Các Niên Trưởng Và Đồng Đội Võ Bị

Tô Văn Cấp

Trong những buổi “liên quân” họp mặt quanh ly trà café, đề tài được nhắc đến nhiều nhất là “Đồng Đội Cũ Chiến Trường Xưa”, ai cũng hãnh diện về quá khứ của đơn vị và đồng đội mình, thấy tôi làm thinh, một ông khều nhẹ:

-Còn bạn thế nào, kể cho anh em nghe về các cựu SVSQ Võ Bị ở Binh Chủng TQLC, chẳng hạn như Trung Tá Đoàn Trọng Cảo* K13, Trung Tá Nguyễn Văn Nhiều*, K15, vì sao ông là Trưởng Phòng 4 Sư Đoàn, có phương tiện, mà ở lại, vào tù rồi bị…!

-Chuyện Võ Bị/TQLC quý vị muốn nghe thì tôi không biết bắt đầu từ đâu và bao lâu mới hết, một ngày hay một tuần? Cần bao nhiêu trang giấy để viết, thôi thì chờ đó, sẽ có ngày…

Tưởng rằng hứa cuội cho xong, nhưng vào Tháng Tư Buồn với những kỷ niệm nhớ thương, tôi bất ngờ nhận hung tin Chương Thiện, một trong hai Tiểu Đoàn Trưởng tái chiếm Cổ Thành đã theo chân người đi trước: Đỗ Hữu Tùng.

Thứ Bảy ngày 30/4/2022, tôi đến tiễn chân Chương Thiện tại Thánh Đường, nói lời vĩnh biệt, ra về, như có ai bảo sao không viết về đồng đội, một nén nhang cho người đã khuất, một lời hỏi thăm những đồng đội chưa đi? Thế là tôi cầm viết.

***

TQLC Can Trường Đoàn Trọng Cảo được mọi người kính trọng. Ngày anh ra đi, đồng hương, đồng đội đến tiễn chân đông nhất đã chứng minh điều đó. (Đọc thêm TQLC Can Trường Đoàn Trọng Cảo trong Tuyển tập này.)

Nói về Trung Tá Nguyễn Văn Nhiều, Trưởng Phòng 4 (P4) Sư Đoàn TQLC, có phương tiện “xuất ngoại”, nhưng anh ở lại, vào tù rồi…

Không chỉ Trung Tá Nhiều, mà cả Sư Đoàn TQLC có đầy đủ phương tiện.  Trung tuần Tháng 4/1975, TQLC trấn giữ Vũng Tàu, Tư Lệnh TQLC là Quân Trấn Trưởng, TQLC có đủ mọi phương tiện “xuất ngoại” nhưng lại tiến quân vào đất liền đề đánh giặc cho tới giờ phút cuối cùng.

Không chỉ Trung Tá P4, mà từ Ông Tư Lệnh Phó, các Lữ Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn, Đại Đội, Trung Đội Trưởng, đều đi tù.

Không chỉ Trưởng P4, mà Lữ Đoàn Trưởng (K16), LĐP (K17), Tiểu Đoàn Trưởng (K19) và nhiều Mũ Xanh khác cũng bị bức tử trong ngục tù.

Tôi không biết có bao nhiêu SVSQ/VB, thuộc các khóa (K) nào tình nguyện về Binh Chủng TQLC. Nhưng kể từ K16, K17, K18, K19, K20, là những khoá đã có thời gian sống chung và ‘hành hạ” nhau trong quân trường và cùng mặc quân phục TQLC thì tôi biết khá nhiều. Tôi cũng tiếp xúc và làm việc với một số bạn trẻ các khoá sau (K21, K22…). Chúng tôi luôn tương kính, nhiều người trong họ còn gần gũi thân thiết hơn ruột thịt.

Nay bước vào tuổi 80 có lẻ, tuy không khoẻ, nhưng còn tỉnh táo nhớ đến quý anh, viết lên trang giấy để nhớ lại một thời còn súng đạn đầy đủ là niềm hạnh phúc của tôi. Các anh là những tấm gương sáng cho tôi soi lại chính mình. Nói chiến tích, chiến công thì không bao giờ hết, nên trong vài trang giấy tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm vui buồn với các anh.

Những anh đã ra đi, dù từ trần, tử trận hay tuẫn tiết (TT) thì đều bình đẳng trước Thượng Đế, nên tôi xin ghi chú bằng một footnote 1.

Khoá 16 Võ Bị/TQLC.

Trái -> phải: Các Trung Tá Tống,  Phúc, Đễ

Họp mặt tại tuyến đầu Quảng Trị cuối tháng 12, 1972:

– Đứng: MX Trung Tá Hiến, MĐ Trung Tá Quyền, MX Trung Tá Cảnh, MX Trung Tá Tống, Nghị Viên Thục (áo trắng)

– Ngồi: Trung Tá Thọ (SĐ1), MX Trung Tá Phúc, MĐ Trung Tá Ngọc, Thiếu Tá Chung

Tháng 12/62, có 10 Thiếu Uý Khóa 16VB tình nguyện về TQLC

TĐ1: Trịnh An Thạch1, Trần Văn Hiển.

TĐ2: Nguyễn Xuân Phúc1, Nguyễn Văn Kim1.

TĐ3: Phạm Văn Sắt, Nguyễn Đình Thuỷ1.

TĐ4: Trần Ngọc Toàn, Nguyễn Đằng Tống1, Đỗ Hữu Tùng1.

Nghe nói còn một ông nữa vừa về TQLC, chưa kịp mặc áo rằn thì đã được thượng cấp bốc về chốn bình an nên ít ai biết. Sau đó có thêm hai anh nữa là Nguyễn Văn Cảnh và Nguyễn Kim Đễ. Các anh chiến đấu cùng TQLC cho tới giờ phút cuối cùng.

Về binh nghiệp, trừ hai anh An Thạch và Đình Thuỷ đã tử trận quá sớm, số còn lại sau này đều làm Tiểu Đoàn Trưởng, Trưởng Phòng Sư Đoàn, Lữ Đoàn Phó, Lữ Đoàn Trưởng. Trong 11 anh K16, tôi may mắn được phục vụ trực tiếp dưới quyền 5 anh. Theo thứ tự thời gian là:

 Đà Lạt Nguyễn Kim Đễ:

 Anh gốc SĐ.7 BB, sau trận Ấp Bắc, khoảng 1965, anh thuyên chuyển về TĐ.5/TQLC. Anh và tôi có quá nhiều gắn bó buồn vui từ TĐ.5 cho tới Phòng Ba Sư Đoàn (P3). Sau khi anh đi học thì anh Trần Văn Hiển về P3 thay thế, thế là tôi lại làm việc dưới quyền anh Hiển.

(Những kỷ niệm buồn vui với anh Đễ tôi kể lại ở bài: “Anh Ở Nơi Nào, Ảnh ở đây” trong tuyển tập này).

 Phúc Yên Nguyễn Xuân Phúc:

(Xin đọc: “TQLC Phúc Yên Nguyễn Xuân Phúc” trong tuyển tập này).

 Sông Hương Phạm Văn Sắt:

Anh Sắt và anh Phúc cùng được làm Tiểu Đoàn Trưởng (TĐT) một lượt và là hai TĐT đầu tiên của K16/TQLC. Sau khi bị thương, thượng cấp chỉ định anh coi Quận Thủ Đức. Khi anh làm ông quận thì đồng bào phục anh lắm, nhưng với bản tính hiền lành, ngay thẳng, Anh không thích hợp với chính trường nhiều đường lắc léo, nên Anh lại quay về với đồng đội, với chiến trường.

Anh và tôi có thời gian ngồi bên nhau cả năm trời ở P3 Sư Đoàn (Hương Điền) nên có nhiều kỷ niệm buồn vui, đáng nhớ mãi là sáng 29/3/75 ở bờ biển Non Nước, anh và tôi ôm poncho bơi bên nhau, khi sắp “hy sinh vì nước” thì được kéo lên tàu Hải Quân. Để ăn mừng, anh móc túi áo ra bao thuốc lá Ruby Queen còn vài điếu chia nhau, thuốc ẩm ướt, châm mãi cũng chưa cháy thì nghe bên hông tàu nhiều tiếng la: “Rớt xuống rồi”!2

Trở về sau nhiều năm trong ngục, mỗi khi anh Sắt đạp xe từ Thủ Đức về Long An thăm Song Thân, anh thường ghé nhà tôi nghỉ chân. Chẳng có gì mời nhau ngoài gói thuốc rê. Nhái thơ cụ Nguyễn Khuyến, tôi chọc anh:

“Lâu lâu bác ghé thăm nhà, trẻ thời đi vắng chợ thời xa, không ao cá, không gà, thôi thì đôi ta “bốc lăn xe” để nhớ người tình khói sương”.

