Trong thời gian phục vụ ở Binh Chủng TQLC, tôi được hân hạnh là thuộc cấp, là đồng đội, được quen thân một số khá đông các cấp trung đội trưởng, đại đội trưởng xuất thân từ Quân Trường Võ Khoa Thủ Đức. Dù TT Thiệu có nói “Mất nước là mất tất cả,” nhưng cho tới nay hình bóng của các anh vẫn còn lại trong tôi. Ở tuổi trên 80, tôi quên chuyện hôm qua, nhưng tôi vẫn nhớ những kỷ niệm buồn vui 60 năm về trước. Tôi hằng mong ước được gặp lại các anh, nhưng một số các anh đã đi rồi, ai còn lại thì cũng chỉ đủ sức để thở dài. Thôi thì xin mượn trang giấy này để dâng lên các anh đã khuất một nén nhang, và vài hàng tâm sự buồn vui với các “ông già” đang trả nợ đời.’

Tôi xin bắt đầu với các niên trưởng (NT) và đồng đội Khoá 17 Võ Khoa phục vụ trong Binh Chủng TQLC. Tôi gọi họ là NT, vì họ có thâm niên Binh Chủng hơn tôi, dù chỉ chừng một tháng.

***

CÁC MŨ XANH TỪ KHOÁ 17 VÕ KHOA THỦ ĐỨC

– Này Hạp, bạn làm một chai nữa đi.

– Thôi, một chai là quá đủ rồi, tôi còn phải về.

Tôi biết Hạp ở San Diego, cách Little Sàigòn, chỗ chúng tôi đang họp mặt khoảng 2 giờ lái xe, lúc đó đã là 9 giờ đêm rồi, nên khi nghe Hạp nói: “Tôi phải về” làm tôi ngạc nhiên, làm sao một ông già 70 có thể ngồi ôm vô-lăng suốt hai tiếng trên freeway trong đêm tối được? Ôm cái gì thì được chứ ôm vô-lăng như vậy là nguy hiểm quá! Tôi thầm nghĩ hay Hạp đã dọn về thủ đô tị nạn rồi nên hỏi:

– Ông dọn về Little Sàigòn hồi nào mà không cho anh em biết?

– Không, nhà tôi vẫn ở San Diego.

– “Nhà tôi” của ông vẫn ở San Diego, thế giờ này mà ông đòi về là về phòng “nhì” hay phòng “tư” ở Little Sàigòn đây?

Thấy câu hỏi của tôi có hàm ý “đốt nhà” nên anh bạn Phòng Nhì Lê Văn Châm vội thanh minh dùm cho anh bạn Phòng Tư Nguyễn Văn Hạp:

– Thằng Hạp này nó hiền như ma-sơ thì làm gì có phòng nào khác đâu.

Biết tôi có tật hay nói linh tinh, sợ bạn bị hàm oan nên Liễn (K20VB) chen vào:

– Hạp đòi về San Diego thật đấy. Khi nghe tin chúng tôi từ xa về Little Saigòn chơi, Hạp từ San Diego đã lên và có mặt ở đây từ lúc 6 giờ sáng rồi. Cả ngày hôm nay Hạp cùng với Châm đưa Cang, Tú và tôi đi khắp nơi rồi về nhà Châm ngồi lai rai cho đến bây giờ. Đúng ra là Hạp đã phải về San Diego từ lúc 6 giờ chiều, vậy mà cứ “quấn quít” với anh em, chưa nỡ rời bước, nhưng cuối cùng thì vẫn phải chia tay vì sáng sớm mai Hạp có việc không thể vắng mặt được. Tôi đã nói với Hạp là thì giờ eo hẹp và xa xôi quá thì đừng lên Little Sàigòn, nói chuyện qua phôn là được rồi. Nhưng Hạp nói rằng: “Lâu quá không gặp mặt tụi mày tao nhớ”.

Đó là vắn tắt câu chuyện tôi ghi nhận được trong bữa cơm họp mặt tại nhà Lê Văn Châm Khoá 17 Võ Khoa (K17VK) Thủ Đức/TQLC, nhân dịp Lê Quang Liễn, Nguyễn Cao Nghiêm, Phạm Cang, Nguyễn Ngọc Tú về Nam CA dự đại hội Khoá 20 Võ Bị (K20VB). Ngoài Cang, Liễn, Nghiêm, Tú, là khách phương xa thì thành phần “chủ nhà” có Châm, Hạp, Hữu, Giao K17/VK, niên trưởng Quách Ngọc Lâm K12/VK, kẻ viết bài này, K19VB được gọi đến để phá mồi. Dĩ nhiên là có thành phần quan trọng “không thể thiếu” là các chị. Nhưng bài này tôi nói về những tay súng, những tiếng nổ nên không dám ghi quý danh của những vị thục nữ vào trong chốn ồn ào này được.

Rượu ngon XO hai ba chai mà kém người uống.
Bia ngọt dăm ba thùng mà thiếu người say!
Mồi đưa cay thượng hảo hạng đầy bàn mà không cá đớp!

Một mình tôi phá mồi ngất ngư, còn họ, những người bạn ngày xưa từng sát cánh bên nhau, “mày mày-tau tau”, cùng nghe AK, CKC, RPD réo bên tai, sau nhiều năm xa cách nay gặp lại thì biếng ăn, nhác uống mà thi nhau “nổ”! Nổ chuyện đơn vị cũ, chiến trường xưa, nổ những kỷ niệm khi xung phong vào mục tiêu, dù nổ ở trận địa hay nổ ở hậu phương với những nỗi buồn “xuống xóm”. Sau bao năm xa cách mà thấy họ thân nhau, tình nghĩa anh em còn hơn ruột thịt nơi xứ tạm dung này nên tôi hơi ngạc nhiên, khẽ hỏi Lê Quang Liễn:

– K17VK/TQLC với K20VB/TQLC “đụng nhau” hồi nào mà thân với nhau quá vậy? Đụng ngoài chiến trường hay ở hậu phương?

– Cả hai, chúng tôi dân Quái-Điểu TĐ.1/TQLC với nhau mà, nhưng cẩn nhắc để anh biết, nếu có viết thì đừng quên hai nguyên âm “i” trong hai chữ “Quái Điểu” là không xong với tôi đấy.

Dốc ngược chai, tu một hơi, Liễn – Long Hồ, tục danh Trâu SS (sồn sồn) nói tiếp:

– Ngoài chiến trường tụi tôi dành nhau mục tiêu VC, về hậu phương chúng tôi nhường nhau “em-tê” (MT). Vả lại anh không thấy đằng sau những chữ VK & VB thì chỉ có 4 chữ TQLC hay sao? Tôi hỏi anh câu này, AK, CKC, Peta, RPD, cối, pháo v.v… là những thứ không có mắt, vô tri, nó có phân biệt VB hay VK không?

Tôi vội vàng đưa tay ra hiệu rồi cắt ngang lời Liễn:

– Bạn hiểu lầm ý tôi rồi, thấy các bạn thân nhau quá, dù xa cách cả thời gian lẫn không gian nên tôi mới dùng chữ “đụng nhau” với hàm ý là đã sống chết với nhau nhiều rồi bị nổ ở cả tiến tuyến và hậu phương, là dân chơi thứ thiệt, chứ không hề có ý phân biệt Võ Khoa và Võ Bị. Nói theo cách bình dân thì “Vỏ nào cũng là vỏ, anh vỏ khoai, tôi vỏ bí”. Hoặc giả Thủ-Đức thì “thức đủ” năm canh để đánh giặc, còn Đà-Lạt thì thành “lạc đà” với súng đạn trên vai mười hai ngày gạo để ra chiến trường.

Phản ứng của Liễn cũng là phản ứng chung của đa số anh em ta, ai cũng cảm thấy rất khó chịu mỗi khi có một cá nhân nào đó suy nghĩ theo cái “đầu lệch” của họ về nguồn gốc quân trường của hắn, gọi nôm na là “kỳ thị”. Sự kỳ thị đã gây nên nhiều hậu quả tai hại khôn lường, thế giới văn minh ngày nay đã lên án thái độ đó, và chỉ còn sót lại ở những nơi hoang dã, những cái đầu hoang tưởng.

Mọi người đều có quyền hãnh diện về dân tộc, quê hương, xứ sở, tôn giáo, binh chủng, quân trường v.v… của chính bản thân mình. Nhưng coi chừng, đề cao tôn giáo mình mà chê tôn giáo bạn là có thể gây ra “Thánh Chiến” đấy. Trong quá khứ, trên đường phố Saigòn, con chiên, phật tử đã gậy gộc với nhau vì mắc mưu của lũ hoạt đầu chính trị.

 Hiện nay, quanh chúng ta ở hải ngoại, không thiếu những cái đầu lệch phát ngôn bừa bãi: “Tụi đen thế này, tụi Mễ thế kia” mà quên đi thân phận “sống nhờ, ở đậu” của chính bản thân mình! Cũng không thiếu những quái nhân hợm hĩnh phê bình hay viết lách rất cẩu thả, bịa chuyện vô trách nhiệm về một đơn vị bạn, một cấp chỉ huy hay đồng đội xưa chỉ vì mặc cảm tự ti.

Nhớ lại năm tôi 12, một cu tí Bắc Kỳ di cư 54 học lớp Đệ Thất trường L. Petrus Ký! Một con cừu non sống giữa 50 ông nhóc học trò Nam Kỳ phá phách chỉ thua có quỷ ma! Chúng xé sách, vất bút, nhái giọng nói ngọng “nờ” với “lờ” của tôi. Chân tay tôi tê đi khi đến trường, ngồi gục mặt trong lớp và khóc trên đường về. Tôi là nạn nhân của sự kỳ thị.

Đã hơn 60 năm chứ ít sao, tôi vẫn đau nên ghét thói kỳ thị, nay gặp đồng đội Lê Quang Liễn cùng chung tâm trạng ghét kỳ thị, nên đã gợi ý cho tôi viết về những chuyện mà tôi ấp ủ từ lâu, chuyện vui buồn với những niên trưởng và đồng đội xuất thân quân Trưởng Võ Khoa Thủ Đức, tình nguyện về Binh Chủng TQLC mà tôi đã từng quen biết, là thuộc cấp hay đồng đội của họ.

Hơn một ngày thâm niên trong Binh Chủng TQLC cũng là niên trưởng., Tôi xin bắt đầu với những niên trưởng hơn tôi ít ngày nhất. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu ngày, nhưng nếu tính cho tròn thì vào khoảng một tháng. Giữa tháng 12/1964 khi K19VB tôi về trình diện TĐ.5/ TQLC thì đã thấy các “niên trưởng” K17VK ở đây rồi.

“Độc nhãn tướng quân” Trần Văn Hên:

Đơn vị đầu đời binh nghiệp của tôi là Trung Đội 3, Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 5 TQLC, Đại Đội Trưởng của tôi là Thiếu Úy Dương Bửu Long, K9/VK. Đây là lúc tôi học hỏi được ở các niên trưởng K17VK nhiều điều cần thiết cho một lính chiến, các niên trưởng ấy là các Chuẩn Úy Nguyễn Văn Lộc, Ngô Thành Hữu, Trần Văn Hên, Lương Văn Cường, v.v…

Vì Tiểu Đoàn 5 mới thành lập, còn đang trong thời kỳ bổ sung và huấn luyện nên các trung đội trưởng kiêm luôn nhiệm vụ huấn luyện viên. Ngày huấn luyện và học tập, trưa ăn cơm bàn, tối cấm trại và rồi trốn trại đi “thăm dân cho biết sự tình”, nhưng sáng tinh sương vẫn có mặt tại suối Lồ Ồ để dẫn quân chạy bộ, quân thở ít thì quan thở nhiều, thở như trâu! Nhờ môi trường này mà chúng tôi kết thành một khối, tôi học được ở các niên trưởng K17/VK nhiều điều mà quân trường không dạy.

