Ảnh chụp trước nhà bạn Trần Phục – Anaheim, Nam California, Hè 1992 nhân dịp đám cưới con gái đầu lòng của Trần Phục
Từ trái qua: Thế Lâm, Trần Phục, Thế Huỳnh, và Đinh Xuân Lãm
 

Tấm ảnh này đã được chụp cách đây gần 32 năm rồi. Lúc đó những người trong ảnh còn trong lứa tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh.” Ngày hôm nay, trong tháng 4 năm 2024 này, ba người đã vĩnh viễn ra đi, chỉ còn lại Thế Lâm, tác giả bài viết này, nay đã bước vào lứa tuổi “bát tuần,” mà mỗi lần xem lại ảnh đều không cầm được nước mắt vì thương nhớ các bạn.  

Thời Gian Học Đệ Nhứt Cấp Tại Petrus Ký  

Bốn người bạn trong tấm ảnh, mà hiện nay đã trở thành hiếm quý đối với tác giả bài viết này, thuộc về một Nhóm Bạn Thân 9 Người trong thời gian còn học các lớp Đệ Nhứt Cấp của Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn trong những năm đầu của thập niên 1950. Chín người đó là: 1) Nguyễn Thanh Hải; 2) Nguyễn Trung Hiếu; 3) Đinh Xuân Lãm; 4) Võ Văn Minh; 5) Phan Văn Quang; 6) Trần Phục; 7) Dương Xã Tắt; 8) Huỳnh Hữu Thế (Thế Huỳnh); và 9) Lâm Vĩnh Thế (Thế Lâm).    

Đến năm Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957) thì bọn tôi đã trở nên hết sức thân tình, khắng khít, lúc nào cũng có mặt bên nhau, nhứt là những khi họp nhau ôn tập bài vở để chuẩn bị các kỳ thi bán niên. Những lần như vậy đều luôn luôn là ở nhà Minh, và được Má của Minh (sau này cũng là Má Vợ của tôi vì năm 1963 tôi làm đám cưới với Nhơn Nghĩa là em gái duy nhứt của Minh) cho ăn trưa, thường là món cà-ri vịt ăn với bánh mì, và bọn tôi ăn ào ào, cứ hết là bác gái lại tiếp tế thêm 1-2 lần nữa, và vì vậy, sau này, hễ nhắc lại chuyện ăn uống đó thì Minh cứ gọi là “một món ba thau.”  

Thời Gian Học Đệ Nhị Cấp  

Sau khi xong bậc Đệ Nhứt Cấp thì bắt đầu xảy ra nhiều thay đổi không tránh được cho nhóm 9 người bọn tôi. Minh rời Trường, ra học Lớp Đệ Tam C tại Trường Trung Học Tư Thục Cửu Long. Phục thi đậu vào Trường Cán Sự Y Tế. Tắt thi đậu vào Trường Quốc Gia Sư Phạm, hệ 1 năm. Hiếu tình nguyện vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Chỉ còn 4 người là Hải, Quang, Lãm và tôi (Thế Lâm) tiếp tục học lên Đệ Tam; Lãm và Quang học Ban B (Toán), còn Hải và tôi học chung Lớp Đệ Tam A (Vạn Vật). Thế Huỳnh thì là một trường hợp hết sức đặc biệt và trở thành niềm tự hào của cả bọn tôi. Sau khi đậu Bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp như bọn tôi, Thế đậu luôn Bằng Tú Tài 1 Ban B. Do đó, khi tựu trường niên khóa 1957-1958, trong khi bọn tôi lên Đệ Tam thì Thế đã học Đệ Nhứt, nhưng không được học Petrus Ký nữa vì Trường Petrus Ký lúc đó vẫn còn cấm học sinh học nhảy lớp. Thế phải chuyển sang học Trường Chu Văn An. Hè 1958, Thế thi đậu luôn Bằng Tú Tài 2, cũng Ban B và đậu luôn vào năm thứ nhứt Ban Toán của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ĐHSPSG). Vì vậy, tựu trường niên khóa 1958-1959, trong khi bọn tôi lên Lớp Đệ Nhị chuẩn bị cuối năm thi Bằng Tú Tài 1 thì Thế đã là sinh viên năm thứ nhứt tại Trường ĐHSPSG rồi. Nhưng thật là bất hạnh, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thế lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn (nào bịnh tật, nào chuyện đau buồn trong gia đình) khiến cho việc học hành bị trì trệ và mãi đến năm 1964 Thế mới tốt nghiệp được Trường ĐHSPSG.[1]  

