Đầu tháng 9-1997, sau Lễ Lao Động (Labour Day), tôi chính thức bắt đầu làm việc cho Thư Viện của Viện Đại Học Saskatchewan (University of Saskatchewan Library) tại Thành phố Saskatoon với chức vụ Trưởng Ban Biên Mục (Head, Cataloguing Department), với 22 nhân viên, gồm 4 Quản Thủ Thư Viện (Librarians, có bằng Master of Library Science – MLS), và 18 nhân viên trung cấp (Library Assistants – LA, tốt nghiệp các chương trình huấn luyện về thư viện trong hai năm tại các trường đại học cộng đồng).  Sau này, khi đã trở thành thân tình, những người bạn mới của tôi đã sinh sống lâu năm tại Saskatoon mới nói cho tôi biết là họ rất hãnh diện với những đồng nghiệp và bạn bè người Canada của họ khi được biết tôi là người Canada gốc Việt đầu tiên đảm nhận một chức vụ chỉ huy ở một cấp cao như thế tại Viện Đại Học này.  Ngoài ra, Viện Đại Học Saskatchewan còn có một quy chế hết sức đặc biệt mà phần lớn các trường đại học khác ở Bắc Mỹ không có: đó là việc các Librarians được xếp chung với các Giáo Sư trong một công đoàn; do đó các Quản Thủ Thư Viện cũng được hưởng các quyền lợi (lương bổng, phụ cấp, gia nhập các hội đoàn chuyên môn, đi dự hội nghị, nghĩ phép, vv) giống như các Giáo Sư, và dĩ nhiên, cũng phải có các nhiệm vụ cũng giống như các giáo sư (giảng dạy và làm nghiên cứu).  Và nhờ vậy, chỉ hơn nửa năm sau khi tôi nhận chức, tôi đã được trường cho phép đi dự một hội nghị quốc tế gọi là: NIT’ 98: 10th International Conference on New Information Technology, March 24-26, 1998, Hanoi, Vietnam

Hội nghị được chuẩn bị rất chu đáo, và cuốn kỷ yếu (Proceedings) của Hội Nghị cũng đã được in xong để phân phối khi Hội Nghị nhóm họp.  Dưới đây là hình bìa của cuốn kỷ yếu của Hội Nghị: 

Bìa Cuốn Kỷ Yếu của Hội Nghị Quốc Tế NIT ‘98
10th International Conference on New Information Technology 

Tiến Sĩ Ching-chih-Chen, Phó Khoa Trưởng (Associate Dean) của Trường Thư Viện Học và Thông Tin Học của Viện Đại Học Simmons College (Graduate School of Library and Information Science, Simmons College), tại Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, Trưởng Ban Tổ Chức của Hội Nghị, đã mời tôi tham gia thuyết trình tại hội nghị.  Tôi đã nhận lời và bài thuyết trình của tôi có đề tài như sau: “Library Development in Vietnam: Urgent Needs for Standardization.” 

Trang Mục Lục của cuốn Kỷ yếu đã ghi rõ là bài thuyết trình của tôi tại Hội Nghị được in từ trang 141 (cho tới trang 148) như tấm ảnh bên dưới đây: 

Đây là chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên của tôi sau khi rời Việt Nam đi định cư tại Canada từ tháng 9-1981.   Tôi nhận thấy đây là một cơ hội rất tốt để nối lại quan hệ với cộng đồng thư viện Việt Nam vì tôi đã từng là Chủ Tịch Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam (HTVVN) trong 2 nhiệm kỳ 1974 và 1975 (cho đến ngày 30-4-1975).  Với ý nghĩ này, tôi đã có một buổi họp với Ông Frank Winter, Giám Đốc Thư Viện của Đại Học Saskatchewan (Director, University of Saskatchewan Library) để trình bày chương trình làm việc mà tôi dự tính trong hai tuần lễ ở Việt Nam.  Ông Winter đã hoàn toàn đồng ý với chương trình làm việc đó và cho phép tôi được nghỉ phép 2 tuần lễ để đi Việt Nam.[1] 

