Hãng dĩa Việt-Nam

“Anh em tôi ngoài giờ học đều tham gia sản xuất băng dĩa ở nhà, mỗi người một việc. Năm 1950, anh tôi – Lê Thành Kiệt – bị bệnh tim qua đời khi mới 20 tuổi. Số phận khiến tôi quyết chí thay anh nối nghiệp gia đình. Đến năm 1968, tôi lập hãng dĩa Việt-Nam, tiếp nối con đường cha tôi, anh tôi đã làm”.

(Bà Lê Ngọc Liên kể lại quá trình ra đời hãng dĩa Việt-Nam của mình)

*****

Cuối thế kỷ thứ 19, tiệm tạp hóa kiêm luôn bán nữ trang “Vĩnh Thới Sang” của vợ chồng ông thợ bạc Lê Văn Thanh tọa lạc ở số 82 đường A’Dran, đến năm 1920 đổi tên thành Georges Guynemer, năm 1955 thành Võ Di Nguy và từ năm 1976 đến nay là Hồ Tùng Mậu (khu chợ cũ Hàm Nghi). Người con trai tên Lê Văn Tài, sanh năm 1895 tại Sa-Đéc, thừa hưởng cửa tiệm của cha mình nhưng kinh doanh theo đường lối khác. Cửa tiệm của ông buôn bán máy hát dĩa, radio nhằm phục vụ cho giới thưởng ngoạn trung lưu ở Sài-Gòn và khắp miền lục tỉnh. Vì yêu thích cải lương và đờn ca tài tử nên ông lấn sang lãnh vực sản xuất dĩa hát từ năm 1947. “Hãng dĩa Lê Văn Tài” được ra đời từ đó. Sáu người con của ông Tài cũng góp sức cùng cha mình gầy dựng bảng hiệu mỗi ngày thêm khấm khá.

Năm 1968, bà Lê Ngọc Liên, người con thứ sáu của ông Tài được sự dìu dắt của các anh chị thành lập một bảng hiệu mới ở ngôi nhà đối diện, số 101 Võ Di Nguy, lấy tên là “Dĩa hát Việt-Nam”. Bà mở thêm một xưởng in để in bìa băng, dĩa và đặc biệt những cuốn bài ca tân cổ giao duyên, các tập tuồng hát khổ nhỏ cũng ra đời từ đây với số lượng bán kỷ lục từ đô thành Sài-Gòn đến các tỉnh lân cận. Cửa tiệm ở số 82 của gia đình do người con thứ ba Lê Ngọc Anh và thứ bảy Lê Thành Lực vẫn tiếp tục buôn bán dĩa hát, làm đại lý phân phối băng, dĩa hát tân và cổ nhạc.

Cô Sáu Liên
Cô Sáu Liên và ái nữ
Cô Sáu Liên và nghệ sĩ Mỹ Châu (2015)

Dù không phải là nghệ sĩ nhưng được sống trong không khí âm nhạc từ thuở nhỏ nên bà Sáu dễ dàng nhận ra tuồng tích nào dễ “ăn khách”, bài ca nào trữ tình và nhất là giọng ca nào sẽ có nhiều triễn vọng. Bên cạnh những tên tuổi đã thành danh bà còn ký “contrat” độc quyền với những giọng ca “đợt sóng mới”, hầu hết đến từ đại ban “Kim Chung – Tiếng chuông vàng thủ đô”, như Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Bích Hạnh, v.v.. Tuồng tích được một đội ngũ soạn giả thường trực sáng tác hay lựa chọn từ những vở hát được yêu chuộng trên sân khấu. Các nhạc sĩ danh tiếng như Văn Vĩ, Năm Cơ, Văn Giỏi, v.v.. cũng được mời về cộng tác với tiền thù lao tương xứng. Thế mạnh của hãng dĩa Việt-Nam là những bài ca “tân cổ giao duyên” được tác giả “đo ni đóng giày” cho từng giọng ca nên dễ dàng đi vào lòng khán, thính giả yêu chuộng cải lương.

