Vài Nét Lịch Sử Đầu Thập Niên 1950

Ai Lãnh Đạo Ủy Hội Quốc Gia UNESCO Việt Nam?

Dương Thanh Bình

unesco 01Không được may mắn như các nước khác trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam đã phải trải qua nhiều biến động lịch sử trong những năm sau Thế Chiến Thứ Hai. Tiến trình tranh đấu cho một quốc gia Việt Nam độc lập và thống nhất ba miền Nam-Trung-Bắc đã bị hai thế lực đối nghịch thế giới chi phối. Tuy vậy, vào năm 1949, Việt Nam đã chính thức trở thành một chủ thể của luật quốc tế khi Pháp chấm dứt chế độ thuộc địa và Việt Nam giành được độc lập theo Hiệp Ước Elysée mà Pháp và Việt Nam đã ký kết ngày 8 tháng 3 cùng năm.

Đầu Thập Niên 1950: Việt Nam bước chân vào các diễn đàn quốc tế

Trong tình trạng phôi thai của một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, vừa được trao trả chủ quyền, Quốc Gia Việt Nam đã cố gắng nhanh chóng phát triển và đóng góp vào nổ lực chung của nhân loại trong thời hậu chiến. Quân đội riêng được thành lập tại Việt Nam vào tháng 4 cùng năm; các vấn đề về ngoại giao, ngân sách và văn hóa, giáo dục cũng được quan tâm phát triển để chu toàn chức năng của một quốc gia độc lập. Trong bối cảnh đó Việt Nam đã nỗ lực hội nhập với các tổ chức toàn cầu hoặc các tổ chức khu vực bên trong và bên ngoài Liên Hiệp Quốc.

  1. Với các tổ chức khu vực:

Việt Nam Gia nhập Colombo Plan năm 1951. Đây là một tổ chức quốc tế quen thuộc đối với người Việt trong và ngoài nước. Kế hoạch Colombo  được thành lập năm 1950 sau Hội Nghị Ngoại Trưởng Khối Liên Hiệp Anh, tổ chức ở Colombo, thủ đô Ceylon (nay là Sri Lanka)  [i] với mục đích hợp tác phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương. Sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954 Việt Nam Cộng Hòa được thừa kế tiếp tục là một thành viên của Colombo Plan. Đến năm 1957 Việt Nam Cộng Hòa đã tổ chức rất thành công Hội Nghị Kế Hoạch Colombo lần thứ bảy tại Thủ Đô Sài Gòn.

2. Với các tổ chức Liên Hiệp Quốc [ii]:

  • Năm 1950 Việt Nam gia nhập: Hiệp Hội Lao Động Quốc Tế (ILO: International Labor Organization); Liên Hiệp Lương Nông Quốc Tế FAO (Food and Agriculture Organization); Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO (World Health Organization. Nhờ gia nhập WHO nên cuối năm 1950 một chương trình chữa trị và phòng ngừa bệnh sốt rét đã được thực hiện trên toàn nước Việt Nam).
  • Qua năm sau, 1951, Việt Nam lại được gia nhập vào các tổ chức: Liên Đoàn Viễn Thông Quốc Tế ITU (International Telecommunication Union); Liên Đoàn Bưu Chính Viễn Thông UPU (Universal Postal Union); UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization). Liên Đoàn Viễn Thông Quốc Tế ITU (International Telecommunication Union); Liên Đoàn Bưu Chính Viễn Thông UPU (Universal Postal Union); UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization).

Vì sự phủ quyết của Liên Xô, Quốc Gia Việt Nam đã thất bại khi xin gia nhập Liên Hiệp Quốc và một tổ chức khu vực của Liên Hiệp Quốc là ECAFE (Economic Commission for Asia and the Far East, tức Ủy Ban Kinh Tế Châu Á và Viễn Đông). Tuy nhiên nỗ lực hội nhập các tổ chức thế giới để trở thành một quốc gia văn minh và phát triển đã có nhiều thành công như trên đã nêu. Quan trọng nhất là được trở thành Hội Viên UNESCO vào tháng 3 năm 1951.