Nay-2022 – anh ở miền Đông-Bắc, tôi Tây-Nam, tuổi già khó khăn đến thăm nhau! Nhưng nghe tiếng cười sảng khoái của anh trong điện thoại là tôi hình dung ra ngay người đàn anh “Râu hùm, hàm én, mày ngài”.

Đồng đội đồng môn vẫn nhớ Sông Hương, một trong những người đó là Đại Đội Trưởng Giang Văn Nhân viết về Tiểu Đoàn Trưởng Phạm Văn Sắt:

Cả tiểu đoàn mừng rỡ, khi tan hàng họ hét to vang dội và túa chạy về văn phòng đại đội chờ nhận giấy phép. Anh em nào cũng mong cầm được tờ giấy phép, khi có nó trong tay là họ đi ngay nên số người trong doanh trại dần dần thưa thớt, Thiếu Tá Sắt cầm cây gậy nhỏ đi vòng quanh nhà ở của binh sĩ, nghe tiếng chuyện trò văng vẳng, ông bước vào nhà ngủ, bốn người lính hoảng sợ đứng nghiêm chào, ông thắc mắc hỏi:

            – Các em đã nhận giấy phép chưa?

            – Thưa thiếu tá chúng em đã nhận rồi.

            – Nếu có giấy phép rồi thì các em rời khỏi đây ngay.

            – Thưa thiếu tá chúng em không biết đi đâu bây giờ.

            – Tôi đã cho đi phép tại sao các em không đi?

            – Quê chúng em ở xa, không có tiền biết ở đâu, thà ở lại  trại có cơm ăn chỗ ngủ.

 Thiếu Tá Sắt nhớ lại kỷ niệm hồi mới về Tiểu Đoàn 3, nhà thì ở xa, không có tiền, được người thượng sĩ thường vụ mời ăn cơm, nhưng vì học “lãnh đạo chỉ huy” ở quân trường, để tránh việc khó xử trí sau này ông nên trả lời là “còn no”, rồi suốt đêm đó ông cố dỗ giấc ngủ với bụng đói meo. Hôm nay ông nhìn thấy và nghe tường tận hoàn cảnh của thuộc cấp sau chuyến hành quân trở về được hưởng phép mà không muốn đi vì lý do nhà xa và không có tiền khiến ông xúc động:      

            – Các em đi theo tôi.

Thiếu Tá TĐT dẫn bốn người lính xuống Ban Quân Lương và chỉ thị nơi đây làm giấy ứng tiền lương trước cho anh em này và cả cho những người cần về thăm gia đình ở xa.

Sau 5 ngày phép anh em hân hoan trở về đầy đủ, vài người ở miền Trung quá xa trễ 2 hoặc 3 ngày nên cũng được Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng thông cảm bỏ qua.

 Một cấp chỉ huy biết quan tâm lo lắng cho thuộc cấp và gia đình của họ đã được các tân binh đang thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm kháo nhau chuyện đi phép, nên rủ nhau khi mãn khóa sẽ tình nguyện về Tiểu Đoàn 3.  Thiếu Tá Phạm Văn Sắt rời Tiểu Đoàn 3 cuối năm 1969 để thành lập Tiểu Đoàn 8.  Cuộc sống cùng tư cách và tài lãnh đạo chỉ huy của ông khiến thuộc cấp kính trọng.

(Trích đặc san Sóng Thần 2022).

Tây Sơn Trần Ngọc Toàn:

Khoảng tháng 6/1971, Tây Sơn được làm Chỉ Huy Trưởng căn cứ Sóng Thần, anh gọi tôi về làm Chỉ Huy Phó, Đại Uý Nguyễn Kim Tiền về làm Ban 3.

Dù còn đang nghỉ dưỡng thương chờ tái khám, nhưng chân thấp chân cao, ra vào trong căn nhà hẹp mãi cũng buồn, khi biết Tiền- người cùng nằm bệnh viện, làm Ban 3 nên tôi nhận lời, và đây cũng là dịp cám ơn Tây Sơn.

Nhớ lại tháng 6/1966, khi tôi bị nhốt 15 ngày trọng cấm ở Q.C202, chiều chiều khi về nhà ăn cơm thì chúa ngục Q.C202 Tây Sơn cho tôi ngồi sau xe jeep ra Mai Hương (Lê Lợi) kiếm ly café. Nếu không có Tây Sơn thì khó yên thân với Ch/Uý Kiều Công Tuyết-người kiểm soát cổng BTL.

Suốt thời gian dưới quyền Tây Sơn ở căn cứ Sóng Thần, tôi có 2 kỷ niệm đáng nhớ cùng xảy ra vào sáng Chúa Nhật.

Một sáng Chúa Nhật, Tây Sơn báo vắn tắt cho tôi và Kim Tiền:

-Sáng nay Trung Tướng Tư Lệnh sẽ xuống thăm căn cứ.

Nói xong anh lái xe đi mà không hề ra lệnh cho chúng tôi phải làm gì!?

Khi chúng tôi đang lái xe kiểm soát an ninh vòng căn cứ (dài 8 Km) thì QC gác cổng báo có Trung Tướng Tư Lệnh xuống, tôi và Tiền vội chạy đến trình diện thì Tư Lệnh cười nói:

-Tôi dẫn gia đình xuống căn cứ chơi thôi, tôi cũng đã gặp Chỉ Huy Trưởng lái xe về Saigon, Chủ Nhật mà, các chú cứ tự nhiên đi.

À ra thế, Tây Sơn từ Sóng Thần về Saigon, Tư Lệnh từ Saigon xuống Sóng Thần, hai ông gặp nhau giữa đường, vui vẻ “vẫy tay chào nhau”.

Tôi phục tư cách của hai ông, ông Tư Lệnh không hách dịch, còn ông CHT không quỵ luỵ, cả hai cư xử đầy tình nghĩa “huynh đệ chi binh”.

Lại một sáng Chúa Nhật sau đó ít lâu, sau khi Tây Sơn đi Mỹ, giao cho tôi coi căn cứ, như thường lệ tôi cũng tự lái xe đi kiểm soát vòng đai thì máy gọi tôi đến trình diện VIP tại cửa Trung Tâm Huấn Luyện. Tôi vội lái xe đến, và đó là buổi sáng Chúa Nhật buồn, vô duyên với 15 củ vì cái tội lái xe không có tài xế! Biết nói gì, chỉ còn đưa tay đấm… ngực ba lần:

Mea Sculpa! Mea Sculpa! Mea Sculpa!3

 Chương Thiện Nguyễn Văn Cảnh:

TĐT/TĐ.3 Nguyễn Văn Cảnh và TĐT/TĐ.6 Đỗ Hữu Tùng là hai Tiểu Đoàn Trưởng dựng cờ tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Tôi chưa được nhận lệnh trực tiếp từ hai anh, nhưng lại có dịp sống rất gần và được các anh thương. Chương Thiện, Dương Văn Hưng và tôi đã ngồi chung với nhau trong lớp học Bộ Binh Cao Cấp, đây là thời gian huy hoàng nhất, vui nhất đời lính. Anh Cảnh lúc nào cũng cười, thường doạ đuổi tôi về đơn vị, không cho học nữa nếu hôm đó tôi đòi chi…Vì vậy tôi đặt cho anh cái hỗn danh: “Cảnh Hù”. Hù như anh đúng là Huynh Đệ Chi Binh.

Khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được hung tin Chương Thiện Nguyễn Văn Cảnh vừa từ giã gia đình và đồng đội Mũ Xanh vào ngày 22/4/2022. Hưởng thọ 81.

Tôi báo tin cho Sông Hương (New Jersy) ngay, Sông Hương nấc nghẹn:

-Lại một đồng khoá, đồng đội nữa ra đi! Cảnh về trên ấy với Thạch, Thuỷ, Tùng, Tống, Phúc, Kim, Đễ.

Sáng 30/4/2022, lại một buổi sáng buồn đứt ruột, Tồng Hội Phó TH/TQLC, Hội Trưởng TQLC Nam CA và chúng tôi đến chào anh tại thánh đường.

Có 5 Linh Mục đồng dâng Thánh Lễ, vị chủ tế Father Chín Đặng (cựu Tuyên Uý Tr/Tá Hải Quân Hoa Kỳ) giảng lễ an táng với ba điều nhắn nhủ của anh Cảnh đã gây xúc động không riêng cho các con anh Cảnh mà cho tất cả các con cháu đối với cha mẹ già.

Nếu có ai nghĩ: “Thế gian hơn áo hơn quần, giả thử lột trần ai cũng như ai” mà sau 30/4/75 tự lột trần mình ra và lột luôn cấp chỉ huy cũ thì đó không phải “Huynh đệ chi binh.”