Chẳng hạn như quân trường không lường được có trường hợp bị thương hư một mắt mà vẫn cố năn nỉ xin tình nguyện ở lại chiến đấu. Anh bị thương hư một mắt trong trận Đức Cơ khoảng năm 1965, nhưng vẫn tiếp tục cầm súng cho tới 30/4/75. Người ấy là Trần Văn Hên, tên thân mật gọi là “Hên Đui”, văn vẻ một chút gọi là “độc Nhãn Tướng Quân”. Nếu tính bằng “Danh Dự và Trách Nhiệm” thì Hên Đui xứng đáng là ông Tướng của tôi.

Những năm 1994 – 1995, tôi gặp lại “Độc Nhãn Tướng Quân” ở một nơi dễ tìm thấy dầu mỡ, một tiệm sửa xe ở Santa Ana, Nam CA. Nhưng rồi ông Tướng biến đâu mất! Tôi đã nhiều lần gọi thầm “Hên ơi bây giờ anh ở đâu?” Bây giờ 2020, “Độc Nhãn Tướng Quân” đã về trình diện Tiểu Đoàn Trưởng – Cố Trung Tá Dương Hạnh Phước – vị TĐT/ TĐ./TQLC đầu tiên của anh và tôi.

“Lựu Đạn” Ngô Thành Hữu:

Mấy em VC núp trong hầm có nắp, chỉ thò ra từ cái lỗ be bé xinh xinh với họng AK khiến nhiều anh hùng TQLC vất vả, nhưng gặp Hữu Lựu Đạn là đời các em VC tới số.

Hữu chặt vài cành cây nối vào nhau cho dài, rồi cột vào đầu cây trái mãng cầu M26 đã gài chốt bằng một cây kim băng cột với sợi dây cước dài, xong rồi Hữu cứ đẩy từ từ cái đầu que có trái M26 về phía trước, gí từ từ, từ từ khi trái M26 vừa lọt vào miệng hầm là Hữu giật dây cước, kim băng sút ra, M26 nổ ầm, thế là các em VC banh càng.

Từ mưu nhỏ đến việc lớn, Hữu đều cười mím chi rồi hoàn thành xuất sắc, nhưng trên ngực thì huy chương lác đác như lá mùa thu! Công trạng và khả năng của Hữu, nếu không phải sống trong một gia đình TQLC đất chật người đông thì Hữu đã là ông “hai râu” từ lâu rồi, nhưng Hữu vẫn cười, vẫn chỉ là Tiểu Đoàn Phó và bám trụ TĐ5/TQLC cho tới giờ phút cuối cùng.

Tôi phục các niên trưởng K17/VK/TQLC Hên Đui và Hữu Lựu Đạn là vì vậy.

“Tây lai” Lương Văn Cường và “Lộc Lùn” Nguyễn Văn Lộc :

Hai ông này là dân chơi chính hiệu, rượu uống không biết say, nhảy không biết mệt, dù nhảy rào, nhảy đầm hoặc nhảy trực thăng. Họ là anh em một nhà, Cường Lai cưới em gái Lộc. Lộc và tôi cùng Đại Đội 4/TĐ5 nên Lộc chính là niên trưởng của tôi trong cả bốn món ăn chơi và đánh đấm. Cái hay của Lộc Lùn là lúc nào cũng cười và chửi thề.

Cường “Tây lai” giờ này ở đâu thì không ai biết, nhưng bất ngờ ngày 04/4/2023 tôi được tin Cường qua đời tại Houston, Texas. Còn Lộc Lùn thì từng ở Florida. Sau khi sang Mỹ, tôi đã liên lạc được với Lộc và anh đã hứa sẽ về San Jose để dự Đại Hội TQLC năm 2010 do bạn đồng khóa là Lâm Tài Thạnh tổ chức, nhưng năm đó Lộc chưa về được.

Tám năm sau, tháng 7/2018, Lâm Tài Thạnh lại làm trưởng ban tổ chức Đại Hội TQLC 2018 tại San Jose, đang định liên lạc với Lộc để mời “cu cậu” về họp mặt với anh em thì “đùng một cái” nhận hung tin “Lộc đã đi rồi!” vào ngày 05/01/2018!

Lộc không về với anh em TQLC trong Đại Hội 2018 mà về với các đồng đội Phương, Thảo ĐĐ4/TĐ5 đã đi trước vào tháng 6/1966 trong trận Mộ Đức Quảng Ngãi.

Lẽ ra Chuẩn Úy Lộc đã “đi” từ tháng 6/1966 cùng với Thiếu Tá Dương Hạnh Phước, cố vấn Mỹ, Bác Sĩ Lê Hữu Sanh và 2 phần 3 anh em ĐĐ4/TĐ5 trong trận Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Nhưng lần đó Lộc chỉ bị thương, bị VC bắt, rồi Lộc trốn thoát.

52 năm sau, ngày 05/01/2018, cựu Thiếu Tá Lộc mới “bỏ cuộc chơi”, như vậy đáng được coi là đại đại thọ. Mấy ai đã được thọ như Niên Trưởng.

Chúc mừng Lộc, người bạn hiền lành của tôi.

Ngày TĐ.5/TQLC đụng trận Mộ Đức, tôi đang “nghỉ phép” 15 ngày trên giường bệnh ở QC202 thì nghe tin ĐĐ4 của mình bị đụng nặng.

Trong trận ấy Đại Đội 4 của chúng mình có 5 sĩ quan thì 2 vị tử thương là Trần Tử Phương và Thảo, 2 vị mất tích là Lê Đình Quỳ và Nguyễn Văn Lộc, Đại Đội Trưởng Trung Úy Dương Bửu Long bị thương.

Lính TQLC bị thương, bị chết làm sao kể xiết, giấy mực nào viết cho vừa! Sau mỗi cuộc hành quân dài 2, 3 hay 5 tháng, năm nọ sang năm kia, chúng tôi trở về với huy chương, với chiến thắng. Nhưng thật đắng lòng khi nhìn những cô nhi, quả phụ với vành khăn tang trắng chào đón đoàn quân trở về mà không thấy chồng, thấy bóng cha đâu! Trận Mộ Đức là một điển hình, vì lính bị “vắt chanh” thêm một ngày nữa.

Lần đó, dù bị thương, bị bắt, nhưng Lộc vẫn vẫy vùng thoát khỏi tay giặc, mặc cho AK47 đuổi sau lưng…

Nhờ Lộc chạy nhanh hơn đạn.

Đó là lần thứ ba Lộc về trình diện đơn vị thay vì trình diện Diêm Vương.

Thoát khỏi tay tử thần và ác quỷ VC, Lộc hàng được quyền sáng vác ô đi, tối vác về ở một nơi không còn súng đạn, để hưởng chữ “THỌ” to bằng cái mẹt.

Nhưng thương đồng đội, nhớ bạn đồng khóa Ngô Thành Hữu, Trần Văn Hên, Lương Văn Cường, Đỗ Trung Giao, Lê Đình Bảo, Lê Văn Châm, Lâm Tài Thạnh,… mà Lộc ở lại tiếp tục súng đạn lên vai cho tới ngày “gẫy súng” thì cùng rủ nhau vào trại … tù.

Trong ngục tù, dù bị VC lột trần “ai cũng như ai” nhưng Lộc vẫn là “cây tùng trước bão”, vẫn chào kính đàn anh, cười với đàn em.

Bản tính Lộc là thế.

Dù là dân chơi thứ thiệt, dù dân giang hồ tứ chiếng vùng Gò Vấp, Hạnh Thông Tây phải bái Lộc là “Thầy”, nhưng với Mũ Xanh, anh chỉ cười, lúc nào cũng cười.

Nay Lộc đang cười nơi chín suối, cười với người thân yêu, với đồng đội, với bằng hữu, và cười cả với người “hiểu lầm” mình.

Lộc à! “Mày” thâm niên Binh Chủng hơn tao 1 tháng, tao gọi mày là Niên Trưởng, nhưng mày và tao có quá nhiều kỷ niệm vui buồn chuyện chiến trường, chuyện ở ĐĐ4/TĐ5/TQLC, ở Ngã Ba Cái Lơn, Suối Lồ Ồ, và chuyện “4 thằng đạp đổ bức tường” thì mày là sư phụ tao.

Làm sao kể cho hết!

Thôi thì mày đi trước.

Hẹn gặp nhau ở hậu cứ TĐ5/TQLC, để hội ngộ với TĐT Dương Hạnh Phước, ĐĐT Dương Bửu Long, các bạn Trần Xuân Bàng, Trần Văn Chích, Nguyễn Văn Loan, Trần Tử Phương, Thảo, Trung Sĩ Nguyễn Văn Lô, Binh 1 Nguyễn Văn Đá và hằng ngàn TQLC đã gục ngã trên khắp các chiến trường.

Tây Đô Lâm Tài Thạnh:

Vào một buổi chiều năm 1967, tại xóm Xuân Trường, Bồng Sơn, tôi từ ĐĐ4 sang ĐĐ1 nhận nhiệm sở mới. ĐĐT/ĐĐ1 Đà Lạt Đại Úy Nguyễn Kim Đễ giới thiệu tôi với Tây Đô và “bố già” Chung Văn Nghiêm, được biết hai ông là những sĩ quan giỏi và kỳ cựu của Đại Đội 1 khiến tôi khớp. Thời gian sau tôi coi ĐĐ1 thì may mắn được Tây Đô giúp đỡ làm phó, anh cao hơn tôi một “cái đầu”, những khó khăn của đại đội đã có anh lo vì anh có tài, có uy đối với binh sĩ nên tôi gọi anh là “Lâm Tài Cao”. Trận Mậu Thân 1968, sau khi đánh đấm khắp nơi không đến nỗi tệ nên Đại Bàng Đồ Sơn cho ĐĐ1 của tôi nhiệm vụ rất “hấp dẫn” là trấn thủ Bưu Điện Trung Ương và Đài Phát Thanh Phan Đình Phùng. Vì trời sinh ra tôi rất xâu-sắc (xấu), lại thêm tí râu, nếu tôi đóng quân ở Bưu Điện, sát nách Bộ Tư Lệnh TQLC (trên đường Lê Thánh Tôn), thì ắt là sẽ có ngày sẽ lãnh búa, nên tôi giao cho Đại Đội Phó Thạnh và 2 trung đội của Quang (19VK) và Ngộ giữ Bưu Điện Trung Ương, còn tôi và ĐĐ (-) thì lui về Đài Phát Thanh Phan Đình Phùng ẩn náu.

Bưu điện ở ngay trung tâm Sàigòn, sát bên là BTL/SĐTQLC, trước mặt là Dinh Độc Lập, cả hai nơi đều có “Mặt Trời”! Nóng lắm! Sát bên bưu điện là Vương Cung Thánh Đường, là nơi “Dễ Tìm Thấy Thiên Đàng” như tựa đề cuốn truyện của nhà văn “Phú Phét”! Điều nguy hiểm hơn nữa là giai nhân dập dìu trên phố, ra vô bưu điện cả ngày, nói theo truyện Kiều là “ngổn ngang gò đống kéo lên”, phụ nữ đẹp đi qua trước mặt lại còn nháy mắt khiến anh em Trâu Điên tức phát điên, muốn huýt sáo, nhá tín hiệu nhưng lại sợ! Thân trâu chẳng sợ lấm bùn, nhưng sợ BTL, lỡ tiếng huýt sáo chọc gái mà lọt đến tai “Ngài” thì chỉ có thác! Thôi thì Trâu Điên ĐĐ1 chỉ còn biết ngước mặt lên trời mà nhe răng cười cho hạ hỏa chứ biết làm gì khác!