Các Hoạt Động Tại Hà Nội 

Hội Nghị NIT ‘98 

Vài ngày trước khi Hội Nghị NIT ’98 khai mạc, Việt Nam đơn phương quyết định hủy bỏ việc tổ chức Hội Nghị này. Lý do được nêu ra là vì Giám Đốc Thư Viện Quốc Gia (TVQG), Ông Nguyễn Thế Đức, đã bị thay thế, và Phó Giám Đốc, Ông Trần Anh Dũng, đã được bổ nhiệm làm Quyền Giám Đốc trong khi chờ đợi sự bổ nhiệm của một Giám Đốc mới.  Tiến Sĩ Chen lập tức liên lạc ngay với Ông Dũng để tìm biện pháp giảm bớt tác động tai hại của quyết định đơn phương đó của Việt Nam vì, trên thực tế, một số khá đông những người sẽ tham dự hội nghị, trong đó, dĩ nhiên, có cả những người sẽ là thuyết trình viên tại hội nghị, đang trên đường đến Việt Nam.  Ông Dũng đồng ý sẽ tổ chức tại TVQG một cuộc hội thảo trong một ngày để cho một số các bài thuyết trình đã được ghi vào chương trình của Hội Nghị NIT ’98 có thể được trình bày.  Tiến Sĩ Chen đã thông báo ngay cho tôi biết là bài thuyết trình của tôi đã được chọn cho cuộc hội thảo một ngày đó.   

Tôi đến phi trường Nội Bài (Hà Nội) vào buổi trưa ngày Thứ Hai, 23-3-1998.  Có mặt tại phi trường để đón tôi gồm có: 1) Anh Nguyễn Uyên, Giảng Viên của Đại Học Thủy Lợi Hà Nội, mà tôi đã quen biết từ năm trước khi anh đến tu nghiệp 6 tháng tại Trường Kỹ Sư Công Chánh của Viện Đại Học Saskatchewan (School of Civil Engineering, University of Saskatchewan); 2) Chị Trương Thị Nhàn, chị cả của Anh Trương Văn Tuyên, một bạn học hồi Trung Học của tôi tại Trường Petrus Ký, và Tiến Sĩ Trương Trí Vũ, em út của Chị Nhàn và Anh Tuyên và cũng là một người bạn của tôi tại Canada; và 3) Người tài xế của Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội.  Tôi được đưa về khách sạn Phú Long, ở phố Cầu Gỗ, rất gần Hồ Gươm, nơi tôi sẽ trú ngụ trong suốt thời gian ở Hà Nội. 

Tại cuộc hội thảo trọn một ngày ở TVQG vào ngày hôm sau, Thứ Ba 24-3-1998, thành phần tham dự là như sau: 

• Về phía Việt Nam: 

     ° Ông Trần Anh Dũng, Quyền Giám Đốc TVQG 

     ° Ông Kiều Văn Hốt, Phó Giám Đốc TVQG 

     ° Ông Nguyễn Huy Chương, Giám Đốc Thư Viện và Trung Tâm Thông Tin, Đại Học Quốc Gia Hà Nội 

     ° Cô Nguyễn Thị Huyền Đan, Trưởng Ban Thông Tin, TVQG 

     ° Cộ Nguyễn Thị Bắc, Phó Giám Đốc, Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 

     ° Cô Chu Tuyết Lan, Thư Viện, Viện Hán Nôm 

     ° Tất cả các vị Trưởng Phòng và Trưởng Ban của TVQG 

• Về phía ngoại quốc: 

     ° Tiến Sĩ Ching-chih Chen, Giáo Sư và Phó Khoa Trưởng, Trường Thư Viện và Thông Tin Học, Viện Đại Học Simmons College, Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ 

     ° Tiến sĩ Em Claire Knowles, Giáo Sư và Phó Khoa Trưởng, Trường Thư Viện và Thông Tin Học, Viện Đại Học Simmons College, Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ 

     ° Tiến Sĩ Hwa-Wei Lee, Giáo Sư, Viện Đại Học Ohio, Columbus, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ 

     ° Tiến Sĩ Wallace Koehler, Chuyên Viên Tư Vấn Về Internet, Maryville, tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ 

     ° Ông Patrick McGlamery, Quản Thủ Thư Viện, Viện Đại Học Connecticut, Hartford, tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ 

     ° Tiến Sĩ Eisuko Naito, Giáo Sư, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Về Thông Tin Học, Tokyo, Nhật Bản 

     ° Tiến Sĩ Jacques Lajoie, Trưởng Ban Tâm Lý Học, Phân Viện Đại Học Québec tại Montréal (UQAM), tỉnh bang Quebec, Canada 

     ° Cô Nereida Cross, Giáo Sư, Đại Học Quốc Gia Úc 

     ° Ông Karl Min Ku, Quản Thủ Thư Viện, Quốc Hội, Đài Loan 

     ° Ông Lâm Vĩnh-Thế, Trưởng Ban Biên Mục, Thư Viện, Viện Đại Học Saskatchewan, Canada 