Nhưng những trung đội trưởng 50 năm về trước, khi nghe tin Chương Thiện mất, họ đã gọi nhau, báo tin cho nhau, cùng rơi nước mắt nhớ thương cấp chỉ huy cũ, một trong những người đó là Trung Đội Trưởng Trần Trung Ngôn với tâm tình gửi Tiểu Đoàn Trưởng:

CHƯƠNG THIỆN CHÍN KHÔNG CHÍN – 909

Anh Cảnh Kính Mến 

 Anh biết không, hôm qua thằng Sói Biển Huỳnh Trúc Khanh, Đại Đội 1, gọi điện thoại cho Ngôn, nó nói chậm rãi và rõ ràng:

-Trung Tá Cảnh chết rồi!

Rồi cả hai thằng đều “im lặng vô tuyến” một hồi thật lâu. Sau đó Ngôn mới lập lại câu nói của thằng Khanh:

-Trung Tá Cảnh chết rồi!

Anh Cảnh biết không, rồi hai thằng lại nhắc chuyện ngày xưa xa lắc xa lơ đó. Từ Đại Đội 1 của Đại Úy Chung, Đai Đội 2 của Đại Úy Nhân, Đại Đội 3 của Đại Úy Thạch, Đại Đội 4 của Đại Úy Dương…rồi cả tiếng cười như đại liên M60 của Anh khi Anh hạ con cờ Domino triệt buộc trên chiếc bàn nhỏ bằng ván thông ở “Quán Cà Phê” của Tiểu Đoàn.

Ngày ấy xa rồi…không biết Anh còn nhớ? Anh, Đại Úy Nguyễn Văn Thạch, Trung Úy Nguyễn Đình Chánh, Bác sĩ Nguyễn Văn Tường một phe. Phe địch gồm có Thiếu Úy Lê Đình Lời, Thiếu Úy Nguyễn Văn Tuấn, Thiếu Úy Lê Văn Hiếu và Ngôn. Cái sân bóng chuyền trước TOC, bên bờ sông Vĩnh Định, trời nắng chang chang thế mà phe ta và phe địch quần nhau còn hơn lúc Tiểu Đoàn mình đánh Cổ Thành.

Ngôn nhớ, thằng Tuấn nó nói:

-Đánh ngay hũ nếp!

Thằng Lời nâng banh, thằng Hiếu đập về hướng Anh…

Anh thụt lùi, bợ trái banh, từ dưới nâng lên bằng hai lòng bàn tay thay vì bằng hai cổ tay.

Phe địch la chói lói:

-Doubler…doubler!

Anh cười hì hì.

Phe địch la như trúng số:

-Hũ nếp!

Ngày xưa, Anh như vậy đó. Đánh giặc thì hết mình. Chơi thì tới bến. Nói sao phe địch hay phe ta sao mà không khoái.

Cách đây vài tháng, Ngôn gọi thăm Anh và nói Ngôn có tấm hình của Anh, anh cười hì hì bảo gởi cho Anh. Không ngờ mới đây thôi mà bây giờ Anh đã đi.

Bây giờ Anh đi, trên đó Anh sẽ gặp lại những khuôn mặt ngày xưa, Đại Úy Thạch, Đại Úy Anh, Đại Úy Trà…cùng một lô 471, những trung đội trưởng của Anh ngày ấy.

Trung Tá Nguyễn Văn Cảnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 TQLC từ 1972-1975.

Và Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 14 TQLC từ 1975 cho đến ngày mất nước.

Anh Cảnh ơi!

RIP…My Commander!

Nguyễn Văn Cảnh & Cổ Thành

  (Trích hồi ký “Người Lính Tổng Trừ Bị” của MX Giang Văn Nhân):

...Ðạn pháo và bóng đêm cũng như sự mệt mỏi không làm người chiến sĩ dừng bước, họ chiến đấu liên tục, tiêu diệt các tàn quân địch còn cố thủ. Sau gần 24 giờ chiến đấu không nghỉ, những người lính Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 3/TQLC do Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh làm Tiểu Đoàn Trưởng, đã dựng Quốc Kỳ trên cổng thành cửa Tả vào mờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972. Trung Sĩ Trương Văn Hai, Trung Đội Phó Trung Đội 22/ĐĐ.2 đã hy sinh trong giây phút hào hùng nầy.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chiến thắng, chiếm lại Quảng Trị trước hạn định 3 ngày. Sự thành công nầy là do đóng góp của Sư Đoàn Dù (Tích Tường, Như Lệ), Biệt Ðộng Quân (Liên Đoàn 7 Chợ Sãi), Không Quân, Hải Quân, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, Thiết Đoàn 18/KB, Pháo Binh 155 ly… và Sư Đoàn TQLC trong đó TĐ3 của Trung Tá Nguyễn Văn Cảnh (K16/TVBQGVN) và TĐ6 của Trung Tá Đỗ Hữu Tùng (K16/TVBQGVN) là nỗ lực chính…

 ***

– Khoá 17VB/TQLC:

 Khóa 17 ra trường tháng 3/1963, có 12 Thiếu Uý về TQLC: Lê Văn Cưu1, Phạm Dương Đạt, Nguyễn Ngọc Điệp1 Nguyễn Tiến Đức1, Trần Kim Hoàng1, Trịnh Kim Huệ1, Đinh Xuân Lãm1, Nguyễn Duy Long1, Huỳnh Văn Lượm1, Ngô Văn Mẹo1, Nguyễn Văn Nhạc, Tăng Minh Sang.

K17 về TQLC sau K16 chỉ 3 tháng thôi, các anh đánh đấm cũng tưng bừng khói lửa mà đường binh nghiệp thì lận đận vô cùng. K16 có 11 anh thì đều làm tiểu đoàn trưởng cả, trong khi K17 có 12 anh thì chỉ có hai anh là Long Lễ Huỳnh Văn Lượm và Lâm Đồng Đinh Xuân Lãm.

Thâm niên Binh Chủng từ 3/63 mà tới 9/68, anh Lãm vẫn còn là đại đội trưởng. Trong trận kinh Cái Thia (Cai Lậy) 31/12/67, tôi coi ĐĐ.1, anh Lãm coi ĐĐ.2, Trần Văn Thương ĐĐ.3, Trần Văn Hợp ĐĐ.4, đến tháng 9/68 thì anh Lãm mới lên Ban 3 Tiểu Đoàn.

Trong trận Cầu Khởi Bời Lời 14-17/9/68, là Trưởng Ban 3/TĐ.2 anh đã cùng TĐT Đồ Sơn bay C&C suốt đêm để hướng dẫn Hoả Long và cho biết tình hình địch nên đại đội của tôi và Trần Văn Thương đứng vững tới sáng.

 Ngoài hai anh Lượm và Lãm coi như nổi thì anh Lê Văn Cưu đáng lẽ mới là người nổi trội. Khi ở TĐ.1/TQLC, anh là người lên trung uý và là đại đội trưởng đầu tiên của K17/TQLC, trước cả mấy anh K16. Anh có tài, không tứ đổ tường mà chỉ phân nửa, có tí tật thích “bay nhảy” nên đường binh nghiệp của anh cũng nhảy lung tung. Những năm tháng cuối cùng anh về Hậu Nghĩa dưới quyền Ông Tỉnh Tôn Thất Soạn như cá gặp nước. Trước đây khi còn ở TĐ.1/TQLC, Tiểu Đoàn Trưởng Tôn Thất Soạn đã cho anh Cưu làm ĐĐT, nay Ông Tỉnh bắt Cưu coi một cái quận thật nghèo kinh tế nhưng thật giầu “mãng cầu gài” (lựu đạn).

Sau 30/4, trong tù, tôi ở chung với các anh Cưu, Hoàng, Lãm, Huyền (Mai Lệ) nên mới thấy cái tài “vờ vịt” của anh Cưu. Ngay từ những ngày đầu tiên ở Long Giao, anh đã bị bệnh “gai” cột sống, anh khoét chỗ nằm một cái lỗ trũng cho vừa cái lưng, anh đi lòm khòm như mặc áo không quần, cai tù thấy vậy cho anh nghỉ bệnh, miễn “lao động là vinh quang”.

Anh qua mặt cai tù, không đi lao động, khi ra tù, anh cong lưng lái xe đạp thồ, rồi sau đó qua mặt công an phường, anh thuê một cơ sở tôn giáo (trên đường Trần Quốc Toản bị VC tịch thu) mở câu lạc bộ, anh gọi là: “Tụ Nghĩa Đường Tứ Hải Giai Huynh Đệ”, nơi gặp nhau an toàn của các cựu tù, trước mắt công an phường.

