Tuổi thơ của tôi

Lê Phước Hải

Tôi sinh ra đời ở một làng quê nghèo dân cư thưa thớt – Gò Tre, tỉnh Gò Công (GC), 58 km về hướng nam của thủ đô Sài Gòn, vốn là một phủ của Chân Lạp, tên là Lôi Lạp, bị  quân Chúa Nguyễn chiếm được vào năm 1757. Dù cách thủ đô không xa, nhưng từ GC đi SG mất gần nửa ngày xe đò, do phải qua phà băng ngang sông Vàm Cỏ (*1). Tỉnh GC vùng đất ngọt, ngoài những đám ruộng lúa phì nhiêu, bải biển Vàm Láng với hải sản sung túc, còn nổi tiếng với những vườn cây sơ ri nặng trĩu những trái nhỏ, tròn đỏ và đặc sản bánh giá chiên, không có ở những nơi khác. Tôi lớn lên trong tình thương và sự bảo bọc của ngoại và bố mẹ tôi, cũng như trải qua nhiều biến cố lịch sử lớn lao. Năm tôi 1 tuổi, gần 1 triệu dân miền Bắc bỏ nhà cửa, băng qua vĩ tuyến 17 để di cư vào Nam. Một năm sau đó, miền Nam có tên là Việt Nam Cộng Hòa ra đời dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đinh Diệm.

Phà Cầu Nổi (SG – GC)

Thời điểm đó, bố tôi làm việc ở Sài Gòn. Ngoại tôi có 5 người con gái. Bà ngoại mất sớm. Các chị của mẹ tôi lấy chồng và theo chồng làm ăn ở khắp nơi, trừ dì Sáu đi tu ở Châu Đốc từ năm 20 tuổi. Mẹ tôi là con út, lấy chồng, sinh con nhưng vẫn tiếp tục ở nhà ông ngoại tôi để chăm sóc ông, đồng thời phụ việc ruộng nương và đồng áng.

Nhà ngoại tôi cách trung tâm tỉnh GC khoảng hơn 1 cây số. Từ nhà tới đường lớn cách 400m. Quẹo  trái, đi tới chợ GC. Quẹo phải đi xuống làng Kiểng Phước. Dân làng thường đi chợ bằng cách đi bộ, đi xe đạp, hoặc quá giang những chiếc xe ngựa, xe lambretta 3 bánh qua lại. Đầu đường có một cái ao lớn. Bên cạnh là vườn chuối, cà và dưa leo. Chung quanh là ruộng, và lơ thơ vài cây sua đủa, nên vào những buổi trưa trời nắng, nước ao rất ấm, và tôi vẫn thường ra đây bơi lội. Năm nọ, mẹ tôi nửa đêm bỗng chuyển bụng sắp sanh. Ông tôi phải chạy sang nhà hàng xóm nhờ 2 cậu thanh niên vác võng khiêng mẹ tôi đến bệnh viện tỉnh để sanh. Thời ấy, chưa có đèn điện, và đèn đường. Ông tôi đi trước xách cây đèn dầu dẫn đường. Xin cảm ơn những người hàng xóm hiền hòa tốt bụng của quê tôi!

Từ năm học lớp ba, tôi bắt đầu đạp xe đạp con để đi học. Mãi khi ông tôi mất, theo truyền thống đáng lẻ tiếp tục sống dưới quê để làm ruộng hương quả, tổ chức Tết, và những đám giổ ông bà, mẹ tôi dẫn 4 đứa em tôi lên SG chung sống với ba tôi. Người dì thứ Tư trước giờ cùng chồng dạy học ở SG, bỏ nghề, bán nhà, dẫn 9 người con về GC đảm nhận việc làm ruộng hương quả, thờ cúng tổ tiên, thay thế mẹ tôi.

Lúc đó, tôi vừa vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường Trung học GC. Tôi vẫn tiếp tục học ở đây thêm 3 năm, đến năm đệ tứ mới chuyển lên trường Petrus Ký ở SG, và học hết bậc trung học ở trường nầy.