Và sau đây là các bài thuyết trình:  

• Tiến Sĩ Chen: The Alexandria Declaration of Principles: A Baseline Document for Planning Global Information Infrastructure (GII) 

• Ông Lâm Vĩnh-Thế: Library Development in Vietnam: Urgent Needs for Standardization [2] 

• Ông Karl Min Ku: New Information Technology Application on Legislatures and Its Libraries Among Asia and Pacific Countries 

• Tiến Sĩ Jacques Lajoie: What People Write as Queries in the Web’s Search 

• Dr.Tiến Sĩ Hwa-Wei Lee: Maximizing Information Access and Resource Sharing: The OhioLINK Experience 

• Tiến Sĩ Eisuko Naito: Multi-Lingual IT Standardization 

• Cô Nereida Cross: New Information Technology Applied to Genocide Research (CD-ROM on Genocide in Cambodia) 

• Dr.Tiến Sĩ Wallace Koehler: The Librarianship of the Web: Options and Opportunities: Managing Transitory Materials 

• Ông Patrick McGlamery: Handheld Computers: Freeing Spatial Information from the Desktop 

• Dr.Tiến Sĩ Em Claire Knowles: Educating and Training Students from Developing Countries to Use New Technologies 

Sau khi nghỉ ăn trưa, và trước khi nhóm họp tiếp vào buổi chiều, khách tham dự hội thảo đã được mời tham quan TVQG trong hơn một giờ dưới sự hướng dẫn của ông Phó Giám Đốc Kiều Văn Hốt.   Tuy cũng có được trang bị một số máy tính, nói chung cơ sở vật chất của TVQG vẫn còn rất nghèo nàn.  Tuyệt đại đa số các kệ sách vẫn còn bằng gỗ và rất cũ kỷ.  Các khu vực làm việc của nhân viên thì rất chật hẹp và bụi bặm.  Ông Kiều Văn Hốt cho biết chính phủ đã có dự án xây dựng một trụ sở mới cho TVQG.  

Chiều hôm đó, khoảng gần 6 giờ, Anh Đặng Đình Hiền,[3] Thư Viện Trưởng của Trường Đại Học Sư Phạm (ĐHSP) Hà Nội 1 tại Ô Cầu Giấy, đến đón tôi tại Khách sạn Phú Long và đưa tôi đi ăn tối.  Chúng tôi đến một tiệm ăn nhỏ ngay trước Hồ Hoàn Kiếm để thưởng thức hai món ăn khá tiêu biểu của người dân Hà Hội vào thời gian đó: món lòng lợn chấm mắm tôm và món phở xào, nhậu với hai lon bia ngoại Heinekein. 

Viếng Thăm Trường Đại Học Thủy Lợi 

Sáng hôm sau, Thứ Tư 25-3-1998, Trường Đại Học Thủy Lợi cho xe đến Khách sạn Phú Long rước tôi đến Trường để thực hiện cuộc viếng thăm đã dàn xếp trước.  Tại đây tôi rât vui được gặp lại anh Nguyễn Uyên, Giảng Viên của Trường.  Anh Uyên đã đưa tôi vào gặp Giáo Sư Nguyễn Công Mẫn, Hiệu Phó kiêm Trưởng Ban Liên Lạc Quốc Tế. 

Thăm Đại Học Thủy Lợi Hà Nội – Đứng gữa là GS Hiệu Phó Nguyễn Công Mẫn, bìa phải là anh Nguyễn Uyên 

