Hai Người Phụ Nữ Tiên Phong Trong Phong Trào Tranh Đấu Cho Nữ Quyền Giữa Thế Kỷ 20

Dương Thanh Bình

Bối cảnh lịch sử

Vào thập niên 1930 phong trào giải phóng phụ nữ, đấu tranh đòi nam nữ bình quyền bộc phát mạnh mẽ ở Miền Nam Việt Nam. Tuần báo Phụ Nữ Tân Văn,[1] với những hoạt động tích cực và hiệu quả nhằm vận động cổ vũ cho nữ quyền và xây dựng một thế hệ phụ nữ tân tiến, đã là môi trường hoạt động rất tốt cho các vị nữ lưu có tư tưởng cấp tiến thời bấy giờ. Nhiều nữ ký giả, nữ văn sĩ, nữ vận động viên, và cả nữ võ sĩ lần đầu xuất hiện và làm nên tên tuổi trong thời gian này. Trong số nữ ký giả thời đó người nổi bật nhất có lẽ là Cô Nguyễn Thị Kiêm với bút hiệu được biết đến nhiều nhất là Manh Manh. Cô còn được xem như một vị nữ tướng tiên phong trong trận chiến giữa hai trường phái thơ cũ và thơ mới.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, vào cuối thập niên 1940 Quốc Gia Việt Nam của chính phủ Bảo Đại được thành lập. Trong tình trạng phôi thai của một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, vừa được trao trả chủ quyền, Quốc Gia Việt Nam đã cố gắng nhanh chóng phát triển và đóng góp vào nổ lực chung của nhân loại thời hậu chiến. Trong lãnh vực này, nhất là về giáo dục và xã hội, một vài phụ nữ Việt Nam thành công không kém nam giới, cả trong sự nghiệp riêng cũng như trong những hoạt động ngoài xã hội. Người chị ruột của Manh Manh Nguyễn Thị Kiêm, Cô Nguyễn Thị Châu, là một trong những nữ lưu ấy. Cô đã giữ những chức vụ khá cao và khá đặc biệt.

Hai Chị Em

Nguyễn Thị Châu là con gái đầu lòng và Nguyễn Thị Kiêm là con gái kế của ông Huyện Nguyễn Đình Trị, từng là nghị viên của thành phố Sài Gòn và cũng là một nhà báo thời bây giờ. Ông cũng chính là “ông bầu” của đội bóng đá nổi tiếng Ngôi Sao Gia Định. Trong gia đình các Cô được gọi là Cô Nhất và Cô Nhì.

 Nguyễn Thị Châu sinh tại Gia Định và theo Niên Giám Hành Chánh của Đông Dương (Annuaire Administratif de l’Indochine)  năm 1937 trang 114,[2] Cô sanh ngày 25 tháng 6 năm 1912. Cô học trường Áo Tím khi trường còn mang tên Ecole Primaire de Jeunes Filles Indigènes. Cuối đời Cô Nguyễn Thị Châu cư ngụ tại Montpelier và mất năm 1996, thọ 84 tuổi.

Nguyễn Thị Kiêm (hay Nguyễn Thị Kim[3]) sinh ngày 3 tháng Giêng năm 1914 tại Gò Công và cũng là nữ sinh Trường Áo Tím như chị. Năm 1932, Cô Châu đậu Tú Tài và Cô Kiêm đậu Thành Chung. Đó là một niềm hãnh diện lớn của gia đình Ông Huyện Trị. Sau khi tờ Phụ Nữ Tân Văn đình bản vĩnh viễn năm 1935, Cô Kiêm rời khỏi văn đàn và sang Pháp cư ngụ cho đến khi mất ngày 26 tháng Giêng năm 2005 trong một viện dưỡng lão.[4]

 

Nguyễn Thị Châu

1.    Khoa bảng: Học vị của cô nữ sinh áo tím Nguyễn Thị Châu đã là niềm hãnh diện của các học sinh thời ấy. 

  • Văn bằng Tú Tài: Cô là nữ sinh Việt Nam đầu tiên chỉ học ở Việt Nam, không sang Pháp mà đậu được bằng Tú Tài Pháp năm 1932, lúc Cô mới 20 tuổi. Thời ấy thành đạt này quả là một sự kiện rất đáng chú ý. Vì thế mà phóng viên PTM đã có cuộc phỏng vấn cô tú tân khoa với tựa đề “Nửa giờ tiếp chuyện với Cô Tú Nguyễn Thị Châu”[5].
  • Học vị Cử Nhân: Ngay sau đó Cô Tú Châu được học bổng của Hội SAMIPIC[6] sang Pháp du học và sau bốn năm thì lấy được bằng Cử Nhân để trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có bằng Cử Nhân Sử Địa (Licenciée en Histoire ─ Géographie) của Pháp. Một số học sinh của Cô tại trường Áo Tím vào đầu thập niên 1950 cho biết Cô còn có thêm bằng Cử Nhân Văn Chương (Licenciée ès Lettres).