Nhà ngoại tôi bấy giờ chỉ có tôi và ông anh cả con dì Tư, tên Minh. Anh Minh lúc đó đang học lớp 12 trường TH GC. Thường học xong, anh ghé nhà bạn ở chợ, để học chung với bạn, ít khi về nhà. Cuối tuần nếu về nhà, thì có bạn ghé theo. Thường ít khi gặp mặt. Nên nhà ông tôi chỉ có tôi đóng vai chính. Mỗi đêm tôi đều đốt nhang cúng ông. Vườn sau nhà ông tôi có trồng nhiều cây ăn trái. Tới mùa, trái xum xuê. Như chuối, xoài, bưởi, mảng cầu, mận, ổi. Có đêm trăng sáng khoảng 11 giờ đêm, có người lạ mang giỏ leo lên cây mận sát nhà hái trộm. Trong nhà nhìn ra thấy rất rỏ, nhưng lúc đó chỉ có mình tôi ở nhà, sợ quá, đành làm thinh như không hề hay biết. Hái đầy giỏ, hắn leo xuống, huýt gió đi về. Hôm khác, giữa ban ngày, một đứa trẻ xóm khác khoảng 15 tuổi leo lên cây bưởi, để hái trộm bưởi. Rủi thay, anh Minh có nhà trông thấy, bắt nó trói vào cây bưởi, để cho đàn kiến vàng xúm nhau bò lại cắn. Anh còn dọa nếu bắt gặp hái trộm trái cây lần nữa sẽ đưa lên chợ giao cho cảnh sát trên tỉnh.

Trái Sơ Ri

Trước đây, những vườn sau nhà của dân làng được bao bọc bởi hàng tre cao, già, mọc sát nhau, đồng thời làm hàng rào cách nhà bên cạnh, nên vườn ai nấy giử, không ai bước sang nhà hàng xóm được. Khoảng năm 1960, VC vùng lên, bắt dân trong làng phải đốn bớt những cây tre cuối vườn, làm thành một lối đi rộng khoảng 1m sát biên hàng rào, thông từ nhà nầy sang nhà khác, để họ có thể di chuyễn ngày đêm từ làng nầy sang làng khác dễ dàng, không phải chạm mặt với xe chở lính VNCH đi tuần ngoài lộ lớn trước nhà. Từ đó, những tay trộm trái cây cũng dễ dàng hoạt động hơn …

Kế nhà ông tôi, có anh Tôn tuổi trạc anh Minh tôi, người đen cao lớn nhưng chẳng học hành gì (Ông tôi thường gọi anh là Tôn Tẫn, và la tôi “mầy cứ theo thằng Tôn Tẫn, không lo học hành, lớn lên cũng lông bông như nó chứ chã ra thể thống gì”). Anh Tôn thường tìm bắt những ổ trứng kiến vàng đem về trộn với sáp đèn cầy đốt cháy nhão làm mồi câu cá rô ngoài ruộng hoặc câu trộm cá phi ở những ao nuôi cá của dân làng. Tôi cũng bắt chước đi theo câu cá, nhưng mồi là những con trùn đất đào được. Thường sau 1 buổi đi câu về, anh Tôn mang về 1 giỏ cá. Còn tôi ngồi câu cả buổi cũng không được 1 con cá làm thuốc. Đâm chán nên không theo câu nữa. 

oOo

Xóm tôi ở SG là khu cư xá chính phủ cất bán rẻ ưu tiên cho quân nhân, công chức cấp thấp, tiền trả góp nhiều năm. Nhưng sau đó các nhà được bán lại những người khác đủ các thành phần trong xã hội. 

Cư xá ban đầu có khoảng đất trống lớn nằm giữa cư xá, được dự trù làm công viên. Đến năm 1965 chính sách “Người Cày Có Ruộng” ra đời, thì tại SG nổi lên phong trào “Thương Phế Binh Đòi Quyền Sống”. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, khoảng đất trống nầy được “cấm dùi” và từng lô đất mọc lên dang dở những căn nhà cây, gạch, nóc lá, hoặc vải dù. Những căn nhà xây “bất hợp pháp” nầy bị chính phủ dỡ bỏ. Cây, gạch nằm ngổn ngang. Ít hôm sau, những căn nhà nầy lại mọc lên, lại bị dỡ xuống! Sau nhiều lần như thế, chính phủ làm lơ, không đụng đến nữa. Nhà cất xong hoàn chỉnh thì được bán lại cho người khác. Khi phong trào “đấu tranh” ồn ào nầy dịu xuống, chỉ còn vài nhà có gia đình thương phế binh thật sự ở. Phần còn lại đủ dân tứ xứ, lành lặn, dư giả. Cư xá quy hoạch với “ghế đá công viên” thoáng, khang trang trở thành khu đông dân cư, đi đâu cũng gặp nhà và … nhà. Trái hẳn với cảnh phố Sinh Từ của nhà thơ Trần Dần:

    Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà
    Chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ…!

