Khi tôi về:

Ra khỏi trại cải tạo, tôi trở về nhà tôi ở đường Hoàng Đạo thì nhà tôi đã trống trơn. Các con tôi đã gởi ở nhà ông bà ngoại mấy năm rồi, quang cảnh thật buồn “cảnh đó, người đây, luống đoạn trường”. Nhà tôi còn đó, nhưng có cái gì khác lạ.

Tôi không còn tiền bạc gì cả. Trước năm 1975, tôi cũng khá giả, tôi đã có 3, 4 triệu bạc gởi ngân hàng (đó là một số tiền lớn lúc bấy giờ). Nay, nhà nước đã quản lý và không ai được rút tiền ra. Trong túi tôi chỉ còn 10 đồng mới (5000 đồng cũ) mà thôi. Tôi mở sách Thánh kinh ra và thấy có câu “Chúa cho những người giàu có tay không”. Nay tôi đã trở thành tay không rồi.

Thành phố buồn:

Saigon có bộ mặt khác hẳn xưa, nay đã đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh, không còn có vẻ sầm uất, nhộn nhịp như xưa nữa. Các tiệm ăn uống, may mặc, dịch vụ đều đóng cửa. Những tiệm bán gạo, thực phẩm… đều do nhà nước quản lý. Ngoài đường, không thấy nhiều xe hơi, xe gắn máy như trước nữa mà chỉ toàn là xe đạp thôi. Chỉ có quan chức nhà nước mới sử dụng xe hơi để đi làm hay đi công tác.

Tôi cũng đạp xe đạp để đi kiếm việc làm. Trên đường đi, tôi thấy mọi người có vẻ tư lự, người nào cũng lo đạp xe để mau mau về nhà. Một số người mua thực phẩm, vật dụng cũng thế, không ai nói chuyện với ai.

Trước mắt, tôi chỉ được tạm trú ở Saigon và ra giêng (Tết xong) phải lo đi vùng kinh tế mới. Đó là lệnh của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố!

Trước đó, tôi ở nhà mấy ngày liền. Ba má tôi và vài người thân đến thăm và chúc mừng tôi. Tôi cũng nhờ má tôi mua thức ăn để tôi ăn ở nhà. Việc đầu tiên tôi phải đi tìm việc làm thì mới có thể xin ở lại thành phố và có hộ khẩu được nhưng trên nguyên tắc, có hộ khẩu mới xin việc làm được! Đó là những trở ngại lúc ban đầu của tôi. Cũng thật may mắn, vì nhờ Ơn Trên, tôi đã nhanh chóng kiếm được việc làm.

Chuyện may mắn của tôi xảy ra như sau: một hôm khi lên Sở Y Tế thành phố (tọa lạc tại đường Hai Bà Trưng, nguyên là Tòa Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc cũ) để xem tin tức. Thấy tôi đang đứng xớ rớ trước văn phòng, một anh “cán bộ” ra hỏi:

– Sao anh đứng đó làm gì? Tôi trả lời:

– Chẳng giấu gì anh, tôi là bác sĩ chế độ cũ, mới tù cải tạo về, tôi muốn xin đi làm lại có được không?

Anh ta hỏi:

– Anh có chuyên khoa gì? Tôi đáp:

– Tôi là bác sĩ chuyên khoa da liễu của chế độ cũ.

Anh ta lộ vẻ vui mừng bảo:

– Tốt quá, anh vào đây, chúng tôi đang cần bác sĩ cho chuyên khoa nầy.

Thế là anh ta cho tôi nộp đơn ngay, và một tháng sau thì được đến làm việc, lúc đó vào khoảng đầu năm 1977. Tôi tạm an phận “cá chậu chim lồng” làm việc tại Bệnh viện Da Liễu.

Tôi rất vui mừng vì có được công ăn việc làm, được gần ba tôi tuổi già sức yếu và các con tôi.

Ở thời điểm đó, những sĩ quan đi tù cải tạo trở về, rất khó kiếm việc làm nếu không có chuyên môn về khoa học kỹ thuật. Một số phải ra mở chỗ sửa xe, vá xe đạp; một số phải hành nghề đạp xích lô. Trong số người đạp xích lô này có một bạn là bác sĩ học chung lớp với tôi, mãi sau nầy mới tìm được việc làm trong ngành Y Tế trở lại. Còn thầy giáo thì khỏi nói, tôi thấy nhiều thầy giáo cũng đi đạp xích lô, trong đó một thầy giáo từng dạy tôi ở Petrus Ký.

Lương bổng lúc đó là 60$/tháng. Tất cả các bác sĩ đều lãnh lương bằng nhau (sau nầy mới điều chỉnh lên theo năm ra trường). 60$ là lương công nhân viên hạng A, 45$ hạng B và 30$ là hạng C.

Lương bổng của các bác sĩ và dược sĩ như sau: mới ra trường chỉ được 85% của số lương 60$. Sau đó bậc 1,60$; bậc 2, 75$; bậc 3, 85$; bậc 4, 100$ và bậc 5, 120$, tùy số năm đã ra trường và phục vụ trong ngành y tế để được nâng bậc.