Hai nguoi phu nu 01

2.    Sự nghiệp và hoạt động:

  • Hiệu Trưởng người Việt đầu tiên của Trường Gia Long:

Ngày 15 tháng 10 năm 1936 cô được bổ nhiệm làm giáo sư giảng dạy tại Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes[7] (sau đó đổi thành trường Gia Long). Đến năm 1950 Nguyễn Thị Châu lại được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng Trường Nữ Trung Học Gia Long và trở thành vị hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên của trường này. Hiệu Trưởng Trường Gia Long thay đổi từ người Pháp thành người Việt là một tiền đề cho việc Việt Nam hóa toàn bộ ban giám đốc, các giáo sư và nhân viên của trường. Thời điểm này cũng là cột mốc thay đổi từ chương trình Pháp sang chương trình Việt ở bậc trung học đệ nhất cấp.

  • Tổng Thư Ký đầu tiên của UNESCO Việt Nam: Tháng 3 năm 1951 Quốc Gia Việt Nam gia nhập UNESCO. Cô Nguyễn Thị Châu lại được giao trọng trách Tổng Thư Ký của Ủy Hội Quốc Gia UNESCO Việt Nam. Như vậy Cô Châu chính là vị Tổng Thư Ký đầu tiên của UNESCO Việt Nam. Đến tháng 11 cùng năm, Cô Nguyễn Thị Châu và Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung, phó chủ tịch UNESCO Việt Nam đại diện Quốc Gia Việt Nam tham dự Hội Nghị Khu Vực Nam Á và Nam Thái Bình Dương Lần Thứ Hai của các Ủy Hội Quốc Gia UNESCO (UNESCO Second Regional Conference of National Commissions for UNESCO of South Asia and the South Pacific[8]). Khi đất nước bị phân chia năm 1954, Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam được thừa kế Quốc Gia Việt Nam tiếp tục làm thành viên của UNESCO. Vì vậy các lần hội nghị sau đó vẫn có phái đoàn đại biểu Việt Nam Cộng Hòa tham dự cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
  • Đại biểu đầu tiên của Việt Nam dự Hội Nghị PPSEAWA: Sự năng động trên cấp quốc tề của Nguyễn Thị Châu còn được ghi nhận trong Hội Nghị Pan-Pacific and South East Asia Women’s Association (PPSEAWA) lần thứ 7, tổ chức ở Manila, Philippines năm 1955. Cuốn “Glamour in the Pacific Cultural Internationalism and Race Politics in the Women’s Pan-Pacific”[9] trang 196[10] ghi rõ Cô Nguyễn Thị Châu, Tổng Thư Ký của Ủy Hội Quốc Gia UNESCO Việt Nam, là 1 trong 3 đại biểu Việt Nam tham dự Hội Nghị này.

Tưởng cũng nên nhắc đôi chút về PPSEAWA. Đây là một tổ chức phi chính trị của phụ nữ quốc tế quan tâm về các vấn đề gia đình, hòa bình và sự hiểu biết ở các nước Liên Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Nó được phôi thai từ năm 1925, chính thức thành lập năm 1928 và tồn tại cho đến ngày nay. Hội nghị đầu tiên được tổ chức ở Honolulu, Hawaii, vào tháng 8 cùng năm 1928[11]. Chủ tịch đầu tiên là Jane Addams, một phụ nữ Mỹ ở Chicago, người được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1931.

Lúc đầu tổ chức có tên là PPWA (Pan-Pacific Women Association) với thành viên là các nước trong khu vực Liên Thái Bình Dương như Nhật, Mỹ, Hawaii, Philippines, Úc, Tân Tây Lan… Các hội nghị được tổ chức mỗi 3 năm một lần. Mục tiêu của của họ lúc đó là tất cả các vấn đề liên quan đến phụ nữ, là để học hỏi lẫn nhau thông qua trao đổi kinh nghiệm cuộc sống, văn hóa. Họ sẽ xây dựng tình bạn, sự hiểu biết và cuối cùng trở thành một lực lượng hòa bình trong khu vực Thái Bình Dương.

Đến năm 1955, hội nghị lần thứ 7, tổ chức ở Manila nói trên được mở rộng cho các nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam Cộng Hòa, và được đổi tên như hiện nay là PPSEAWA (Pan-Pacific South East Asia Women Association).

Mục tiêu của PPSEAWA:

  • Xác định nhu cầu và vấn đề của phụ nữ và trẻ em ngày nay.
  • Bảo vệ vị thế của phụ nữ và trẻ em và cải thiện gia đình và phúc lợi trẻ em.
  • Đẩy mạnh các chương trình xóa mù chữ giáo dục, đào tạo cho tất cả các lứa tuổi.
  • Làm việc để bảo vệ và cải thiện môi trường.
  • Huy động vốn và cung cấp hỗ trợ tại địa phương và khu vực rộng.

Hai quan điểm chính của PPSEAWA là

  • Sự phát triển tổ chức, gia tăng thành viên, tăng cường hoạt động ở tất cả các nước thành viên. Gia tăng ảnh hưởng vào tất cả các công việc của Liên Hợp Quốc.
  • Tăng cường tham gia vào tất cả các công việc của Liên Hợp Quốc.

Như vậy khi tổ chức PPWA vừa đổi thành PPSEAWA để mở rộng phạm vi hoạt động đến các quốc gia Đông Nam Á thì Nguyễn Thị Châu đã là một trong 3 đại biểu của phái đoàn Việt Nam. Do vậy có thể xem Cô Nguyễn Thị Châu là người phụ nữ Việt Nam tiên phong đến với một tổ chức bảo vệ và phát triển quyền lợi của phụ nữ cấp thế giới. Ngày nay, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không còn là thành viên của PPSEAWA nữa và đương nhiên những hoạt động của tổ chức này không còn được người trong nước biết đến. Cho nên các nổ lực của tiền nhân nhằm xây dựng một nền dân chủ, công bằng và nhân bản đã bị lãng quên một cách đáng buồn và đáng tiếc.