Thời Gian Đã Ra Đi Làm  

Minh, vì là con trai duy nhứt trong gia đình, đã không bị động viên, và nhờ sự giúp đỡ của một người anh chú bác ruột, một Thiếu Tá, Trưởng F 22, một đơn vị của Cảnh Sát Đặc Biệt, trực thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, đã được nhận vào làm thư ký đánh máy thuộc Ban Tài Chánh lo về lương bổng cho Ty Cảnh Sát Cảnh Sát tỉnh Gia Định. Nhờ vậy, Minh đã được bình yên trong suốt thời gian chiến tranh.  

Sau khi học xong 3 năm, Phục tốt nghiệp Trường Cán Sự Y Tế và được bổ nhiệm về Tổng Y Viện Cộng Hòa và làm việc ở đó cho đến ngày 30-4-1975.  

Tắt sau khi học xong hệ 1 năm tại Trường Quốc Gia Sư Phạm được gia đình lo cho về dạy học tại Trường Tiểu Học Quận Bến Lức (quê nhà, nơi Ba của Tắt là một điền chủ lớn rất giàu có); sau vài năm Tắt bị động viên vào học Trường Võ Bị Thủ Đức; ra trường, cũng nhờ được gia đình lo cho, Tắt được bổ nhiệm về 1 đơn vị Địa Phương Quân ngay tại Quận Bến Lức. Bọn tôi ai nấy cũng đều mừng và tưởng là Tắt đã được “mang chữ Thọ” rồi nhưng, thật không ngờ, Hè năm 1965, trong một trận đụng độ nhỏ với du kích Việt cộng, Tắt bị thương nhẹ, nhưng vì tải thương không kịp, Tắt bị mất máu quá nhiều và hy sinh. Lúc đó vợ Tắt đang có thai 6 tháng đứa con đầu lòng của hai vợ chồng Tắt. Hôm đưa đám tang Tắt, trong nhóm 9 người chỉ có Minh có mặt đại diện cho anh em; phần tôi thì đang gát thi Tú Tài I ở Cần Thơ nên cũng đã không có mặt. Đó là người bạn đầu tiên trong nhóm 9 người bạn thân của bọn tôi vĩnh viễn ra đi và để lại bao đau buồn cho cả nhóm bạn bè.  

Năm 1960, sau khi đậu Bằng Tú Tài 2, Lãm tình nguyện vào Trường Võ Bị Đà Lạt, Khóa 17, tức là Khóa Lê Lai, khai giảng ngày 11-11-1960 và mãn khóa ngày 30-3-1963. Ra trường với cấp bậc Thiếu Úy, Lãm chọn binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), về phục vụ Tiểu Đoàn 2 TQLC, lúc đó Tiểu Đoàn Tưởng là Đại Úy Nguyễn Thành Yên, và trận đánh đầu tiên trong binh nghiệp của Lãm là Chiến Thắng Đầm Dơi, An Xuyên (Cà Mau, từ ngày 9-9 đến ngày 11-9-1963).[2]  

Năm 1962, cũng như Lãm, sau khi đậu Bằng Tú Tài 2, Quang tình nguyện vào Trường Võ Bị Đà Lạt, Khóa 19, tức Khóa Nguyễn Trãi, khai giảng ngày 23-11-1962, mãn khóa ngày 28-10-1964. Ra trường với cấp bậc Thiếu Úy, Quang được bổ nhiệm về phục vụ Trung Đoàn 48 Biệt Lập.  

Cũng trong năm 1962 này, sau khi đậu xong Bằng Tú Tài 2, Hải đã tình nguyện vào Không Quân, Khóa 62 C, và được gởi đi Mỹ học lái phi cơ trực thăng. Năm 1963, Hải mang đôi cánh bạc về nước và phục vụ tại Phi Đoàn Trực Thăng 217 Thần Điểu, thuộc Không Đoàn 64 Chiến Thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân tại Cần Thơ.  

