Hoa Mơ

John Thụy

Ò  ó  o  o….. Ò  ó  o o …..

Tôi bừng thức dậy với tiếng gà gáy sáng sớm ngoài sân vắng.

Đây là một làng ở một tỉnh nhỏ miền Nam Việt Nam vào cuối thập niên 1950 mà tôi đã từng sống qua một quãng đời thơ ấu. Gia đình tôi, sau khi di cư vào Nam, được cấp cho một căn nhà đơn giản hai gian, một gian làm phòng khách và một gian làm phòng ngủ. Bếp và vệ sinh bên ngoài. Lúc đó tôi được 7 hay 8 tuổi.

Giọng nói của mẹ tôi vọng vào từ phòng khách:

“Dậy đi, con giai lớn của mẹ! Rửa mặt cho tỉnh, cho gà ăn, ăn sáng rồi sửa soạn đi học.”

“Để con cho gà ăn trước”. Tôi mau mắn trả lời.

Tôi nhẩy ra khỏi giường, ào ra sân sau, tới chuồng gà và mở cửa. Mặt trời cũng mới thức giấc và chiếu xuống trái đất những tia nắng ấm màu cam nhạt ửng hồng từ hướng đông. Những con gà xuống chuồng từ từ theo một ván gỗ. Từng con, từng con một, xuống sân trống sau nhà. Tôi thủng thẳng vào bên trong nhà tìm một hộp gạo.

“Mưa gạo nè…. ăn sáng nhe cưng” Tôi nói với các con gà đang chờ.

‘Quác, quác, quác, quác’. Đàn gà chí chóe tranh nhau mổ những hạt gạo quý báu mà tôi tung ra trong vùng cỏ mọc ở sân sau.

Ba mẹ tôi nuôi chừng 20 con gà để lấy trứng. Ba tôi và chị lớn thường vắng nhà để kiếm sống chỗ khác. Trông giữ đàn gà là việc kiếm tiền chính của mẹ tôi. Trong những việc nhà, tôi thích nhất là cho gà ăn. Tôi là “Người Cho”, “Ông Xếp”, một người thật quan trọng đối với đàn gà. Chúng tôi đặt tên cho từng con gà. Một trong những con gà mà tôi thích nhất là “Hoa Mơ”. Đây là một con gà mái xinh xắn và năng động.

Có một ngày, Hoa Mơ tự nhiên biến mất. Nó không trở về chuồng khi trời nhá nhem tối và buổi sáng khi cho đàn gà ăn, tôi không thấy nó ở đâu. Cả nhà xúm nhau đi tìm một cách vô vọng. Tôi nghĩ có lẽ nó đã đi quá xa nhà nên bị diều hâu hay chồn từ khu rừng kế bên xơi mất.

Bỗng dưng vài hôm sau nó xuất hiện trở lại vào buổi chiều để được cho ăn. Chúng tôi mừng rỡ, thở phào nhẹ nhõm. Nó có vẻ mệt mỏi nhưng không có thương tích gì. Thật là hú hồn.

Nhưng hôm sau nó lại biệt tích, rồi vài ngày sau lại về, rồi lại biệt tích liên tục một cách huyền bí.

“ Mẹ phải tìm ra căn nguyên cái trò vô lý này”. Mẹ tôi tuyên bố.

“ Con sẽ giúp mẹ một tay”. Tôi hùa theo.

Chẳng bao lâu, chúng tôi tìm ra là Hoa Mơ có một lối đi bí mật để sang nhà hàng xóm kế bên. Họ đi chơi 2 tuần nay nên không có ai để hỏi chuyện.

Khi gia đình người hàng xóm trở về thì chúng tôi biết thêm là Hoa Mơ đã làm được một chuyện phi thường. Nó biết là đẻ trứng trong chuồng sẽ bị lấy hết nên nó đã tự làm một cái tổ, kết bằng rơm và nhánh cây khô, ở bên nhà bếp của hàng xóm. Dường như nó đã tự động “lấy phép nghỉ thường niên” để chăm sóc tổ ấm này.