Sau hơn một tháng sống trong vòng lửa của Tướng, Vua, Chúa mà hai trung đội của Thiếu Úy Quang và Chuẩn Úy Ngộ không ai “bị thương” là nhờ khả năng chỉ huy và tâm lý của Tây Đô, dân xung quanh thương yêu Mũ Xanh và Tây Đô được xem như con cái trong nhà.

Tâm lý là vậy, còn đánh đấm thì sao? Chỉ kể một thí dụ cụ thể thôi:

Ngày 14/9/1968, ĐĐ1 nhảy trực thăng diều hâu xuống Cầu Khởi, Tây Ninh. Chúng tôi bị lọt vào vòng vây của Tiểu Đoàn 14/DVC. Cánh của Thạnh đi trong rừng cao su bị địch bao vây, ép sát thiếu điều gốc cao su muốn chảy nhựa, phải thú thực là đã có vài anh em tiểu đội đi đầu tính gài số “de”! Nhưng vừa quay lại là đụng phải ngay “Lâm Tài Cao” đang đứng thẳng lưng, móc Colt 45 chỉ thiên “pằng pằng”, nhờ vậy mà mấy chú em nằm lại, tránh được hoảng loạn. Toàn đại đội tôi bám gốc cao su trụ lại, trong khi đó Đại Bàng Đồ Sơn điều động Tiểu Đoàn tiếp viện cùng với yểm trợ tối đa từ Pháo Binh, trực thăng, phản lực nên ĐĐ1 đã tiếp tục chống cự và bắt tay được với Tiểu Đoàn vào sáng hôm sau. Không có những cấp chỉ huy can đảm, vững lòng như Tây Đô thì hôm đó Đại Đội 1 đã bị nặng chứ đâu chỉ có 10 bị thương và 1 tử trận. Anh cố vấn Charles James More đi với tôi cũng bị thương nên đã được trực thăng tải thương và sau đó tử thương luôn khiến tôi phải báo lên anh Đinh Xuân Lãm, B3/TĐ là tôi không còn cố vấn Mỹ.

Tây Đô và Trần Thành Nghĩa (hành quân Camphuchia)

Trần Thành Nghĩa (đeo kính đen) với các Biệt Kích Mỹ

“Nghĩa Đui” Trần Thành Nghĩa:

 Nói về Tây Đô thì phải đề cập ngay tới Trần Thành Nghĩa. Dù họ cách nhau 10 khoá, nhưng là cặp bài trùng, thân tình hơn ruột thịt.

Nghĩa tốt nghiệp K27VK khoảng tháng 8/1968, chọn TQLC. Nghĩa trình diện tôi tháng 9/1968 khi TĐ2 đang hành quân vùng Cầu Khởi, Bời Lời (Hố Bò, Tây Ninh).

Tìm hiểu sơ qua lý lịch thì được biết Nghĩa không phải là “lính mới” mà đã từng là Biệt Kích Mỹ nhảy toán, dày dạn chiến trường, là thông dịch viên tiếng Mỹ trước khi nhập học Khoá 27 VK. Vì lúc đó đã đủ các trung đội trưởng rồi, nên tôi cho Nghĩa đi OJT với ĐĐP Lâm Tài Thạnh.

Ngày 14/9/1968, đại đội tôi đụng độ với TĐ14D chủ lực Tây Ninh tại Cầu Khởi từ sáng tới tối mịt, Trung Úy cố vấn Charles James More bị thương phải tải thương đi (sau đó được biết Charles không qua khỏi). Tôi không còn cố vấn để liên lạc xin hoả lực yểm trợ của Hoa Kỳ, mà tiếng Mỹ của tôi thì thuộc loại “ăn đong”! “Cùng tắc biến”, tôi đành dùng Nghĩa thay “cố vấn”, không ngờ Nghĩa làm việc với các chiến hữu Hoa Kỳ hết sức trôi chảy. Sau đó những trận kế tiếp, dù có cố vấn, tôi vẫn cho Nghĩa làm việc trực tiếp với cố vấn giúp tôi đỡ … “mỏi tay”.

Ngày 17/9/1968, ĐĐ1 của tôi và ĐĐ3 của Đại Úy Trần Văn Thương trực thăng vận xuống Bời Lời, đụng địch ngay khi vừa chạm đất thì Đại Úy cố vấn Carl White bị thương, Trung Úy Joe Bargerstock xuống thay thế, rồi Joe cũng bị thương.

 Trung Tá Chiến Đoàn Trưởng Tôn Thất Soạn cho Thiếu Tá H.T. Ward xuống thay thế Joe. Suốt đêm về sáng, VC tấn công dồn dập nhưng nhờ có Nghĩa thông thạo tiếng Mỹ và hiểu rõ mọi kế hoạch phòng thủ của tôi nên Nghĩa đã giúp tôi phối hợp với Thiếu Tá cố vấn H.T. Ward điều khiển trực thăng Cobra bắn chặn cận tuyến rất hữu hiệu khiến phần lớn VC gục ngã trước tuyến phòng thủ, phần còn lại phải rút lui, người mang máy của tôi là Hạ Sĩ 1 Nguyễn Văn Thà và mang máy của Tây Đô là Hạ Sĩ Nguyễn Văn Tha đã tử trận!

Sau đó tôi bị thương, Tây Đô Lâm Tài Thạnh làm ĐĐT/ ĐĐ1 thì Nghĩa lên làm ĐĐP cho Thạnh.

Cám ơn Trần Thành Nghĩa, tự “Nghĩa Đui” (luôn mang kính đen), dù bạn đã ra đi từ 26/2/2016, nhưng chúng tôi vẫn nhớ tới bạn.

Còn ba ông K17 Võ Khoa khác mà trước 30/4/1975 tôi ít có dịp tiếp xúc, nhưng chỉ nghe qua là đã sợ , đó là các ông: Lê Đình Bảo, Lê Văn Châm và Đỗ Trung Giao.

Đỗ Trung Giao:

Đỗ Trung Giao là một trong vài ông Mũ Xanh mà tôi chỉ nghe tên mà không quen biết trước khi mất nước.

Sau khi sang Mỹ, trong một lần họp mặt ôn chuyện đơn vị cũ, tôi nói rằng, các anh K17VK quá dư tiêu chuẩn để làm anh “Hai Râu” (tiểu đoàn trưởng) chứ đâu phải chỉ có một mình Tây Đô thì Đỗ Trung Giao xen vào:

– Thôi bỏ qua đi, gia đình TQLC mình đất chật người đông mà.

Chỉ một lời nói bất chợt nêu trên khiến tôi hiểu tính khiêm nhường từ đáy lòng của Đỗ Trung Giao.

Lê Đình Bảo:

Trưởng Phòng Chính Huấn Sư Đoàn Lê Đình Bảo họ Lê, tên đệm lại là “Đình”, làm việc ở Bộ Tư Lệnh khiến không ít người hiểu lầm, riêng tôi thì bị ám ảnh … nên đành “kính nhi viễn chi” Lê Đình Bảo. Nhưng “ở lâu mới biết lòng người có nhân”, Lê Đình này hiền lành, sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không hề hù doạ ai.

Khoảng tháng 9/1968, trong trận Cầu khởi, Bời Lời, chú em ô-đô của tôi, Hạ Sĩ 1 Bùi Ngọc Đường, cứu được Trung Úy cố vấn Mỹ Joe Bargerstock bị trọng thương, từ tuyến của VC về nên đã được anh Lê Đình Bảo cứu xét và đề nghị tưởng thưởng cho Đường một xe Honda. Từ đó tôi phục anh. “Đình” này tượng trưng cho đình làng, nơi hội họp tiệc tùng, đem niềm cho dân quê chất phác.

Khi sống đời tị nạn, Lê Đình Bảo làm thủ quỹ cho tờ đặc san Sóng Thần TQLC. Điều đáng quý là Bảo lúc nào cũng cười tươi với mọi người, có lẽ vì Bảo cảm thấy mình hạnh phúc, lúc nào và ở đâu “bên ta cũng có em”. Vì vậy anh chị trẻ mãi không già. Lê Đình Bảo mãi trẻ trung nhưng rồi anh đã bất ngờ từ giã gia đình tháng 12/2020.

Chương Đài Quái Điểu Lê Văn Châm:

Thời Pháp thuộc, dân Việt Nam ta mà nghe đến “đơzèm buya-rô” tức Phòng Nhì là đổ mồ hôi. Nghe ông Lê Văn Châm làm Phòng Nhì, lại thêm cái dáng cao cao, mặt lạnh như tiền, thỉnh thoảng nhếch mép cười ruồi khiến tôi cũng ớn, không dám lại gần! Vì sai lầm này tôi đã bỏ qua nhiều dịp để làm quen và học hỏi nơi anh nhiều điều hay, nhất là thái độ cư xử đầy ắp tình nghĩa với đồng đội. Đó là nhà thơ Chương Đài Quái Điểu Đại Úy Lê Văn Châm.

MX Nguyễn Thế Thụy, một âm thoại viên đã nói về người Anh T.O.C. như sau:

“Em mới ra trường, về làm âm thoại viên trong T.O.C. tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, chỉ có ba âm thoại viên chúng em là lính còn toàn là quan, mỗi khi ông Lạng Sơn bước vào T.O.C. là tụi em quýnh lên, chân tay loạng quạng. Hôm đó đang run thì có ông trung úy đến vỗ vai nói nhỏ “Cứ bình tĩnh, không có gì phải run.” Rồi một đêm vào lúc 1 giờ, ba thằng truyền tin tụi em ngủ gục ngon lành, loa khuếch âm réo mà không A.T.V. nào trả lời, ông trung úy đến vỗ vai, tụi em tỉnh dậy, sợ té đái, nhưng ổng mỉm cười, bảo tụi em đi rửa mặt, ổng còn chia cho hớp café (có đường). Từ đó tụi em gọi ổng là T.O.C., có nghĩa là “Thích Ông Châm”. Một kỷ niệm đầu đời lính nhớ mãi cho đến nay.”

Còn MX Lê Quang Liễn K20VB thì kể nhiều kỷ niệm đẹp với người bạn ít nói nhưng nhiều tình Lê Văn Châm K17VK như sau:

“Ngày 20/3/1975, tôi được lệnh về trình diện Tango tại Hương Điền đề nhận nhiệm vụ mới, đang mệt mỏi phờ phạc vừa đói ăn vừa đói ngủ thì đụng Lê Văn Châm. Hình như Châm trông thấu cái dạ dầy trống của tôi, anh chạy đi kiếm được hai đùi gà rô-ti rồi ra lệnh cho tôi thanh toán xong mới được vào trình diện Tango.”

Nghe MX Nguyễn Thế Thụy tâm sự về người Anh ở T.O.C., nghe Lê Quang Liễn kể về tấm lòng “miếng khi đói” của anh thì người viết có nói gì thêm nữa cũng bằng thừa. Điều cầ thêm là ít ai biết Lê Văn Châm cũng là thi sĩ Chương Đài Quái Điểu đã sáng tác những bài thơ rất hay trong đặc san Sóng Thần TQLC.

“Chân Tu” Nguyễn Văn Hưởng:

Có lẽ ít người biết về Nguyễn Văn Hưởng K17/TĐ, vì anh như một vị chân tu. Anh “hiền như ma-sơ”, không biết tứ đổ tường, gốc tiểu đoàn nào ít ai biết, nhưng tôi quen anh ở Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn tại Hương Điền. Anh chăm chỉ làm việc, nên mỗi khi Tango hay Lạng Sơn vào TTHQ đều có anh ngồi trực. Tháng 3/1975, anh và tôi lại làm việc cùng nhau tại TTHQ Sư Đoàn trong căn cứ Non Nước, Đà Nẵng.