Phần Thế Lâm, tác giả bài viết này, sau khi đậu Bằng Tú Tài 2, đã dự kỳ thi tuyển và đậu vào năm thứ nhứt Khóa 3, Trường ĐHSPSG, Ban Sử Địa (1960-1963). Ra trường, Thế Lâm được bổ nhiệm về dạy học tại Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa (Bến Tre).  

Thời Gian Sau Ngày 30-4-1975  

Khi ngày 30-4-1975 ập đến, tất cả bọn tôi đều bị kẹt lại tại Việt Nam. Trước khi các bạn cựu sĩ quan phải đi trình diện học tập cải tạo, bọn tôi lúc đó chỉ còn có 5 người có mặt ở Sài Gòn là Phục, Hải, Lãm, Minh và Thế Lâm, kéo nhau đi nhậu một trận tại quán Thanh Tuyền trên đường Nguyễn Cư Trinh, gần Bến Xe Đò Miền Đông. Cứ tưởng rằng sẽ chỉ xa nhau vài ba tháng không ngờ mãi đến 17 năm sau, Hè năm 1992, Phục, Lãm, Thế Lâm và thêm Thế Huỳnh nữa, mới gặp lại được nhau, không phải tại Sài Gòn, mà tại hải ngoại, ở thành phố Anaheim, Nam California, Hoa Kỳ, và nhờ vậy, mới có được tấm hình chụp chung hiếm quý trên đầu bài viết này.  

Phục đã là người đầu tiên thành công mang gia đình vượt biên ra khỏi Việt Nam và được đi định cư ở Mỹ, tại thành phố Anaheim, Nam California.  

Tháng 9-1981, Thế Lâm cũng mang được gia đình đi đoàn tụ tại Canada do người anh ruột bảo lãnh, và định cư tại thành phố Hamilton, thuộc tỉnh bang Ontario.  

Tháng 9-1986, Thế Huỳnh cũng vượt biên thành công với đứa con trai và hai cha con đã được chính phủ Mỹ cho phép định cư tại thành phố Newport, thuộc tiểu bang Connecticut.  

Về phần Lãm, vì là cựu sĩ quan cấp tá, lại là dân TQLC thuộc loại lính áo rằn mà Việt Cộng rất nể sợ nhưng cũng rất thù hận, đã bị đưa ra ngoài Bắc học tập cải tạo hơn 10 năm, đến sau 1990 mới được thả về. Nhưng nhờ vậy, khi chính phủ Mỹ cho áp dụng Chương Trình HO (Humanitarian Operation) thì Lãm được ưu tiên rất cao và được đi Mỹ khá nhanh. Đầu năm 1992, Lãm và gia đình được rời Việt Nam đi Mỹ theo diện HO và định cư tại thành phố San Jose, Bắc California.  

Cuộc Hội Ngộ Tay Tư Hiếm Có  

Sau khi được tin Lãm và gia đình đã đến được Hoa Kỳ, tôi rất vui mừng và thông báo ngay cho Thế Huỳnh và Trần Phục tin vui này. Mấy tháng sau, ba đứa bọn tôi, Lãm, Thế Huỳnh và Thế Lâm, nhận được thiệp của Phục mời đi đi dự đám cưới đứa con gái đầu lòng của Phục vừa mới tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa. Thật đúng là “Song Hỉ Lâm Môn” cho gia đình Phục. Bọn tôi bàn nhau và quyết định cùng đi dự đám cưới. Thế Huỳnh sẽ bay thẳng từ Newport, Connecticut sang Anaheim, California. Còn tôi thì sẽ bay từ Toronto, Canada xuống San Jose, California, sau đó mướn một xe hơi để đến nhà Lãm rước hai vợ chồng Lãm và đứa con trai nhỏ cùng đi xuống Anaheim.  

Gặp lại nhau lần đầu tiên sau 17 năm xa cách (1975-1992), Lãm và tôi nói chuyện suốt lộ trình dài gần 600 Km và đến nhà Phục lúc gần 2 giờ sáng. Thế Huỳnh đã có mặt ở đó rồi. Sau đó, bên bình trà nóng do vợ Phục mang ra, bốn người bọn tôi nói chuyện tới gần 5 giờ sáng. Bà xã Phục phải giục bọn tôi tạm ngưng câu chuyện, cố gắng ngủ vài giờ để 9 giờ còn phải dậy chuẩn bị nhà cửa vì bên đàng trai sẽ đến rước dâu lúc 11 giờ.  

