THỂ THAO DƯỚI NẮNG HÈ

 Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG I – Y HỌC & ÐỜI SỐNG)

the thao duoi nang he 01

Ánh nắng mùa hè gay gắt như thiêu, như đốt. Hơi nóng của mặt sân tennis tỏa lên như hơi lửa bừng bừng. Lá cây xung quanh ủ rũ buồn, không một cơn gió thoảng lay động.

Nắng cháy da, vậy mà mấy tay ghiền quần vợt, cũng còn ráng chơi một cách uể oải. Còn những tay khác đánh không nổi, ngồi nghiêng ngửa, kẻ há hốc dưới mái hiên, kẻ ngồi gục đầu trên bãi cỏ hoặc dưới tàng cây rất thảm não.

Có chơi tennis rồi, mới biết họ ghiền như thế nào. Giờ nầy ở nhà nằm trong phòng lạnh, xem TV, có phải sướng hơn không? Nhưng họ lại năng hoạt động, thích đánh mà cũng thích xem bạn đánh banh, cho nên như bị Trời đày. Họ ra đây để rồi người nào người nấy nhễ nhại mồ hôi, mệt nhòa người.

Mấy năm gần đây, mỗi kỳ chạy việt dã ở Sydney, thường hay có người bị mất nước, bị vọp bẻ, cảm nhiệt, thậm chí có người còn chết nữa. Ðể tránh các nguy hại về thể thao dưới nắng hè gay gắt, xin thử tìm hiểu tại sao có sự nguy hại nầy và có cách nào tránh được các nguy hại đó không?

Hiệu chỉnh thân nhiệt

Các tế bào chỉ có thể điều chỉnh thân nhiệt, trong một giới hạn nào đó thôi. Trong thân thể con người có nhiều bộ máy điều chỉnh thân nhiệt, để giữ nó ở trong mức bình thường. Khi nhiệt độ lên quá mức đó, cơ năng điều chỉnh không còn chính xác nữa.

Sức nóng tạo ra bởi sự chuyển hóa căn bản và các năng lượng tiêu xài, hay bị thất thoát bởi tiếp xúc, phóng xạ và bị thoát hơi bên ngoài

Trong não bộ, cơ quan chuyên lo điều chỉnh thân nhiệt, nằm tại thùy mã. Khi nào bị nóng, thì mạch máu ngoại biên trương lên làm đổ mồ hôi thêm, để thoát hơi.

Sức nóng đối lưu từ thân thể cho môi trường bên ngoài, bằng cách bốc hơi chẳng những qua làn da, mà còn qua đường hô hấp nữa.

 

Sự thất thoát mồ hôi tùy thuộc ba yếu tố:

1- Diện tích cơ thể tiếp xúc với bên ngoài.

2- Không khí vận chuyển xung quanh cơ thể.

3- Nhiệt độ và hơi ấm xung quanh.

Luyện tập lúc nắng chang chang, ẩm độ cao, mồ hôi nhễ nhại, dễ bị mất nước. Mất nước rất khó giải nhiệt. Mất nước nhiều làm cho sự tuần hoàn suy kém, sự điều hòa thân nhiệt cũng không còn hiệu lực, thì hoạt động cơ thể cũng giảm đi.

Cách tránh né hay nhứt là tìm bóng mát, mặc đồ mõng, bỏ bớt quần áo, uống nhiều nước, nhứt là ngưng thể thao. Nếu mà không thực hiện được như vậy, sẽ bị cảm nhiệt

Khi thời tiết lên trên 42 độ bách phân, thì cơ năng điều chỉnh không còn chính xác nữa. Lúc nầy sẽ có các triệu chứng CẢM NHIỆT như:

  • Tim mạch: huyết áp thấp, mạch nhanh.
  • Thần kinh: mê mê, hôn mê, động kinh.
  • Thở khó, thở hổn hển.
  • Ðộng vi mạch máu rải rác.
  • Cơ niệu kịch phát, suy thận ác tính, suy gan ác tính, nếu cảm nhiệt quá nặng làm hư các tạng trên.

 

Ai dễ bị cảm nhiệt?