Sáng 29/3/1975, Bộ Tham Mưu Sư Đoàn và TTHQ được lệnh ra tàu HQ đậu cách bờ khoảng 200m. Sau nhiều lần lặn hụp, tôi và anh Phạm Văn Sắt bơi đến mạn tàu, được anh em HQ trên tàu quăng dây thừng xuống kéo lên. Khi lên được sàn tàu rồi, chúng tôi tiếp tay kéo những người khác lên. Đại Úy Nguyễn Văn Hưởng, một bên vai còn đeo theo chiếc ba-lô, nắm vào dây cho chúng tôi kéo lên, nhưng được nửa chừng thì Hưởng tuột tay, rớt trở lại xuống nước. Chúng tôi hoảng hốt nhưng đành bất lực nhìn anh chìm vào phía dưới đáy tàu!

***

CÁC MŨ XANH TỪ KHOÁ 12 VÕ KHOA THỦ ĐỨC

Từ Khoá 17 Võ Khoa trở về trước, tôi ít có dịp làm viêc hay quen các Khoá 15, 14, 13, nhưng với K12VK thì tôi được làm việc, quen với năm anh, đó là các anh: Lê Bá Bình[1], Quách Ngọc Lâm, Nguyễn Kim Tiền1 và Trần Văn Thương, và Hồ Quang Lịch.

Bắc Giang Lê Bá Bình1:

Khoảng thời gian đầu năm 1970, anh Lê Bá Bình, Nguyễn Kim Tiền và tôi cùng nằm bệnh viện Lê Hữu Sanh (Thị Nghè), sau đó anh Bình trở lại đơn vị tác chiến, Tiền và tôi về Bộ Chỉ Huy Căn Cứ Sóng Thần (CCST).

Khi anh Lê Bá Bình về thay anh Trần Ngọc Toàn làm Chỉ Huy Trưởng CCS) thì tôi đã ở Căn Cứ rồi (4 đời CHT mà chỉ có 1 CHP là tôi).

Làm phó cho anh Bình thì phải giữ đúng bổn phận, không thể “giỡn mặt khó làm việc”. Anh Bình là người làm việc không biết mệt, luôn hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ thượng cấp trao phó, dù ngoài chiến trường hay ở hậu phương, quân phục lúc nào cũng chỉnh tề, trong tư thế sẵn sàng đối phó với mọi trường hợp.

Trong số 60 Chuẩn Úy K12VK về Binh Chủng TQLC (tháng 8/1962) thì cho tới giờ phút cuối cùng chỉ có 2 người lên Trung Tá và làm Tiểu Đoàn Trưởng, đó là Bắc Giang Trung Tá Lê Bá Bình và Quang Dũng Trung Tá Hồ Quang Lịch. Mũ Xanh nào cũng biết chiến công và chiến thương của hai anh nên tôi nghĩ không cần nói thêm.

Quách Ngọc Lâm:

Sau 30/4/75, vào trại tù Long Giao tôi ở chung tổ với Lâm; sống tị nạn CS trên đất khách, tôi cũng có dịp làm việc với Lâm Quách nên có nhận xét là ai đã tiếp xúc với Quách Ngọc Lâm đều mến và … yêu.

Lâm là một người to lớn, tốt bụng và thẳng tính, nói và làm như nhau, “Đâu cần thì Lâm có, chỗ nào khó thì Lâm mó tay vô”. Bản tính hiền lành thật thà của miền Nam sông Hậu, không mấy khi đổ quạu, hiền như con cọp đang ngủ.

Một lần từ Utah trở về sau buổi tham dự lễ khánh thành tượng đài Việt – Mỹ do Facoto Phan Công Tôn mời, trên xe có khoảng 5 cặp, trong đó có Lâm và bạn gái. Khỏi phải nói, khi phe ta đi chơi xa, ngồi chung một xe thì vui hơn Tết.

Sáng sớm hôm đó có trận đá banh tranh chức Vô Địch Thế Giới giữa hai đội nữ Đức và Anh. Nghe vài anh em tiếc rẻ là không có TV để coi trận đá banh này nên Lâm tường thuật lại cho anh em nghe. Lâm kể:

– Sáng nay tui nằm trên giường xem TV, thấy hai đội nữ đá coi đã con mắt, đội Đức đá hay quá, nó sút một lúc vào lưới đội Anh 3 trái liền…

Nghe “sút” là có chàng đang ngủ gật giật mình tỉnh dậy, hỏi cắt ngang:

– Thế anh có sút được cú nào không?

Lâm thật thà trả lời, không hề thấy hàm ý “mách qué” của người hỏi.

– Anh sút hụt 2 trái, tại con mẹ giữ gôn đội Đức khép góc kín quá!

Câu trả lời thật thà của Lâm khiến cả cái xe rung lên vì tiếng cười. Lâm chẳng thấy thằng em muốn mập mờ giữa chữ “anh” viết thường và nước “Anh” viết hoa.

Câu hỏi cố ý và câu trả lời vô tình nhưng thật ăn khớp, khôi hài ý nhị, làm cho tiếng cười kéo dài mãi trên đường xuyên bang.

***

Nguyễn Kim Tiền[2] – “Người của mọi người, vì mọi người”:

Nói gì và bắt đầu từ đâu về ông bạn vàng này đây? Tiền và tôi quen biết nhau từ khi nằm trong bệnh viện (1969), tới Căn Cứ Sóng Thần rồi ở hải ngoại, thân nhau tới độ “mày tao” trong khi với các K12VK khác thì không bao giờ tôi dám…

Đại Úy Nguyễn Kim Tiền

Chắc phải tốn cả mấy chục trang giấy tôi mới có thể kể hết những kỷ niệm vui buồn với Kim Tiền. Tôi đã viết về Tiền ngay từ khi bạn bè vừa tiễn chân Tiền về cõi Phúc, nhưng mỗi khi cầm viết, nghĩ đến Tiền là nước mắt lại làm nhòe màn hình computer. Hắn và tôi quá thân thiết, “mày tao” với nhau như ăn chung một đôi đũa. Thôi thì ghi lại vài chuyện vui với Tiền vậy.

Tiền thuộc TĐ3 Sói Biển, tôi ở TĐ2 Trâu Điên, ít khi có dịp gặp nhau. Tháng 6/1969 Tiền và tôi cùng bị thương, nằm sát nhau trong Bệnh Viện Lê Hữu Sanh. Tiền bị thương ống quyển, bó bột một chân nên có thể chống nạng cà nhắc qua lại, còn tôi bó bột toàn thân nên nằm một chỗ. Cả hai còn độc thân, nhưng tôi vô duyên, còn Tiền có số đào hoa nên suốt ngày đủ mọi loại hoa Mai, Lan, Cúc, Trúc đến thăm dập dìu.

Các cô đứng ngồi, xoa bóp chân tay cho Tiền, có cô còn ngồi ké lên giường của tôi. Các cô vui chuyện, các cô cười, rồi các cô rung đùi! Rung đùi mà không để ý cái cái giường sắt lò xo tôi nằm cũng rung theo!

Ai đã từng gẫy xương thì biết hai đầu xương nhúc nhích cọ vào nhau thì nó phê, nó tê dường nào. Mỗi khi bạn của Tiền rung đùi là tôi đau đổ mồ hôi. Tôi hét lên:

– Ối giời ơi!

Bạn gái Tiền lo lắng hỏi tôi:

– Anh làm sao vậy? Có sao không? Cần gì không?

Tôi thì thào không ra hơi:

– Mắt tôi thấy nhiều sao lắm! Cô rung đùi làm sao tôi không đau! Tôi chịu không nổi.

Tôi nằm một chỗ nên mỗi khi muốn đi tiểu thì phải kéo cái vỏ chai đựng nước biển ở dưới gầm giường lên “giải quyết”. Khổ nỗi các cô cứ ngồi ngay đó thì làm sao tôi “trút bầu tâm sự” được! Nhiều khi “tức nước muốn vỡ bờ”. Đúng là “họa vô đơn chí”, đã ăn đạn ở chiến trường, về nhà thương lại còn bị mấy em gái hậu phương của Tiền hành hạ.

Năm 1971 thành lập BCH Căn Cứ Sóng Thần thì Tiền và tôi lại làm chung một chỗ, tôi đã khổ vì số đào hoa của Tiền ở bệnh viện thì nay chuyện đó lại tái diễn ở Căn Cứ Sóng Thần! Cũng may là giữa phòng có vách ngăn nên tôi không đau vì giường rung mà chỉ bị … mất ngủ vì tiếng động!

Ngủ chung một phòng, làm chung một chỗ (CCST) 24/24 suốt nhiều năm tháng, tôi biết Kim Tiền là “dân chơi thứ thiệt”, luôn luôn hoà đồng vui vẻ với đàn em, kính trọng cấp trên nhưng không kém cứng cổ với những ai thích “làm cha, giu-ê papa”. Bản tính này càng thề hiện rõ trong suốt thời gian Tiền và tôi sinh hoạt với hội TQLC Nam CA.

Năm 1990, ngày đầu tiên tôi bước chân đến Mỹ, Tiền đến lôi tôi đi thăm bạn bè khắp nơi, điểm đến cuối cùng là Bicycle Club, đến để ôn lại kỷ niệm ngày xưa “cú lũ tàng tàng thì bán cái Honda”. Sau một đêm với Bicycle Club thì chúng tôi không còn cái xe để bán nên tôi quyết định chia tay vĩnh viễn với mấy cô đầm Cơ-Rô-Chuồn-Bích.

Sống với nhau, làm việc với nhau hằng chục năm, chia nhau từng nỗi vui buồn thì tháng 8/2005, Tiền bất ngờ thấy mệt và rồi phải nằm một chỗ!

Trên đường tiến chiếm “mục tiêu cuối cùng”, Tiền nhắc nhiều kỷ niệm đẹp về Binh Chủng, về các niên trưởng, đồng đội Mũ Xanh. Một hôm, Tiền hỏi một câu khiến tôi ngỡ ngàng:

– Chương trình tổ chức đại nhạc hội cho Thương Phế Binh tới đâu rồi?

 Trươc đó, thấy hội “Bạn Người Cùi” hằng năm tổ chức đại nhạc hội gây quỹ cho những người cùi trong nước thành công, còn Thương Phế Binh (TPB) thì không thấy ai nói đến, nên chúng tôi liên lạc, bàn bạc với một vài “giới chức có thẩm quyền” tìm cách tổ chức một đại nhạc hội kiếm tí tiền còm cho anh em TPB nói chung, TPB/TQLC nói riêng. Công việc chưa đi đến đâu thì Tiền bất ngờ đổ bệnh nên kế hoạch gác sang một bên, nay nằm trên giường chờ chết mà Tiền vẫn còn nhớ đếnvà thường xuyên nhắc đến anh em Thương Phế Binh. Khi Tiền “đi” rồi, tôi phổ biến lời kêu gọi thay cho Tiền. Không biết vì Thượng Đế nhận lời Tiền cầu xin hay do trùng hợp mà một thời gian ngắn sau đó thì Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh – Người Thương Binh VNCH” đã được tổ chức lần đầu tiên.

Nhắc đến Thượng Đế thì lại phải nói về con chiên không ngoan đạo như Tiền và tôi.

Khi thấy hết thuốc chữa, Tiền ngỏ ý muốn tìm một vị linh mục để “tâm sự” (xưng tội) khiến tôi ngạc nhiên. Mấy chục năm chơi với nhau, tôi không biết Tiền theo tôn giáo nào, nó cũng không biết tôi là Phật tử hay con Chiên. Tiền không đi chùa mà cũng chẳng tới nhà Chúa, nay sắp ra đi thì mới ăn năn, nhưng trễ còn hơn không.

Nhưng cái vỏ lười biếng, ham chơi, thích đạo “Thờ Bà” chỉ là cái vỏ. Trong tận đáy trái tim, tôi nghĩ mỗi người đều có một niềm tin và chỉ tìm đến niềm tin đó khi bản thân không còn khả năng vượt qua những khó khăn. Cũng may là Thượng Đế, Chúa, Phật lúc nào cũng tha thứ, đón nhận những đứa con hoang trở về cũng như tấm lòng của các bậc cha mẹ. Tiền đã được đón nhận đầy đủ các phép bí tích của một con chiên khi được Thiên Chúa gọi trình diện.