3.     Cô Nguyễn Thị Châu có là tổng thư ký của Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ Nam Kỳ không?[12]

  • Sơ lược về Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ (HTBCQN): Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, HTBCQN do CụNguyễn Văn Tố và Ông Trần Văn Giáp cùng một số nhân sĩ Bắc Hà khởi xướng vào cuối năm 1937[13] và được thành lập vào ngày 8 tháng 4 năm 1938 ở Hà Nội. Cụ Nguyễn Văn Tố là hội trưởng đầu tiên với ban tu thư gồm các ông Trần Văn Giáp,  Nguyễn Hữu Đang và Hoàng Xuân Hãn. Mục đích của Hội là truyền dạy một cách rộng rãi chữ quốc ngữ cho đại đa số dân ít học, đàn bà và trẻ con nghèo, cốt để họ viết được hay ít nhất cũng đọc thông chữ quốc ngữ. Sau đó ở Trung Kỳ và Nam Kỳ HTBCQN cũng lần lượt ra đời: Trung Kỳ năm 1940, Hội trưởng là Thi bá Nguyễn Phúc Ưng Bình, bút hiệu Thúc Giạ Thị; Nam Kỳ năm 1944, Hội trưởng là ông Michel Nguyễn Văn Vĩ.

HTBCQN ở ba miền hoạt động tích cực và hiệu quả. Nhờ vậy chữ quốc ngữ đã nhanh chóng được phổ biến từ thành thị đến thôn quê. Những câu vần

“O tròn như quả trứng gà,

 Ô thời đổi mũ Ơ là thêm râu” 

“Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn
Hỏi lom khom đứng, Ngã… buồn nằm ngang!”

… Chính là của Hoàng Xuân Hãn soạn ra trong thời gian này để dạy chữ quốc ngữ.

  • Cô Nguyễn Thị Châu và HTBCQN Nam Kỳ: Trong chú thích số 40 trang 47, Bách Khoa Thời Đại số 217 ngày 15 tháng Giêng năm 1966 ông Nguiễn Ngu Í trích nghị định thành lập HTBCQN Nam Kỳ ngày 16 tháng 8 năm 1944, liệt kê thành phần ban quản trị HTBCQN Nam Kỳ gồm có Ông Nguyễn Văn Vĩ (Hội Trưởng), Ông Đoàn Quan Tấn (Phó Hội Trưởng), Cô Nguyễn Thị Châu (Thư Ký) và Ông Huỳnh Tấn Phát (Trưởng Ban cổ động)[14].

Thế nhưng Bằng Giang trong Sài Côn Cố Sự viết rằng từ tháng 8 năm 1944, tổng thư ký của Hội là ông Khuông Việt. Và theo Trương Thanh Vân- Tiền Vĩnh Lạc thì trong buổi lễ ra mắt chính thức tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo vào ngày 5 tháng 11 năm 1944 với tư cách Tổng Thư Ký, Ông Khuông Việt đã đọc tôn chỉ và mục đích của Hội[15].

Như vậy có thể giải thích là khi thực sự đi vào hoạt động thì thành phần nòng cốt của HTBCQN Nam Kỳ có khác so với nghị định thành lập lúc ban đầu.

 

Nguyễn Thị Kiêm

Khác với chị ruột, Cô Nguyễn Thị Kiêm không theo ngành giáo mà lại theo nghiệp làm báo của cha. Nguyễn Thị Kiêm với các bút hiệu YM, Nguyễn Văn, MYM, Manh Manh, Nguyễn Thị Kiêm, nhưng được biết đến nhiều nhất là Manh Manh. Khởi đầu Cô viết những chuyện vui đăng trên Phụ Nữ Tân Văn, ký tên YM. Các chuyện “Cách Xin Sự Khôn Khéo”, “Chết Đáng Đời Lắm” đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 86, ngày 11 tháng Sáu năm 1931, cho thấy Cô bước vào làng báo khi còn rất trẻ, mới 17 tuổi.

 Vai trò tiên phong của Nguyễn Thị Kiêm có thể liệt kể như sau:

1.    Nữ ký giả đầu tiên của Việt Nam:

Ký giả Ngọa Long viết về Manh Manh như sau “Nữ phóng viên chính hiệu là bởi vì trước đó ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn người giữ mục phụ nữ, viết về phụ nữ, mặc dù ký tên là Thị nọ Thị kia, nhưng đều là ký giả có râu”[16]. Tờ báo tiếng Pháp Chantecler cũng viết rằng Cô Kiêm là nữ ký giả sáng giá, tranh đấu cho nữ quyền Việt Nam và đó là điều đáng khích lệ cho phụ nữ Việt Nam[17].