Bài viết này là một lược khảo để chứng minh rằng

  • Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung là Phó Chủ Tịch và Cô Nguyễn Thị Châu là Tổng Thư Ký đầu tiên của UNESCO Việt Nam. Hai nhân vật lãnh đạo cấp quốc gia của Ủy Hội UNESCO Việt Nam này đã năng động trên cấp quốc tế trong Hội Nghị Khu Vực các Ủy Hội Quốc Gia UNESCO, tổ chức năm 1951 ở Bangkok;
  • sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, Miền Nam Việt Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa, được thừa kế Quốc Gia Việt Nam để tiếp tục là một thành viên của UNESCO.

 

Sơ lược về hai nhân vật đầu tiên của UNESCO Việt Nam

  1. Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung [iii]

Ông Nguyễn Thành Giung người làng Tân Hưng (Tân Đông), Tỉnh Sa Đéc (nay là thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Theo Niên Giám Hành Chánh của Đông Dương (Annuaire administrafif de L’Indochine) [iv],  năm 1937, trang 86; Ông sanh ngày 20 tháng 9 năm 1894. Thuở nhỏ Ông học trường Chasseloup Laubat Sài Gòn. Đến năm 1915 sang Pháp học tại Đại Học Marseille. Năm 1923 tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học (Docteur ès-Sciences), hạng tối ưu (très honorable) với luận án có tựa đề Contribution à l’étude anatomique des téguments séminaux des légumineuses exotiques”. Luận án này đã được in thành sách với cùng tựa, dầy 95 trang[v].

Năm 1926 Nguyễn Thành Giung về nước làm việc ở Phòng Nghiên Cứu Khoa Học Thuộc Địa rồi dạy tại Trường Sư phạm Normal. Theo các bản Niên Giám Hành Chánh của Đông Dương, năm 1928 Ông dạy Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường Lê Quí Đôn), qua năm sau, 1929, Ông chuyển sang dạy Trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Từ năm 1942 đến năm 1945 Ông làm Hiệu trưởng Collège Le Myre de Vilers (Trường Trung Học Mỹ Tho). Đây chẳng những là vị hiệu trưởng người Việt đầu tiên của trường Mỹ Tho, hơn thế nữa, là vị hiệu trưởng người Việt đầu tiên của các trường trung học ở Việt Nam[1].

Năm 1946, Nguyễn Thành Giung được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục trong chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Sau ông ra Hà Nội làm giáo sư rồi giữ chức vụ Phó Viện Trưởng Đại học Hà Nội (là hậu thân của Đại học Đông Dương). Năm 1952 Ông lại kiêm nhiệm thêm chức Bộ Trưởng Giáo Dục và Thanh Niên.

Khi đương nhiệm Bộ Trưởng Giáo Dục Việt Nam, ngày 22 Tháng Ba Năm 1953 ông đã ký Nghị định 179-NÐ đổi tên trường Collège Le Myre de Vilers thành Trường Trung Học Nguyễn Ðình Chiểu. Ngày 14/10/1953, ông ban hành nghị định số 193-GD/NA để cải tổ giáo dục bậc Trung Học theo chương trình Việt, bỏ chương trình Pháp.

Sau khi nghỉ hưu Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung sống ở Pháp Quốc. Nhưng cuối đời Ông lại trở về Sài Gòn và mất năm 1959, an táng tại Đất Thánh Tây, tức nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Năm 1982 khi nghĩa trang bị dời đi, gia đình Ông đã cải táng rồi hỏa thiêu để mang tro về Pháp, nơi vợ con ông đang sinh sống[vi].

2. Cô Nguyễn Thị Châu [2]

Theo Niên Giám Hành Chánh của Đông Dương năm 1937 trang 114, Cô Nguyễn Thị Châu sanh ngày 25 tháng 6 năm 1912, có văn bằng cử nhân (Licenciée), là giáo sư tập sự (professeur stagiaire), công chức Đông Dương được bổ nhiệm ngày 15 tháng 10 năm 1936. Cô học Tiểu Học ở trường Áo Tím vào khoảng cuối thập niên 1910 khi trường còn mang tên École Primaire de Jeunes Filles Indigènes.