Sáng hôm đó, sau khi ăn sáng xong, bốn người bọn tôi, Lãm, Phục, Thế Huỳnh và Thế Lâm, đã ra trước nhà Phục chụp tấm ảnh kỷ niệm cuộc hội ngộ tay tư hiếm có đó.  

Riêng bộ ba Lãm, Thế Huỳnh và Thế Lâm cũng đã có được thêm một tấm ảnh chụp chung tại tiệc trà tiếp tân của đám cưới như bên dưới đây:  

Tiệc trà tiếp tân đám cưới con gái của Phục – Từ trái qua: Lãm, Thế Lâm và Thế Huỳnh  

Sau đám cưới đó, bộ tứ 4 người bạn thân chúng tôi, Lãm, Phục, Thế Huỳnh và Thế Lâm không bao giờ còn có cơ hội chụp ảnh chung cả 4 người với nhau nữa. Riêng cá nhân tôi, Thế Lâm, tác giả bài viết này, vẫn còn được an ủi lớn là đã còn được gặp lại riêng rẻ 3 người bạn thân đó thêm một lần nữa.  

Hè 1993, cả 2 vợ chồng Phục và vợ chồng Thế Huỳnh đã sang Canada, đến thăm và ở chơi với vợ chồng tôi được mấy ngày và nhờ vậy chúng tôi đã có được tấm ảnh chụp chung này tại phòng khách nhà tôi:  

Phòng khách nhà Thế Lâm – Từ trái qua: vợ chồng Thế Huỳnh, vợ chồng Phục và vợ chồng Thế Lâm  

Trong dịp này, tôi đã đưa hai bạn Phục và Thế Huỳnh đi thăm vườn hoa Royal Botanical Garden nổi tiếng của Canada tại thành phố Burlington và, nhờ vậy, còn có được hai tấm ảnh chụp với từng bạn sau đây:  

Phục và Thế Lâm tại Vườn Hoa Royal Botanical Garden  

Thế Huỳnh và Thế Lâm tại Vườn Hoa Royal Botanical Garden  

Về phần Lãm, tháng 10-2007, nhân dịp sang Mỹ thăm bà con, hai vợ chồng tôi đã dành thì giờ đến thăm vợ chổng Lãm tại nhà ở thành phố San Jose, Bắc California:  

Vợ chồng Lãm và vợ chồng tôi trước nhà Lãm – San Jose, Bắc California, Tháng 10-2007  

Thay Lời Kết:  

Như ngay trong phần đầu của bài viết này có nói, 3 trong 4 người trong tấm ảnh đã không còn tại thế nữa. Người đầu tiên từ giả bạn bè vĩnh viễn ra đi là Thế Huỳnh bị đột quỵ khi đang chạy bộ ngoài bãi biển buổi sáng ngày 29-10-2006. Người kế tiếp là Lãm đột ngột qua đời tại nhà ngày 21-6-2011. Và người cuối cùng là Phục mãn phần tại nhà vào ngày 21-12-1018. Cả ba người khi ra đi đều phải chịu cảnh chỉ có gia đình, không có những người bạn thân bên cạnh vì tất cả những người bạn thân đó đều ở cách xa hàng ngàn dặm (ở các tiểu bang khác tại Mỹ, hay ở Canada, hay còn ở Việt Nam) và tất cả đều đã bước vào tuổi “Thất Thập Cổ Lai Hy,” không còn đủ sức khỏe để làm một chuyến đi xa như vậy nữa. Mỗi lần xem lại tấm ảnh quý hiếm này, tôi cứ chảy nước mắt và nhắn thầm trong lòng: “Các bạn chờ tôi nha, rồi mình cũng sẽ gặp lại nhau thôi, như những ngày xưa thân ái tại ngôi Trường Petrus Ký thân yêu của bọn mình.”  

GHI CHÚ:  

1. Lâm Vĩnh-Thế. Nhớ Về Nhóm Bạn Thân Các Năm Đệ Nhứt Cấp Tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Nhớ Về Nhóm Bạn Thân Các Năm Đệ Nhứt Cấp Tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)  

2. Lâm Vĩnh-Thế. Bạn tôi: Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Đinh Xuân Lãm, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Bạn Tôi: Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Đinh Xuân Lãm (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)