Tôi hỏi anh hết “gai” cột sống hồi nào mà ngay lưng vậy, anh mỉn cười:

-Tao lấy dao cạo, nghe xạo xạo.

Ngày tôi ra mắt sách “Nửa Đường“, anh từ San Jose xuống dự và ôm về một thùng để tặng bạn bè. Anh thương tôi vì tôi phục anh.

TQLC đất chật người đông, trung uý thâm niên mới là đại đội phó, được làm đại đội trưởng thì khó vô cùng, huống chi tiểu đoàn trưởng. Kẹt đường tiến thân nên một số các anh K17 đã xuất Binh Chủng đi đơn vị khác.

Khoá 17 huấn luyện K19 chúng tôi trong quân trường, nên ở TQLC, chúng tôi rất kính nể các “hung thần” này. Đã từng làm việc và ở tù chung với các anh Lê Văn Cưu1, Trần Kim Hoàng1, Đinh Xuân Lãm1, Huỳnh Văn Lượm1, Lê văn Huyền1. Các anh thương tôi và ngược lại, “sống chết có nhau” ngoài chiến trường, “giúp đỡ lẫn nhau” trong ngục tù CS. Nay thì cả 5 anh không còn nữa! Tôi thương nhớ và kính phục các anh vô cùng.

Tính đến nay (4/2022) đã có 9/12 anh tử trận và từ trần, còn 3 anh Phạm Dương Đạt, Nguyễn Văn Nhạc, Tăng Minh Sang thì không biết phiêu bạt phương nào?

Hình chụp ngày 5/10/74 khi Long Lễ Huỳnh Văn Lượm bàn giao TĐ.9 cho Tây Đô Lâm Tài Thạnh, để lên làm Lữ Đoàn Phó LĐ.258.

Trái -> phải: ?, ?, Cự, Tây Đô, Long Lễ, Phán,

 -Khóa 18VB/TQLC.

Khoá 18 không có ai về TQLC, trừ một anh sau này từ đơn vị khác chuyển về mà cũng không ai biết anh xuất thân quân trường nào. Năm 1976 khi chuyển ra trại tù Yên Bái, tôi ở chung tổ với một “quái nhân”, gọi anh là quái nhân vì anh khỏe như voi nhưng lại coi cai tù không ra chi cả, nhìn anh đứng hai tay chống nạnh, cãi tay đôi, thách thức tên bộ đội: “Mày bắn tao đi” trong khi tay nó lăm le cây AK47. Tôi lo cho anh. Tối về chuồng, tôi tìm hiểu lý lịch thì bất ngờ mới biết anh là K18VB Phan Bát Giác. Tôi kết thân với anh, và đặt cho anh cái hỗn danh “8 Cạnh”.

Tôi đã viết về “8 Cạnh” Phan Bát Giác dưới cái tựa: “Ba Chàng “Uy Vũ Bất Năng Khuất”. (Đọc trong Tuyển Tập này)

***

Khoá 19VB/TQLC.

(Đọc trong tuyển tập này)

 Khoá 20VB/TQLC.

Khoá 20 Võ Bị có 25 Thiếu Uý về trình diện TQLC, đó là: Phạm Cang, Quốc Chính1, Tuấn Kiệt1, Thế Khanh, Nguyễn Hoa1, Nguyễn Hoà1, Tôn Thât Trân1, Văn Tiền, Quang Liễn, Văn Sử1, Ngọc Tú, Văn Thời, Đình Quỳ, Cao Nghiêm, Như Liêm, Đình Lợi, Hoài Đức, Văn Vọng, Lê Bơn, Văn Khương, Văn Loan, Lộc Nguyên.

Xuất thân Võ Bị về TQLC thì K16 và K20 thành công nhất, cả hai tiến thân đồng đều và có nhiều anh làm Tiểu Đoàn Trưởng hơn hai K17 và K19.

Trong quân trường, K19 và K20 “quần thảo nhau”, khi về TQLC lại cùng thời chiến trận sôi động nên chúng tôi biết nhau nhiều hơn, thân nhau hơn, dù không chung tiểu đoàn. Tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm với những anh mà tôi đã được sống chung và tiếp xúc. Với những K20 đã tuẫn tiết, tử trận và từ trần, tôi xin dâng lên các anh linh một nén nhang.

Theo thứ tự thời gian, tôi gặp 5 Thiếu Uý K20 về trình diện Tiểu Đoàn 5/TQLC là Lê Văn Thời, Lê Đình Quỳ, Nguyễn Ngọc Tư và Ngô Đình Lợi. Tôi thân với cả 5 anh, Ngọc Tú là bạn cùng lớp với tôi trường L. Petrus Ký, nhưng với Lê Đình Quỳ thì có nhiều kỷ niệm vui buồn hơn.

Lê Đình Quỳ về ĐĐ4 với tôi, tôi bàn giao Trung Đội 43 cho Quỳ, tôi lên làm Đại Đội Phó. Vì cùng đại đội nên khi đi hành quân hay về hậu cứ, Quỳ và tôi đi cặp với nhau.

Khi tôi bị nạn, xách ba-lô đến Q.C202 của “tù trưởng” Trần Ngọc Toàn (K16) thì cũng là lúc TĐ.5 ba-lô lên vai, 12 ngày gạo hành quân Miền Trung. Trong lúc tôi nằm Q.C 202 thì TĐ5 đụng nặng tại Mộ Đức Quảng Ngãi tháng 6/1966. TĐT Dương Hạnh Phước, Bác Sĩ Lê Hữu Sanh cùng rất nhiều quân nhân tử trận. Riêng Đại Đội 4 của tôi thì thiệt hại 3/4 quân số. Có 5 sĩ quan thì bị thương 2 (Long, Lộc), tử trận 2 (Phương, Thảo), còn Quỳ thì bị bắt. Năm 1973, Quỳ được về trong đợt trao trả tù binh.

Vào khoảng 1997, Quỳ đến thăm tôi tại Lawndale Los Angeles. Quỳ nuôi mộng lớn, lâu rồi không gặp nên không rõ thành bại ra sao.

Tôi gặp K20 Nguyễn Quốc Chính:

Sau 15 ngày bị nhốt Q.C 202, tôi về trình điện ĐĐ4/TĐ2, Đại Đội Trưởng là Đ/Úy Nguyễn Xuân Phúc, Phó là Tr/Úy Trần Văn Hợp và Tr/Đ Trưởng Nguyễn Quốc Chính. Khi anh Nguyễn Kim Đễ lên làm TĐP/TĐ.2, tôi thay anh coi Đại Đội 1, Chính làm ĐĐP cho tôi.

Ngày 31/12/1967, bên bờ kinh Cái Thia, Quận Cai Lậy, khoảng 10 giờ sáng Nguyễn Quốc Chính đã ngã gục thay cho đàn em và đồng đội! Nguyễn Quốc Chính đã hy sinh vì Tổ Quốc như bao chiến sĩ đã gục ngã, nhưng Quốc Chính còn hy sinh thay cho đàn em.

Khi họp hành quân đổ bộ trực thăng, tôi bảo Chính coi trung đội súng nặng, nhảy chuyến sau, nhưng Chính nhẩy đầu với Trung Đội 14 của Thiếu Úy Huỳnh Vinh Quang (K22) mới ra trường nên đàn anh Chính kèm cặp hơi kỹ, chỉ huy trung đội thay Quang, và Chính đã hy sinh trong đợt xung phong đầu tiên này!

Nguyễn Quốc Chính hy sinh vì tình “huynh đệ chi binh”, Chính không chỉ là tấm gương sáng của K20/VB, mà của TQLC.

K20 có 5 người về TĐ2/TQLC thì Nguyễn Tuấn Kiệt tử trận tại Phù Liêu Gia Đặng, Quảng Trị, Nguyễn Quang Minh hy sinh ở vòng đai Saigon, còn Hoàng Như Liêm thì bị trọng thương thành “độc cước đại nhân”. 5 người thì 3 ra đi, 1 giã từ vũ khí, chỉ còn lại Phạm Văn Tiền, bao tinh hoa K20 dồn cho Phạm Văn Tiền. Tiền văn-võ song toàn, nhà văn, Tiểu Đoàn Trưởng TQLC.

Vũ Thế Khanh và Nguyễn Kim Thân (K21) làm Tiểu Đoàn Trưởng Khóa Sinh, còn tôi làm Liên Đoàn Trưởng, tôi bàn với Khanh và Thân đem một phần phương pháp huấn luyện Tân Khoá Sinh Võ Bị vào khóa sinh TQLC, Chỉ Huy Trưởng là Trung Tá NĐA thì “no-ai-dia” nhưng Chỉ Huy Phó là Trần Xuân Bàng, K19, thì vui như tết.

