe, chém vè chui cống xuống địa đạo mất tiêu hè!

Rốt cuộc để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tài sản quý báu của ông bà để lại; tui xin nêu bằng chứng ra tại sao tui viết là ‘hủ tiếu’? Tự điển cũng viết là ‘hủ tiếu’ Món ăn làm bằng mì bột gạo với thịt lợn, tôm, chan nước dùng hay xào khô. (Tác giả soạn tự điển này là ông ‘Bắc thịt nợn’). Hủ tiếu là phiên âm từ Hán Việt. Miệt Sóc Trăng nơi có nhiều người Tiều (Châu) gọi món nầy là ‘kuy teav’ hoặc ‘ka tieu’. Người Việt mình gọi là ‘củ tiếu’ hay ‘hủ tiếu’!

Hồi xưa Mỹ Tho quê tui, có tiệm hủ tiếu Phánh Ký bên kia Cầu Quay, đường Đinh Bộ Lĩnh, ngon nổi tiếng. Đường Trưng Trắc từ Vàm Mỹ Tho chạy dọc theo Rạch Bảo Định tới Cầu Quay là bộ mặt của Mỹ Tho về đêm. Ông bà mình nói có sai đâu: “Chỗ nào có khói là có chú Ba”. Khói đâu mà bay lên vậy? Thì từ bếp qua ống khói, khói bay lên trời. Suốt từ sáng tới khuya, tiệm Thái Ký, Quới Ký, Tòng Ký khói cứ tà tà bay lên.

Ký là cái hiệu, cái tiệm của Chú Thái, Chú Quới, Chú Tòng. Chớ ký không phải là ký sổ đâu nha. Không có cái vụ lính ba gai cuối tháng hết tiền; về phép đói bụng: “Không cho ký sổ hả?” “Thôi nị giữ giùm ngộ trái mãng cầu nầy đi!”. Hôm nào lãnh lương ngộ tới chuộc lại”.  Kêu quân cảnh? Dạ hổng dám đâu. Chỗ mần ăn mà! Đành cho nó ký sổ vậy. Trả thì tốt. Bằng không thì thí cô hồn làm phước!

Tui để ý thấy mấy cái tiệm ăn, tiệm mì hủ tiếu có nhiều cái na ná. Chủ tiệm kiêm tổng khậu mặc quần Tiều lỡ, áo thun có tay. Cả hai không che được cái thùng nước lèo’ bự như bụng ông Ðịa. Một bên vai, chú Ba vắt cái khăn để lau mồ hôi như tắm hơi vì gần thùng nước lèo đang bốc khói, Thực đơn cũng na ná: có thịt heo, bò, gà, vịt, tôm, cua, mực … Vài tiệm chơi khác thiên hạ một chút có món đặc biệt như chim cút chiên bơ ăn với cà tô mách và xà lách.

Quán Hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân ở đường Tôn Thất Thiệp, Quận Nhứt

Thời CS cái gì cũng đặc sản. Vú sữa Vĩnh Kim đặc sản. Đuông dừa Bến Tre đặc sản. Thịt chó Hố Nai đặc sản. Nhà văn VC Cà Mau Nguyễn Ngọc Tư không ăn được cũng là đặc sản Nam Bộ luôn. Chữ của ông bà mình hay muốn chết mà tụi nó cứ đụng đâu phang đặc sản đó! Vậy mà có tay trong nước nói chánh tả hỏi ngã giờ trật bấy! Thôi khó tánh làm gì? Ngay cả tiến sĩ cũng trật lất!

Nói vậy sao phải nè?! Trật là phải sửa chớ! Đâu thể nói thiên hạ nhiều đứa ở dơ quá nên tui ở dơ luôn! Đâu được nè! Mặt dính lọ nghẹ là phải chùi! Trật lỗi chánh tả là phải sửa. Không có cái vụ ầu ơ ví dầu, ví qua ví lại ví trâu vô chuồng! Xù huề cả đám!

Trong nước, Hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân có Hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân ở đường Tôn Thất Thiệp, Quận Nhứt già tới 70 năm.  Ở hải ngoại, Hủ tiếu Phánh Ký từ Little Saigon, California tới Houston, Texas ở Katy Asian Town, ngoại ô thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Tui thấy trên thực đơn Phánh Ký có những món ăn ngày cũ như Hủ tiếu, Mì, Hoành thánh; bò viên, xí quách, giò cháo quẩy (không kêu gọn lỏn là ‘quẩy’ như Ba ke hai nút). Chữ hủ tiếu có ‘ê’ đó. Anh nhớ Mỹ Tho. Anh nhớ nhà quá em yêu ơi!