Sau đó, anh Uyên đã hướng dẫn tôi đi tham quan Thư Viện của Trường.  Thư Viện đặt trên lầu năm, khá rộng, nhưng với trang bị rất cũ kỹ, kệ sách toàn bằng gỗ, với một thư mục bằng thẻ viết tay, và kho sách theo lối đóng.  Bộ sưu tập tài liệu bằng tiếng Nga và tiếng Hoa gồm toàn sách đã quá cũ và rõ ràng là không được sử dụng nhiều.  Thư Viện dành một gian phòng rất rộng để chứa các sách giáo khoa, mà, trong rất nhiều trường hợp, một nhan đề có đến hàng mấy trăm bản.   Thư Viện cũng vừa mới thiết lập một thư mục trực tuyến (OPAC = Online Public Access Catalog) với các chức năng tìm tài liệu rất sơ đẳng và hạn chế.   Chúng tôi cũng đến thăm khu vực làm việc của Khối Dịch Vụ Kỹ Thuật, và tận mắt chứng kiến 2 biên mục viên đang làm biên mục với các phiếu điền cho máy tính.  Họ đang sử dụng một ấn bản rất cũ của Bảng Phân Loại BBK của Liên Xô, và chúng tôi cũng được nghe chính ông Giám Đốc Thư Viện than phiền về sự yếu kém và thiếu sót của Bảng Phân Loại BBK đối với bộ sưu tập rất chuyên biệt của Thư Viện Trường.  Sau cuộc viếng thăm Thư Viện, chúng tôi trở lại văn phòng của ông Giám Đốc Thư Viện, và tại đó, tôi thấy có một máy vi tính mới toanh và một máy photocopy chưa được sử dụng đến.  Sau khi bàn thêm với chúng tôi về khả năng Trường Đại Học Saskatchewan có thể hỗ trợ cho Thư Viện, ông Giám Đốc đưa anh Uyên và tôi đi viếng thăm Phòng Đọc nơi tầng trệt vừa mới được đưa vào sử dụng trước đó hai tháng.  Trước đó nó là một phòng ăn dành cho sinh viên, nay được tân trang và có thể chứa được khoảng 200 người.  Họ đã cho mang xuống Phòng Đọc các bản tạp chí hiện hành và một số sách mà sinh viên thường sử dụng.  Cuộc viếng thăm Thư Viện đã chấm dứt vào khoảng 12 giờ trưa.      

Du Ngoạn Vịnh Hạ Long 

Ngày hôm sau, Thứ Năm, 26-3-1998, trước khi các thuyết trình viên của Hội Nghị NIT ’98 chia tay nhau, Giáo Sư Cheng đã tổ chức cho mọi người đi viếng Vịnh Hạ Long.  Chúng tôi rời Khách sạn Phú Long rất sớm, lúc 6 giờ sáng, và đến Vinh Hạ Long khoảng sau 1 giờ trưa vì thời gian đó chưa có cầu Thăng Long, chưa có xa lộ, đường rất xấu, đầy ổ gà, nên xe không chạy nhanh được.  Sau khi du ngoạn khoảng gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi trở về Hà Nội và về đến Khách Sạn Phú Long cũng gần 10 giờ đêm.  

Vịnh Hạ Long – Sau Hội Nghị NIT ’98, Tháng 3-1998
Đứng khom lưng ở bìa phải là Giáo Sư Cheng và phu quân của Bà
Người ngồi bìa trái mang máy ảnh là Tiến Sĩ Lee
Người phụ nữ da đen là Tiến Sĩ Knowles
Người trai trẻ ở tiền cảnh là Tiến Sĩ Lajoie  

Tiến Sĩ Lajoie và tác giả trong một hang động ở Vịnh Hạ Long 

Thuyết Trình Tại Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội 

Ngày Thứ Sáu, 27-3-1998, vào buổi trưa, lúc 2:30 giờ, Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội cho xe đưa chị Trương Thị Nhàn đến rước tôi tại Khách Sạn Phú Long.  Đến nơi chị Nhàn đưa tôi vào gặp Giáo Sư Đinh Văn Sâm, Giám Đốc Trung Tâm Khoa Học Môi Trường và Công Nghệ (Centre for Environmental Science and Technology – CEST).  Sau khi thăm viếng Trung Tâm khoảng 1 giờ, Giáo Sư Sâm hướng dẫn tôi và Chị Nhàn đến Phòng Họp (Conference Room) của Khoa Kinh Tế.  Hiện diện tại đó đã có Giáo Sư Chủ Nhiệm Khoa Trần Văn Bình, Giáo Sư Phó Chủ Nhiệm Khoa Nguyễn Đại Thắng, và Giáo Sư Nguyên Chủ Nhiệm Khoa Lã Văn Bật cùng một số cán bộ trong Ban Giảnh Huấn.   Khoa Kinh Tế của Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội.   