Thanh Hoá Trần Văn Thương:

Dưới thời Tiểu Đoàn Trường TĐ2/TQLC là Trung Tá Đồ Sơn Ngô Văn Định (1967 – 1969), Tiểu Đoàn Phó là Thiếu Tá Đà Lạt Nguyễn Kim Đễ, dàn Đại Đội Trường của TĐ2 gồm có Đại Úy Tô Văn Cấp ĐĐ1, Đại Úy Trần Kim Đệ ̃ ĐĐ2, Đại Úy Trần Văn Thương ĐĐ3, Đại Úy Vũ Đoàn Dzoan ĐĐ4.

Mỗi khi Tiểu Đoàn đi hành quân, ĐĐ3 của Thương thường là đơn vị chạm súng đầu tiên, dù cho Thương đi đầu, đi giữa hay đi cuối, vì thế quân nhân ĐĐ3 vất vả và bị hao hụt hơn các đại đội khác. Không biết có phải cái số của Thương sát cộng hay tại con số “3”.

Khi Đồ Sơn bị thương (2/1969), tân TĐT/TĐ2 là anh Nguyễn Xuân Phúc, thì Thương có lệnh được về nguyên quán (SĐ1BB), anh Phúc bảo tôi giao ĐĐ1 cho Đại Đội Phó là Trung Úy Lâm Tài Thạnh, còn tôi sang coi ĐĐ3 thay thế cho Thương. Nhưng ngay trong trận đầu tiên với ĐĐ3 ở Chương Thiện, tôi bị loại khỏi vòng chiến! Có vẻ con số “3” không khá!

Khi Sư Đoàn thành lập TĐ7, anh Phúc cho toàn bộ ĐĐ3 sang TĐ7 và lập đại đội mới, gọi là Đại Đội 5. Kể từ đó TĐ2 không còn ĐĐ3 nữa, mà chỉ có ĐĐ1, 2, 4, 5 và Đại Đội Chỉ Huy (CH).

Trong thời gian ở TĐ2, Thương và tôi có quá nhiều kỷ niệm sống chết bên nhau.

Sau khi sang Mỹ, một thời gian dài tôi không liên lạc được với Thương. Tháng 9/2022, nghe tin Thương đến dự Đại Hội Võ Khoa Thủ Đức tại Minnesota, tôi đã liên lạc được với Thương qua điện thoại, biết bao kỷ niệm tuôn trào, muốn ôn lại với nhau, nhưng “máy thu” của Thương có vẻ yếu điện, nên tôi đành phải ghi lại vài dòng để “đòi nợ” Thanh Hoá Trần Văn Thương:

Cần Thơ gọi Thanh Hoá nghe không trả lời.

Thanh Hoá nghe Cần Thơ chỉ được 2/5.

Không biết cái số “sát cộng” của bạn cao tới đâu mà mỗi khi tôi đi cùng cánh với bạn (dù A hay B) đều đụng, là có súng nổ, có “máu đổ thịt rơi”, khiến tôi bị “vạ” lây. Nay – 9/2022 – biết bạn ở Minnesota, tôi gửi lời hỏi thăm và nhắc bạn ta món nợ xưa:

Sáng ngày 31/12/1967, Cánh B/TĐ.2 do TĐP Đà Lạt Nguyễn Kim Đễ chỉ huy, nhảy trực thăng xuống Kinh Cái Thia (Cai Lậy). ĐĐ1 tôi nhảy đầu, ĐĐ. của bạn nhảy sau. Khi tôi vừa chạm xuống cánh đồng lúa ngập nước là được “đón tiếp” tưng bừng bằng đủ mọi loại đạn từ bờ kinh, Đại Đội Phó của tôi là Trung Úy Nguyễn Quốc Chính tử trận vì bị đạn xuyên màng tang! Bạn nhảy xuống sau kịp thời, chia đạn VC nên tôi mới bò vào được bờ kinh. Chúng ta cùng chung lưng đấu VC, bạn và tôi chia lửa cho tới khuya mới tạm yên.

 Bên kia bờ kinh, Canh A của Đồ Sơn cùng với ĐĐ2 của anh Đinh Xuân Lãm, ĐĐ4 cùa Trần Văn Hợp và ĐĐ Chỉ Huy của Trần Kim Đệ cũng chạm súng lai rai, nhưng vào khoảng 10 giờ đêm thì VC tấn công mạnh. Tình thế nguy hiểm nên buộc lòng Đồ Sơn và Đà Lạt ra lệnh cho bạn và tôi vượt kinh để tiếp viện Cánh A. Đại Đội 3 của bạn đi trước, tôi đi sau, lần mò lội sình vượt kinh tấn công VC từ phía sau, tới gần 6 giờ sáng mới bắt tay được với ĐĐCH của Đệ Đức Trần Kim Đệ…

Suốt thời gian đánh trận Mậu Thân 1968 tại Sàigòn, bạn và tôi đi riêng mỗi đại đội một nơi, nhưng khi Sàigòn thanh bình. TĐ2 đi Tây Ninh thì bạn và tôi lại đi chung cặp:

Sáng 17/9/1968, TĐ2 nhảy trực thăng đổ bộ xuống Bời Lời (Hố Bò) theo thứ tự ĐĐ4 của Dzoan[3], ĐĐ2 của Đệ Đức, ĐĐ3 của Thương và sau cùng là ĐĐ1 của tôi. Vì 2 ngày trước đó tôi đã chịu trận Cầu Khởi một mình ê càng rồi nên Đồ Sơn cho nhảy sau cùng.

Đội hình TĐ2 đã dàn sẵn ngoài bãi, trực thăng đang bay đến để bốc ĐĐ4, nhưng ngay lúc đó thì VC pháo kích vào khu vực ĐĐ4 nên Đồ Sơn buộc phải thay đổi kế hoạch ngay, thứ tự bốc đổi ngược lại, đuôi thành đầu nên ĐĐ1 của tôi lại “được” bốc trước tiên, nhảy trước, rồi liền sau đó tới ĐĐ3 của Thương.

Cũng giống như trận Kinh Cái Thia, khi tôi vừa được thả xuống là đụng ngay, đang tối tăm mặt mày thì trực thăng chở Thương đến, bạn xuống kịp thời để chia đạn VC với tôi nên cả hai mới tiến chiếm được bìa rừng, nhưng cố vấn Mỹ Captain White đi với tôi thì bị thương. Vì phòng không VC quá mạnh, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, đại đội của Đệ và Dzoan không thề xuống được nữa, thế là tôi và Thương phải dựa vào nhau mà chiến đấu suốt ngày đêm hôm đó. Trận chiến khá gay cấn nên đã phải thay tới 3 cố vấn Mỹ.

Khi tôi vừa dáp xuống thì Captain White bị thương, Tiểu Đoàn cho Lt. Joe Beargerstock xuống thay thế White. Khi trực thăng Mỹ thả Lt Joe xuống, nhưng phòng không VC quá nhiều, trực thăng bị trúng đạn, Lt. Joe bị thả lộn vào tuyến VC, còn trực thăng vừa bay lên thì bốc cháy. Lúc đó tôi nghe Thương la trong máy báo cho tôi biết còn 2 trực thăng nữa cũng bốc cháy theo. Lt. Joe thì bị thả lầm vào tuyến VC, bị trọng thương, may mà trung đội của Huỳnh Vinh Quang cứu về được, còn phi hành đoàn trực thăng thì tan…

Khoảng tháng 5/1969, bạn rời TQLC, được thuyên chuyển về SĐ.1BB, tưởng đôi ta đã xa nhau, nào ngờ vào lúc sức cùng lực kiệt, bạn và tôi lại gặp nhau.

Tính hình Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 3/1975 vô cùng bi đát, trưa ngày 28/3/1975, tôi đang ở Trung Tâm Hành Quân trong Căn Cứ Non Nước thì nhân viên báo có một Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng thuộc SĐ1BB tìm tôi, người đó chính là Trần Văn Thương.

Thương bảo:

Tiểu Đoàn BB của Thương được lệnh rút về Đà Nẵng, nhưng đến Cửa Tư Hiền thì không qua được nên tan hàng. Thương bắt liên lạc được với Thiếu Tá Đinh Xuân Lãm, TĐT/TĐ16 TQLC, thuộc LĐ258 của Đồ Sơn, nên các anh gọi Thương đến với họ ờ dưới chân đèo Hải Vân, nhưng “đường đi không đến” nên Thương vào Căn Cứ Non Nước với TQLC.

(Khi còn ở TĐ.2/TQLC thì Thương làm đại Đội Phó cho anh Lãm.)

Sáng 29/3/1975, trước khi tôi và Thương chuẩn bị lội ra tàu HQ, thì Thương móc trong túi ra, chia cho tôi rồi ngập ngừng ấp úng nói:

– Tôi có 2 “khâu”, bạn cầm tạm một phòng thân, còn tôi không đi với bạn được nữa, vì bà xã tôi và 3 cháu nhỏ đang ở ngoài kia chờ tin tôi.

Thì ra Thương vào TTHQ/TQLC trong Non Nước để cùng “chiến đấu”, nhưng trước biển nước mênh mông, Thương đành chia tay bạn để quay về với gia đình

Tôi không cần biết cái khâu đó là cái gì, nhưng chắc không phải nửa gói cơm sấy, hộp thịt ba lát mà chúng tôi đã có dịp chia nên tôi từ chối không cầm vì chắc không cần đến.

“Khốn khó có nhau là Huynh Đệ Chi Binh,” bạn đã nhiều lần chia đạn, chia lửa, chia cơm, chia khốn khó với tôi là đủ rồi, đâu cần gì khác. Nay bạn còn đó (Minnesota), tôi còn đây (California), kể những kỷ niệm buồn vui này với bạn thì tôi không thể nói gì khác hơn sự thật.

Cám ơn TQLC Thanh Hoá Trần Văn Thương.

CÁC MŨ XANH TỪ KHOÁ 9 VÕ KHOA THỦ ĐỨC

Đại Uý Nguyễn Văn Phán ĐĐT/TĐ1 cùng các tù binh nhí VC trong trận Mậu Thân năm 1968 tại Huế

Ngoài những Võ Khoa kể trên, tôi còn được làm việc, làm quen với ba ông K9VK, đó là Phu Nhơn Nguyễn Văn Phán, Facoto Phan Công Tôn và anh Dương Bửu Long[4].

TQLC Phu Nhơn Nguyễn Văn Phán:

Khi TĐ5/TQLC mới được thành lập (11/1964), Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Văn Tính, rồi bàn giao cho Thiếu Tá Dương Hạnh Phước. Các ĐĐT là Đại Úy Võ Trí Huệ ĐĐ1, Trung Úy Nguyễn Đình Thủy ĐĐ3, Trung Úy Dương Bửu Long ĐĐ4. Những vị trên đã tử trận hay từ trần cả rồi, chỉ còn Trung Úy Nguyễn Văn Phán ĐĐ2 là tiếp tục chiến đấu cho tới ngày cuối cùng đời lính 30/4/1975.

Khi tị nạn CS, anh tiếp tục sát cánh với anh em Mũ Xanh cho tới khi chiếm mục tiêu cuối cùng vào ngày 01/12/2020. Ngày anh ra đi cũng là ngày sinh nhật của anh (01/12/1940).

Anh về chốn thanh bình sau 80 năm đầy sóng gió nhưng cũng nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc vì đồng đội Phan Công Tôn, bạn hữu Phan Nhật Nam, đàn em Giang Văn Nhân và nhiểu Cọp Biển khác nữa đã viết về Phu Nhơn, nhớ tới Phu Nhơn với lòng ngưỡng mộ và thương tiếc.