Sau nầy, tôi được điều chỉnh lên 75$ rồi 85$. Chỉ có các bác sĩ thâm niên, lão thành mới được 100$ hoặc 120$. Tại bệnh viện Da Liễu, chỉ có bác sĩ Nguyễn Thứ, cựu Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Văn Văn Của, cựu Đô trưởng, được lãnh 120$ mà thôi.

Lúc đó, tôi thấy chỉ có ngành y, dược, nha, kỹ sư công chánh, hoặc kỹ sư điện là được chánh quyền cộng sản cho làm việc trở lại. Còn các ngành dạy học, thẩm phán, đốc sự thì đa phần bị cho nghỉ việc, và nếu làm việc, chỉ lãnh lương hạng B. Tại bệnh viện tôi, có một anh nguyên là Tham vụ ngoại giao, làm kế toán chỉ lãnh có 45$. Tôi cũng biết một anh khác là luật sư cũng chỉ được lãnh 45$ mà thôi.

Vì là công nhân viên, tôi được mua gạo và một số nhu yếu phẩm với giá chính thức. Tôi còn nhớ, mỗi tháng tôi được 21 kg gạo nhưng tôi có ba đứa con (được ăn theo), nên mỗi tháng tôi mua được 40 kg gạo, 1.2 kg thịt, một ít bột ngọt với giá chánh thức.

Mỗi lần trực ở bệnh viện thì được bồi dưỡng một lon sữa, một gói mì, một chút bột ngọt. Sữa chỉ dành cho trẻ em và phụ nữ dành cho con bú, 6 hộp/tháng. Tôi không dám dùng sữa mà đem bán ra ngoài, mua thức ăn cho các con tôi.

Cuộc sống của tôi cũng tạm yên, nhưng với số lương như vậy, đời sống cũng hơi chật vật. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác phải bán bớt những đồ dùng trong nhà để có tiền xài. Tôi cũng bán bớt máy giặt, máy sấy… và quan trọng hơn hết, bán chiếc xe hơi Deux Cheveau mà tôi rất thích.

Mỗi ngày, tôi đi làm bằng xe đạp. Trên đường đi, tôi thấy GS Phạm Biểu Tâm, GS Nguyễn văn Út cũng đạp xe đạp, vừa đạp vừa thở.

Những vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm, do nhà nước quản lý, do đó phải có hộ khẩu và phải có tem phiếu mới mua được. Mỗi khi mua, vì đông quá, phải sắp hàng mới mua được, vì thế mới có cụm từ XẾP HÀNG CẢ NGÀY (XHCN).

Trong hai năm đầu (77, 78), sau khi đi làm từ bệnh viện về, tôi thường ghé thăm các con gởi bên nhà ông bà ngoại, hay ghé thăm ba tôi ở đường Hiền Vương rồi đi về nhà. Tôi không dám đi đâu hay giao thiệp với bạn bè. Cuối tuần, tôi thường đến nhà thờ Tân Định để xem lễ mà thôi. Thỉnh thoảng, tôi phải lên công an phường họp về vấn đề đi kinh tế mới. Đi vùng kinh tế mới là một chánh sách do nhà nước quản lý các sĩ quan đi tù cải tạo về!

Vì có việc làm rồi, cho nên tôi không phải đi vùng kinh tế mới và không phải đi làm thủy lợi. Đi làm thủy lợi là một cực hình vì phải lội nước và lao động nặng. Đi kinh tế mới hay đi làm thủy lợi là hai sự việc mà các cựu tù cải tạo ngán nhất.

Cuối năm 77, công an mời tôi lên phường họp với đông đủ bà con lối xóm để tôi đọc bài kiểm điểm. Công an phường ra lệnh cho đồng bào lối xóm phê phán tôi, nhưng tất cả đều nói tốt, cho nên tôi được trả quyền công dân. Tôi đã trở thành công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sau đó, tôi được ban lãnh đạo bệnh viện cho tôi qua thời gian thử thách và trở thành công nhân viên được biên chế (chánh ngạch) của Sở Y Tế.

Tôi xin trình bày một số nét về y tế, xã hội, tôn giáo trong những năm sau 1975 và đầu 1980.

Y Tế

Mỗi phường có trạm y tế phường do một y tá trông coi. Mỗi gia đình phải có sổ hộ khẩu và một sổ khám bệnh. Khi có bệnh, phải lên phường để nhờ y tá xem trước. Nếu chữa không được thì cấp giấy giới thiệu lên tuyến trên. Tuyến trên là phòng khám đa khoa thuộc quận, rồi lên trên nữa là bệnh viện thuộc thành phố (bệnh viện Bình Dân, bệnh viện Da Liễu, …) Hoặc bệnh viện trung ương (bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Thống Nhất). Không có tiệm thuốc tư nhân, các hãng bào chế thuốc đều do nhà nước quản lý.