Cô Nguyễn Thị Châu được hội SAMIPIC[3] tài trợ đi Pháp du học và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có bằng Cử Nhân Sử Địa của Pháp. Cô được bổ nhiệm dạy Collège de Jeunes Filles Indigènes (sau đổi thành Collège Gia Long) từ năm 1936 và dạy liên tục trong suốt 14 năm. Đến năm 1950 Cô được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng thứ 7 của Collège Gia Long, cũng là vị hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường.

Một cựu giáo sư Gia Long, nguyên là nữ sinh thời Cô Nguyễn Thị Châu làm hiệu trưởng, cho biết Cô Châu còn có thêm bằng Cử Nhân Văn Chương của Pháp qua lời kể sau đây:

“Trong tờ “Bulletin des Notes” của học sinh, Cô Châu ký tên và đóng 3 con dấu. Bên cạnh dấu Hiệu Trưởng còn có hai con dấu khác ghi “Licenciée ès Lettres”“Licenciée ès Histoire ─ Géographie”. Phụ huynh rất ngưỡng mộ khi thấy Hiệu Trưởng có hai bằng cử nhân và luôn lấy đó để khuyến khích con em noi theo gương Cô”

Năm 1952 Cô Nguyễn Thị Châu thôi giữ chức Hiệu Trưởng và rời trường Gia Long. Trang 196[vii] của cuốn “Glamour in the Pacific Cultural Internationalism and Race Politics in the Women’s Pan-Pacific”[viii] ghi rằng Cô Nguyễn Thị Châu, Tổng Thư Ký của Ủy Hội Quốc Gia UNESCO Việt Nam, là 1 trong 3 đại biểu Việt Nam tham dự Hội Nghị lần thứ 7 Pan-Pacific and South East Asia Women’s Association (PPSEAWA) được tổ chức năm 1955 tại Manila, Philippines. Từ chi tiết này có thể cho rằng Cô Châu rời trường Gia Long để chu toàn một trọng trách khác, đó là Tổng Thư Ký UNESCO của Quốc Gia Việt Nam.

Cuối đời Cô Nguyễn Thị Châu cư ngụ tại Montpelier, Pháp Quốc và mất năm 1996.

Những tài liệu của UNESCO

unesco 02I)  Hội Nghị Khu Vực Nam Á và Nam Thái Bình Dương Lần Thứ Hai của các Ủy Hội Quốc Gia UNESCO (UNESCO Second Regional Conference of National Commissions for UNESCO of South Asia and the South Pacific) được tổ chức tại Bangkok từ ngày 26 tháng 11 đến 10 tháng 12 năm 1951. Trang 8 của bảng danh sách đại biểu tham dự hội nghị này[ix]  cho biết phái đoàn Việt Nam có hai người là Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung, Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Hà Nội[4] kiêm Phó Chủ tịch Ủy Hội Quốc Gia UNESCO Việt Nam, và Cô Nguyễn Thị Châu, Hiệu Trưởng Trường Gia Long Sài Gòn, kiêm Tổng Thư Ký của Ủy Hội Quốc Gia UNESCO Việt Nam.

Kết hợp thời điểm tiến hành hội nghị và thời điểm Quốc Gia Việt Nam gia nhập UNESCO (tháng 3 năm 1951) có thể kết luận Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung và Cô Nguyễn Thị Châu là Phó Chủ Tịch và Tổng Thư Ký Ủy Hội UNESCO Việt Nam đầu tiên.