Nghe tin anh không được khỏe, Đại Đội Phó của anh là Nguyễn Văn Sự (K19VB, hiện ở bên Pháp), nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi đến anh và cám ơn anh về những ưu ái nâng đỡ của anh khi cả hai còn ở TĐ.1/TQLC.

Tôi chuyển lời của Sự hỏi thăm, anh cảm động nói với tôi:

– Nhờ mi nói với Nguyễn Văn Sự sang đây chơi với tao, mọi chi phí vé máy bay, ăn ở, du lịch tao lo hết, đừng ngại ngùng chi cả.

Sau hơn 50 năm, một thuộc cấp ngày trước, ở rất xa mà còn kính trọng anh như thế thì thật đáng quý. Một cấp chỉ huy sức khỏe bấp bênh mà còn nghĩ đến đàn em như thế khiến tôi nể phục cả hai.

Đã một thời tôi ở cùng đơn vị với Phu Nhơn (TĐ5/ TQLC) và sau này còn có nhiều dịp chia niềm vui, nỗi buồn từ tiền tuyến đến hậu phương, nên tôi không ngạc nhiên khi các MX như Giang Văn Nhân, Lê Đình Đơn, Nguyễn Kha Lạt, Trần Như Hùng, Lý Khải Bình và một số Ó Biển khác gọi Phu Nhơn là “Anh Hai”.

Tôi hỏi lý do thì Ó Biển Lý Khải Bình tâm sự:

– “Anh Hai” là biểu tượng của thương yêu và bao dung.

– “Anh Hai” là anh trưởng trong một gia đình mà chúng tôi kính trọng.

MX Lý Khải Bình nói đúng. Từ những ngày đầu tiên mới nhập quân trường, các cán bộ đã dạy khoá sinh là phải xưng danh cho đúng cách, đối với cấp trên thì gọi cấp bậc của họ và xưng “tôi”, không có “anh, em” gì cả.

Nhưng ở đơn vị. thay vì gọi cấp chỉ huy bằng cấp bậc “uý, tá” như quân trường đã dạy thì có những cấp chỉ huy cư xử với thuộc cấp như một người anh trong gia đình nên được thuộc cấp gọi là: “Anh Hai, Anh Ba, Anh Tư”. Đại danh từ “Anh” mang ý nghĩa gia đình, vì người anh nào cũng thương yêu, che chở và bao dung các em.

Trung Tá TQLC Nguyễn Văn Phán rất vui khi được các đàn em gọi là “Anh Hai”.

Phu Nhơn là tay súng giỏi mà cũng là một người lính viết văn hay, anh viết ký sự chiến trường, viết về đồng đội Nguyễn Xuân Phúc với cái tựa “Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc, Niềm Hãnh Diện Của TQLC[5].

Ngoài ra ký sự chiến trường “Huế Và Tôi” của Phu Nhơn đã làm nhiều đọc giả yêu mến và kính phục tinh thần chiến đấu của TQLC, nhưng nổi tiếng vẫn là bài thơ “Khi Tôi Chết” của anh.

Tuổi trẻ Trần Tâm, không có liên hệ gì với TQLC nhưng đã từng đọc các bài viết của Phu Nhơn. Khi nghe tin anh ra đi, Tâm viết lời phân ưu (nguyên văn):

“Tưởng nhớ, kính trọng và vô cùng thương tiếc Trung Tá Nguyễn Văn Phán, TĐT/TĐ8 Ó Biển TQLC, từ trần ngày 01/12/2020 tại Houston, Texas USA.”

Trần Tâm tôi yêu thích ngòi bút của ông. Ký sự chiến trường “Huế Và Tôi” của ông đã giúp thế hệ đi sau hiểu được sự hy sinh cao cả của Quân Lực VNCH nói chung, TQLC nói riêng.

Tâm tôi thuộc lòng bài thơ của ông: “Khi Tôi Chết Đừng Đưa Tôi Ra Biển”. Nay tôi xin ghi lại để tưởng nhớ đến ông và những người anh TQLC mà tôi hằng ngưỡng mộ.

Facoto Phan Công Tôn:

Facoto Phan Công Tôn là dân Đà Lạt, xứ hoa anh đào nên anh có số đào hoa, mà chiến đấu cũng giỏi.

Sàigòn Tôn Thất Soạn, cựu TĐT/TĐ1 nhận xét về thuộc cấp của ông như sau:

Trong chiến thắng trận Ba Gia ngày 02/6/1965, Trung Úy Đại Đội Trưởng Phan Công Tôn là người có công đầu nên được đặc cách thăng cấp Đại Úy tại mặt trận. Phan Công Tôn luôn hăng say và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một sĩ quan giỏi.

 Facoto đào hoa, đánh giặc giỏi như lời nhận xét của Sàigòn, nếu tôi kể thêm nữa thì thừa. Tôi chỉ xin kể vài kỷ niệm “hại bạn” của bạn ta đối với tôi.

Sau 30/4/1975, khi đi tù, các TQLC ở chung với nhau trong đội 8 trại Long Giao gồm có: Phan Công Tôn, Trần Kim Hoàng, Lê Văn Cưu, Huỳnh Văn Phú (Tổ 1); Trần Văn Hợp, Quách Ngọc Lâm, Trần Quang Duật, Doãn Thiện Niệm và Tô Văn Cấp (Tổ 2). Toàn là những tên “dài lưng tốn vải ăn xong lại nằm”, chỉ có một người “không dài” lưng là Facoto, anh sắp xếp cho anh em ăn ở có vệ sinh, đoàn kết nội bộ, hạch tội mấy tên tù antena. Không may, thằng đội phó C-què đi “mét bu” bố nó nên chẳng bao lâu sau “Tiểu Đội TQLC” tan đàn xẻ nghé, mỗi anh một nơi. Hơn 10 năm sau, khi ra tù tôi mới gặp lại Facoto tại Sàigòn.

Vẫn cái tính siêng năng, Tôn rủ tôi đi học điện toán, ngôn ngữ “cô-bôn”, “bê-zíc”, gì đó để có nghề nghiệp cho tương lai, nhưng học hoài không vô nên Facoto tìm được một cô giáo về kèm “trẻ em” Tôn, Cấp tại tư gia, cô giáo tên Hải, chuyên viên điện toán IBM.

Cô giáo và học trò ngang tuổi nhau, cùng thuộc chế độ cũ nên không rủ cũng thân. Rồi một ngày kia, sau khi giảng xong “phần cứng, phần mềm” thì cô và trò Tôn cùng nhau biến mất! Vài tuần sau tôi nhận được tin Tôn đang bình an trên đảo (?).

Năm 2007, TQLC Nam CA sang Utah dự lễ khánh thành Tượng Đài Việt – Mỹ do Tôn làm “chủ xị”, tôi tạm trú tại nhà Tôn, đêm về không biết lý do gì mà gia chủ bắt máy lạnh chạy tối đa, tôi và anh phóng viên Nguyệt San KBC lạnh teo … tim, thiếu điều muốn ôm nhau cho ấm! Tôi nghi Facoto muốn gài độ cho tôi và anh chàng phóng viên L.T.V. vào cái thế “gậy ông đập lưng ông”, nhưng nhờ nội công thâm hậu nên chúng tôi không bị sập bẫy! Sáng ra tôi than phiền về vụ Facoto mở máy lạnh quá độ thì chị Tôn chỉ hai cái mền để sẵn trên đầu giường! Nhưng phiền một điều là mền còn để nguyên trong bọc nylon mà không nói cho chúng tôi biết thì sao dám bóc tem! Đúng là một kỷ niệm hại bạn! Kẻ đắp chăn … da, kẻ lạnh lùng!

Bình Long Dương Bửu Long:

Trung Úy Dương Bửu Long là Đại Đội Trưởng đầu đời binh nghiệp của tôi. Anh là “ông thầy” của tôi về mọi phương diện: Anh là cấp chỉ huy đại lượng với thuộc cấp, nhưng lại cứng đầu với những lệnh … lạc, những cái lệnh bắt “thi hành trước khiếu nại sau” khiến anh thường chịu thiệt thòi trên đường binh nghiệp. Có lẽ “đệ tử” lây tính “ông thầy” nên đường binh của tôi cũng … không khá!

Tháng 6/1966, khi đang làm ĐĐP/ĐĐ4 cho anh Dương Bửu Long thì tôi bị “tai nạn” bất ngờ, Thiếu Tá TĐT Dương Hạnh Phước cho tôi 15 ngày trọng cấm, đem nhốt tại Quân Cảnh (QC) 202 tại Bộ Tư Lệnh số 15 đường Lê Thánh Tôn Sàigòn. Trong khi đó TĐ5 chuẩn bị hành quân. Trước ngày súng đạn lên đường, anh Long đến thăm tôi tại phòng giam, cho tôi cây thuốc lá Ruby Queen, loại thuốc anh và tôi cùng hút. Cảm động trước tấm lòng cao thượng của anh, tôi thấy quá buồn khi anh cùng đại đội đi hành quân, còn tôi là đại đội phó thì lại nằm chơi nơi an toàn nhất! Tôi năn nỉ:

– Anh xin với Tiểu Đoàn Trưởng cho tôi về để đi hành quân với anh.

Anh Long cười buồn:

– Đi chuyến này, không có mày, tao mất vui, nhưng kinh nghiệm cho biết thằng nào có phép mà không hưởng mà lại đòi hành quân thì thế nào cũng lãnh thẹo, mày đang “được” nghỉ phép thì cứ nghỉ, đừng quân tử Tàu, đòi đi hành quân thì coi chừng … là “quân tử” thật đấy. Đời lính còn dài, lo gì mất việc, chỉ sợ khi nhiều việc quá thì lại mất xác.

Lời khuyên thật chân tình của cấp chỉ huy trực tiếp là dựa vào kinh nghiệm chiến trường của lính Cọp Biển đã, đang và sẽ chịu nhiều mất mát đau thương. Thời đó, trận Bình Giả (31/12/1964) vừa xảy ra nhiều đồng đội, đồng khoá của tôi đã mất, trong đó có thủ khoa Võ Thành Kháng.

Và rồi trong chuyến hành quân ấy, TĐ5/TQLC đụng trận tại Mộ Đức (Quảng Ngãi). BCH Tiểu Đoàn thiệt hại nặng, Thiếu Tá Dương Hạnh Phước, Bác Sĩ Lê Hữu Sanh, cố vấn Mỹ đều tử trận. Riêng ĐĐ4 cũ của tôi, vừa tử thương và bị thương đến hết 2 phần 3 quân số, Trung Sĩ 1 Nguyễn Văn Lô, trung đội phó của tôi bị cụt giò tới háng. Đại Đội có 5 sĩ quan thì “bị” hết: Đại Đội Trưởng Dương Bửu Long bị thương, các Trung Đội Trường Trần Tử Phương và Thảo tử trận, Nguyễn Văn Lộc và Lê Đình Quỳ bị thương và bị VC bắt (sau đó thì Lộc trốn thoát, còn Quỳ bị cầm tù cho tới năm 1972 mới được trao trả tù binh).

Còn tôi được bình an trong “cũi sắt”, sau khi hết phép, tôi bị đổi về TĐ2/TQLC. Không biết do cái số, hay anh Long là thần hộ mạng của tôi mà một lần nữa anh cứu tôi khỏi tay tử thần.

Nhớ lại trong trận Đức Cơ (Kontum) tháng 8/1965, nửa đêm về sáng, trời lạnh, tôi đang nằm ấm chỗ trong lều thì anh Long gọi tôi dậy đi kiểm soát tuyến đóng quân, tôi vừa đi vừa cắn nhằn ông Đại Đội Trưởng khó tính thì cũng là lúc VC pháo kích tấn công bất thần, cái lều tôi nằm bị tan nát vì đạn pháo kích, còn tôi chỉ bị thương khi đi kiểm soát ngoài vòng tuyến.