Đúng 4:00 giờ, tôi bắt đầu bài thuyết trình của tôi mang tựa đề là: Công nghệ thông tin trong nền kinh tế thị trường.[4] 

Trước khi đến thuyết trình, tôi đã gởi bài thuyết trình đến cho Giáo Sư Chủ Nhiệm Khoa Kinh tế với 2 yêu cầu: 1) Ngoài ban giảng huấn của Khoa nên cho sinh viên năm thứ tư được tham dự; và 2) Nhờ Khoa in bài thuyết trình ra nhiều bản trước để phân phát cho mọi người đến tham dự.  Giáo Sư Chủ Nhiệm Khoa đã lờ đi không thực hiện 2 lời yêu cầu này.  Vì vậy khi tôi thuyết trình trong phòng không có đến 10 người và bài thuyết trình của tôi được để ngay trước mặt Giáo Sư Chủ Nhiệm, như là một tài liệu của riêng ông, trong khi các vị trong ban giảng huấn cắm cúi cố gắng ghi chép những lời tôi nói được bao nhiêu hay bấy nhiêu.  Tôi thấy thật buồn cho tình đồng chí, đồng nghiệp của Khoa Kinh Tế này tại Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. 

Viếng Thăm Đền Thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh        

Sáng hôm sau, tôi nhờ Anh Hiền đưa tôi đi cúng bái Đức Đệ Nhứt Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại ngôi đền của Mẫu trên đường Hàng Bột.  Đây là lần thứ nhì tôi đến lạy Mẫu tại ngôi đền này.  Lần thứ nhứt, cách đây 18 năm, là vào năm 1980, khi tôi vẫn còn ở trong nước, chưa đi định cư ở Canada, và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi ra Hà Nội.  Tôi vẫn còn nhớ rõ như sau:  

“Chúng tôi bắt đầu từ Văn Miếu, đi đường Hàng Bột về phía Ô Chợ Dừa.  Anh H. đạp xe chầm chậm, tôi ngồi sau bọt-ba-ga, luôn luôn nhìn sang bên trái đường để tìm số nhà 35.  Đọc đường, chúng tôi thỉnh thoảng ngừng xe lại để hỏi thăm các người đi đường, phần nhiều là những người lớn tuổi, vì chúng tôi nghĩ là những người trẻ tuổi trẻ chắc không biết về ngôi Đền.  Không một người nào biết cả.  Lúc đó chúng tôi đã đi khá xa trên đường Hàng Bột, gần đến Ô Chợ Dừa rồi.  Tôi vái thầm trong bụng như sau: “Đệ tử cầu xin Đức Bà linh thiêng phù hộ cho đệ tử tìm được ngôi Đền để đệ tử có thể vào lạy Đức Bà.”  Tôi vừa vái xong thì ngay lúc đó anh H. dừng xe đạp lại một lần nữa.  Bên vệ đường là một ông cụ đang ngồi với đồ nghề vá xe đạp.  Cũng như những lần trước, anh H. hỏi thăm cụ già về ngôi Đền.  Lần nầy, thật là linh diệu, ông cụ nói ngay như sau: “các cậu đi quá rồi, vòng lại đi, ngôi Đền ở ngay phía sau cái nhà trẻ đấy, lối đi vào Đền là ở bên cạnh nhà trẻ đấy.”   Chúng tôi cám ơn ông cụ và vòng xe lại, đi trở ngược lại hướng Văn Miếu.  Khi đến trước nhà trẻ, tôi nhìn kỹ hai cây cột gổ phía trên có bảng hiệu của nhà trẻ thì mới nhận ra là cái cột bên phía tay mặt được đặt lên trên một cái cột đá cũ kỷ.  Nhìn kỷ cái cột đá đó thì rõ ràng có một vài khắc chữ Hán theo chiều dọc.  Vậy đây rõ ràng là một trong hai cái cột bằng đá của một cái cổng của một kiến trúc cổ nào đó.  Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là địa điểm của Đền Sùng ngày xưa như bài báo đã mô tả.  Theo lời chỉ dẫn của ông cụ lúc nảy, tôi và anh H.  dẫn xe đạp theo lối đi bên cạnh phía tay mặt của nhà trẻ để vào bên trong.  Sau độ hơn 20 mét, nhìn sang bên tay trái chúng ta thấy ngay cái sân nhỏ và ngắn ở trước một ngôi nhà nhỏ.  Bước vào bên trong nhà, tôi và anh H. thật sửng sốt khi nhìn thấy cảnh tượng bên trong.  Trước mắt chúng tôi là một khoảng dùng làm nơi lễ bái, rộng 6 x 3 mét, lót gạch bông đã được lau chùi bóng loáng, bên trong là ba gian điện thờ sơn son thếp vàng thật nguy nga.  Trong đền lúc đó có sự hiện diện của ba cụ, hai bà một ông, tóc bạc phơ, chắc đã trên dưới 70.  Các cụ đang ngồi ăn trầu, nói chuyện trên một cái sạp gụ bóng loáng.  Thấy chúng tôi vào, các cụ đứng dậy, đi ra tiếp chúng tôi.  Khi được anh H. nói cho biết tôi là một người từ Miền Nam ra và nhờ anh đưa đi tìm ngôi Đền để đến lễ bái Đức Bà, các cụ vô cùng ngạc nhiên và vui mừng.  Ông cụ vội vã đến các gian điện thờ bật đèn lên, đốt ba cây nhang và đưa cho tôi.  Anh H. bước sang một bên, không tham gia vào việc lễ bái.  Sau đó ông cụ đi đến gian điện thờ chính giữa, nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, và đánh mấy tiếng chuông.  Tôi lễ đủ tất cả ba bàn thờ, và, xin phép các cụ, tôi gởi một ít tiền góp vào việc mua nhang đèn.” [5]  