Hình bìa bài ca TCGD của hãng dĩa Việt-Nam

Nghệ sĩ Mỹ Châu trên bìa băng TCGD số 4 của hãng dĩa Việt-Nam
Nghệ sĩ Chí Tâm trên bìa băng TCGD số 20 của hãng dĩa Việt-Nam
Nghệ sĩ Minh Vương trên bìa dĩa hát Việt-Nam

Ở mảng tân nhạc cũng không bị bỏ quên và chiếm một chỗ đứng không hề “thua chị, kém em”. Hãng dĩa “lancé” những giọng ca trẻ như Phương Đại, Thanh Phong, Miên Đức Thắng, Phương Hồng Quế, Hương Lan, v.v.. và phát hành những tác phẩm tuyển chọn được sự ủng hộ của mọi giới. Các nhạc sĩ thời danh như Y Vân, Văn Phụng được ân cần mời mọc và trọng dụng.

Tuy sanh sau đẻ muộn nhưng hãng dĩa Việt-Nam nhờ có quy cũ và quản lý giỏi nên được nhiều lợi thế và dần lấn lướt các hãng dĩa đương thời như Asia, Việt Hải, Continental, v.v..

“Tiệc tất niên tại tư gia cô Sáu Liên, số 37 Phạm Đăng Hưng, Đa-Kao với đông đủ các nghệ sĩ của hãng dĩa, một buổi tất niên thời hoàng kim của hãng “Dĩa hát Việt-Nam”
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và ca sĩ Hoàng Oanh trong buổi tiệc tất niên của hãng “Dĩa hát Việt-Nam”
Ca sĩ Phương Hồng Quế trên bìa dĩa hát Việt-Nam
Ca sĩ Nhật Trường trên bìa dĩa hát Việt-Nam

Tháng tư năm 1975, miền Nam thất thủ và bao nhiêu công sức, của cải của gia đình bà tạo ra cũng tan theo vận nước. Cũng giống như sách báo, băng dĩa nhạc cũng bị gom lại thành đống và làm mồi cho lửa. Hãng dĩa bị tịch thu, bà trở thành người làm công và đứt từng khúc ruột khi chứng kiến máy móc bị hư hao theo ngày tháng vì .. “người ta không biết kinh doanh”.

Bà lén giấu được một số dĩa nhựa, băng nhựa và mang đi gởi gắm ở các xóm nhà lao động hay nhờ người bà con “cất giữ” (quăng lăn lóc dưới gầm giường như rác rưởi). Mãi đến khi công ty tư nhân được phép thành lập, bà lượm lặt “những đứa con bị thất lạc lâu ngày” rồi cố gắng lau chùi, tẩy rửa cho hết vết ẩm mốc. Nhiều khán thính giả biết tin cũng đem dĩa của mình tặng cho lại cho bà. Bà xuất vốn đầu tư máy móc nhập cảng từ Thụy-Sĩ để khôi phục lại âm thanh đã bị mai một theo thời gian. Dĩa “compact disc” (CD) được sản xuất hằng loạt với chất lượng âm thanh hảo hạng. Khán thính giả yêu chuộng cải lương vui mừng, hớn hở vì hãng dĩa Việt-Nam được hồi sinh với hàng ngàn bài vọng cổ và tuồng cải lương xa xưa cùng sự góp tiếng của những giọng ca bất tử.

Nhưng sự phát triển của công nghệ thông tin, sự bùng nổ của hệ thống Internet đã tiếp sức giết chết hãng dĩa của bà thêm một lần nữa. Dĩa bị sao chép dễ dàng hay tung lên mạng “youtube”. Bản quyền mất và tiền bạc đầu tư cũng đội nón ra đi không một lời từ biệt. Hãng dĩa đóng cửa và mặt tiền được cho thuê làm văn phòng, tiệm ăn. Trên lầu chỉ còn lại vài chiếc tủ khiêm tốn đựng băng, dĩa để bán cho (hiếm hoi) khán giả mộ điệu.

Bao năm bãi bồi bến lỡ, nước lớn nước ròng cứ xuôi dòng ra biển lớn nhưng công sức và tâm huyết của bà Lê Ngọc Liên đáng được ghi nhớ và trân trọng. Nghệ sĩ làm nên danh phận, tuồng tích được lưu truyền, lời ca giọng hát thấm sâu vào tim người mộ điệu. Khán giả nhớ hoài “cô Sáu Liên” đã tạo ra và âm thầm gìn giữ kho tàng văn nghệ dù thời gian sao dời, vật đổi. Nghệ sĩ vẫn quý trọng, nhắc nhở và gọi bà với cái tên thân thương “cô Sáu” như thuở họ mới chập chững bước chân vào nghề ca hát, được bà nâng đỡ, dìu dắt và ban tặng cho mỗi người một đôi hia ngàn dặm.

TV, 22.03.2024