Tôi rời TĐ5 trước khi xảy ra trận Mộ Đức[6], còn anh Long, sau Mậu Thân 1968 thì rời TQLC sang BĐQ. Tháng 5/1969, anh BĐQ, tôi-TQLC gặp lại nhau ở trận Chương Thiện, ôm nhau khóc. Tháng 6/1969 tôi bị loại khỏi vòng chiên và rồi bặt tin với anh Dương Bửu Long từ đó!

Năm 2000, thấy hình anh Long và bài viết về trận Mộ Đức trong cuốn chiến sử TQLC do Bác Sĩ Trần Xuân Dũng biên soạn, tôi tìm cách liên lạc với anh và đã nhận được hồi âm. Anh sống cô độc tại Úc và không sinh hoạt với đơn vị gốc là TQLC và BĐQ.

Đây là chuyện khá lạ, vì anh vốn là người của đám đông, mang niềm vui đến cho anh em. Sau một thời gian thư đi tin lại tôi mới biết anh đang bị bệnh phổi! Thư anh thưa dần và tôi không còn nhận được thư anh.

Năm 2003, nhân dịp Đại Hội TQLC ở Houston Texas, tôi gặp MX Trân Như Hùng từ Úc về dự, tôi có hỏi về anh Long, nhưng Hùng không biết. Tôi vội viết thư cho anh Long và nhờ Hùng cầm về Úc tìm tung tích BĐQ cựu TQLC Dương Bửu Long.

Ngay khi về tới Úc, Quốc Việt Trần Như Hùng đã tìm được anh Long và email cho tôi:

Anh Long bị ung thư phổi, đang đi dần vào hôn mê, trên đầu giường của anh Long, có những sách báo TQLC do anh Cấp gửi. Anh Long không còn nói được, nhưng khi đọc thư của anh Cấp và anh Phán cho anh Long nghe thì anh Long tỏ dấu hiệu biết, anh ấy mấp máy đôi môi!

Khi đã tìm ra và biết anh Dương Bửu Long là gốc TQLC thì MX Trần Như Hùng cùng anh em MX bên Úc đến thăm viếng và săn sóc anh Long. Khi anh Long ra đi thì MX Trần Như Hùng đã điều động cả BĐQ lẫn TQLC để lo hậu sự cho anh với đầy đủ nghi thức và đã trao tro cốt về cho gia đình anh tại VN.

 Hiện nay, hằng năm, anh em TQLC bên Úc vẫn nhớ đến ngày giỗ anh Long. Tôi không đủ ngôn từ để ca ngợi tình Huynh Đệ Chi Binh TQLC bên Úc đối với BĐQ Dương Bửu Long. Chỉ nhắc lại một lần nữa với cảm xúc bồi hồi: “Sống chết có nhau là Huynh Đệ Chi Binh TQLC.”

***

Nói thêm về TĐ5/TQLC với trận Mộ Đức:

Tôi không dám lạm bàn về các trận chiến trong tuyển tập “Huynh Đệ Chi Binh TQLC” này, mà chỉ nêu ra một vài trường hợp mà Binh Chủng TQLC chúng tôi bị lạm dụng, bị hy sinh xương máu một cách khó hiểu. Trong đó có 3 trận đánh lớn khiến cả 3 Tiểu Đoàn Trưởng đều tử trận, đó là:

– TĐ4/TQLC lâm trận Bình Giả, Phước Tuy ngày 30/12/1964 khiến 112 TQLC tử trận, trong đó có Thiếu Tá TĐT Nguyễn Văn Nho, Đại Úy TĐP Trần Văn Hoán, Bác Sĩ Trương Bá Hân.

– TĐ5/TQLC lâm trận Mộ Đức, Quảng Ngãi ngày 12/6/1966, khiến gần 100 TQLC tử trận, trong đó có Thiếu Tá TĐT Dương Hạnh Phước, Bác Sĩ Lê Hữu Sanh.

– TĐ2/TQLC lâm trận Phò Trạch, Phong Điền, Huế ngày 29/6/1966, khiến Trung Tá Lê Hằng Minh tử trận cùng 4 thuộc cấp, 95 bị thương, trong đó có Đạ Uý cố vấn Campbell.

Ba trận chiến trên đã có trong Quân Sử và tuyển tập “21 Năm Chiến Trận TQLC”, ở đây tôi chỉ xin ghi lại đôi dòng tâm sự của anh Long về trận Mộ Đức.

Giữa tháng 6/66, sau trận Mộ Đức, TĐ5 bị thiêt hại nặng, thay vì về hậu cứ ở suối Lồ Ồ, Thủ Đức để bồ sung quân số và tái trang bị thì lại bị đưa ra phi trường Phú Bài, Huế để bay vào chiến trường Khe Sanh. Thời gian này, tôi cũng từ QC 202 vừa thuyên chuyển về TĐ2/TQLC đang hành quân tại Huế, nên tôi tìm đến thăm anh Long và Đại Đội 4 cũ của tôi.

 Khi vừa trông thấy anh Long, trên đầu anh còn quấn băng trắng nhuộm máu, anh ôm choàng lấy đại đội phó cũ nức nở:

– Chết hết rồi Cấp ơi!

Anh Long nói trong ấm ức:

Sau hơn 3 tháng cày ải vùng đồi núi Quảng Ngãi, Tiểu Đoàn được lệnh về hậu cứ nghỉ ngơi. Anh em binh sĩ vui mừng ra chợ mua mè sửng, kẹo gương, nón lá, những món quà kỷ niệm cho vợ con, nhưng bất ngờ Tổng Tham Mưu ra lệnh cho TĐ5 tăng cường cho Tiểu Khu Quảng Ngãi thêm một ngày nữa để đi hành quân lục soát mấy xóm làng gần Quốc Lộ I, mọi khiếu nại không được chấp thuận.

“Theo tin tình báo địa phương cho, thì địch có khoảng một trung đội du kích trong xóm làng cách quốc lộ vài trăm mét, tiểu đoàn Địa Phương Quân án ngữ trên quốc lộ làm trừ bị, còn TĐ5 vào lục soát.

Đ.M. (Long chửi thề), chỉ có trung đội du kích VC mà nó bắt Tổng Trừ bị đi lục soát! Đ.M. nó vắt chanh TQLC lòi cả hột ra.

“Vì chỉ có trung đội du kích và cuộc lục soát về trong ngày nên lệnh Tiểu Đoàn chỉ mang theo 1 ngày cơm vắt, trang bị súng đạn gọn nhẹ, ba-lô để lại.

“Tiểu Đoàn chia làm 2 cánh: Cánh A của Thiếu Tá Phước có ĐĐ4 Trung Úy Long đi đầu, BCH Tiểu Đoàn đi giữa, ĐĐ2 của Trung Úy Phán đi sau.

“Cánh B của Tiểu Đoàn Phó Phạm Nhã có ĐĐ1 của Đại Uý Huệ, ĐĐ2 của Trung Úy Thuỷ.

“Khi ĐĐ4 di chuyển tới vị trí cách quốc lộ khoảng 1km là đụng liền, trận chiến xảy ra khốc liệt ngay từ đầu, địch quân bố trí quân sẵn trong các giao thông hào, bờ tre, tấn công với các vũ khí RPD, B40, B41 và SKZ khiến Đại Đội 4 và BCH tiểu đoàn thiệt hại nặng ngay từ đầu.

“Đ.M. Việc Tiểu Khu Quảng Ngãi cố tình xin lưu giữ TĐ5/TQLC thêm 1 ngày chỉ để lục soát xóm làng có 1 trung đội du kích, còn Tiểu Đoàn ĐPQ TK/QN thì làm trừ bị, án ngữ ngoài quốc lộ, để rồi khi dụng trận thì ‘du kích’ có vũ khí nặng của đơn vị địch cấp trung đoàn.

“Trận chiến xảy ra chỉ cách quốc lộ 1km với lực lượng địch như thế mà Phòng 2 Tiểu Khu nói chỉ có 1 trung đội du kích thì … !”

TĐ5/TQLC “được” TK/QN xin lưu giữ lại 1 ngày để rồi bị đại nạn ngày 12/6/1966 tưởng chỉ là môt sự “vắt chanh lòi hột” có một không hai, nhưng nào ai tưởng tượng được rằng nửa tháng sau, ngày 28/6/1966, Tiểu Đoàn 2/TQLC được lệnh di chuyển từ Huế ra Quảng Trị thì lại “được” hoãn 1 ngày không lý do đề sáng ngày hôm sau, 29/6 đoàn convoy GMC/SĐ1 mới chở TĐ2 từ đầu cầu An Hoà (Huế) ra Quảng Trị, nhưng đến cây số 17 (Phong Điền) thì bị một trung đoàn VC phục kích hai bên đường, tấn công vào đoàn xe khiến Trung Tá Lê Hằng Minh cùng 41 chiến sĩ TQLC hy sinh, nhưng bù lại Trâu Điên phản phục kích đếm được 233 xác con “ba-ác” và bắt 8 tên.

Đánh nhau sống chết là chuyện bình thường, nhưng 7 giờ sáng TĐ2 di chuyển ra Quảng Trị thì lúc 6 giờ sang, trên quốc lộ này, một đoàn convoy Hoa Kỳ di chuyển từ Quảng Trị vào Phú Bài bình an. Cái này phải hỏi lại cái lưỡi lê đâm sau lưng của các VIP địa phương.

TĐ5 và TĐ2 đều bị hoãn lại 1 ngày rồi gặp đại nạn đều xảy ra sau khi TQLC đã dẹp tan biến loạn miền Trung do “khô-mê-đi” Th.Tr.Q. thích đâm hậu, cái này thì hỏi mấy ông tư lệnh vùng thời đó bất tuân thượng lệnh Trung Ương.

***

Tôi xin kết thúc đề tài các Niên Trưởng và Đồng Đội VK/TQLC bằng ơn cứu tử của

Đệ Đức Trần Kim Đệ:

Một niên trưởng thâm niên nhất, hiền nhất và trẻ trung nhất trong số các niên trưởng Võ Khoa mà tôi dám “rỡn mặt” là NT Trần Kim Đệ, K8VK.

Đệ Đức là một lão làng trong Binh Chủng TQLC nhưng không hiểu vì nguyên cớ nào mà anh chịu nhiều thua thiệt! Bản tính anh hiền lành nhưng cũng hay “lý sự cùn” thì có ảnh hưởng gì tới binh nghiệp của anh chăng?

Đệ Đức chỉ chửi thề nửa vời, chỉ một tiếng “mẹ” mà thôi! Có lẽ Đệ Đức nghĩ tiếng “đ…” quá nặng mà bỏ đi chữ này nên câu chửi thề không tròn, đó là một trong cái dễ thương của Đệ Đức. Nếu phải tóm tắt về bản tính của Đệ Đức thì tôi xin dùng bốn chữ: “Khẩu Phật, Tâm Phật”.

Đệ Đức Khoá 8 Võ Khoa Thủ Đức, vậy mà tới 1968, Đệ Đức vẫn còn là một trong bốn đại đội trưởng của TĐ2/ TQLC. Ở Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên, anh và tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn khó quên, đặc biệt là trong giai đoạn hành quân Mậu Thân năm 1968 tại Sàigòn.

Tháng 5/68, sau khi TĐ2 thanh toán xong VC ở Chợ Lớn thì ĐĐ1 của tôi, ĐĐ3 của Trần Văn Thương, ĐĐ4 của Vũ Đoàn Dzoan tiếp tục hành quân về vùng Gia Định, chỉ còn ĐĐ2 của Đệ Đức ở lại Chợ Lớn để giữ các mục tiêu đã chiếm được. Khi chúng tôi đang thanh toán VC tại các mục tiêu rạp hát Cao Đồng Hưng, Cây Quéo, Ngã Ba Cây Thị thì nhận được lệnh của Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng phải cấp tốc quay trở lại vùng Chợ Lớn để tiếp viện cho Đệ Đức vì VC tấn công, chia cắt ĐĐ2. Trung đội của Chuẩn Úy Hồng ĐĐ2 đang bị kẹt trong thế “chỉ mành treo chuông”. Tôi giao cho Trung Đội 14/ĐĐ1 của Thiếu Úy Huỳnh Vinh Quang lãnh nhiệm vụ giải cứu Hồng, và Quang đã hoàn thành nhiệm vụ.