Về phần đi bệnh viện và mua thuốc men có hơi phức tạp. Khi nằm bệnh viện thì phải đem gạo ở nhà nộp, vì bệnh viện không có khẩu phần gạo. Bệnh nhân được bệnh viện cung cấp thuốc miễn phí hoặc phải mua thêm ở các tiệm thuốc thuộc bệnh viện với giá chính thức. Cho nên nói rằng được điều trị miễn phí nhưng không phải hoàn toàn miễn phí. Nhưng các bệnh viện đều không có đầy đủ thuốc cho nên bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài với giá rất cao.

Cán bộ, công nhân viên thì có phòng khám gọi là Phòng Khám Công Nhân Viên tại Bệnh Viện Thanh Quan cũ (cùng cơ sở với Bệnh Viện Da Liễu). Muốn được khám bệnh phải có giấy giới thiệu của y tế cơ quan và sẽ được mua thuốc theo giá chánh thức.

Các cán bộ, tùy theo ngạch trật, nếu ngạch trật cao có được vô khám và điều trị ở Bệnh Viện Thống Nhất hoặc Bệnh Viện Chợ Rẫy. Các Ủy viên Trung Ương Đảng được khám ở Bệnh Viện Chợ Rẫy và được nằm ở tầng 10 của Bệnh Viện Chợ Rẫy. Có lần tôi được điều động sang đó khám cho một Ủy viên Trung Ương Đảng và ông Phó Tổng Lãnh Sự Tiệp Khắc tại Saigon.

Có hai sự kiện đáng chú ý trong thời gian nầy (1979­1980) là có dịch ghẻ ngứa và dịch bệnh lậu và giang mai: từ bắc tới nam, nhất là mấy nơi tập trung như khám Chí Hòa, Trung Tâm Phục Hồi Nhân Phẩm Phụ Nữ, những trại cải tạo. Bệnh nhân rất ngứa nhất là về ban đêm, thường ngứa ở bộ phận sinh dục của phái nam và đầu nhũ hoa của phụ nữ.

Khi tôi đang làm việc ở trạm Da Liễu Thành Phố, bác sĩ trạm trưởng cử tôi đi vào khám Chí Hòa và Trung Tâm Phục Hồi Nhân Phẩm Phụ Nữ để chữa bệnh ghẻ ngứa nầy. Lúc đó, có hai thứ thuốc thoa để trị bệnh nầy là DEP (Diethyl Phthalate) và thuốc Benzoate Benzine. Hai thuốc nầy rất tốt, có thể chữa được bệnh nầy.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm: vì có dịch ghẻ ngứa ở khám Chí Hòa, tôi được điều động đến đây khám. Ở đây tôi có gặp bác sĩ Phan Huy Quát nguyên Thủ tướng VNCH, bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, Tổng Trưởng Giáo Dục, (nội các bác sĩ Phan Huy Quát), bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh và một số linh mục. 

Một sự kiện lạ nữa, tôi có gặp bác sĩ đặc trách y tế ở khám Chí Hòa, đó là bác sĩ N.H K.D. Trước 75, anh là Y sĩ Thủy Quân Lục Chiến của VNCH, nay tôi thấy anh mang lon Thượng Úy.

Lại thêm một dịch bệnh nữa là bệnh giang mai và lậu. Tôi còn nhớ, tôi được cử đến trại giam của Ty Cảnh Sát Quốc Gia cũ ở Quận 1 đường Mạc Đĩnh Chi vì nơi đây có một số phạm nhân bị bệnhlậu. Vì thiếu điều kiện vệ sinh và không được điều trị, có anh lại quẹt mủ vào mắt và bị mù và lây lan đến các bạn khác. Chúng tôi phải xét nghiệm và chích ngay một mũi thuốc Péniciline 4.5 triệu đơn vị để chữa bệnh nầy. 

Rồi tôi cũng được cử đi khám bệnh giang mai, sử dụng RPR (Rapid Plasma Regain) để thử nghiệm, nếu có dương tính là chúng tôi cho chích ngay Benzathine Pénicilline 2.4 triệu đơn vị. Lúc đó, còn thuốc cũ do tổ chức Y Tế Quốc Tế đã viện trợ cho VNCH cho nên việc chữa bệnh cũng dễ dàng hơn.

Tôi còn được cắt cử đi theo những phái đoàn quân sự, giám định sức khỏe của những thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự. Theo tiêu chuẩn của quân đội cộng sản, các thanh niên bị phong (cùi), bị lậu hoặc giang mai, được hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự. Nếu có xét nghiệm dương tính thì sẽ được hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự.

Vì thương con, nhiều cha mẹ dẫn con đến chốn chơi bời, để mong cho con bị mắc bệnh, và sẽ được hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự. Lúc đó Việt Nam đang đưa quân đội sang Cam Bốt, cho nên cũng dễ chết lắm.