Theo bản phúc trình tạm thời (provisional report) của Hội Nghị lần 2 này [5], Tiến sĩ Nguyễn Thành Giung được bầu làm Phó Chủ Tịch phụ trách văn hóa của Hội Nghị. Ông cũng đã được bầu làm Chủ Tịch (Chairman) của 3 buổi hội thảo (trong tổng số 21 hội thảo của Hội Nghị) sau đây:

  1. Hội thảo thứ 14 bàn luận về giáo dục căn bản (fundamental education), giáo dục tráng niên (adult education), giáo dục cưỡng bách (compulsory education), quảng bá khoa học (diffusion of science) và trợ giúp kỹ thuật (technical assistance).
  2. Hội thảo thứ 16 kiểm tra và chỉnh sửa biên bản đã được ghi chép từ hội thảo trước và bàn thảo thêm về âm nhạc và văn học.
  3. Hội thảo thứ 19 kiểm tra và chỉnh sửa biên bàn của hội thảo ngảy 7 tháng 12 năm 1951 về Hoạt Động Văn Hóa (Cultural Activities).

Qua những phần trình bày của Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung đã ghi lại trong bản phúc trình này, có thể thấy được Quốc Gia Việt Nam bắt đầu có giáo dục cưỡng bách; việc học hành ở bậc sơ cấp đã được miễn phí; ở một số nơi học sinh có thể ăn trưa trong quán hiệu đoàn tại trường. Đồng thời Ông cũng trình bầy những khó khăn về kinh phí, về cơ sở trường ốc, những hạn chế của giáo dục bằng thính thị (audio visual) và sự thiếu thốn dụng cụ giảng dạy khoa học. Những khó khăn về truyền bá khoa học, phát triển văn hóa, giáo dục được Ông đánh giá là những vấn đề lớn của hầu hết các nước Á Châu.

II) Hội Nghị Khu Vực Châu Á lần thứ Tư của các Ủy Hội Quốc Gia UNESCO (The Fourth Regional Conference of National Commisions for UNESCO in Asia) được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Hai năm 1964 tại Bangkok gồm có 24 nước thành viên, kể cả Việt Nam, tham dự.

  1. Trong một văn kiện[x] được soạn thảo vào tháng 12 năm 1963 (để chuẩn bị cho Hội Nghị Khu Vực Châu Á lần thứ tư) nói về những biện pháp giải quyết một số vấn đề đã nêu trong hội nghị Khu Vực các Ủy Hội Quốc Gia UNESCO (tổ chức vào tháng Giêng năm 1960 ở Manila – Phi Luật Tân) có ghi rõ hai hội nghị sau đây của UNESCO đã được tổ chức ở Thủ Đô Sài Gòn:
  • Tháng Giêng năm 1959 Hội Thảo Khu Vực của các Khoa Học Gia Ngành Hải Dương (Regional Meeting of Scientists in Marine Science).
  • Tháng Tư năm 1962 Hội Nghị Khu Vực Á Châu về Giáo Dục Tráng Niên (Asian Regional Conference on Adult Education).
  1. Trong phúc trình cuối cùng (final report) [xi] của Hội Nghị Khu Vực Châu Á Lần Thứ Tư, đại biểu Việt Nam đã
  • trình bày những vấn đề cần quan tâm và đề nghị những sự hỗ trợ cho giáo dục tráng niên cho Việt Nam nói riêng và cho các quốc gia Á Châu nói chung;
  • cùng với đại biểu Thái Lan nhấn mạnh vị trí quan trọng của khu vực Đông Nam Á và đưa ra những đề nghị để phát triển văn hóa ở Đông Nam Á cũng như bảo tồn và truyền bá nền văn hóa riêng của khu vực này;
  • khẳng định rằng đoàn đại biểu Việt Nam là đại diện của Ủy Hội Quốc Gia UNESCO Việt Nam và Việt Nam đã là thành viên của UNESCO từ năm 1951.

Những điều nêu trên đủ chứng minh Việt Nam Cộng Hòa là người thừa kế Quốc Gia Việt Nam để tiếp tục là một thành viên của UNESCO.