Vũ Thế Khanh là một “ông thầy” tiếng Mỹ, khi du học đã được báo Mỹ khen, sau này Khanh được tuyển về Trung Tâm Dịch Thuật Bộ TTM. Khanh có một bộ tài liệu học Anh ngữ rất quý giá, ai muốn nghe hay tham khảo thì Khanh sẵn sàng cho mượn tại chỗ, nhưng không cho thẩm quyền nào được mượn mang đi, vậy mà Khanh đã “trao trứng cho ác”, trao tài liệu này cho tôi để luyện võ khi tôi rời TTHL ra hành quân, và rồi những vật quý này đã không cánh mà bay vào những ngày cuối tháng 3/1975!

Tôi không còn nhớ những cuốn băng này nằm lại Hương Điền hay bãi biển Non Nước, Khanh cũng “quên” chúng luôn, chưa bao giờ Khanh nhắc đến. Khanh có trí nhớ tuyệt vời thì làm sao quên tài liệu quý giá này, nhưng rất tế nhị với đàn anh. Đáng nể là ở chỗ đó, chỉ tiếc là thầy cho “chữ” mà trò bỏ mất nên đến nay trò vẫn còn dốt Anh Văn, vốn liếng tiếng Mỹ của tôi đong chưa đầy lòng bàn tay.

Tôi cũng đã gặp và nói chuyện với Tôn Thất Trân nhiều lần, lần sau cùng vào năm 1973 khi Trân từ TTHL ra thay cho tôi ở P3/BTL tại Hương Điền trong nhiệm vụ trưởng ban hành quân, sau một thời gian thì Trân về Tiểu Khu Hậu Nghĩa làm Tiểu Đoàn Trưởng ĐPQ.

Trái -> phải: Khanh, Cang, Thời, Liễn

Tôn Thất Trân là một quân nhân lý tưởng, tư cách và tài năng của anh khiến đời nể phục. Dù có nơi tựa nhưng Trân đứng trên chính đôi chân của mình, đứng vững vàng và hiên ngang trước mặt địch quân cho tới hơi thở cuối cùng 30/4/1975 khi bị dịch quân lén lút hạ sát.

Tôn Thất Trân là niềm hãnh diện của K20, của Trường Võ Bị, của TQLC.

Trong thời gian làm Trưởng Ban Hành Quân thuộc P3/SĐ tại Hương Điền, tôi ở chung với Nguyễn Văn Loan, Loan Mắt Nhung, Loan có nụ cười hiền hòa dễ thương. Chúng tôi chia sẻ với nhau điều vui và niềm cay đắng.

Lê Hoài Đức và tôi cùng làm việc trong Bộ Chỉ Huy căn cứ Sóng Thần, tôi CHP. Ngoài ra hai gia đình chúng tôi cùng chung vách trong trại gia binh Cửu Long (Thị Nghè). Đức có cuộc sống khá trầm lặng, có lẽ do ảnh hưởng của bệnh đau bao tử nên sau giờ làm việc, Đức thường nằm trong phòng đọc sách, thỉnh thoảng anh em tôi bày bàn cờ tướng để chiếu nhau chơi, Đức tính trước được 5 nước, còn tôi mới chỉ sạch nước cản nên ai thường lâm vào thế bí thì đã rõ. Nhưng thua dùng kế, thấp dùng mưu, tôi chấp Đức con tướng.

 Còn những Cam Ranh Phạm Cang, Long Hồ Quang Liễn, Cao Nghiêm, Tiền Giang Phạm Tiền là những cấp chỉ huy tương lai sáng giá, nhưng trời đất bỗng nổi cơn gió bụi, đường binh nghiệp các anh đang công theo đuổi thì bị gãy súng nửa đường trên pháp trường cát Thuận An!

Khi buông súng, sống đời tị nạn, các anh vẫn tiếp tục sinh hoạt cùng đại gia đình Cọp Biển. Nhiệm vụ chính mà đại gia đình và các anh đã, đang cố gắng chu toàn, đó là:

 “Giúp đỡ lẫn nhau là Huynh Đệ Chi Binh”, là giúp anh em TPB/TQLC.

 Khoá 21VB/TQLC.

Theo MX Nguyễn Trung Việt: Tháng 12/1966, 20 Thiếu Uý K21 về TQLC thì tháng 4/67 Phạm Hữu Chánh TĐ.5, Phạm Hữu Thịnh TĐ.2 đã tử trận! Sau đó có tất cả 9/20 hy sinh cho Binh Chủng, trong đó có Phạm Văn Nhượng, trung đội trưởng của tôi.

Khi Tiểu Đoàn Trưởng TĐ.2 Nguyễn Xuân Phúc bắt tôi giao ĐĐ.1 cho Trung Uý Lâm Tài Thạnh để sang săn sóc ĐĐ.3 của Nhượng thì trong lần hành quân đầu tiên với ĐĐ.3 tại kinh Cán Gáo Chương Thiện, tôi đã bị loại khỏi vòng chiến.

Thời gian này cũng là lúc TQLC đang thành lập tiểu đoàn mới, anh Phúc cho Nhượng dẫn toàn bộ ĐĐ.3 sang làm ĐĐ.2/TĐ.7, còn TĐ.2 thành lập đại đội mới lấy tên là ĐĐ5, từ đó TĐ.2 có 4 đại dội mang tên 1, 2, 4, 5, không còn tên ĐĐ.3 nữa.

Nguyễn Văn Nhượng giỏi, ít nói, làm nhiều, rất can đảm khiến các trung đội trưởng phải nể phục, trong đó có Thiêu Uý Nguyễn Kha Lạt, tự Lạt Ma, Khoá 9/68TĐ đã tôn Nhượng là sư phụ, thật đáng trân trọng tình “Huynh Đệ Chi Binh” TQLC giữa hai quân trường.

Nhưng thật đau lòng, Nhượng đã tử trận bên Campuchia tháng 6/1970 khi con trai của Nhượng mới sinh được 3 tháng, vì thế khi đã lớn khôn, cháu cố tìm tung tích người cha anh hùng.

Tháng 6/2015, một sự tình cờ, con trai Nhượng là Jimmy, một luật sư, từ Oklahoma về TX lập nghiệp, Jimmy tình cờ tìm được chú Lạt, người trung đội trưởng đã cõng xác Nhượng về, Lạt kể cho Jimmy nghe bố Nhượng đã chiến đấu và hy sinh như thế nào. Nghe xong cháu lấy bộ quân phục rằn ri của Bố (mà mẹ cháu giữ từ lâu), để mặc vào rồi chụp ảnh cùng với tấm hình thời Bố còn là SVSQ/VB, tấm hình này Jimmy vẫn treo ở văn phòng.  

Trung Uý Nhượng và Thiếu Uý Truyền : Đại Đội Trưởng và Đại Đội Phó ĐĐ2/TĐ7.
Cả hai đã tử trận trong một cuộc hành quân!

 Jimmy với quân phục của bố và hình K21.

Tấm hình SVSQ/K21 Jimmy để tại văn phòng.

MX Nguyễn Trung Việt ghi chú những người trong hình: : Trái -> phải:

– Hàng trước Nguyễn Đức Thành1, Trần Thanh Thiện, Huỳnh Văn Thảo1, Nguyễn Như Chương, Tạ Đức Khâm1 Nguyễn Huy Hoàng1 Nguyễn Minh Đức1 Lê Văn Nhãn.

– Hàng giữa: Trịnh Thanh Tùng1, Phạm Hữu Chánh1, (?) đứng sau Đức, Lê San Hà (khoác vai Nhượng), Nguyễn Văn Nhượng1

– Hàng sau: Trịnh Lan Phương1, Ngô Văn Huê1, Bùi Hồng, Hoàng Kim Truy1

Thiếu Tá Trịnh Lan Phương tuẫn tiết:

(xin trích bài của nhà văn Huy Phương viết về ngày 30/4/1975)

 Thiếu Tá Trịnh Lan Phương chọn cái chết thay vì đầu hàng.

Trịnh Lan Phương, cựu sinh viên sĩ quan Khoá 21 Trường Võ Bị Quốc Gia. Sáng 30/4/75, sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh lên đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi quân đội buông súng đầu hàng vô điều kiện, rất nhiều vị anh hùng của chúng ta chọn cái chết tại chỗ thay vì ra hàng giặc. Thất vọng, bẽ bàng, căm giận, hàng ngàn người lính miền Nam đã tự sát để khỏi rơi vào tay quân địch, tránh nỗi ô nhục của một hàng binh trước cảnh nước mất, nhà tan.

Thế giới đã biết đến những vị tướng lãnh Miền Nam, Tư Lệnh các đại đơn vị đã tuẫn tiết khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, nhưng đã có biết bao nhiêu anh hùng vô danh, lặng lẽ chọn cái chết mà không hề ai biết đến. Thiếu Tá Trịnh Lan Phương là một trường hợp như thế!