Sở Y Tế cũng đưa những phái đoàn y tế gồm có bác sĩ tâm thần, bác sĩ da liễu, bác sĩ sản phụ khoa đến các quận nội, ngoại thành để kiểm soát hai bệnh trên và đẩy mạnh chương trình Kế Hoạch Hóa Gia Đình.

Chúng tôi còn nhớ có một lần đến quận Củ Chi, nơi được gọi là “đất thép thành đồng”, chúng tôi vào từng nhà để thăm hỏi và khám cho dân chúng. Tôi thấy nhà nào cũng có bàn thờ và bàn Tổ Quốc Ghi Công, có nhà có đến ba hoặc bốn người hy sinh. Một quận gần thủ đô Saigon mà tôi thấy rất nhiều thanh niên bị tử trận, chứng tỏ Việt cộng bị tổn hại rất nhiều trong cuộc chiến. Có một chuyện vui là bác sĩ tâm thần và tôi (bác sĩ da liễu) được đồng bào mến mộ, nhưng bác sĩ sản phụ khoa và nữ hộ sinh bị mấy bà la mắng, chửi bới thậm tệ vì chưa quen lối khám phụ khoa và việc đặt vòng xoắn để ngừa thai. Mấy bà nói “bộ muốn coi l… hả” vì mấy bà là mấy bà mẹ chiến sĩ có bằng Tổ Quốc Ghi Công nên không ai dám hó hé gì.

Có một vài chuyện vui vui cũng xin kể ra đây: Vì phải sắp hàng hoặc có giấy giới thiệu để được khám bệnh nên nhiều người không có giấy giới thiệu phải nhờ một người đi sắp hàng dùm. Sau đó báo chỗ để được thù lao hay cho mượn thẻ khám bệnh.

Một lần khác, tôi chữa cho một bệnh nhân bị bệnh lậu. Tôi đã chích thuốc và cho uống thuốc trụ sinh, thông thường là 100% khỏi bệnh nhưng lần nầy, có một bệnh nhân tôi thấy trong hồ sơ bệnh lý, đã có chích thuốc mà sao không hết bệnh. Tôi gạn hỏi thì biết anh nầy đã mua thẻ khám bệnh của một bệnh nhân khác.

Vì dân số Saigon quá đông, nhu cầu y tế do nhà nước đảm trách không kham nổi, nên cuối năm 1979, chánh quyền cộng sản cho phép các bác sĩ chế độ cũ được mở phòng khám bệnh ngoài giờ và được nhận thù lao do Sở Y Tế qui định. Cũng trong thời gian trên, vì số bác sĩ vượt biên quá nhiều, nên nhiều bác sĩ vượt biên bị bắt, cũng cho phép làm việc trở lại.

Xã Hội

Vì cuộc sống có phần chật vật, nên nhiều người phải buôn bán thêm ngoài giờ, và chạy hàng, làm trung gian buôn bán, do đó chợ trời mọc lên như nấm: chợ trời thuốc tây, chợ trời máy móc…

Chợ trời thuốc tây là quan trọng hơn cả, vì dân chúng vẫn quen dùng thuốc tây của Pháp, của Mỹ. Một số thuốc được gửi từ Pháp và Mỹ về cho thân nhân Việt Nam được đem ra bán lại để kiếm tiền hoặc một số thuốc còn lại từ những hãng bào chế trước năm 1975 hoặc từ những cửa hàng bán thuốc do nhà nước quản lý cũng được đưa ra ngoài. Có hai chợ trời thuốc tây nhộn nhịp: một ở bên hông chợ Tân Định và một ở đường Nguyễn Thông gần nhà thờ Chúa Cứu Thế. Dân chợ trời gồm đủ thành phần như sĩ quan đi tù cải tạo về, dược sĩ khôngcóviệclàmhoặc những trình dược viên cũ… Cũng nhờ chợ trời này mà một số người đã để dành được tiền để đi vượt biên.

Ngoài chợ trời thuốc tây, cũng có chợ trời trên đường Huỳnh Thúc Kháng chuyên bán radio, cassette, những giàn máy magné Akai với hệ thống loa ampli hiện đại…

Các băng nhạc cũng thế, có đủ các loại băng nhạc cũ, vọng cổ vui và khách hàng là các bộ đội, công nhân viên từ ngoài bắc vào. Ba thứ mà họ thích là “đồng (đồng hồ), đài (radio), đạp (xe đạp)”. Ngay chợ trời, có đủ loại xe đạp rất tốt, rất xịn và về sau xe Honda, xe gắn máy được các bộ đội và các cán bộ thích lắm.

Một vấn đề xã hội khác nữa là: nhiều người ra đạp xích lô để kiếm sống và các quán cà phê vỉa hè.

