Theo Dấu Cà Phê Việt Trên Đất Úc

Phạm Việt Hùng (bút hiệu Phạm Nga)

Ca phe Viet tren dat Uc 01

Đi trên đường John, cứ ngỡ Sài Gòn một dạo;

Ngồi Cà phê 86, cứ ngỡ tưởng Brodard.

*Nguyễn Ngọc Thành

1.

Đến Úc vào cuối tháng 11, tôi ngụ ở một căn nhà xinh xắn nằm trên một ngọn đồi nhỏ, có vẻ như là điểm cao nhất khu Cabramatta West, thuộc Fairfield, một thành phố địa phương nằm ở phía Tây thủ phủ Sydney. Đang mùa hạ nên ngày ở Úc rất dài, khoảng 6 giờ đã sáng bửng và đến 8 giờ đêm mới tắt hẳn ánh mặt trời.

Thời tiết đất Úc phải nói là lạ lùng. Giữa mùa hạ, giữa những chuỗi 3 – 4 ngày thật nóng đột ngột có một ngày lạnh, dù hôm đó không mưa hay có mưa. Hoặc có ngày, mới sớm mai chỉ thấy nắng, nóng nhưng đến trưa lại đổi qua lạnh, lạnh luôn đến chiều tối. Lại có ngày, nghe dự báo  37-38 độ C nhưng sáng sớm, mở cửa bước ra đường thì phải có áo ấm, khăn choàng cổ vì lạnh đến 16 -17 độ C.

Thời tiết ở đây cứ lãng đãng lạnh, ngày lạnh nhiều chen lẫn ngày lạnh ít, hay trời lạnh ngọt xớt ngay sau cả buổi nóng bức mà khỏi cần chuyển “tông”… như thế càng khiến tôi nổi máu ghiền cà phê. Tôi hay nghĩ đến cà phê nhiều lần trong ngày, chạnh nhớ cà phê vào những lúc ngồi rỗi việc hay thời gian chết.

Ca phe Viet tren dat Uc 02Như sáng sáng, khoảng giấc 6 giờ, trong khi cả nhà còn ngủ là anh sui – nhà thơ Ngọc Thành đã gọi khẽ ở cửa phòng “Dậy chưa? Dậy đi bộ ông ơi!”. Anh sui nhanh nhẹn, tỉnh táo mở khóa cổng để chúng tôi bước ra đường nhưng tôi thì còn mơ mơ màng màng. Tất nhiên đây không phải kiểu trẻ con còn xật xừ, say ngủ khi bị lôi ra khỏi giường sáng sớm. Chỉ là tôi bâng khuâng nhớ tách cà phê đầu ngày, do theo thói quen ở quê nhà, vào giấc sớm sủa này tôi vẫn thường uống cà phê bên cái laptop để suy nghĩ, viết lách…

Vậy, qua đến Úc thì do xã giao với chủ nhà, chuyện cà phê sáng của tôi được xếp sau buổi đi bộ ở công viên ngoài đường. Bù lại, giấc cà phê sáng tại nhà của tôi thú vị hơn. Ở Sài Gòn, ở nhà-ống-vách-chung không có cửa sổ nên khi ngổi uống cà phê tôi chỉ có thể ngắm… vách tường nhà hàng xóm. Còn ở xứ Chuột Túi, nhà nào cũng có sân trước rộng rãi và sân vườn bên hông để trồng hoa, rau xanh hay cây ăn trái tùy thích, nên khi ngồi trong nhà nhâm nhi cà phê, tôi có thể nhìn qua cửa sổ, tha hồ ngắm mảng xanh bầu trời cùng vô số mảng xanh cây lá vây quanh nhà.

Một chuyện hay ho nữa là, biết tánh tôi chỉ uống cà phê phin nên trước ngày tôi đến Sydney, con gái tôi đã đi shop Việt mua sẵn một cái phin inox rất đẹp. Nhưng gia đình con gái tôi và sát bên là anh sui, họ chỉ dùng cà phê hòa tan, tôi đành khẽ lên tiếng hỏi về cà phê rang xay. Chuyện nhỏ, đã ở Úc thì thông thường là hàng nội như các nhãn cà phê Gloria Jeans, The Coffee Club…, còn cái nhãn Trung Nguyên quen thuộc của tôi ở VN, khi nhập qua đây đã biến thành hàng ngoại, bán không chạy lắm.