Sự thể đã xảy ra rồi nên Mẹ tôi quyết định mang cả tổ về bếp nhà và cho Hoa Mơ tự do ấp trứng. Từ đó Hoa Mơ chính thức trở thành “Mẹ gà ấp trứng” và được chăm sóc bằng nước lọc và những phần ăn riêng. Mẹ tôi cũng trở nên dễ dãi với những con gà mái khác muốn được ấp trứng.

Mấy tuần sau đó thì các trứng đã nở hết và Hoa Mơ hãnh diện dẫn một đàn con bé tí ti, chừng một tá vào sân. Nó quả là một người mẹ đảm đang, lo cho từng đứa con, đào bới giun bọ và hạt cỏ cho gà con. Nó cũng rất khôn ngoan, kêu gọi đàn con về núp dưới cánh mẹ hiền khi có bóng dáng diều hâu bay lượn trên trời.

Tôi muốn giúp thêm cho bà mẹ gà và đàn con mới. Trường học chỉ một buổi nên tôi có thì giờ vào rừng ở gần nhà. Tôi tìm được một tổ mối và đập ra một mảng nhỏ mang về. Rồi tôi say sưa ngắm đàn gà mổ những con mối mọng tròn mỗi khi tôi đập mảng mối xuống đất.

“Trẻ con nào cũng cần tới một người mẹ”.

Tôi hồn nhiên tuyên bố lớn theo kiểu “Eureka” của nhà khoa học Ạc Chi Mét *(Archimedes) ngày xưa.

Gần đó mẹ tôi cười vui vì sự ngây thơ của tôi nhưng nước mắt bỗng từ từ chảy dài trên má. Tôi chạy vào đôi tay rộng mở và êm ấm của mẹ hiền.

“Mẹ ơi, đừng khóc nhe” Tôi ôm mẹ thật chặt.

Trong khoảnh khắc xúc cảm này, bỗng dưng mẹ tôi biến ra con “Gà Mẹ “ và tôi tự nhiên trở thành một con gà con bé tí kia.

Từ đó mỗi lần nghĩ tới kinh nghiệm này, tôi cảm thấy phục Hoa Mơ sát đất. Con gà mái khôn ngoan này đã dám đứng lên đòi quyền làm mẹ và đại thắng, có lẽ cũng là do Thượng Đế đã giúp cho một tay.

Nhiều năm sau, khi đi thăm những trại gà thuộc loại “hiện đại” thì tôi cảm thấy bị “sốc”. Mỗi con gà mái chỉ có một chỗ ở bé tí, đủ để đứng lên và nằm xuống suốt ngày đêm. Không có cách gì vươn cánh chứ nói gì tới chuyện làm mẹ, chăm sóc cho đàn gà con.

Tại sao con người lại có thể tàn ác thế nhỉ? Tôi tự hỏi. Loài người đã cướp mất quyền làm mẹ thiêng liêng của gà mẹ và quyền làm con, được mẹ hiền săn sóc của đám gà con.

Có lần tôi suy ngẫm: “Hay văn minh của loài người đã xuống dốc khi tiến bộ đi lên?

Tôi bỗng nghe một giọng nói từ xa xa của một con gà trống kèm theo tiếng gáy.

“Văn minh nào vậy? Có văn minh sao?”

Ò ó o o….. Ò ó o o …..

Tôi không bao giờ quên Hoa Mơ, một con gà mẹ thông minh và quật cường.

John Thuy, October 2014

* Nhà Khoa Học cổ Ạc Chi Mét (Archimedes) la lớn ‘Eureka’ (“Tôi đã tìm ra”) khi tìm ra sức đẩy của nước trong bồn mà ông đang tắm. Ông chạy ra đường tuyên bố mà quên mặc quần áo..