Thường thường người dễ bị cảm nhiệt là:

  • Người già (năm 2003, khí trời bên Pháp đột nhiên nóng quá làm mấy chục bô lão bỏ mạng), trẻ thơ và phì mập.
  • Trẻ con bị bỏ trong xe, dầu có mở hí cửa kiếng, vì độ nóng trong xe sẽ gia tăng, rất nguy hiễm tánh mạng của nó.
  • Mặc nhiều quần áo nhứt là d0ồ nylon và màu đen.
  • Ít uống nước, thiếu nước, thoát nước.
  • Ðau tim, đau thần kinh, bịnh kinh niên, bịnh tuyến giáp trạng.
  • Uống thuốc như: rượu, thuốc an thần, tâm thần, áp huyết cao, lợi tiểu, ức chế acetylcholin.
  • Ngoài ra còn nhiều người bị cảm nhiệt là những nhà thể tháo gia, công nhân và quân nhân sinh hoạt dưới nắng hè gay gắt.

 

Làm sao để tránh tình trạng cảm nhiệt?

1/. Tránh mất nước. Nên uống nước có muối khoáng nhứt là sodium (Na), potassium (K) vân vân… Chuối chứa nhiều K.

2/. Tránh luyện tập hay làm việc dưới nắng hè hay ở trong phòng quá nóng nực. Nếu không tránh được, phải năng luyện tập từ từ cho quen với môi trường.

Giải Úc mở rộng năm 2002 gặp nhiều trở ngại, vì rất nhiều nam nữ đấu thủ bị chuột rút hay đau chân vân vân… Cũng trong giải nầy năm trước, Pat Rafter phải bỏ cuộc, vì mồ hôi chảy ướt chân như ngâm trong thùng nước. Vì bị chuột rút và thoát nước hoài, nhà vô địch từng thắng hai lần giải Mỹ quốc mở rộng và vào chung kết ba lần giải Wimbledon, được chọn làm người Úc năm 2002, phải về vườn nuôi con.

3/. Không nên mặc quần áo kín như: nylon, đồ quá dày không thoát hơi, thân thể không tiếp xúc với không khí, mồ hôi không thoát từ làn da cũng nguy hại. Nên mặc đồ ngắn bằng vải.

4/. Nước uống cũng giúp tránh mất nước, cho máu lưu thông và hạ thân nhiệt, tuy nhiên nó không giúp được nhiều vì:

a) Cơ năng hoạt động cần năng lượng để nuôi thân thể, nên cần phải có đường. Chỉ một chút đường thôi: 2.5g/100ml.

b) Nước nóng không bằng nước lạnh: nước đường lạnh chừng 13 độ.

c) Thoát mồ hôi làm mất chất muối khoáng, như vậy nước đường phải có thêm muối chừng 8g thôi.

d) Mồ hôi còn chứa Potassium (k), Magnesium, Calcium… nữa. Nó có trong nước trái cây như: tomato, chuối, cam. Nước đá chanh muối gồm đủ các thứ trên. Thiếu các chất nầy dễ bị vọp bẻ. Tốt nhứt là uống nước dành cho các nhà thể thao dùng, có bán ở các siêu thị.

Thể thao giúp cho ta có nhiều sức khỏe. Nó rất cần cho tuổi già, trẻ con hay trung niên nam nữ. Nó giúp cho mọi người ngăn ngừa bịnh tật và nhứt là phì mập. Tuy nhiên nó cũng gây nguy hại cho sức khỏe, nếu không biết cách tránh nắng và lượng sức. Chính vì vậy mà chúng tôi khuyên quý vị, không nên hăng say mà luyện tập thái qua dưới nắng hè.

Tập thể thao thể dục để duy trì sức khỏe, chứ không phải luyện tập để tranh giải, luyện tập phải tùy theo khả năng và tuổi tác. Lớn tuổi không thể nào tranh lại tuổi trẻ, mặc dầu có nhiều kinh nghiệm. Không nên ganh đua tranh tài với người ta, mà chỉ mang hại vào thân mà thôi.

Có tuổi nên tránh nắng gay gắt, vì dễ bị chuột rút, vọp bẻ.

Uống nhiều nước lọc cũng không tốt, vì nó không có muối khoáng, rất cần thiết. Cái nguy của uống nhiều nước lọc là nó làm loãng các chất đó trong máu, như vậy sự thiếu hụt càng nặng thêm, dễ đưa tới cảm nhiệt.

Nhớ ngăn ngừa sự nguy hiểm, bằng cách uống nhiều nước lạnh có đường, có muối khoáng để khỏi bị nguy hại tánh mạng. Nên uống các loại nước đặc biệt, dành cho người chơi thể thao mới tránh được nguy hại bản thân.