Và, nói ra nghe có vẻ lẩm cẩm, khi được đi thăm bà con, bạn bè ở Brisbane và Melbourne, tôi đều cắp nách theo cái phin và bịch Gloria Jeans đang uống dở. Làm vậy cho chắc ăn, cũng để các chủ nhà không phải bân tâm lo liệu gì cho một thói tật riêng của mình.

2.

Chưa đặt chân vào đất Úc tôi đã cảm thấy thật hạnh phúc khi dư biết qua tới bển thế nào bạn bè, nhất là đám văn nghệ – báo chí, cũng đưa mình đến các quán cà phê Việt, không bỏ sót quán nào. Đó là cách bạn bè gặp nhau dễ nhất, gọn nhẹ nhất, trước khi bàn tới chuyện ăn nhậu hay đưa nhau đi chơi, viếng thăm các thắng cảnh, đền đài…

Ở Cabramatta, phải nói là hiếm hoi mới có vài quán cà phê Việt –  theo nghĩa tuy không nhất thiết chủ quán là người gốc Việt nhưng không khí sinh hoạt tại quán rất Việt, nghe toàn tiếng Việt, như thể được mặc nhận là chỗ riêng của người Úc gốc Việt cùng du khách người Việt. Như Cafe Nhớ ở hẽm 68A đường John và một quán cùng tên, cùng chủ ở khu Bankstown, hay Café Xưa và Cafe 86 cũng nằm trên đường John, hoặc Vy Vy Garden Cafe ở Canley Vale Road…

Ca phe Viet tren dat Uc 03Ở những quán này, không khí cà phê thuốc lá quen thuộc như ở Sài Gòn. Cũng những khách quý ông, đa số đã ngoài tuổi trung niên, một số là cựu sĩ quan hay viên chức chế độ cũ hay cựu thuyền nhân vượt biên, kiểu ăn mặc thường khá bụi bậm. Họ ngồi nhâm nhi cà phê, chuyện trò rôm rã cùng bạn bè hay lặng thinh, tư lự một mình, thả hồn theo tiếng hát Nhật Trường, Khánh Ly… Như thế, cung cách khách uống cà phê ở đây hao hao giống dân ghiền cà phê, ghiền ra quán cà phê ở Sài Gòn.

Về thức uống, cà phê Úc ngon bởi chắc chắn không bị trộn bắp nhưng tiếc một điều là thường rất khó kiếm ra món cà phê pha phin nhỏ giọt mà chỉ có cà phê pha máy, như: espresso (gồm 3 bậc black, tức đậm khác nhau), late (½ sữa ½ cà phê), cappuccino (cà phê pha sữa tươi và bột chocolate).

Và thật tiếc nữa, trong khi chính một người Úc, nhà văn/nhà báo/dân du lịch “bụi” Ben Groundwater, trên chuyên trang du lịch báo The Sydney Morning Herald đã bình chọn cà phê sữa đá Việt Nam vào hạng 2 trên 10 loại café ngon nhất thế giới, tại quán xá trên đất Úc lại rất khó kiếm ra món uống ấy, tức cà phê đúng kiểu quán xá VN, gồm một cốc cà phê phin với sữa đặc-có-đường, nhất định không dùng sữa tươi, cùng một ly đá để sẵn bên cạnh. Ngay cả các quán cà phê gọi là  “Việt” ở Cabramatta, không phải quán nào cũng có đủ các món cà phê dùng phin lọc.

Dù sao, lại có chuyện rất vui là sau này, tại một khu shop Việt ở Inala, thành phố Brisbane (bang Queensland), tôi tình cờ thấy một tấm bảng ghi “Cà phê sữa đá đúng kiểu Việt Nam” nơi một cửa hàng bán đủ thứ đồ giải khát, chủ gốc Việt. Ở đây cũng không có bán loại cà phê thông qua phin lọc, nhưng với riêng tôi, cái món cà phê pha “đúng kiểu Việt Nam” rất đáng quan tâm nên bèn mua take away. Và, dù chỉ  ly nhựa ống hút, tức chưa hoàn chỉnh theo đúng bản gốc, nhưng món cà phê đột-biến-giữa-đất-Úc này uống cũng khá ngon…

(Trích tập tản văn LÃNG ĐÃNG VỚI CÀ PHÊ&NHẠC, PhamNga 2018)