Ngoài Phụ Nữ Tân Văn Cô còn cộng tác với nhiều tờ báo như Công Luận, Nữ Lưu, Việt Nam… Cô viết nhiều thể loại, từ chuyện vui cười cho thiếu nhi (thường ký YM), chuyện ngắn (thường ký MYM), bình luận tuồng cải lương và tuồng kịch. Có thể tóm tắt văn tài của Cô như sau:

  • Nguyễn Thị Kiêm là một nữ phóng viên tài năng. Cô đã làm nhiều phóng sự cho tờ Phụ Nữ Tân Văn. Ngòi bút tình cảm và nhân bản trong các bài phóng sự với các đề tài nóng bỏng về những nỗi đau trong xã hội làm nhức nhối lương tâm đọc giả. Trong hai bài nổi tiếng “Người điên ở nhà thương Biên Hòa”“Viếng một cái thành sầu: Nhà thương Bạc Hà”[18] Cô đã vạch trần các lý do khiến con người, đặc biệt là phụ nữ, phải rơi vào hoàn cảnh thương tâm, phải tha hóa bệnh hoạn hay bị lính kiểm tục bắt giữ.

Hai nguoi phu nu 02

Cô viết những bài phỏng vấn rất có giá trị, điển hình là phỏng vấn nhà văn nổi tiếng Pháp Maurice Dekobra “Một cuộc phỏng vấn nửa đêm”. Bằng văn phong dí dỏm mà sâu sắc Cô tả lại cảnh chờ đợi nhà văn trên tàu André Lebon vừa bến Sài Gòn từ chiều cho đến quá nửa đêm để được gặp ông. Bài đăng trong Phụ Nữ Tân Văn số 225 xuất bản ngày 23 tháng 11 năm 1933 cùng vởi ảnh ông Maurice Dekobra in kèm.

Hai nguoi phu nu 03

  • Sâu sắc trong các bài xã luận: Các bài viết về vấn đề nữ quyền, về việc khuyến khích phụ nữ tham gia việc xã hội, phải có sự nghiệp như nam giới là những đề tài nổi bật của Manh Manh nữ sĩ. Với bút hiệu Nguyễn Văn Mym hay Ng.Văn. Mym Cô viết biếm luận trong “Nhân vật buổi kinh tế” đăng nhiều kỳ PNTV. Các bài báo miêu tả thành phần dân chúng trong bối cảnh xã hội thời kinh tế mới phát triển. Với văn phong khá trào phúng và sâu sắc Cô chỉ trích cách sống tiêu cực và châm biếm sự giả dối để trục lợi cho riêng mình của một số người lười biếng.
  • Linh động và xúc tích trong bút ký: Trên đường ra Bắc để thuyết trình năm 1934 Manh Manh đã ghi lại cảnh quang và cảm xúc của mình trong loạt bài đăng nhiều kỳ với tựa đề “Dọc đường cuộc hành trình từ Nam ra Bắc” bắt đầu đăng trên PNTV số 264, 25 Tháng 10 năm 1934.

2.    Nữ diễn giả đầu tiên của Việt Nam

Phải nói rằng hoạt động làm nên tên tuổi của Cô chính là những lần thuyết trình trước công chúng. Các bài nói chuyện này chẳng những nổi tiếng thời ấy mà cho đến nay vẫn còn được ca ngợi vì tính đúng đắn và sâu sắc của nó. Tất cả các bài diễn thuyết của Cô Nguyễn Thị Kiêm đều được đăng tải trong tuần báo PNTV và còn giữ được cho đến bây giờ.

Cô đã diễn thuyết từ Nam ra Bắc với hai đề tài chính là tranh đấu cho quyền bình đẳng của phụ nữ và cổ vũ cho phong trào thơ mới. Trong cả hai lãnh vực Cô Kiêm đều là một tướng lãnh tiên phong tài giỏi.

a.    Thuyết trình tranh đấu cho nữ quyền:

  • Nguyễn Thị Kiêm đã gây phong trào Nữ lưu và Văn học, khơi động chị em phụ nữ đến với văn chương một cách đại trà trong bài diễn thuyết ở Hội Chợ Phụ Nữ ngày 26 tháng 5 năm1932 (được đăng trên PNTV số 131). Cô kêu gọi chị em phụ nữ hâm nóng lại nguồn cảm hứng văn học của các bà Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan; khuyến khích sự phát triển về văn tài phụ nữ, cho rằng chỉ có phụ nữ mới lột tả hết niềm riêng của phụ nữ. Bài diễn thuyết này nhằm mục đích khởi xướng và cổ võ cho việc thành lập Nữ Lưu Học Hội một thời gian ngắn sau đó. Cô chủ trương: “Đối với những người như chúng tôi đây, ngu mà muốn học cho khôn, dốt mà muốn học cho giỏi, không biết mỹ thuật mà biết yêu mến mỹ thuật, không biết văn chương mà muốn cảm mến văn chương thì Nữ lưu học hội thiệt là cần ích cho chúng tôi lắm”.
  • Ngày 8 tháng 5 năm 1934, Cô ra Huế thuyết trình đề tài “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tân tiến” Cô giải thích “Chủ nghĩa phụ nữ là làm thế nào để giải phóng phụ nữ khỏi những lễ giáo hủ bại, binh vực quyền lợi cho phụ nữ, kiếm những cách sinh hoạt cho chị em để sự sống của mình được hoàn toàn hơn, và nâng cao trình độ trí thức của mình”.Cô nhẹ nhàng nhưng sâu sắc lên án đàn ông xem thường “chí hướng của chúng tôi là như thế mà bên nam giới bất phục, cho đó là chủ nghĩa ích kỷ. Rồi đối với các chị em đứng lên dẫn đường, đối với các báo phụ nữ, họ có ác cảm là vì họ tưởng phụ nữ chủ nghĩa bày ra để chia rẻ nam nữ, gây chuyện xung đột giữa chồng vợ, cha con, anh em. Thưa quý ngài, không đâu, phụ nữ chủ nghĩa chẳng phải như vậy”. Với cả tình và lý, Cô phân tích mạch lạc ý nghĩa và mục đích của chủ nghĩa phụ nữ mà Cô đang theo[19]. Báo chí đã có bài khen ngợi “ xưa nay ở Huế chưa có buổi diễn thuyết nào mà đông như bửa nay”,
  • Ở Hà Nội, bài thuyết trình của cô với tựa đề “Một ngày của một người đàn bà tân tiến” đã thành công vượt bực. Hội quán Khai Trí Tiến Đức đêm 8 tháng 9 năm 1934 đã chật ních không còn một chỗ đứng. Người ta nghe Cô trình bày về cách cắt đặt công việc của một người phụ nữ mới, từ việc trong nhà đến việc ngoài xã hội, từ chăm sóc gia đình con cái đến sự nghiệp của mình một cách khoa học và thực tế. Theo Cô thì “Đàn bà tân tiến là đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ” và thiết tha “xin ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm người trong xã hội”.  Gần như tất cả các báo Hà Thành đều khen ngợi đưa tin. Tờ Đông Pháp cho rằng “tin Cô Kiêm diễn thuyết đã thành một dư luận xôn xao… Bởi vậy tối hôm cô Kiêm diễn thuyết công chúng đã kéo đến hội quán phố Hàng Trống như nước chảy…”. Tờ Ngọ Báo viết “8 giờ đúng, cửa mở toang. Thôi thì mạnh ai nấy lách vào, đàn ông, đàn bà lẫn lộn.. Ngày thường lổng chổng mấy bàn ghế hôm nay đã gấp đôi thế cũng chẳng đủ chỗ cho công chúng đứng, ngồi. Trên gác, dưới nhà không một chỗ hở”. . Không phải chỉ các tờ báo tiếng Việt loan tin, theo dõi và viết bài về các buổi diễn thuyết này, mà cả tờ báo tiếng Pháp L’Africain ngày Chúa Nhật 4/12/1934 cũng đưa tin khen ngợi.
  • Thành công ở Hà Nội là tiền đề để nữ sĩ Manh Manh tiếp tục diễn thuyết ở Nam Định vào đêm 3 tháng 11 năm 1933 với bài “Có nên tự do kết hôn không?”. Cô lên án quan niệm nam trọng nữ khinh, phá vỡ hủ tục trói buộc người đàn bà trong “tứ đức tam tòng” đồng thời lý giải một cách khoa học sự nguy hại của tục tảo hôn, buộc con gái lấy chồng sớm. Cô đề nghị sau khi đính hôn nên có một giai đoạn tìm hiểu nhau, ít nhất là một năm, rồi mới đi đến hôn nhân thực sự. Cô còn táo bạo ủng hộ việc ly hôn nếu vì một lý do gì đó mà vợ chồng không thể sống cùng nhau. Cô cho rằng “Trước khi lấy vợ lấy chồng các bạn hãy suy xét cho kỹ, phải hiểu rõ trách nhiệm rồi đặt mình trên con đường vững để lấy sức lực và tinh thần mà làm việc xã hội”. Rồi Cô kết luận “Bây giờ nói xong xin các ngài cứ vỗ tay to lên, chúng ta tưởng tượng đó là pháo nổ, pháo nổ đốt các sợi xích thằng xằng xịu, đốt luôn cả các ông tơ bà nguyệt vụng về”.
  • Ra Hải Phòng Cô nói về đề tài “Có nên bỏ chế độ đa thê không?”. Ngày nay chế độ đa thê ở nước ta không còn nữa, nhưng vào thập niên 1930 nó lại là một điều tệ hại đối với phụ nữ. Manh Manh lên án những người đàn ông thiên về vật chất, chỉ chuộng cái đẹp, quên đi cái đức và cái tình của người phụ nữ; vạch rõ mối nguy hại cho gia đình và xã hội khi kéo dài chế độ đa thê. Rồi Cô đề nghị “Bây giờ ở xứ ta muốn tiêu diệt chế độ đa thê thì nên cổ động đánh đổ sự tảo hôn, khuyến khích sự học cho phụ nữ và lập một cái giáo dục cho bạn thanh niên”[20].

Những điều mà Cô đề nghị hơn 80 năm trước chính là lối sống của xã hội ngày nay. Điều này cho thấy suy nghĩ của Cô đi trước thời đại mấy chục năm.

b. Tranh đấu cho phong trào thơ mới:

Nếu Phan Khôi là phát súng đầu tiên thì Manh Manh nữ sĩ là vị tướng tiên phong tài ba hết lòng tranh đấu cho thơ mới. Trận chiến giữa thơ cũ và thơ mới vào đầu thập niên 1930 là trận chiến đầu tiên và duy nhất trong thơ ca Việt Nam cho đến ngày nay. Cái độc đáo là ở chỗ một thiếu nữ non trẻ tuổi đời, ngoại hình nhỏ nhắn, mới vào nghề làm báo không bao lâu lại tả xung hữu đột trên “thi trường” mà đối thủ là những bậc tiền bối, lão thành trong thi văn đàn. Trận chiến này cũng được xem là một cuộc cách mạng trong thơ ca.