Nơi đây cũng xảy ra nhiều chuyện buồn cười. Cách nhà tôi 3 căn, trước nhà trồng 2 cây mận. Cây nào tới mùa cũng say trái, chín đỏ, ngọt, không bị sâu bọ, trái mọc từng chùm nặng trĩu, xệ cả nhánh. Đối diện với nhà tôi có tên Việt Anh, trạc tuổi tôi, người nhỏ thấp, có cái răng khểnh, hiền, cười nói có duyên, học đến lớp 9 thì bỏ học ở nhà chơi. Suốt ngay lân la sang các nhà kế cận đấu láo, chẳng làm gì. Hôm nọ, khoảng 11 giờ đêm, cả xóm đã tắt đèn ngủ, đêm không trăng, chỉ có ánh đèn đường leo lét, anh mang theo túi xách leo lên cây mận hàng xóm, hái đầy xách tay, sắp sửa leo xuống thì trong nhà đang tối om, bỗng dưng đèn bật sáng lên. Anh ta vội vàng leo xuống và chạy lẹ về nhà, bỏ quên đôi dép dưới gốc mận. Sáng sớm hôm sau, có người đến gỏ cửa nhà anh ta đòi gặp 2 bác. Mẹ anh mở cửa ra, cô bé nhà có cây mận trao cho mẹ anh ta đôi dép, lể phép nói: “Tối qua, anh Việt Anh hái trộm mận nhà con, khi về bỏ quên đôi dép, nên mẹ con bảo con đem trả cho anh Việt Anh”. Sau nầy, Việt Anh thỉnh thoảng nhắc lại chuyện xưa, cười bẻn lẻn: “Nhà nầy tưởng hiền mà ghê thiệt. Tao tởn tới già không dám hái trộm mận nhà nầy nữa”.

Nhưng có chuyện khác đáng thương tâm hơn. Dãy nhà tôi, cuối xóm có cô bé nhỏ tí, tóc uốn ngắn, có gương mặt xinh xắn, học thông minh chăm chỉ, cuối năm lớp đệ tứ Trường Mạc Đĩnh Chi được lảnh phần thưởng danh dự toàn trường. Món quà nặng bọc giấy kiếng đỏ, cao gần tới vai, cô ta phải gọi xe xích lô chở về nhà. Khi miền Nam mất nước, có lẻ vỡ mộng du học, cô ta trở nên trầm cảm, bỏ học, cả ngày lang thang trong xóm, mặt vô thần, ít khi nói chuyện với ai. Có lần, tôi bắt chuyện, cô ta trả lời tôi bằng tiếng Anh, nhưng không liên quan với câu hỏi. Khác hẳn với những lần nói chuyện linh hoạt vào những năm trước đó, rằng mộng ước duy nhất của cô là được học bổng du học.

Chiều đám trẻ xóm tôi hay tụ tập trước đường, chơi đá banh, hoặc đá cầu. Tôi cũng tham gia. Lúc mới chuyển lên SG, thường mặc áo sơ mi trắng cũ đồng phục của trường TH Gò Công, trên túi có may phù hiệu “Trường Trung Học Gò Công”, nên đám trẻ trong xóm gọi tôi là thằng “Gò Công”. Những trẻ khác cũng có tên riêng kèm theo. Như Long được gọi là Long C. Còn Đức là Đức cống. Cần anh là Cần lựu đạn. Cần em là Cần cà chua (vì có mũi to như trái cà chua). Việt Anh là Việt gian. Quí đen. Trí còi. Công ngủ, v.v..

Kế nhà tôi, chủ nhà vừa mua cái Tivi để trên bàn hướng mặt ra ngoài. Tối đến, đám trẻ trong xóm xúm nhau đứng ngoài cửa nhìn vào, xem ké những chương trình kịch Tùng Lâm, La Thoại Tân, Kim Cương, hoặc những tuồng cải lương hay có Hùng Cường hoặc Thanh Nga đóng. Về sau, nhà nào cũng mua riêng cái Tivi nên không còn cảnh xem ké nhà hàng xóm.