Trong thư của Trịnh Thiên Hương, con gái đầu của ông gửi cho đồng môn của ông:

-Cháu không được nghe bất kỳ một lời nói nào của ba từ mẹ cháu cả. Ba cháu tự sát tại nhà, ngay ngày 30/4/ 1975, cháu vẫn còn bị ám ảnh mãi trong tâm trí mình những người cậu, ôm ba từ trên gác xuống.

Cháu tự hào vì ba của mình, một người cha vĩ đại trong lòng cháu. Từ 5 tuổi cháu đã mồ côi cha, hình ảnh người cha trong tâm trí cháu là một người đàn ông, đẹp trai, cao lớn, hiền lành, vui tính, yêu vợ thương con, sống chân thật với những người thân xung quanh và tình yêu đẹp thật lãng mạn của ba mẹ (đây là những lời kể lại từ bà nội, bà ngoại và các dì của cháu – từ đó hình thành lên một hình ảnh người cha tuyệt vời trong tâm trí cháu).

Cháu rất buồn và cảm thấy bất lực khi đi tìm thông tin về người cha yêu quý của mình. Ba cháu luôn luôn vẫn là một người tuyệt vời trong lòng cháu, cháu luôn tự hào là đứa con gái ngoan của ba Lan Phương. Cháu mừng vì được gặp các chiến hữu của ba, được nhìn thấy sự quan tâm của mọi người đối với ba. Cháu rất cảm động về những điều tốt đẹp mà mọi người dành cho ba cháu.”

***

Một K21 khác có nhiều duyên nợ với tôi là Nguyễn Kim Thân1.

Tháng 1/1969, anh Nguyễn Xuân Phúc thay thế Tr/Tá Ngô Văn Định (bị thương) để làm TĐT/TĐ.2, anh kéo luôn Nguyễn Kim Thân từ TĐ Yểm Trợ về làm Ban 3.

Thông thường ban 3 tiểu đoàn phải thâm niên hơn các đại đội trưởng, mà các đại đội trưởng dưới quyền anh Phúc là các Đại Uý Cấp, Hợp, Dzoan, Thương, TĐP là anh Nguyễn Kim Đễ thì Thân chỉ là phụ tá B3. Chuyện này không thành vấn đề với Phúc Yên, làm việc dưới quyền Phúc Yên, nếu không giỏi thì không được phép tồi. Kim Thân đang yên thân ở hậu cứ mà cứ đòi theo Phúc Yên và Phúc Yên nhận thì khỏi bàn về mấy chữ “trưởng“, “phụ tá”.

Thời gian này, khi hành quân thì chuyện ai người nấy lo, cứ thẵng mực tàu theo “quân lệnh” nhưng về hậu phương, Hợp, Dzoan có người yêu thì: “tìm nơi vắng vẻ” còn tôi và Thân, độc thân thì “tìm đến chốn lao xao” trên chiếc Vespa Spring. Đã có lúc tôi và Thân định chèo chung một ghe, thằng mũi, thằng lái, nhưng chuyện bất thành, (sau này ở hải ngoại cũng thế).

Kim Thân làm việc rất giỏi, (dĩ nhiên, K21 mà) nhưng cái đáng quý là Thân thân tình với mọi người, luôn biết trên dưới, cười với bất cứ ai, dù biết kẻ đó thủ lưỡi lê sau lưng.

Tháng 9/69, K21 Kim Thân hét lên và khóc khi K19 bị trọng thương, cũng như 12/67, K19 khóc khi K20 tử thương. “Sống chết có nhau là huynh đệ chi binh”. 

Ngoài Nhượng và Thân cùng Tiểu Đoàn, tôi được quen biết Trung Việt, vì Việt đang chịu trách nhiệm làm đẹp cho tờ Sóng Thần TQLC.

Tôi còn hân hạnh được tiếp xúc với một số K21 khác, trong và ngoài Binh Chủng TQLC, tất cả họ đều một mẫu số chung: “Tương kính và tự hào”

***

Khoá 22VB/TQLC.

Tháng 12/1967, Thiếu Uý Huỳnh Vinh Quang trình diện ĐĐ.1/TĐ.2 TQLC. Tôi hỏi, Quang nói học 2 năm gọi là K22A, một số ở lại học 4 năm gọi là 22B.

Tôi biết rất ít về K22B, vì khi các bạn ấy về TQLC tháng 12/69 thì tôi đã bị loại khỏi vòng chiến rồi, nhưng với K22A, ngoài Quang bị tôi “hành hạ” thì tôi còn được tiếp xúc với một số các bạn khác như: Kiều Công Cự, Giang Văn Nhân, Đoàn Văn Tịnh, Dương Công Phó, Nguyễn Đình Ninh, Lê Văn Lệ v.v..

Trong trận đánh trên kinh Cái Thia, quận Cai Lậy kéo dài từ 9 giờ sáng ngày 31/12/1967 tới 6 giờ sáng ngày 1/1/1968 thì Lê Văn Lệ (thuộc ĐĐ.2 Đ/Uý Đinh Xuân Lãm) bị thương cùng với anh ruột của Lệ là Lễ. Cả hai bị loại khỏi vòng chiến từ đó, còn Huỳnh Vinh Quang thì may mắn hơn, nhưng sau này cũng bị “xuất” khỏi TQLC.

 Trái -> phải: Quý Trấn, Trung Việt, Song Phương, Quang Hậu… ôm nhau cười.

Trong số các bạn kể trên, có 3 “người lính viết văn”, đó là Kiều Công Cự, Tân An Đoàn Văn Tịnh, và Giang Văn Nhân, các bạn ấy đã xuất bản những tác phẩm hấp dẫn đời lính.

Đ/Uý Đoàn Văn Tịnh với “Xưa Nay Chinh Chiến Mấy Ai Về”, trong đó Tịnh đã nói rõ cuộc điện đàm lần cuối cùng với Trung Tá Đỗ Hữu Tùng, Lữ Đoàn Phó LĐ.369. Một tiếng nổ lớn từ nơi Tr/Tá Tùng dội vào máy của Tịnh rồi Tịnh mất liên lạc ngay với Trung tá Đỗ Hữu Tùng từ đó.

Giang Văn Nhân với “Chặng Đường Nối Tiếp” khiến độc giả đọc tới trang cuối cùng rồi lật lại đọc “nối tiếp”. Chặng Đường đời lính hay và hấp quá, vì “Văn Nhân” biết phối hợp giữa cây viết và cây súng, nhất là súng AK47.

Khi đại đội của Nhân vừa tái chiếm Cổ Thành xong, không có sẵn Quốc Kỳ, đứng dưới hố, Nhân đưa cao AK (tịch thu đươc) mím môi bóp cò.

Leo lên khỏi hầm, phanh áo ngực, chống nạnh, mỉm cười, nhìn trời mù sương khói súng, tìm ý cho những chặng đường nối tiếp. Cây viết của Nhân hấp dẫn là vì vậy.

Đại Uý Giang Văn Nhân: Ngày chiến thắng Cổ Thành

Còn anh chàng Họ Dương đa tài nhiều tật, nhưng lại có tính cứng đầu dễ thương.

Dương Công Phó và Tô Thanh Chiêu mỗi khi có dịp là ghé thăm tôi, nhưng chỉ trong chốc lát rồi đi kiếm Cao Xuân Huy.

Thanh Chiêu, Xuân Huy, Công Phó gặp nhau như rồng gặp mây:

-“Trời say mặt đỏ gay, đất say đất lăn quay”.

Mặc kệ:

 Ba ta cứ say men chiến thắng, say men và chiến thắng.

Nay (4/2022) Dương Công Phó không đủ sức khoẻ để “dương”, nhưng được y tá săn sóc tốt nên chàng vẫn yêu đời, khi dương khi thủ.

Tháng Ba Gãy Súng” Cao Xuân Huy cầm viết, rồi viết cũng gãy, Huy ra để lại nhiều tiếc thương cho đồng đội. Độc giả, thính giả LSR nhớ Huy mãi trong vai: “Ông đại tá hồi hưu”.

Còn Đại Uý Tô Thanh Chiêu và Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam (TĐP/TĐ.4) đã tử trận vào chiều 25/3/75 tại bờ biển Thuận An. Xác Nam thì đưa về được Non Nước, còn Chiêu thì nằm lại cùng đồng đội, hơn 35 năm sau (2010), đồng bào thôn An Dương, Thuận An đã tìm được 132 bộ xương.