  Lần này, năm 1998, đúng 18 năm sau, khi trở lại Hà Nội, tôi rất vui mừng thấy ngôi đền thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được trùng tu, rất khang trang, với cổng gạch hực hỡ mang 4 đại tự Vọng Sùng Sơn Tự rất đẹp như sau: 

Cổng vào đền thờ Mẫu Liễu Hạnh mang tên là Vọng Sùng Sơn Tự 

Tác giả cung bái Mẫu Liễu Hạnh – Vọng Sùng Sơn Tư, Hà Nội, Tháng 3-1998 

Các Hoạt Động Tại Sài Gòn 

Sáng hôm sau, Thứ Bảy, 28-3-1998, Anh Hiền đưa tôi lên Phi trường Nội Bài để lấy chuyến bay của Hàng Không Việt Nam vào Sài Gòn.  Đến Phi trường Tân Sơn Nhứt, tôi hết sức vui gặp lại người thân và bạn bè đã xa cách gần 20 năm kể từ khi tôi rời Việt Nam đi định cư tại Canada vào ngày 23-9-1981, trong đó có 2 người bạn thân là Giáo Sư Nguyễn Nhã, nguyên Chủ nhiệm Tập San Sử Địa, bạn đồng nghiệp tại Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, nay là Phụ Tá Viện Trường Viện Đại Học dân lập Hùng Vương, và Giáo Sư Lê Ngọc Oánh, Phó Chủ Tịch Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam nhiệm kỳ 1974-1975 (mà tôi là Chủ Tịch), nay là Giám Đốc Thư Viện của Đại Học Mở Sai Gon (Saigon Open University).  

Thân nhân và bạn bè đón tác giả tại Phi trường Tân Sơn Nhứt –Thứ Bảy, 28-3-1998
Người đứng giữa, bên phải tác giả là GS Nhã, cách đó một người là GS Oánh 

Thăm Gia Đình và Thân Hữu 

Ngay sau khi đến Sài Gòn tôi đã dành trọn hai ngày đầu tiên, Chúa Nhựt 29-3-1998 và Thứ Hai 30-3-1998 để thăm viếng gia đình và gặp lại bạn bè thân tình đã xa cách gần 20 năm. 

Chiều Thứ Bảy, 28-3-1998, sau khi vào đến Sài Gòn, nhà đầu tiên tôi đến là nhà của anh Võ Văn Minh, anh của bà xã tôi đồng thời cũng là một người bạn thân từ hồi học chung nhau suốt 4 năm ở các lớp Đệ Nhứt Cấp tại Trường Petrus Ký.[6] Trước tiên tôi vào vấn an nhạc mẫu của tôi, lúc đó đã 79 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, chỉ có hơi gầy yếu hơn so với ngày trước.  Bà rất vui được gặp lại tôi sau gần 20 năm xa cách, nhứt là được tôi báo cho biết vợ con tôi đều khỏe mạnh và đều kính gởi lời thăm Mẹ, thăm Bà Ngoại.  Sau đó Minh và tôi vào lạy bàn thờ Ông Bà trong nhà. 