Biển Vàm Láng, GC

oOo

Lên SG, vào học lớp 9 PK (Tứ 5), khoảng 50 học sinh, tôi ngồi bàn đầu, hàng giữa. Nhớ thời ấy, mỗi năm đều có vài học sinh từ các trường khác chuyển đến. Điều kiện: có học trình xuất sắc. Hoặc thành tích thể thao xuất sắc. Cùng bàn có Phạm Viên Minh, từ Phan Thiết chuyển vào, và Nguyễn Trung Tiến, từ trường Tư thục Thị Nghè. Tiến chiếm giải vô địch về bơi lội trong đợt thi giữa các trường trung học SG. Cũng bàn đầu, có Nguyễn Trung Tín, Vũ Văn Vượng,  Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Trí Dũng, và LT. Bàn hàng nhì có Nguyễn Văn Lành, Dương Bỉnh Chương, Trần Văn Kim, Lê Mộc, Nguyễn Ngọc Ấn, Nguyễn Phú Du. Bàn hàng 3 có Nguyễn Nhật Trung, Lê Lam Sơn, Vương Khải Hoàn. Gần bàn cuối có Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Thành Danh. Tiến và Ấn học hết lớp 11 thì không biết đi đâu, và tôi không gặp nữa. Lớp tôi có Nguyễn Thế Hòa hiền lành, cận, làm trưởng lớp, lớn tuổi, vừa lấy bằng Tú Tài thì đi Thủ Đức. 6 tháng sau tử trận. Buồn. Tới năm lớp 11 và 12, lớp vắng bớt. Vài tên lớn tuổi nên ra trường tư học nhảy lớp, vài tên đi lính, và vài tên bỏ đi bụi đời!

Thi xong Tú Tài 2, lớp tôi đậu hết và tản mạn khắp nơi. Người du học chương trình Colombo, người du học tự túc, người đi SQ Đà Lạt, người Thủ Đức.  Còn lại vào các trường Đại Học công, tư, thi tuyển, ghi danh, ở Sai Gòn.

Những bạn tôi, mỗi người dóc dáng khác nhau, khác tính và cách đối xử của gia đình với bạn của con mình cũng khác. Tín nhỏ, ốm, lanh lợi, vui vẻ, nói nhiều, vừa nói vừa thở. Vượng đạo mạo như ông cụ non. Hà có mụt ruồi đen trên càm, lún phún mấy sợi râu. Chương ốm, hiền, đi lom khom. Du nghệ sĩ, lừng khừng, thích đờn, và ca những bản du ca. Sơn cao 1.82m, tóc dài, nói chậm giọng lè nhè nên bạn gọi là Sơn nhè. Đờn hay, ca hay, vẽ đẹp. Còn Danh cũng cao ráo, nhậu mặt tái không biết say, có biệt hiệu là Danh giáo chủ (nhậu). Vinh đen giống Chế Linh, bạn đặt tên Kendu, nói năng nhỏ nhẹ, cười từ tốn. Trung người cao, khỏe, rắn chắc, lưng thẳng lúc đi hoặc ngồi, nhìn vào như có võ nghệ lâu năm. Ấn lầm lì, chắc mạnh, cận thị nặng với cặp kính dầy, trong lớp không chơi với ai.

Hôm nọ, lớp vừa xong tiết học 50 phút, sang giờ giải lao, ngay trước cửa lớp, Ấn không nói rằng dơ thẳng tay bụp LT. một cái bốp rồi bỏ đi. LT. hiền lành, tóc bao giờ cũng hớt ngắn như lính mới, giơ tay xuýt xoa má, buồn hiu, bở ngở nhưng không đánh trả. Ai cũng làm lạ, không biết chuyện gì đã xảy ra. Đến giờ tan lớp, lúc Ấn sắp sửa leo lên xe đạp về, 2 bạn thân của LT. ngồi hàng ghế cuối lớp, đồng nhào vô đánh Ấn liên tục mấy cái, làm rớt cặp kính của hắn xuống đất, hắn lảo đảo nhưng chẳng thấy đường để đánh trả lại. Vừa lúc đó, không biết từ đâu, Trung bay vào, tay đấm, tay quấc cùi chỏ vào 1 tên, chân vung lên đá mạnh tên còn lại. Đau quá, cả 2 bỏ chạy. Trung cuối xuống lượm cặp kính dưới đất trao lại cho Ấn. Nhưng kính đã bị nứt bể. Liên tiếp mấy ngày sau, giờ tan học, trước cổng sau, cũng có 2 anh của Trung lúc đó đang học ĐH Khoa Học đội nón lụp xụp che nửa mặt, đứng đợi đó như sẳn sàng đợi trận đòn thù, còn 2 tên kia nghỉ học. Đầu tuần lể sau, mọi người đi học lại bình thường (Có lẻ trường biết được, gọi nhóm nầy lên hỏi chuyện và giải hòa). Âu cũng là một định luật của xã hội. Có mâu thuẩn mới có đấu tranh và sinh ra tiến bộ !