Với tấm lòng thương kính, đồng bào dưới XHCN đã ngưỡng mộ những TQLC hy sinh là “Hiển Hách” rồi đem an táng chung trong một ngôi mồ với 8 chữ:

 “THẬP LOẠI CÔ HỒN HIỂN HÁCH CHI MỘ”

(Chuyện chú em Dương Công Phó K22A còn dài, xin hẹn dịp khác).

Còn nhiều VB/TQLC khác mà tôi chưa có dịp tiếp xúc hoặc cùng đơn vị, nhất là các bạn trẻ từ K22B trở về sau này thì tôi xin gửi lời thăm hỏi và chúc bình an. Xưa chưa biết nhau, nay trên xứ tạm dung, tôi ước mong có dịp được cùng các bạn tâm tình “thợ giặt”. Nay thì xin tâm tình Huynh Đệ Chi Binh với hai bạn Khoá XXVB/TQLC mà tôi chưa biết tên, nhưng nhớ mãi nét mặt ngơ ngác dễ thương vào buồi trưa hôm ấy, ngày 27/3/1975 trên đường phố Đà Nẵng đầy hỗn loạn.

Sáng 27/3/1975, từ Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn trong căn cứ Non Nước Đà Nẵng, tôi được lệnh cầm bao thư đóng dấu “Khẩn, Mật” lên chân đèo Hải Vân trao tận tay cho Đại Tá Ngô Văn Định, Lữ Đoàn Trưởng LĐ468/TQLC. Nhưng đọc đường, dòng người xe cộ từ phía Bắc dồn vào thành phố Đà Nẵng, không thể nào đi tới được, tôi vội báo về TTHQ, nơi đây bảo tôi quay về đế dùng trực thăng.

Quay về cũng không dễ dàng gì, chiếc “đốt-cát” bóp còi inh ỏi, nhích từng chút, bỗng tôi thấy hai chiếc beret xanh TQLC nhấp nhô giữa làn sóng người hỗn loạn. Nghĩ rằng đây là TQLC đào ngũ, nên tôi cho mấy người đi theo tôi đến túm cổ hai con nai. Tưởng rằng dân ba-gai nhưng thấy họ ngơ ngác như nai thật: Đầu đội beret xanh, lưng đeo balô, mặc bộ quân phục Bộ Binh mới tinh, tôi hét hỏi:

– Đi đâu đây? Sao bỏ đơn vị?

– Chúng em trình diện tiểu đoàn, nhưng không biết tiểu đoàn ở đâu.

Thoáng nhìn thấy huy hiệu con rồng ngậm kiếm nhỏ xíu gắn trên nắp túi áo, tôi biết ngay họ là ai, lòng tôi dâng lên một niểm xúc động mạnh, hãnh diện về đàn em mới ra trường tìm về đơn vị trình diện, đúng là: “Không cầu an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao…”, nhưng trong tình thế này, không phải gió mưa, mà là bom đạn, sinh mạng hai chú em như chỉ mành treo chuông, tôi không hỏi thêm bất cứ điều gì mà lớn tiếng quát, cứ như SVSQ cán bộ hét tân khoá sinh năm xưa:

– Leo lên xe, nhanh lên.

Về đến TTHQ, tôi bảo hai chú tự tìm tự chỗ ngủ rồi sẽ trình diện tiểu đoàn sau, còn tôi lo việc của tôi, chẳng có chút thời giờ nào để “tâm tình thợ giặt”.

Sáng 7 giờ ngày 29/3/1975, khi TTHQ được lệnh bơi ta tàu, tôi ngoắc tay cho hai chú đi theo tôi và Thiếu Tá Phạm Văn Sắt K16. May mắn chúng tôi được kéo lên LSM.

– Niên Trưởng, Niên Trưởng, Niên Trưởng…

Mấy Trung Úy HQ cũng vẫy tay lại, reo lên mừng rỡ. Khi lên đưọc HQ404, mấy HQ dẫn hai chàng TQLC này đi đâu thì tôi không biết. Tôi cũng không biêt họ tên gì, khoá mấy4 nhưng tôi biết chắc họ là anh em họ nhà “Võ” Bị. Đã gần 50 năm rồi, vẫn còn thấy ấm áp tinh Huynh Đệ Chi Binh, mong các chú bình an mạnh khoẻ.

***

Chỉ dựa vào tin đồn “nghe nói” mà viết hoặc “nổ” về một người khác, dù tốt hay không tốt là điều… “không tốt”, là không biết tự trọng, nói nôm na là ba-xạo.

Bài viết đã hơi dài, tôi xin kết thúc bằng câu chuyện không xạo:

TQLC Huỳnh Vinh Quang bị xuất Binh Chủng

Quang về trình diện tôi vào trung tuần tháng 12/1967.

Thông thường một sĩ quan mới ra trường thì sẽ đi OJT một thời gian ngắn rồi mới được giao coi trung đội, nhưng tôi đang thiếu Trung Đội Trưởng Trung Đội 14 (hiện do Đại Đội Phó Nguyễn Quốc Chính kiêm nhiệm), nên tôi bảo Chính cứ giao cho Quang coi trung đội ngay đi rồi để mắt dòm chừng. Quang siêng năng học nghề, điều tôi chú ý nhất là mỗi chiều, sau khi đóng quân xong, Quang đều ghi gì đó vào sổ tay, vĩ vậy mà sau này Quang nhớ rất nhiều chuyện.

Quang trông hiền lành, phúc hậu nhưng lại sát giặc, mỗi khi trung đội Quang đi đầu hay cuối đều đụng. Trong trận Kinh Cái Thia sáng ngày 31/12/1967, tới phiên trung đội Quang đi đầu thì đụng nặng, đây cũng là trận đầu tay gay cấn nhất, đáng nhớ nhất đối với Quang, vì người đàn anh “OJT” cho Quang, đi bên cạnh Quang đã tử trận, Quang khóc trong máy làm người nghe khóc theo. Sau trận đêm hưu chiến đó, tiếp theo là Mậu Thân 1968 tại Saigon, trung đội Quang đi cánh nào cũng đụng, nói cho đúng là trung đội nào cũng đụng, nhưng Quang hay gặp mục tiêu gay cấn, nhưng không biết nhờ khả năng hay may mắn mà Quang “thắng” nhiều, ít thương vong.

Thời gian trận Mậu Thân, đại đội tôi bị biệt phái cho Ông Tướng Cảnh Sát, trong một lần Ông Tướng yêu cầu tôi giải toả địch, bắt sống chúng khi chúng đang cố thủ trên toà nhà cao tầng ngay sau lưng dinh Độc Lập. Cảnh Sát Dã Chiến đã tấn công mấy lần mà chưa thanh toán được dù đã bị thiệt hại nhiều. Tới phiên trực, Trung Đội 14 của Quang lãnh nhiệm vụ khó khăn này, “may mắn” thành công, không bị thương vong mà còn bắt sống được tổ đặc công VC đúng theo yêu cầu oái oăm của Ông Tướng.

Tháng 7/2017, khi tìm hiểu về trận Mậu Thân, biết Quang “trở về trên chiếc xe lăn”, Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công đã đến thăm và cám ơn Quang nói riêng và TQLC nói chung5.

Trong vòng hơn năm, Thiếu Uý Huỳnh Vinh Quang đã tham dự những trận đánh gay cấn cùng với ĐĐ.1, nhất là trong trận Cẩu Khởi Bời Lời (14-16/9/1968), Trung Đội của Quang đã góp công cứu sống được cố vấn Mỹ bị thả lầm vào tuyến dịch cho TĐ.2 được 3 lần tuyên dương trước Quân Đội, vậy mà Quang không hề một lần bị thương, vẫn sống hùng. Nhưng “TQLC sống hùng sống mạnh, nhưng không sống lâu”. Câu nói đùa của anh em Cọp Biển đôi khi cũng đúng, Quang “đi đêm nhiều sẽ có ngày gặp ma”!

Đầu năm 1969, Không Quân mở rộng nên họ tuyển mộ nhiều sĩ quan cấp chuẩn uý thiếu uý, TQLC chấp thuận cho các bạn trẻ này nạp đơn, tôi nói Quang cứ nạp đại đi.

Tháng 4/69, sau hơn tuần lễ hành quân vùng Trảng Bom, suối Nước Trong, Long Thành, TĐ.2 dừng quân ven lộ Long Thành để nghỉ ngơi và tái tiếp tế. Trong lúc anh em lãnh thực phẩm, Hạ Sĩ Nhất Chiêm, thư ký Đại Đội, cho tôi biết KQ gửi giấy báo yêu cầu những thiếu uý đã nạp đơn xin về KQ thì đến trình diện, nhưng Tiểu Đoàn chưa phổ biến, vì đang hành quân.

Những giấy gọi đi học, thuyên chuyển, thường bị trì hoãn vì lý do hành quân! “Lý do hành quân” đã khiến nhiều anh không bao giờ trở về đi học được nữa!