Theo giáo sư Trần Vỹ, trong cuốn sách Saigon- Dưới Ách Cộng Sản Thời Kỳ 79-89 thì trước năm 75, chỉ có 3.000 xích lô, nhưng đến năm 79 đã có 40.000 xích lô. Khi tôi còn ở Việt Nam thì khoảng độ 5.000 – 10.000 chiếc. Và nhiều sĩ quan tù cải tạo về hoặc thanh niên đạp xích lô để kiếm sống. Quán cà phê vỉa hè xuất hiện là do nhiều gia đình vì lý do kinh tế phải ra mở để kiếm sống. Chỉ cần một vài bàn nhỏ, một chiếc xe nhỏ rồi có những dụng cụ pha cà phê, nước trà là đủ rồi, cũng có thể kiếm lai rai đủ sống. Tôi được biết có một anh y tá kỳ cựu lâu năm ở xóm tôi, nay đã cùng ra phụ vợ đi mở quán cà phê. Tôi còn nhớ cũng tại những quán vỉa hè này, có lần tôi đã ngồi uống cà phê với GS Trần văn Tấn, cựu Khoa Trưởng Đại học Sư Phạm hay ngồi ăn với bác sĩ Văn Văn Của, cựu Đô Trưởng Saigon.

Tình hình kinh tế lúc đó cũng căng thẳng: chánh phủ cho đổi tiền, rồi cải tạo tư sản mại bản và quan trọng là kiểm kê tài sản của những người được gọi là tư sản như các giám đốc hoặc chủ các công ty, nhà máy, các cửa tiệm buôn bán lớn, …nhằm vào việc tịch thu nhà cửa đất đai của người dân miền Nam buộc họ phải đi về vùng kinh tế mới.

Nhạc phụ tôi có tiệm thuốc tây trên đường Trần Quốc Toản do vợ tôi đứng tên cũng bị coi là tư sản và bị kiểm kê tài sản. Cũng ở trước nhà tôi có một ông bạn có sạp vải ở chợ Bến Thành cũng bị kiểm kê và buộc phải đi vùng kinh tế mới.

Dược sĩ La Thành Trung có một biệt thự trên đường Duy Tân, cũng bị tịch thu tài sản, chỉ cho ông tạm trú tại garage nhà của ông. Còn hãng bào chế thuốc của dược sĩ La Thành Nghệ thì bị tịch thu và trở thành nhà thuốc của Sở Y Tế. Tôi có một người cậu trên đường Tự Do cũng bị kiểm kê tài sản bị tịch thu nhà, xe hơi, và phải ở lậu, không có hộ khẩu vì không muốn đi về vùng kinh tế mới.

Từ đó, nhiều người đã tìm cách vượt biên. Nhất là năm 1979, khi có chiến tranh Việt- Trung Cộng thì chánh quyền cho đi bán chánh thức rất nhiều. Nhiều người đi vượt biên bằng đường biển mà đa số là sĩ quan chế độ cũ. Sau này cũng có nhiều người vượt biên bằng đường bộ qua ngả Campuchia đi đến Thái Lan. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thế ở bệnh viện Thanh Quan đã đi theo lối nầy.

Vì số người vượt biên bằng đường biển quá đông trên những con thuyền nhỏ không có khả năng hoặc không chuẩn bị kỹ nên nhiều người đã bị đói và khát, bị nạn hải tặc, bị chết vì chìm tàu,…và đã không bao giờ đặt chân ên đất liền được. Một triệu rưởi thuyền nhân đã bằng mọi cách để đi ra khỏi đất nước Việt Nam nhưng con số người chết lên đến vài trăm ngàn người nên Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc đã thảo luận với chánh quyền cộng sản để có chương trình Đi Trong Trật Tự (O.D.P).

Từ ngày có chương trình nầy, các sĩ quan đi tù cải tạo về có vẻ phấn khởi, lo đi nộp đơn để đi ra nước ngoài. Các quán cà phê ở gần phòng Xuất Cảnh trên đường Nguyễn Du đầy những khách. Rất nhiều người đã đến đó để ngóng chờ tin tức, để lo bổ túc hồ sơ. Các quán cà phê ở gần Sở Ngoại Vụ, ở góc đường Alexandre de Rhodes/ Duy Tân cũng đông nghẹt những khách.

Rồi dịch vụ gởi quà về Việt Nam cho thân nhân sinh sống cũng khá quen thuộc. Nhờ tiền nầy mà lúc đó nhiều người đã sống qua ngày và có thể để dành tiền đi lo các dịch vụ xuất ngoại. Bưu điện đông nghẹt người đã đi lãnh quà do thân nhân gởi về và gởi thơ sang Mỹ để lo giấy tờ xuất cảnh.

Về Tôn Giáo

Các cha tuyên úy công giáo bị đi cải tạo và khi được trở về, không được quyền làm lễ nữa và cũng phải trình diện quản chế như các sĩ quan khác.

Tại thành phố Saigon, đầu những năm 80, các giáo dân đi tham dự những thánh lễ cuối tuần nhiều hơn. Những thánh lễ đặc biệt như lễ Giáng sinh ở nhà thờ Đức Bà và nhà thờ Tân Định có rất đông giáo dân đến dự lễ. Tuy thế, các linh mục chỉ được làm lễ trong khuôn viên nhà thờ và không được phép mở các lớp dạy giáo lý. Các trường học công giáo của nhà thờ cũng phải bàn giao cho nhà nước. Tòa Giám Mục không được tuyển sinh để đào tạo linh mục cho tương lai. Một số cha, bà phước cũng phải đi lao động, kiếm việc làm ở bên ngoài hoặc trong các tổ hợp để sinh sống.