  • Khởi đầu cuộc chiến thơ cũ thơ mới: Bài thơ “Tình Già” cùng với bài viết “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” của Phan Khôi xuất hiện trên tờ PNTV số 122 ra ngày 10 tháng 3 năm 1932[21], tiếp theo là bài Ðường Đời Vắng Khách Thơ[22] của Lưu Trọng Lưbị phái thơ cũ công kích, chế diễu dữ dội.

Phái bênh vực thơ cũ chống thơ mới gồm các tờ An Nam Tạp Chí, Văn Học Tạp Chí, Văn Học Tuần San, Công Luận, Tiếng Dân, Tin Văn. Văn nhân thi sĩ thì có Tản Đà, Tân Việt, Nguyễn Văn Hanh, Tường Vân, Phi Vân, Thái Phỉ… và cả Huỳnh Thúc Kháng nữa. Người ta chê người làm thơ mới sợ cái khó khi làm thơ cũ, không biết cách dùng chữ, không biết cách gieo vần, câu không ra câu, cú không ra cú…Riêng Huỳnh Thúc Kháng sau nhiều lần chỉ trích, đến năm 1941 Huỳnh Thúc Kháng còn cho rằng thơ mới phải đến ngày mạt hạn.

Phái hô hào cổ vũ thơ mới: Phong Hóa, Ngày Nay, PNTV, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Loa, Hà Nội Báo… Trong số này, tờ Phong Hóa là hăng hái nhất, cùng với nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương “cái mới” nên nhiệt thành ủng hộ lối thơ mới. Họ cho rằng cần phải vứt bỏ niêm luật cũ thì mới diễn đạt được tình ý trong thi ca. Họ đã phá lối đối câu, đối chữ, coi đó là những điều trói buộc làm nghèo nàn lời thơ. Phái thơ mới chủ trương cứ để cho niềm xúc cảm không tuôn trào trên ngọn bút miễn câu văn êm xuôi, vần điệu tương thích để diễn đạt được trọn vẹn tình ý.

Mặc dù sau đó trên PNTV vẫn xuất hiện những bài viết cổ vũ thơ mới cũng như các bài thơ mới của nhiều văn nhân thì sĩ đương đại như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ. Hồ Văn Hảo như Con nhà thất nghiệpTình thâm, Hương nồng… nhưng trận chiến không vì thế mà kém gay gắt, ngược lại đã liên tục diễn ra từ năm 1933 đến 1935.

  • Manh Manh nhiệt liệt ủng hộ thơ mới trên báo chí:

Người ta bắt đầu chú ý đến Manh Manh khi các bài báo bênh vực lối thơ mới cùng với các bài thơ của Cô liên tục xuất hiện trên các tờ báo thời bấy giờ, đặc biệt nhất là trên tờ PNTV. Có thể kể các bài sau: Canh Tàn, Lá Rụng, Viếng Phòng Vắng, Hai Cô Thiếu Nữ… Độc đáo nhất là bài “Bức Thư gửi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới”[23]. Đây là bài thơ lên tiếng giải thích vì sao Cô vắng mặt trên văn đàn thơ mới trong một thời gian. Bằng những câu giản dị, rất Nam Kỳ, nhưng quyết liệt, Cô khẳng định lập trường của mình.

Phải tôi đấy, Manh Manh, mấy bạn à! 
Lâu quá không làm thơ, mấy bạn cũng “nột dạ”?
Phải, tôi đây, Manh Manh, mấy ông à!
Lâu quá không làm thơ, mấy ông lấy làm lạ?… 

……..

Cô nói rõ vì bận rộn nên không làm thơ mới chứ không phải vì sợ chỉ trích hoặc không còn ủng hộ thơ mới. Khi kết luận cô đề nghị một cách công bằng và hợp lý: người thích thì nên tìm cái dở để trau chuốt lại, người chống thì nên tìm cái hay để có thể yêu thích.

Bây giờ tôi thử khuyên khách làng thơ: 
Đổi lại, ai ưa thơ mới lo tìm chỗ dở,
Ai ghét, ráng kiếm cái hay của thơ
Vậy, chê, khen, có giá trị hoa mới sẽ nở”.

  • Đăng đàn diễn thuyết và tranh luận ủng hộ thơ mới: Điều làm nổi bật tên tuổi Manh Manh Nguyễn Thị Kiêm trong làng thơ ca chính là buổi diễn thuyết và tranh luận về thơ.

Cô diễn thuyết tuyên truyền cho lối thơ mới ở Hội Khuyến Học (SEMC)[24] vào tối 26/07/1933 và đã gây sôi nổi trong giới trí thức và trung lưu Sài gòn. Bác sĩ Trần văn Đôn, Hội trưởng Hội Khuyến Học, đã nói “Lịch sử Hội Khuyến Học hai mươi lăm năm trời, nay mới có nữ sĩ đăng đàn diễn thuyết”. Đó cũng là một đề tài nóng bỏng trên văn đàn lúc bấy giờ. Để nói về cái tài và cái dũng của Cô, hai ông Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng đã trích dẫn lời Hoài Thanh – Hoài Chân như sau:“Từ hai tháng trước, hôm 26-7-1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bây giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết có đông người nghe như thế”. [25] Bài diễn thuyết của Cô được đăng lại nguyên văn trên tờ PNTV số 218 ngày 10 tháng 8 năm 1933.