Minh và tác giả cung bái trước bàn thờ  

Hôm sau, Chúa Nhựt, 29-3-1998, Minh đã tổ chức tại nhà một buổi nhậu để tôi có dịp gặp lại các bạn học Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957) tại Trường Petrus Ký ngày xưa.  Ngày hôm đó, rất may mắn, tôi được gặp lại luôn Thầy Nguyễn Thạch, Giáo Sư môn Toán của bọn tôi ở Lớp Đệ Ngũ F (niên khóa 1955-1956): 

Gặp gỡ các bạn Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957) và Thầy Nguyễn Thạch (đứng giũa, mang kính râm, mặc áo thung trắng vì Thầy vừa đi đánh quần vợt về) 

Sáng hôm sau, Thứ Hai, 30-3-1998), tôi thuê một chiếc xe van 8 chỗ để cùng với Minh, 2 vợ chồng đứa cháu kêu tôi bằng bác, và 2 người bạn cùng đi về Ngã Tư Long Hồ, Vĩnh Long, để thăm mộ của Nhạc Phụ tôi đã mãn phần từ năm 1993. 

Thăm mộ Nhạc Phụ – Ngã Tư Long Hồ (Vĩnh Long)
Từ trái qua: Cháu Mi, Chú Mười (nghĩa đệ của nhạc phụ), Minh, bạn Tam Nhiều, và tác giả 

Viếng Thăm Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật 

Công tác chính thức đầu tiên của tôi tại Sài Gòn là cuộc viếng thăm Trụ sở của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh [7] vào ngày Thứ Ba, 31-3-1998.  Trưa hôm đó, anh Lê Ngọc Oánh dùng xe Honda của anh đưa tôi đến Trụ sở của Liên Hiệp tại số 43 đường Nguyễn Thông, thuộc Quận 3 đến lúc 2 giờ.  Tiếp đón tôi tại Trụ sở có Tiến Sĩ Huỳnh Văn Hoàng, Chủ Tịch kiêm Tổng Thư Ký của Liên Hiệp, và anh Võ Khắc Đệ, Thư Ký của Liên Hiệp. 

Liên Hiệp đã mời vào khoảng 40 người từ các thư viện trong thành phố đến để nghe tôi nói chuyện.  Tôi rất vui được gặp lại chị Hồ Thị Minh Tương, trước khi tôi đi định cư tại Canada vào tháng 9-1981, đã từng là một nhân viên của tôi tại Thư Viện Trường Đại Học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Phó Giám Đốc của Thư Viện này.   

Bài nói chuyện của tôi xoay quanh 3 chủ đề: 

• Tóm lược những điểm chính trong bài thuyết trình của tôi tại Hội Nghị NIT ’98 ở Hà Nội 

• Khác biệt giữa “Từ Khóa (Keywords)” và “Tiêu đề chủ đề (Subject headings)” 

• Vấn đề đang được bàn luận sôi nổi tại các thư viện đại học Bắc Mỹ: “Ownership vs. Accessibility” (Quyền Sở Hữu và Khả Năng Truy Cập) 

Viếng Thăm Đại Học Hùng Vương 

Sáng hôm sau, Thứ Tư, 1-4-1998, tôi được Giáo Sư Nguyễn Nhã đưa đến thăm Trường Đại Học Hùng Vương [8] mà trụ sở là một tòa nhà 5 tầng tại sổ đường Nguyễn Trãi thuộc Quận 5 của Thành phố.  Đây là trường đại học tư (lúc đó gọi là dân lập) đầu tiên của Miền Nam được chính quyền Cộng sản cho phép thành lập sau năm 1975, với Viện Trưởng là Giáo Sư Thạc Sĩ Y Khoa Ngô Gia Hy đã từng là Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Sài Gòn trước 1975.  Trường mới thành lập từ năm 1995 nên Thư Viện còn trong giai đoạn đang phát triển với sưu tập sách mới được khoảng 4.000 nhan đề  

Thăm Đại Học Hùng Vương – Từ trái qua: GS Nhã, Viện Trưởng GS Hy, tác giả, và Phó Viện Trưởng GS Tiến Sĩ  Nguyễn Thông Minh 

Thăm Trường Đại Học Sư Phạm 

Theo lời yêu cầu của chị Minh Tương, tôi cũng đã dành một ít thời gian của buổi chiều cùng ngày đến thăm Trường Đại Học Sư Phạm.  Tôi rất buồn vì ngoài Minh Tương tôi không gặp được một nhân viên cũ nào nữa hết.  Người mà tôi muốn gặp lại nhứt là anh Phạm Khánh Cao, đã từng làm Phó Trưởng Phòng Thư Viện khi tôi là Trưởng Phòng, thì nay đã mãn phần.   