Các rạp chiếu bóng đều đóng cửa, sau nầy, cho phép được mở lại và chỉ chiếu phim của những hãng phim nhà nước và của các nước xã hội chủ nghĩa mà thôi.

Mặc dầu có sự hạn chế, nhưng chưa bao giờ có sự thờ phụng ở tôn giáo lại mạnh như hiện tại trong quần chúng ở Việt Nam vào những ngày chủ nhật và những ngày lễ, các nơi như nhà thờ, chùa đều có đông người đến dự lễ. Một nơi thờ phượng được nhiều người dân đến cầu nguyện, không phân biệt có đạo hay không có đạo, đó là nhà thờ Fatima ở Bình Triệu, cách Saigon độ 12 km. Nhiều người đã đến đây để xin lễ và xin được xuất ngoại bình yên, trong đó có Giáo sư Vũ Quốc Thúc, mặc dầu ông không phải là tín đồ công giáo. Trong cuốn sách Thời Đại Của Tôi, xuất bản năm 2010, Giáo sư Thúc đã đến nhà thờ Fatima cầu nguyện xin Đức Mẹ cho ông được ra nước ngoài. Nơi đây, ông đã thấy Đức Mẹ hiện ra. Về nhà ông mở radio ra nghe thì được biết một người bạn cùng đi thi Thạc sĩ (Agrégé) một lượt với ông, nay là Thủ tướng Raymond Barre của nước Pháp. Ông nẩy ra ý định là nhờ ông nầy can thiệp với Thủ tướng Việt Nam là Phạm Văn Đồng để sang Pháp. Cuối cùng, nhờ ơn Đức Mẹ, ông đã được toại nguyện.

Ngoài nhà thờ Fatima ra, tôi biết nhiều nơi khác, nhà thờ cũng như chùa có rất nhiều người dân đã đến xin Chúa hoặc Phật phù hộ và đều được như ý.

Một nơi khác thiên hạ cũng hay đến là Lăng Ông ở Bà Chiểu, để xin xâm xem có đi được không.

Nộp Đơn Xin Xuất Cảnh

Khoảng cuối năm 1979, tôi nhận được giấy báo của bà xã tôi gởi từ Honolulu về để tôi và ba đứa con nhỏ có thể nộp đơn xin đi đoàn tụ. Tôi vô cùng phấn khởi vì thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Tôi tin tưởng rằng, cỡ chừng một năm, tôi sẽ được xuất cảnh. Nhưng cuộc đời tôi hay bị trục trặc, năm 1975, có phương tiện mà không đi, nay, đã có giấy bảo lãnh rồi và có ưu tiên một vì là vợ bảo lãnh. Nhưng tôi cũng gặp nhiều trục trặc.

Theo thủ tục, khi nộp giấy tờ ở công an quận, rồi công an quận mới chuyển hồ sơ lên Phòng Xuất Cảnh ở đường Nguyễn Du. Tôi đến quận 3 thì biết có một văn phòng ở đường Phan Thanh Giản. Tôi đến đây thì không thấy có bảng đề tên văn phòng gì cả. Tôi gõ cửa thì gặp một anh công an, tôi biết anh đặc trách văn phòng nầy vì không mở cửa như giờ hành chánh, mỗi tuần chỉ mở cửa vài ngày và mỗi ngày chỉ vài giờ. Cuối cùng, tôi cũng nộp đơn xong và ở nhà chờ đợi. Trong thời gian chờ đợi, tôi vẫn đi làm như thường lệ và thỉnh thoảng tôi lên Nguyễn Du để xem tin tức. Ngồi ở quán cà phê, tôi thấy mọi người phấn khởi và có nhiều tin tức: anh thì cho biết phải có giấy nầy, anh thì cho biết phải có giấy kia. Tin thật cũng có mà tin giả cũng có. Độ một tháng sau, thì có anh công an quận đặc trách giấy tờ xuất cảnh đến nhà tôi. Anh đến thăm và thực ra đi điều tra xem có đúng những gì tôi đã viết trong tờ đơn xin xuất cảnh hay không. Anh cho tôi biết: tôi thuộc diện khoa học kỹ thuật, nên cũng hơi khó đi. Lúc đó, ở Saigon, trong các cơ quan nhà nước, nhất là các bệnh viện rất xôn xao, nhiều người vượt biên. Sáng hôm nay, có tin anh bác sĩ A đã vượt biên; sáng hôm sau, đến phiên bác sĩ B đã vượt biên; anh C đi không thoát; anh D đã bị bắt lại… khiến tôi cảm thấy hoang mang, bồn chồn trong lúc làm việc.