  • Tranh luận để ủng hộ thơ mới: Ngày 9 tháng giêng năm 1935, Manh Manh nữ sĩ đăng đàn tranh luận với Ông Giáo Nguyễn Văn Hanh về vấn đề thơ cũ, thơ mới ở trụ sở của Hội Nam Kỳ Trí Đức Thể Dục SAMIPIC[26]. Bình Nguyên Lộc cho biết ông Giáo Hanh là một nhà hùng biện, hơn thế nữa, “một nhà ngụy biện đại tài”. Và cái tài của ông giáo này là “cách đùa cợt vừa có duyên, vừa hơi tục tỉu”. Chẳng hạn khi tranh cãi ông thường hỏi Cô Kiêm “Cô chịu xìu chưa? Nếu cô không xìu thì tôi xìu trước vậy.[27] Vậy là khán giả rộ lên cười. Ông Bình Nguyên Lộc cũng cho rằng vì thế Cô Kiêm “phải lép vế”. Trận chiến này Manh Manh thua. Nhưng thực tại đã chứng minh: Trường phái thơ mới đã thắng. Và khi nhắc đến cuộc tranh luận này thì người ta khen ngợi nữ sĩ Manh Manh nhiều hơn là ông giáo Hanh.

Về vấn đề thơ mới – thơ cũ, nhận xét của hai ông Nguyễn Tấn Long – Nguyễn Hữu Trọng trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến (trang 205) là rõ ràng nhất về nữ sĩ Manh Manh:

“Chúng ta ngày nay nhìn lại việc qua, giữa cái cũ kỹ từ nghìn đời sừng sững như cổ thành kiên cố; thế mà, bỗng chốc, một Phan Khôi táo bạo nổ phát súng cách mạng thi ca; người nữ chiến sĩ tiền phong anh dũng và hăng say hoạt động để bảo vệ và củng cố nền tảng thơ mới bén rễ và sống mạnh, ta phải kể Nguyễn Thị Manh Manh, một tay đã đóng góp công lao không nhỏ cho nền văn học đất nước”. 

Hai nguoi phu nu 04

 Hình và thủ bút của Manh Manh gửi tặng nhà thơ Hồ văn Hảo năm 1950

Nguồn:http://leminhquoc.vn

Lời Kết

Có thể tóm lược những vai trò tiên phong của hai chị em như sau:

  • Cô Nguyễn Thị Châu là
  • vị Hiệu Trưởng người Việt Nam đầu tiên của Trường Áo Tím Gia Long, một trong những ngôi trường nữ lớn nhất Việt Nam;
  • Tổng Thư Ký đầu tiên của UNESCO Việt Nam;
  • một trong 3 đại biểu đầu tiên của Việt Nam tham dự một hội nghị phụ nữ cấp quốc tế Pan-Pacific and South East Asia Women’s Association (PPSEAWA).
  • Cô Nguyễn Thị Kiêm là
  • nữ ký giả đầu tiên của Việt Nam;
  • nữ diễn giả đầu tiên trong mặt trận tranh đấu cho phong trào nữ quyền;
  • nữ diễn giả, nữ hùng biện duy nhất cổ vũ cho phong trào thơ mới.

Hơn 84 năm sau, giờ đây nhìn lại lịch sử văn học, giáo dục của Việt Nam, chúng ta không khỏi khâm phục ý chí và tài năng của tiền nhân một thời gây dựng cho xã hội Việt Nam văn minh tiến bộ. Theo thời gian, một số sự thật bị phôi phai và thay vào đó nhiều bóp méo có dụng ý. Nhiều nhân vật và sự kiện bị thay đổi hoặc xóa bỏ một cách có tổ chức, nhất là những thông tin trên internet. Công sức của tiền nhân bị lãng quên, bị phủ định hay bị đánh cắp. Chúng tôi với sự dè dặt và thận trọng, cố tìm những tư liệu đáng tin cậy hầu ghi lại phần nào bối cảnh thật của một thời đại đã qua. Chúng tôi nghĩ đó là một cách tỏ lòng cảm kích và biết ơn các bậc tiền bối cũng như tìm lại một phần sự kiện thật mà các nhân chứng hiện nay không còn nữa.

Sydney tháng 2 năm 2017

Dương Thanh Bình

Tài liệu tham khảo

  1. Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh- Hoài Chân, nxb Văn Học 1988
  2. Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, quyển thượng, Nguyễn Tấn Long- Nguyễn Hữu Trọng, nxb Sống Mới (Sài Gòn) 1968.
  3. Sài Côn Cố Sự, Bằng Giang, NXB Văn Học, 1999
  4. Phụ Nữ Tân Văn, Thư Viện Quốc Gia Việt Nam
  5. http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5707500k/f2.item.r=Nguyen%20thi%20kiem.zoom
  6. Nữ Sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, Thanh Việt Thanh – Thiện Mộc Lan; nxb Văn Nghệ TPHCM, 1988.

