Ông Quản Gia

Vưu Văn Tâm

Chuyến xe lửa liên tỉnh rời xa thành phố núi, bỏ lại phía sau những đồi cao mây phủ, sương che. Thời tiết đã vào cuối hạ, lá vẫn xanh, hoa vẫn thắm đủ sắc màu, xanh vàng đỏ tím. Ngồi trong toa xe và ngó ra khung cửa nhỏ, Thắng cũng thấy lòng bùi ngùi khi bỏ lại sau lưng những kỷ niệm đầu tiên sau hơn nửa năm trên xứ lạ. Xin được cái học bổng, chàng trai trẻ quyết định xuôi Nam để mong có thể tiến nhanh thêm chút nữa trên con đường học vấn.

Khóa học Đức ngữ được chia làm nhiều lớp, và cứ mỗi hai, ba tháng lại có thêm một lớp mới để giúp người tị nạn có cơ hội mau chóng hội nhập trên quê hương thứ hai. May mắn thay, nơi ăn, chốn ở cũng chỉ cách xa trường một vài con phố ngắn ngủi. Đám tị nạn chia nhau ở trong một khách sạn đã thôi không còn hoạt động nữa, tuy nhìn dáng bên ngoài có vẻ cũ kỹ, nhưng bên trong được sơn phết sạch sẽ, đẹp mắt. Chung quanh đó là những con đường thuôn nhưng tấp nập người qua kẻ lại, quán xá lớn nhỏ đan kín hai bên đường gợi nhớ những nhộn nhịp, sôi nổi trên vỉa hè Lê Lợi hay Nguyễn Huệ một thuở đã xa xôi.

Coi sóc cái đám lộn xộn, nhà quê này là ông quản gia người bản xứ tuổi đã trung niên, thân hình đẫy đà nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông đảm nhiệm mọi chuyện lớn nhỏ, từ vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ đến công việc sửa chữa ống nước, lò sưởi hay thay bóng đèn. Nhờ vậy, trên dưới mọi nơi đều sạch sẽ và ngăn nắp. Phòng ốc nào bị hư hao hay thiếu thốn thứ gì, mấy đứa cứ việc hú một tiếng là ông có mặt ngay. Công việc bận rộn từ sáng sớm đến chiều tối nhưng trên môi ông luôn nở nụ cười vui vẻ, hiền lành.

Cứ mỗi cuối tháng là đến ngày đổi bao mền gối, drap trải giường. Ông khệ nệ khiêng từng gói thật to đặt vào kho và đánh kẻng kêu gọi đám học trò xuống nhận. Hai cô bé xinh đẹp chọn hết màu này đến sắc hoa khác làm cho nhóm người đứng phía sau nối dài như một cây cơ. Ông mỉm cười khẽ nói :

– Buổi tối, đèn đuốc tắt tối thui, tụi bây nhắm mắt ngủ thì đâu còn phân biệt được gì nữa mà chọn với lựa !

Hai cô đỏ mặt và bẽn lẽn nhìn nhau, bốn con mắt đỏ hoe chực chờ rơi nước mắt. Vì muốn chữa thẹn cho hai Kiều nên Thắng lên tiếng :

– Vậy chứ hồi trẻ ông cũng lựa vợ đẹp mà chọc ghẹo chi chúng nó !

Ông cười thật tươi khoe hai hàm răng trắng sáng và nheo nheo đôi mắt như đang nhớ về một thời trẻ trai sôi nổi.

Một hôm, Thắng gom mớ quần áo mới giặt xong và rời khỏi tầng hầm. Vì một chút vội vã, chàng đã quên tắt hết đèn đuốc dưới đó. Ông quản gia bỗng đâu lù lù xuất hiện và lớn tiếng rầy la cái thói ẩu tả cũng như không biết tiết kiệm điện. Thường ngày, ông rất điềm đạm và chưa hề lớn tiếng với ai bao giờ. Thắng đỏ mặt, tía tai và cảm thấy ngại ngần giữa chốn ba quân. Ấm ức trong lòng, chàng lui về phòng nguệch ngoạc trên tờ giấy careau một gương mặt bọng mỡ với chiếc cằm đôi, hai con mắt trợn trừng với cái miệng há to như đang giận dữ, quát tháo và dán trên cánh cửa dẫn xuống hầm.

Hai hôm sau, ông hiệu trưởng đích thân đi đến mỗi lớp nhắc nhở chuyện này cùng với phép lịch sự tối thiểu cũng như tập tành tiết kiệm nhiên liệu trong đời sống hiện tại cũng như tương lai sau này. Thắng trân mình lắng nghe những lời trách khứ nhẹ nhàng đó, dù trong lòng vô cùng xấu hổ nhưng vẫn cố gắng giữ gương mặt tỉnh bơ và giả vờ ngó ra ngoài cửa lớp lãng đãng, bâng khuâng .

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, dù không đợi nắng hạ, không mong mưa thu, khóa học cũng đến ngày kết thúc. Cầm tấm bằng trong tay và nói lời chia tay với ông quản gia nhưng Thắng không thể nào thốt được lời xin lỗi. Sorry seems to be the hardest word ! Bốn con mắt nhìn nhau thông cảm. Ông siết vai Thắng thật chặt và chúc mọi điều lành trên quãng đời trước mặt. Mấy chục năm vật đổi sao dời, tuổi tác bây giờ đã xấp xỉ gấp ba lần số tuổi nghịch ngợm ngày ấy, màu tóc xanh đã phai phôi nhưng hình ảnh ngày xưa cứ sống lại trong lòng Thắng mỗi khi nhớ về cảnh cũ, trời xa. Ừ, thời gian cứ trôi đi và có trở lại bao giờ !

05.08.2021