Có những tin ở Phòng Xuất Cảnh (Nguyễn Du) có người nộp đơn chỉ một hoặc hai tháng mà đã có giấy xuất cảnh. Rồi có tin anh C đã vượt biên chừng hơn một năm, nay đã có giấy bảo lãnh về cho gia đình, làm tôi lo âu và tự hỏi sao giấy tờ mình chậm thế!

Quan trọng nhất đối với chúng tôi lúc đó là giấy “Hứa Cho Nghỉ Việc” ở cơ quan khi có “Giấy Xuất Cảnh”. Ban đầu tôi tưởng giấy nầy không quan trọng bằng giấy bảo lãnh, giấy cho quá cảnh ở Thái Lan.

Giấy tờ của tôi do bà vợ gởi về từ năm 1979, thì đầu năm 1980 đã chuyển lên Phòng Xuất Cảnh và Quản Lý Người Nước Ngoài ở đường Nguyễn Du, tôi có giấy mời lên để bổ túc hồ sơ.

Tôi về bệnh viện Da Liễu để nộp lên Ban Giám Đốc để xin giấy nầy, thì Ban Giám Đốc lại chuyển hồ sơ tôi đến Sở YTế.

Lúc đó, rất nhiều người nộp đơn và một số đã được cấp giấy nầy, họ đi chạy chọt với anh Phó Giám Đốc Sở Y Tế, đặc trách nhân viên. Tới phiên tôi, chắc có động tĩnh về vấn đề đút lót, nên ông thoái thác cấp cho tôi. Ông hứa miệng với tôi là nếu tôi có giấy xuất cảnh, thì ông sẽ cấp ngay cho tôi giấy nghỉ việc. Bên xuất cảnh, thì phải có giấy nghỉ việc mới cấp giấy xuất cảnh cho tôi không có gì trở ngại hết. Tôi rất buồn không biết làm sao. Thế là hồ sơ của tôi bị khựng lại đến hai năm. Trong thời gian nầy, một số anh lại khai bệnh để ra Hội Đồng Giám Định Y Khoa. Nếu có bệnh thì được cho nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Rất nhiều anh chạy chọt, lo lót để được giấy nầy.

Riêng tôi, mặc dầu có bệnh huyết áp cao, cũng xin không được vì không biết chạy chọt. Tôi làm đơn đến Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, kê khai hoàn cảnh, cũng không được giải quyết. Mãi đến năm 1982, tôi làm đơn lại và tôi lên Sở Y Tế để nộp, tôi may mắn gặp chị Nguyễn Thị Thương tự Út Thu, Phó Giám Đốc Sở chịu ký cho tôi. Tôi không phải tốn tiền bạc gì cả. Có tờ giấy nầy, tôi nộp đơn lên Phòng Xuất Cảnh, đường Nguyễn Du và được cấp giấy xuất cảnh.

Với giấy xuất cảnh, tôi nộp đơn xin nghỉ việc và được cho nghỉ việc từ 15/3/1983.

Tuy thế, tôi cũng phải chờ đợi để phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Đầu tháng 8 thì phái đoàn Mỹ gởi giấy cho tôi lên phỏng vấn ở một địa điểm trước Làng đại học ở Thủ Đức và gởi giấy lên bệnh viện Chợ Rẫy để khám sức khỏe.

Việc khám sức khỏe, tôi và các con tôi cũng bị một trục trặc là hình phổi của các con tôi phải khám và chụp lại, nhưng sau cùng tất cả, đều được thông qua.

Khám sức khỏe xong, phải lên Sở Ngoại Vụ ở đường Alexandre de Rhodes để xin sắp xếp chuyến bay nơi đây. Muốn có chuyến bay sớm thì nhiều người nói cũng phải biết chạy chọt. Nhưng tôi không làm và phải đợi đến 20/10/1983 mới có chuyến bay của Air France đi Thái Lan, là trạm dừng chân để làm visa trước khi vào Hoa Kỳ.

Trước khi lên máy bay, cũng phải làm nhiều thủ tục nhiêu khê, phải có giấy không thiếu thuế, giấy không thiếu nợ ngân hàng, giấy chích ngừa và phải ra ngân hàng nhà nước để đổi một số tiền và chỉ được đem theo mấy chỉ vàng mà thôi. Còn giấy tờ tùy thân, văn bằng, luận án, cũng phải qua khâu kiểm soát, tôi muốn đem theo cuốn luận án Tiến sĩ Y Khoa nhưng họ không cho và giữ lại.