[1] Về Phụ Nữ Tân Văn xin xem thêm bài Ba Phụ Nữ Trong Sự Nghiệp Làm Báo Tiền Bán Thế Kỷ 20, cùng một tác giả. Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long số 10.

[2]http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k56041194/f122.item.r=nguyen%20thi%20chau.langEN.zoom

[3] Về tên của Cô Kiêm xin xem bài “Một thiếu niên nữ sĩ trong ban biên tập của bổn báo”. Phụ nữ Tân Văn số 197 ngày 27/4/1933 http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19330427.2.9&srpos=&dliv=none&e=——-vi-20–1–img-txIN——

[4] https://www.google.com.au/webhp?sourceid=chrome-instant&ion=1&espv=2&ie=UTF-8#q=manhmanh+nguy%E1%BB%85n+Th%E1%BB%8B+Ki%C3%AAm

[5] PTM. Phụ Nữ Tân Văn, Số 167, 8 Tháng Chín 1932

[6] SAMIPIC (Société pour l’Amélioration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de Cochinchine, còn gọi là Hội Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ). Về SAMIPIC xin xem thêm bài Hội Trí Đức Thể Dục Nam Kỳ SAMIPIC; cùng một tác giả, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long số 9

[7]http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k56041194/f122.image.r=nguyen%20thi%20chau.langEN

[8]Theo tài liệu từ bảng danh sách các đại biểu tham dự Hội Nghị Khu Vực Lần Thứ Hai của các Ủy Hội Quốc Gia UNESCO (UNESCO Second Regional Conference of National Commissions) http://unesdoc.unesco.org/images/0015/001554/155420mb.pdf

[9] Fiona Paisley, University of Hawai’i Press, 2009.

[10]http://books.google.com.au/books?id=FaJUnnYxOlYC&pg=PA196&dq=The++Regional+Conference+of+National+Commissions+nguyen+thi+chau&hl=en&sa=X&ei=QTpQUYftOorakgXr4IHgAw&ved=0CDcQ6AEwAQ#v=onepage&q=The%20%20Regional%20Conference%20of%20National%20Commissions%20nguyen%20thi%20chau&f=false

[11] http://ppseawa.org.my/blogs/

[12] Tác giả xin cám ơn anh Lý Hồng Giang đã cung cấp nhiều tài liệu về HTBCQN và hình ảnh về Cô Nguyễn Thị Châu.

[13] https://www.diendan.org/tai-lieu/doan-ket/nho-lai-hoi-truyen-ba-quoc-ngu

[14] Có nguồn tin cho rằng ông Nguiễn Ngu Í, tên thật là Nguyễn Hữu Ngư, là phó thư ký của HTBCQN Nam Kỳ, vì vậy mà ông có được bản Nghị Định cho phép thành lập Hội.

[15] http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Hoi-truyen-ba-Quoc-ngu-Nam-ky-14070.html

[16] Ngọa Long, 10 năm làng báo Sài Gòn, Đuốc Nhà Nam số ra ngày 17 tháng 10 năm 1969

[17] http://gallica.bnf.fr/ark:/1214http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Hoi-truyen-ba-Quoc-ngu-Nam-ky-14070.html8/bpt6k5654966x/f6.item.r=Nguyen%20thi%20kiem.zoom

[18] Nhà thương Bạc Hà nay là bệnh viện Da Liễu

[19] Phụ Nữ Tân Văn số 243 ngày 24 tháng 5 năm 1934

[20] Phụ Nữ Tân Văn số 268 ra ngày 29 tháng 11 năm 1934.

[21] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19320310.2.10&e=——-vi-20–1–img-txIN—–

[22] Bài thơ ký tên tác giả là Thanh Tâm, nhưng đó cũng chính là Lưu Trọng Lư.

[23] Phụ Nữ Tân Văn, Số 228, 14 Tháng Mười Hai 1933.

[24]Nhiều tác giả nhầm lẫn Hội Khuyến Học Nam Kỳ (Société d’Enseignement Mutuel de la Cochinchine tức SEMC) do Bác Sĩ Trần Văn Đôn làm Hội Trưởng và Hội Nam Kỳ Trí Đức Thể Dục (Société d’Amélioration Morale Intellectuelle et Physique des Indigènes Cochinchine, SAMIPIC) do Kỹ Sư Lưu Văn Lang thành lập. Cô Kiêm diễn thuyết lần đầu năm 1933 tại SEMC và lần sau tranh luận với ông Giáo Hanh năm 1935 tại SAMIPIC.

[25] Trích Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến trang 202.

[26] “Bài Suýt Oánh Nhau Vì Thơ” trong “Hồi Ký Bình Nguyên Lôc”  có đoạn “Cuộc tranh-biện xảy ra tại hầm của hội Samipic là thứ hội Khai-Trí Tiến-Đức của miền Nam ở đại-lộ Galliéni mà bây giờ là trụ-sở của MACV, đại-lộ Trần-Hưng-Đạo” cho thấy cuộc tranh luận diễn ra ở trụ sở SAMIPIC.

[27]  Chữ in nghiêng là trích Hồi Ký Bình Nguyên Lộc http://www.binhnguyenloc.de/pages/TruyenNgan/ThoiThe/SuytOanhNhau/ThoiThe-SuytOanhNhau.htm