Lời Kết

Như đã ghi nhận trong phần mở đầu, bài viết này nhằm mục đích giới thiệu Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung và Cô Nguyễn Thị Châu, Phó Chủ Tịch và Tổng Thư Ký của UNESCO Việt Nam, như là những nhân vật lãnh đạo cấp quốc gia đầu tiên của Ủy Hội UNESCO Việt Nam; đồng thời xác minh vị trí của Việt Nam Cộng Hòa ở UNESCO từ năm 1954 đến năm 1975. Vì vậy chúng tôi chỉ trình bày một phần nhỏ nội dung của các phúc trình và văn kiện có liên quan đến mục đích của bài viết. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày thêm các thông tin khác về Việt Nam còn lưu lại trong các văn kiện này để chúng ta có thể nhìn được một phần các sự kiện lịch sử của Việt Nam đã bị mai một ít nhiều.

Sydney tháng 12 năm 2013.

Dương Thanh-Bình


[1] Các Hiệu Trưởng người Việt đầu tiên của các trường trung học tiêu biểu:

[2] Xem thêm bài “Vị Hiệu Trưởng người Việt Nam đầu tiên của Trường Áo Tím – Gia Long”; Đặc San Trăm Năm Áo Tím Gia Long, Đại Hội Gia Long Thế Giới Kỳ VI, Sydney 2013.

[3] SAMIPIC (Société pour l’Amélioration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de Cochinchine, còn gọi là Hội Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ) được thành lập năm 1926 với mục đích giúp các học sinh nghèo học giỏi. Họa sư Lê Văn Đệ và Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê là những người đã từng nhận học bổng của SAMIPIC.

[4] Đại học Hà Nội là hậu thân của Đại học Đông Dương, từ năm 1945. Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung là Phó Viện Trưởng phụ trách chi nhánh tại Sài Gòn. Xin xem thêm: http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a

[5] Trang 2, report of the first plenary meeting at Chulalongkorn University, Bangkok ngày 26/11/1951

http://unesdoc.unesco.org/images/0015/001554/155419eb.pdf

Tài liệu tham khảo

[i] Theo bài “Từ Một Sáng Kiến Độc Đáo của Úc Năm 1950: Kế Hoạch Colombo Hai Chiều trong Thế Kỷ Châu Á; Ngọc Hân, Đại VOA Washington DC.

[ii]http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A1_tr%C3%ACnh_gia_nh%E1%BA%ADp_Li%C3%AAn_H%E1%BB%A3p_Qu%E1%BB%91c_c%E1%BB%A7a_Vi%E1%BB%87t_Nam

[iii]http://dongthap.gov.vn/wps/wcm/connect/Web%20Content/dongthap/timhieudongthap/nhanvatlichsu/sitanhanvatlichsu_g/20100110+nguyen+thanh+giung

[iv]http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k56041194/f94.image.r=nguyen%20thanh%20giung.langEN

[v]http://books.google.com.au/books?id=ViHTHAAACAAJ&dq=Contribution+a%CC%80+l%27e%CC%81tude+anatomique+des+te%CC%81guments+se%CC%81minaux+dos+Le%CC%81gumineuses+exotiques.+the%CC%80se+…&hl=en&sa=X&ei=DJueUu_aO9HpoATxvIDYBQ&ved=0CEMQ6AEwAA

[vi]http://vansu.vn/?part=nhanvatlichsu&opt=nhanvatlichsu&act=view&nhanvatlichsu_id=1607

[vii]http://books.google.com.au/books?id=FaJUnnYxOlYC&pg=PA196&dq=The++Regional+Conference+of+National+Commissions+nguyen+thi+chau&hl=en&sa=X&ei=QTpQUYftOorakgXr4IHgAw&ved=0CDcQ6AEwAQ#v=onepage&q=The%20%20Regional%20Conference%20of%20National%20Commissions%20nguyen%20thi%20chau&f=false

[viii] Fiona Paisley, University of Hawai’i Press, 2009.

[ix] http://unesdoc.unesco.org/images/0015/001554/155420mb.pdf

[x] http://unesdoc.unesco.org/images/0014/001417/141738eb.pdf

[xi] http://unesdoc.unesco.org/images/0014/001417/141739eb.pdf