Nhiều người đã ra đến phi trường rồi, thì bị giữ lại vì không có giấy không thiếu thuế, không thiếu nợ ngân hàng hay giấy bán nhà. Đó là trường hợp của GS Vũ Quốc Thúc, sau nầy cũng phải ký giấy giao căn nhà 230 Phan Thanh Giản cho nhà nước và GS Trần Vỹ vì giấy tờ bán nhà, mà giờ chót suýt bị giữ lại…

Cho nên tới ngày lên đường, đi ra phi trường cũng còn hồi hộp lắm vì nhiều người giờ chót bị giữ lại. Tối hôm trước khi ra phi trường, tôi đã đến nhà ông bà nhạc ngủ để sáng ngày 20/10 tôi rời nhà thật sớm. Chuyến bay của tôi là chuyến máy bay Air France đi Thái Lan. Đi cùng chung chuyến với tôi có bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh (YK 57), bác sĩ Võ Tam Anh (YK 60), cả hai đã có vợ con cũng đã đi trước rồi. Bác sĩ Anh đã ra phi trường để đi Pháp cách đó mấy tháng, nhưng cũng bị chận lại vì giấy tờ gì đó, và bây giờ mới được đi lại chuyến nầy, cho nên lúc ra phi trường, ông ngồi trong một góc và khi gọi tên lên máy bay ông mới xuất hiện.

Rồi việc gì đến thì sẽ đến. Chuyến máy bay Air France, đã khởi hành đúng giờ và trong chốc lát, đã rời khỏi Việt Nam. Tôi vô cùng nhẹ nhõm. Trên máy bay, lần đầu tiên tôi được ăn cơm tây rất ngon, tráng miệng bằng trái nho. Cáccon tôi cũng vui vẻ, vì cũng là lần đầu được ăn những món ngon.

Tại Thái Lan.

Khi đến phi trường Thái Lan, thật không ngờ tôi thấy một phi trường tráng lệ, sạch sẽ và đẹp gấp nhiều lần phi trường Tân Sơn Nhất của Việt Nam…

Cách đây gần 40 năm, mà phi trường có phòng đợi sạch sẽ, mấy thùng vệ sinh thật sạch và có những nhà ga đưa hànhkhách từ chỗ ngồi đợi lên máy bay giống như bây giờ.

Sau khi rời máy bay, chúng tôi được đưa đến một văn phòng gần đó để lăn tay, chụp hình và được cấp thẻ xanh do các nhân viên INS phụ trách.

Sau đó, chúng tôi được đưa lên xe bus đi về một trại tị nạn cách xa thủ đô chừng 100 km, đó là trại Phanat Nikhom.

Chúng tôi đến trại nầy thì đã khuya rồi. Chúng tôi được cho vào ở trong một doanh trại và phải ngủ dưới đất nhưng trại phân phát chiếu, mền cho từng gia đình.

Ngay khi ở phi trường Thái Lan, tôi đã được một nhân viên INS, yêu cầu tôi làm trưởng nhóm và nhờ tôi làm thông dịch (Anh-Việt) cho những thông báo từ văn phòng và chịu trách nhiệm phân chia cơm mỗi ngày ở trong trại. Chúng tôi được lệnh ở trong trại không được ra ngoài tiếp xúc với bất cứ người nào. Tuy nhiên, cũng có nhiều anh em vì tò mò muốn đi ra ngoài trại các anh em đó bị giữ lại, và phải làm kiểm điểm, xong rồi mới cho vào trại trở lại.

Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi không có làm gì, ngoại trừ việc tham dự các lớp học do những nhân viên INS đến giảng dạy về một số vấn đề cần thiết, những điều cần biết khi tới Mỹ… Tôi cũng phụ trách giữ trật tự khi từng gia đình đến lấy cơm, mỗi ngày ba lần. Đồ ăn cũng khá, không đến nỗi tệ. Có mấy chỉ vàng mang theo tôi đổi một chỉ vàng ra tiền bat (1 chỉ vàng =47 bat) để mua thêm những gì cần thiết.

Bác sĩ Võ Tam Anh đi Pháp, nên được chuyển qua một chuyến bay khác. Bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh vì bị bệnh nên được đưa lên Bangkok để được chữa trị. Tôi được ở tại đây 8 ngày, từ 20/10 đến ngày 28/10 khi có những máy bay sang Hoa Kỳ và đi định cư tại Hawaii. Không có máy bay đi thẳng qua Mỹ nên phải dừng chân Hong Kong, Nhật Bản rồi mới tới. Còn một số bạn khác được đi thẳng tới Los Angles.

Trong trại Thái Lan tôi ở, có nhiều trại khác gần bên cạnh. Những trại nầy là trại các anh em bị giữ lại, vì thiếu giấy tờ, không thuộc diện ưu tiên, hoặc có vấn đề gì đó. Ngày 28/10/1983, một số anh em ở bệnh viện cũng được cho về, trong đó có bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh.

Chúng tôi được đi xe bus để trở về Bangkok.

Một số người đi L.A. thì có máy bay đi thẳng đến đó. Tôi đi Hawaii và hai gia đình nữa phải lên một chuyến bay khác, đi đến Hong Kong, ở đó mấy tiếng, rồi đi Nhật Bản, ở đó 8 tiếng, và sau đó đi Hawaii.

Khi rời Việt Nam, sang Thái Lan, lòng tôi tràn ngập vui sướng và khi rời Bangkok, tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhưng cũng có phần hồi hộp vừa vui mừng vừa lo cho tương lai.

Tôi đã ra khỏi Việt Nam, quê hương của tôi rồi!