Sau Mậu Thân, vào sáng ngày 14/9/1968, TĐ2 đi hành quân Tây Ninh, ĐĐ1 của tôi được giao nhiệm vụ nhảy diều hâu vào vùng Cầu Khởi để tìm địch. Không cần lùng đâu cả, địch nằm sẵn chờ, nên ĐĐ1 bị VC bao vây và tấn công ngay, Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn cho các đại đội còn lại nhảy vào tiếp cứu ĐĐ1 của tôi. Đồ Sơn lệnh cho Đệ Đức:

– Đệ Đức, bằng mọi giá phải bắt tay được với Cần Thơ.

 Đệ Đức và tôi liên lạc hàng ngang xong, biết hướng tiến của Đệ Đức và trung đội đi đầu của Đệ Đức là Chuẩn Úy Hồng lại nhằm đúng hướng vị trí của Thiếu Úy Huỳnh Vinh Quang. Hai bạn cố tri Hồng – Quang cố gắng bắt tay nhau lần nữa.

Nhưng than ôi! Mừng vui chưa bắt được tay thì đã sầu chia ly! Chuẩn Úy Hồng đã gục ngã khi chưa bắt tay được với Quang, phải đến sáng hôm sau chúng tôi mới bắt tay được với nhau.

Quả thật đời lính chiến “ra đi” quá dễ dàng, “sống nay chết mai” là chuyện bình thường, vừa mới nhăn răng cười văng nước miếng thì đã chết sùi bọt mép! Thằng em vừa mồi cho ông thầy điếu thuốc bên miệng hố, khói thuốc chưa kịp bay ra khỏi miệng thì đệ tử gục xuống vì đạn AK, máu và óc đệ tử văng đầy mặt ông thầy! Đó là trường hợp của tôi và “ô-đô” Binh 1 Nguyễn Văn Quang vào buổi chiều tối 31/12/67 trong trận Kinh Cái Thia, Cai Lậy.

Với Đệ Đức, tôi còn mang ơn cứu tử khó quên, khó quên nên nhớ cả ngày tháng, cả không gian và thời gian.

Sáng ngày 19/6/1969, TĐ2 nhảy trực thăng xuống vùng đồng ngập nước mênh mông thuộc Hỏa Lựu, Chương Thiện, để tiến vào mục tiêu bìa rừng.

Cánh A do TĐT Phúc Yên Nguyễn Xuân Phúc gồm các Đại Đội là 1, 2 và ĐĐ Chỉ Huy.

Cánh B có ĐĐ3 và ĐĐ4 xủa Vũ Doàn Dzoan do tôi chịu trách nhiệm.

Quân trường đã dạy khi di chuyển hành quân nên tránh đi trên đường mòn, ở đây những bờ ruộng dẫn vào mục tiêu có nhiều dấu hiệu khả nghi nên tôi cho lệnh tất cả lội ruộng, kể cả Ban Chỉ Huy cánh B. Đang lội bì bõm dưới sình, tiến vào mục tiêu thì tiếng nổ kinh hồn làm bùn nước tung lên, trong tích tắc tôi thấy mình cũng bị tung lên, rồi không biết gì nữa!

Khi nghe tiếng “phành phạch” của cánh quạt trực thăng, tôi run lên vì lạnh, có lẽ cái lạnh khủng khiếp làm tôi tỉnh lại, nghe được tiếng Đệ Đức báo cáo với Robert Phúc Yên những tiếng quen thuộc “Kilo”, Whiskey”, như vậy là tôi chưa chết, tôi mấp máy đôi môi gọi Đệ Đức:

– Hey Đệ Đức, tôi chưa chết hả?

Tôi muốn gào lên gọi Đệ Đức mà không sao ra tiếng, Đệ ngồi trên trực thăng tải thương, nhưng anh không thấy tôi mấp máy đôi môi! Sình, nước, máu chui vào miệng khiến tôi ói, dù đang khát nước! Khi trực thăng đáp xuống sân bay tỉnh Chương Thiện, tôi nghe lao xao tiếng nhân viên y tá lựa thương, rồi tôi được chuyển tiếp về Bệnh Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Ở đây có quá nhiều thương binh nằm ngoài hành lang để chờ y tá lựa thương. Dường như có ai đó khám cho tôi xong, tôi nghe loáng thoáng: “Cưa!”

May cho tôi, chưa kịp lên bàn mổ, chưa bị “cưa chân” thì Bác Sĩ TQLC Nguyễn Văn Hạnh đến nhận thương binh TQLC và đưa ngay chúng tôi về Bệnh Viện Lê Hữu Sanh Thị Nghè, Sàigòn để các Bác Sĩ Nguyễn Văn Dõng, Trần Công Hiệp săn sóc. Các bác sĩ TQLC đã tận tình cứu chữa, không nỡ cưa cắt nên nay tôi vẫn còn một chút gì để đứng để đi. Cám ơn các thầy lang Tây Mũ Xanh, mong có ngày sẽ ôn lại chuyện vui buồn bệnh viện với các thần y rằn ri.

Cám ơn Niên Trưởng Đệ Đức Trần Kim Đệ! Lúc đó anh làm chức gì mà có trực thăng bay vòng vòng để kịp thời đáp xuống tải thương tôi vậy? Anh là Ban 3 Tiểu Đoàn hay Chiến Đoàn?

Quần áo ướt, nằm dưới sàn trực thăng lộng gió, lạnh và tê cóng làm tôi không còn thấy đau nhưng thèm điếu thuốc, Đệ Đức tiếc gì mà không cho tôi một hơi! Nghĩ lại mà tôi nhớ ơn ông đã nhanh chóng tải thương nên tôi được cứu sống và sau này được làm tới chỉ huy phó CCST, một cái chức to không có bảng cấp số, nhưng nhờ đó tôi có cơ hội trả nợ ơn ông.

 Đó là một đêm ở BCH/CC Sóng Thần, nhân dịp TĐ2 về hậu cứ, Trâu Điên Trưởng cho “đàn trâu” nhảy đầm. Đệ Đức vốn thích bay nhảy nên đến thăm đơn vị cũ và hăng hái tham gia. Ông vui như một “Lão Ngoan Đồng” trên cánh đồng “cỏ non” mà quên nhiệm vụ với hậu phương chính nên đã bị “bà” rượt! Nhớ ơn xưa, tôi vội mở cửa phòng cho ông chạy vào tị nạn.

Xưa ông cứu tôi, nay tôi cứu ông, nhưng so ra thì ông ở trong tình thế dễ bị xé xác, nguy hiểm đến tính mạng hơn tôi ngày trước nên coi như ông vẫn còn nợ tôi.

Khi đọc đến đoạn này, nếu có ai đó nằm cạnh hỏi, thì thế nào Đệ Đức cũng mắng tôi:

– Thằng Cấp nó nói tầm bậy đó!

Đúng thế, vì thấy ông “nhát gái” quá nên tôi phịa ra cho vui vậy mà.

 Làm sao kể cho hết những kỷ niệm vui buồn thời vàng son thời súng đạn với các niên trưởng Võ Khoa/TQLC? Mới kể mỗi ông một “tội” mà đã hết 20 trang giấy, người đọc đã chán mà “tội lỗi” của các ông thì còn nhiều, thôi thì để dành coi như “án treo”, buồn buồn mang ra kể tiếp.

Đối với các vị đại niên trưởng, những cấp chỉ huy trực tiếp thì tôi đã đi thăm các anh trước đây một lần rồi. Tango, lần cuối cùng ông ra lệnh trực tiếp cho tôi là ngày 30/4/1975 tại BCH/CCST sau khi tông-tông Big Minh tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các đơn vị quân đội VNCH bàn giao cho VC!

Bàn giao cái gì đây? Tango ngồi thừ người rồi ông nhìn tôi, Tango lập lại lời của thượng cấp tối cao: “Cấp ở lại bàn giao…

Tango không thể nói tiếp được vì nghẹn lời, và tôi đã … bất tuân thượng lệnh.

Tôi cũng đã đi thăm Sàigòn rồi, tuy là Chiến Đoàn Trưởng, nhưng đã nhiều lần ông vào tần số máy ĐĐ1 để ra lệnh cho tôi: “Cần Thơ”.

Trong trận Hố Bò, thấy tiếng ông trong máy, tôi xin ông cho vài phi tuần lên cái đồi cao phía sau lưng. Ông hỏi có gì trên đó? Tôi nói chưa thấy gì nhưng sao lạnh lưng quá, đập trước cho chắc ăn. Ông cười: “Chừng nào có địch hãy hay.”

 Tôi đã đi thăm Bắc Ninh, vì khi ông làm CHT/CC Sóng Thần, ông giao cho tôi muốn làm gì thì làm.

Tôi đã đi thăm Đồ Sơn, vị Tiểu Đoàn Trưởng của tôi từ 1967 – 1969.

Ngoài các niên trưởng kể trên, tôi cũng cần thăm các đồng đội đã một thời sống chết vui buồn bên nhau, các đồng đội Võ Khoa mà tôi hân hạnh được quen biết khi tị nạn CS ở xứ lạ quê người. Họ nhiều lắm, nhiều lắm, không thể viết ra hết được, không đến thăm và bắt tay nhau được thì xin “mượn giấy thay mặt, mượn bút thay lời” thăm, hỏi thắm các anh em từ An đến Ý.

Tôi gọi họ là “em” vì họ nhỏ tuổi hơn tôi, thâm niên Binh Chủng ít hơn tôi, nhưng về kinh nghiệm sống đời, phong cách xử thế, tế nhị và khéo léo thỉ họ lại hơn tôi, tôi học hỏi từ họ được nhiều điều hay, tôi luôn quý mến họ trong tình anh em. Vì quý mến nên tôi đặt cho họ mỗi người một biệt hiệu đế nhớ mãi, “Tôi nhớ tên anh trong trái tim tôi.

Họ là những Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Đinh: Mạnh Cương, Công Phạm, Công Đình, Vincent Lâm, Giặc Cờ Đen Lưu Phúc, Lạt Ma, Nập Nà, Phan Đuông, Nguyễn Nên, Võ Sang, Phan Ngọc, Minh Đức, Tạ Hạnh, Hồng Hà, Hữu Hào, Hắc Long, Thành Lê. Họ là Cao Xuân Huy, Trần Như … thì Trần Như Hùng. Họ Lý tên Bình thì gọi là “Tiểu Bình”, thêm “Tiểu Cần”. Hai chàng “Tiểu” này gặp nhau thì sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau:

Tiểu Bình cần tiểu thì Tiểu Cần cho Tiểu Bình cái bình … tiểu.

Chúc các chú em bình an trong vòng tay người thân yêu. ⬛

Trái -> phải: Các MX Võ Sang, Khải Bình, Quách Lâm, Dr. Minh Cường, Bửu Ngọc, Lê Lộc, Minh Đức, Hùng


[1] Đã mất

[2] Đã mất

[3] Thời gian này – 9/1968 – tôi vẫn coi ĐĐ1, Thương coi ĐĐ3, Đệ coi ĐĐ2 thay thế anh Đinh Xuân Lãm lên làm Ban 3, Vũ Đoàn Dzoan coi ĐĐ4 thay cho Hợp được đi du học.

[4] Đã tử trận (hay từ trần)

[5] Ký sự này được ghi lại trong bài “TQLC Phúc Yên Nguyễn Xuân Phúc”, trang 265

6] Xem trang 65