Thuyết Trình Tại Thư Viện Cao Học Đại Học Quốc Gia TP HCM 

Theo lời mời của anh Nguyễn Minh Hiệp, Giám Đốc Thư Viện Cao Học, thuộc Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên của Đại Học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh, tôi đã dành ra trọn một ngày, Thứ Năm, 2-4-1998, thuyết trình cho nhân viên của Thư Viện Cao Học và một số nhân viên của các thư viện đại học khác trong thành phố. 

Đề tài thuyết trình là “Những vấn đề hiện nay của ngành Biên Mục” với những chủ đề sau đây: 

• Lịch sử phát triển của Thư Mục Trực Tuyến (Online Public Access Catalog = OPAC) 

• Các trang thiết bị cần thiết cho biên mục viên 

• Làm biên mục cho các tài liệu trên INTERNET 

• Khuynh hướng phân nhiệm giữa quản thủ thư viện và nhân viên trung cấp 

• Công tác tại ngoại các dịch vụ kỹ thuật 

• Những vấn để và những bước phát triển của Bộ Quy Tắc Biên Mục Anh Mỹ Ấn Bản 2 (Anglo-American Cataloging Rules, Second Edition = AACR2)  

Thuyết trình tại Thư Viện Cao Học, Đại Học Quốc Gia TPHCM 

Thăm Các Bạn Đồng Nghiệp Trường Kiến Hòa 

Tôi dành ngày cuối cùng tại Sài Gòn để gặp gỡ thăm hỏi các bạn gíáo sư đồng nghiệp đã từng dạy học chung 3 năm (1963-1966) tại Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa (Bến Tre), nhiệm sở đầu tiên trong đời đi dạy học của tôi sau khi tốt nghiệp Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1963 

Họp mặt với các bạn giáo sư đồng nghiệp cũ tại Trường Kiến Hòa 

Thay Lời Kết 

Chuyến đi Việt Nam vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4-1998, đánh dấu lần đầu tiên trở về Việt Nam sau gần hai thập niên kể từ khi rời Việt Nam đi định cư tại Canada (1981-1998), vừa là một chuyến đi công tác, do Trường Đại Học Saskatchewan của Canada đề cử và yểm trợ tài chánh, với mục đích chính là tham dự Hội Nghị Quốc Tế về Công Nghệ Thông Tin NIT ’98, vừa là một cơ hội để nối lại liên hệ với cộng đồng thư viện Việt Nam, mà cũng là một dịp tốt để thăm viếng bà con và bạn bè cùng đồng nghiệp đã xa cách gần 20 năm.  Chuyến đi thành công trọn vẹn, đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, và để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm êm đềm.  Tôi thành tâm cảm tạ Ơn Trên đã ban cho tôi cơ hội hết sức quý giá và nhớ đời này. 

GHI CHÚ: 

1. Two weeks in Vietnam, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  TwoWeeksInVietnam.docx – Google Docs 

2. Library development in Vietnam: urgent needs for standardization,  tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  Lam (simmons.edu) 

3. Tình bạn hiếm có giữa Anh Hiền và tôi bắt đầu từ sau năm 1975, lúc tôi còn ở trong nước và là Thư Viện Trưởng của Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh.  Hai Trường ĐHSP là 2 trường kết nghĩa, thường xuyên trao đổi tài liệu cho nhau.  Mỗi lần Anh Hiền vào Sài Gòn, tôi thường đưa anh ấy đi chơi, ăn uống chỗ này chỗ kia, và dần dà, qua câu chuyện trao đổi về mọi mặt, hai người chúng tôi trở nên đôi bạn thân, và tình bạn này đã tiếp diễn mãi cho đến ngày hôm nay, 2024. 

4. Công nghệ thông tin trong nền kinh tế thị trường, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Công Nghệ Thông Tin Trong Nền Kinh Tế Thị Trường (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)   

5. Lâm Vĩnh-Thế, Chuyến Đi Hà Nội Lần Đầu Tiên Vào Năm 1980, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Chuyến Đi Hà Nội Lần Đầu Tiên Vào Năm 1980 (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com) 

6. Lâm Vĩnh-Thế, Nhớ Về Nhóm Bạn Thân Các Năm Đệ Nhứt Cấp Tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Nhớ Về Nhóm Bạn Thân Các Năm Đệ Nhứt Cấp Tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com) 

7. Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật TP Hồ Chí Minh = Ho Chi Minh City Union of Science and Technology Associations, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  trang chủ – LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (hcmusta.org.vn) 

8. Trường Đại Học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh – Wikipedia tiếng Việt