Nhận điện tín báo tin “vo de”, nhưng vì “lý do hành quân” cho đến khi “đê vỡ” cả tháng mà chồng vẫn chưa về, có nhiều trường hợp con không biết mặt cha! Thoáng nghĩ đến Quốc Chính hẹn sẽ cưới vợ (Cô Lựu) sau chuyến hành quân thì Chính tử trận bên Quang, tôi nói nhỏ với Quang:

-Có giấy gọi trình diện KQ rồi đó, chú mày “dọot” ngay đi, kẻo lỡ…

Được lời như cởi tấm lòng, Quang vội vàng nhảy xe về Saigon “tú-suỵt”.

Tôi không biết Tiểu Đoàn có phổ biến tin này cho các đại đội hay không mà chỉ có một mình Quang lọt lưới. Việc tôi cho Quang đi trước đã bị phiền hà với TĐT không ít.

Xin trích “Nhật Ký Hành Quân Trung Đội” của Quang để biết Quang bị xuất TQLC để về KQ như thế nào.

***

Sau Tết, hành quân Suối Máu, Lò Than, Biên Hòa, đi Trảng Bôm, suối Nước Trong, Long Thành và chính tại nơi đây, ngày 20 tháng 4 năm 1969, tôi từ giã Trâu Điên, từ giã Trung Đội 14/ĐĐ.1/TĐ.2/TQLC, từ giã những người anh em thân thiết nhất của tôi.

Chuyện tôi giã từ Trâu Điên cũng gian nan rắc rối chứ không dễ dàng gì và hoàn toàn do “cái số” chứ chẳng có quái nhân hay thân nhân nào làm lớn bên KQ. Xin tóm tắt như thế này:

Trước đó TQLC phổ biến văn thư cho phép các ch/úy và th/úy được nạp đơn thuyên chuyển về Không Quân vì họ đang cần nhiều sĩ quan, tôi và một số anh em cũng cứ nạp đại rồi mải miết hành quân mà quên đi, cũng đôi lần được gọi về khám sức khỏe rồi bỏ đó.

Sáng 20/4/69, đang dừng hành quân ở Long Thành thì Cần Thơ báo cho tôi biết B1/TĐ gọi về trình diện KQ và anh cho tôi đi phép “miệng” ngay.

Không chần chừ, vì từ Long Thành tự túc đón xe đò về Saigon không khó, tôi vọt liền. Khi về đến Saigon, khoảng 3 tiếng đồng hồ sau, thì tôi biết TQLC đã hủy bỏ lệnh cho các sĩ quan TQLC về KQ. Những anh nào hành quân xa, chờ phương tiện, hoặc đơn vị cấp phép theo thủ tục, theo hệ thống quân giai, cấp chỉ huy chần chừ là coi như “xôi hỏng bỏng không”, vì thế đại đa số những người làm đơn như tôi đều lọt sổ, chỉ có một mình tôi (hình như có một người khác nữa) là lỡ đi trước lệnh thu hồi thì …cho đi luôn. Tôi biết hậu quả việc Cần Thơ cho phép “miệng” tôi đi ngay sẽ không tránh khỏi bị rầy rà với thượng cấp.

 Hăm hở xin về với TQLC chưa được bao lâu lại vội vàng xin rời màu áo Rằn Ri quả thật lòng tôi áy náy vô cùng. Nhưng thực tế có những lý do dù lòng không muốn nhưng chân vẫn bước đi. Chỉ trong vòng 16 tháng với Trâu Điên mà tôi trải qua những giờ phút nghẹt thở, chứng kiến những người anh em ra đi quá nhanh và không toàn thây, ranh giới tử sinh của TQLC chỉ cách một đường tơ và tôi đã nhiều lần được nằm bên ranh giới sống chết. Chỉ trong vòng một năm mà tôi được tham dự những trận đánh ngoài sức tưởng tượng của tôi như trận Cái Thia, trận Mậu Thân ở Saigon, trận Cầu Khởi-Bời Lời, cả 3 trận này hiệu kỳ của TĐ.2/TQLC đều được tuyên dương công trạng trước Quân Đội.

Xin các anh em Trung Đội 14/ĐĐ.1 nói riêng và Trâu Điên nói chung, thông cảm cho việc tôi đã “sang ngang”. Về KQ, làm việc với KQ tôi mới thấy sự khác biệt giữa hai nơi khiến tôi càng cảm phục sự hy sinh quá mức của anh em trong Binh Chủng Tổng Trừ Bị TQLC./.

Quang K22A (ngồi xe lăn) cùng đồng đội TQLC đồng môn Võ Bị

Trích Tâm Tình của Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công

Kính thưa quý vị, Cảnh Sát Quốc Gia chúng tôi có cái duyên rất gần gũi với TQLC, TQLC đã rất nhiều lần yểm trợ rất đặc biệt cho CSQG.

Đại Tá Trần Minh Công (bên pải) và tác giả trong ngày ra mắt sách  “Nửa Đường

 Năm 1966 tôi mang một biệt đoàn Cảnh Sát Dã Chiến theo Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan ra bình định lại miền Trung, Đà Nẵng và Huế, lúc đó đang có biến động do phía Ấn Quang và Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi chủ động. Với một Biệt Đoàn chúng tôi không có cách gì vào để bình định được ở Đà Nẵng và Huế. Thiếu Tướng Loan nói với tôi là sẽ có sự yểm trợ của một Tiểu Đoàn Dù và một Lữ Đoàn TQLC của Đại Tá Nguyễn Thành Yên. Nếu không thì chúng tôi không thể tái lập an ninh…

Sau này, năm 1968, trong trận Mậu Thân chúng tôi lại có một cơ duyên đặc biệt với TQLC trong trận Mậu Thân tại Saigon.

Lúc đó tôi là Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quận Nhì. Dinh Độc Lập nằm trong phạm vi trách nhiệm của tôi. VC đánh vào dinh ĐL, chúng tôi mất 1 đêm, 1 ngày để đẩy lui một trung đội đặc công VC và cuối cùng chúng ẩn trong một cao ốc 5 tầng về phía Nam của dinh Độc Lập. Suốt đêm giằng co, VC thì ở trên bắn xuống, Cảnh Sát thì trang bị thô sơ không thể đương đầu được, trong khi chúng chiếm cả một cao ốc. May thay chúng tôi được 1 Đại Đội TQLC đến cứu trợ.

Lúc đó Đại Đội TQLC phải đẩy chúng từ nóc Building qua phía Nam, giúp chúng tôi thanh toán được trung đội đặc công VC. Tôi xin, nhân cơ hội này, để cám ơn các chiến hữu TQLC, các bằng hữu giúp tôi từ Đà Nẵng cho đến Quận Nhì. Thực ra tôi chưa biết ông Đại Đội Trưởng, Trung Đội Trưởng lúc đó giúp CS chúng tôi là ai.

 Cách đây 2 năm, khi TQLC Tô Văn Cấp và tôi được nhóm làm phim của Mỹ muốn thực hiện cuốn phim “SàiGòn 68” thì chúng tôi có cơ hội gặp nhau, trao đổi ý kiến về trận Mậu Thân 68. Tôi mới té ngửa ra hồi đó TQLC giúp chúng tôi là các anh Tô Văn Cấp và Huỳnh Vinh Quang. Tôi đã đến thăm Anh Quang.

Cho nên, hôm nay trước khi đặt câu hỏi với anh Tô Văn Cấp, tôi xin được đại diện cho anh em CSQG, và cá nhân tôi xin được cám ơn các Chiến Hữu TQLC, đặc biệt là các anh Tô Văn Cấp và Huỳnh Vinh Quang. Chúng tôi nợ các Anh một món nợ ân tình, cám ơn các Anh.


1 Đã tử trận

2 Đại úy Nguyễn Văn Hưởng K17TĐ thuộc P3 được anh em kéo lên, nhưng nửa chừng thì tuột tay rơi trở lại và Hưởng mất tích từ đó.

3 “Mea culpa”:  Tiếng La-tinh, có nghĩa là “My fault” hay “My mistake” (“Lỗi tại tôi!”)

4 Theo tìm hiểu thì Khoá 27 Võ Bị mãn khoá ngày 27/12/1974, toàn Khoá 27 còn phải đi học thêm chuyên nghiệp về Hải Lục Không Quân cho tới ngày 12/3/1975 mới ra trình diện đơn vị. Do đó tôi mới có dịp “tóm” được hai thiếu uý K27 về trình diện đơn vị, nhưng đơn vị đang hành quân nên các chú mới bơ vơ ở Đà Nẵng trong những ngày hỗn loạn 27/3/75

5 Xem trích “Tâm Tình” của Đại Tá Trần Minh Công (trang 113).