Còn Lành mập mạp, hoạt bát, không bao giờ gây sự với ai, và thân thiện nhất. Bạn bè gọi là Paul. Khi mới nhập lớp còn bỡ ngỡ với những khuôn mặt mới, trong giờ giải lao, Lành đến gợi chuyện nên tôi cảm thấy bớt xa lạ, và quen thân Lành ngay từ đó.     

Nhà của Lành là biệt thự cao 4 tầng mới xây, gần đầu hẻm Trần Quốc Toản, cách đường chính khoảng 50m, vừa đủ cho gia đình 15 người và trên 10 khách vảng lai như cậu Oánh, cậu Hiếu, cậu Út Đảng, dì Hoảng …, người nào cũng hiền như “cục đất”. Nhà của Tín khang trang trong hẻm đường Huỳnh Mẫn Đạt. Nhà của Trung 2 tầng, xóm Vườn Chuối. Nhà của Minh lót gạch bông bóng sáng ở đường Trương Minh Giảng. Thời đó điện thoại nhà còn giới hạn, điện thoại cầm tay chưa có nên mỗi lần muốn gặp nhau phải đạp xe tới nhà từng người.

Trong đám bạn, mẹ của Minh dể dãi nhất. Thấy bạn tới là bà gọi Minh ra liền. Minh cao, đẹp trai nên có bạn gái sớm nhất. Cô nàng học lớp 11 trường Nguyễn Bá Tòng, tròn, xinh đẹp, và nhu mì. Thi xong, hắn thường đi chơi riêng với bạn gái nên chúng tôi ít khi gặp. Sau đó hắn tình nguyện đi SQ Đà Lạt nên hầu như không có dịp gặp nữa. 

Bánh Giá

Còn Lành, đặc biệt rờ đầu, xương sọ rất cứng, tóc oăn, mịn, sát da đầu. Có lẻ sọ chứa nhiều chất xám nên xương sọ cứng và rất thông minh chăng? Mỗi lần đến nhà Lành, thường gặp ông bố của Lành ngồi oai phong trong phòng khách, hầu như lúc nào mặt cũng đỏ gai như có vài ly rượu, giọng rặt Huế rổn rảng, nói: “Lành nó đi rồi, không có nhà”. Nếu gặp chị Hương, chị Danh hoặc em của Lành thì nháy mắt bảo: “Lành đang ở trên gác đó”. Có khi phải tìm viên sỏi nhỏ phóng lên tầng sân thượng, viên sỏi lăn lóc vang tiếng lọc cọc thì thấy Lành nhô người ra nhìn xuống thấy bạn, chạy xuống liền. Chị em Lành người nào cũng học giỏi. Nữ, học trường Gia Long. Trai, trường Petrus Ký. Trong nhà đã tốt nghiệp 5 bác sĩ, gồm 3 chị em và 2 em rể. Gia đình sao giỏi thế cơ!

Tôi gặp Lành, Tín, Trung, Sơn, Danh, Vinh thường xuyên. Thường hẹn gặp tán dóc quán cafe ven đường. Thỉnh thoảng hẹn ở quán nhậu Thanh Hải, đường Bùi Viện.

Đến năm thứ 2 đại học hình như ai cũng có riêng mình cô bồ, và bắt đầu đi chơi riêng.

Từ đó đám bạn trung học ít khi gặp nhau nữa.

Tuổi thơ vô tư và hồn nhiên đã qua !!!

Lê Phước Hải
(viết xong ngày 17/11/2021)

(*1) Sau nầy nhờ cầu Mỹ Lợi, việc giao thông giữa GC và SG dễ dàng hơn, tiết kiệm được 2 giờ qua phà. Cầu Mỹ Lợi đã hoàn thành vào tháng 8, 2015 với kinh phí AUD $87.3 triệu, dài 2.6 km, rộng 12 m bắc qua sông Vàm Cỏ nối liền quốc lộ 50, huyện Cần Đước (Long An) và thị xã Gò Công (Tiền Giang).