Nhớ Về Nhóm Bạn Thân Các Năm Đệ Nhứt Cấp Tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký
Lâm Vĩnh Thế
Bài này được viết ra để ghi lại những kỷ niệm thân thương về một nhóm bạn thân cùng học chung với người viết bài này suốt bốn năm ở bậc đệ nhứt cấp tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn trong thời gian 1953-1957. Thời gian qua mau như bóng câu qua cửa sổ, khi quen nhau chúng tôi hảy còn là những cậu bé 12, 13 tuổi, bây giờ tất cả đều đã là những lảo niên trên tuổi “thất thập cổ lai hy” hết cả rồi, với độ phân nửa đã vĩnh viễn ra đi. Bài viết này là những nén nhang thắp lên để tưởng niệm các bạn đã ra đi, và những ly rượu nhỏ chúc sức khỏe các bạn còn tại thế.
Những Ngày Làm Học Trò Petrus Ký
Năm Quý Tỵ, 1953, tôi đậu kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất của Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn, và được xếp vào Lớp Đệ Thất B6. Nửa năm sau, lớp tôi được đổi tên thành Đệ Thất F. Tên lớp được giữ mãi cho đến hết bậc đệ nhứt cấp: Đệ Thất F (1953-54), Đệ Lục F (1954-55), Đệ Ngũ F (1955-56), và Đệ Tứ F (1956-57).
Trong thời gian này, lớp gồm khoảng trên 50 học sinh như chúng ta thấy trong danh sách Lớp Đệ Lục F trong hình sau đây:
Tôi thuộc vào một nhóm 9 học sinh chơi thân với nhau gồm: 1) Nguyễn Thanh Hải, 2) Nguyễn Trung Hiếu (từ năm Đệ Ngũ, nên không có tên trong danh sách Lớp Đệ Lục F trong hình bên trên), 3) Đinh Xuân Lãm, 4) Võ Văn Minh, 5) Trần Phục, 6) Phan Văn Quang, 7) Dương Xã Tắc, 8) Huỳnh Hữu Thế, và 9), tôi, Lâm Vĩnh Thế.
Ngoài giờ học tại trường, chúng tôi thường đi chơi chung với nhau trong các dịp cuối tuần. Nói cho đúng thì thật ra chúng tôi rất ít khi có thể đi chơi chung với nhau đầy đủ cả 9 người của nhóm, hình như chỉ trừ có một lần duy nhứt. Đó là lần đi Du Thuyền Bạch Tuyết từ Sài Gòn ra Vũng Tàu và trở về nội trong một ngày Chúa Nhựt. Thời gian đó chính phủ Ngô Đình Diệm, với Chiến dịch Hoàng Diệu do Đại Tá Dương Văn Minh chỉ huy (sau vụ này ông Minh được thăng lên cấp Thiếu Tướng), đã càn quét xong lực lượng Bình Xuyên, và đã khai thông đươc đường sông Sài Gòn và sông Lòng Tảo ra tới Vũng Tàu. Đây là lần đầu tiên một cuộc du ngoạn bằng đường sông từ Sài Gòn ra Vũng Tàu được tổ chức. Hai vợ chồng ông bà chủ nhân Du Thuyền Bạch Tuyết là người quen rất thân của ba má anh Võ Văn Minh nên nhóm chúng tôi được cho đi miễn phí. Tối Thứ Bảy trước khi đi, 5 người trong nhóm chúng tôi, gồm Thế Huỳnh, Thế Lâm, Tắc, Phục và Minh, tụ họp lại tại nhà Minh, được ba má Minh cho ăn cơm tối và ngủ lại luôn tại nhà để sáng hôm sau cùng đi ra Bến Bạch Đằng để lên du thuyền. Đến sáng, khi ra Bến Bạch Đằng thì tất cả 9 người đều có mặt đầy đủ, và chúng tôi đã có được một ngày bên nhau thật vui vẻ.
Trong những lần khác đi chơi chung với nhau thì tôi nhớ nhứt là những lần cùng nhau đạp xe đạp vào Phú Lâm mướn xuồng đi hái bần.
Thời gian này vùng Phú Lâm, tuy đã nổi tiếng với những vườn rau xanh của người Tiều, tương đối vẫn còn có những khu đất hoang với nhiều sông rạch. Mỗi lần đi chèo xuồng trong Phú Lâm đều là một ngày Chúa Nhựt. Sáng sớm tụi tôi tụ tập ở nhà anh Minh. Chuyện đầu tiên là góp tiền lại chung với nhau, mỗi đứa độ 30 hay 40 đồng, nếu có đứa nào không có đủ số tiền góp đó thì Tắc luôn luôn ứng ra thêm cho anh em. Tắc làm chuyện này một cách thoải mái, tự nhiên, không bao giờ nề hà gì cả vì bản tánh rộng rãi. Tắc lớn tuổi nhứt trong bọn tôi, lại có tiền nhiều vì là con nhà giàu, ba của Tắc là điền chủ lớn ở Bến Lức. Sau khi gom tiền xong, mọi người giao cho Anh Minh cất. Việc đầu tiên là Minh cùng với tôi chạy xe đạp ra chợ Đa Kao mua 4, 5 ổ bánh mì lớn, thịt nguội (ba tê, jambon), và một ít mắm sống và ớt trái. Má Minh đã làm cho tụi tôi mấy chai nước đã nấu chín. Sau đó, tất cả bọn tôi đạp xe vào Phú Lâm và ghé nhà Anh Trần Văn Minh, trưởng lớp của tụi tôi, ở khu Bình Tiên, và nhờ Anh Minh hướng dẫn đi mướn xuồng (luôn luôn mướn hai chiếc) của những nhà mà ảnh quen biết. Có khi, nếu không bận việc, thì Anh Minh cũng đi chơi chung với tụi tôi luôn. Tất cả tụi tôi đều cổi quần áo đang mặc ra hết, gởi lại nhà cho mướn xuồng, chỉ mặc quần cụt và áo thung, chia thành 2 nhóm nhỏ xuống 2 chiếc xuồng, mang theo các chai nước và thức ăn đã mua ở Chợ Đa Kao, và chèo vào con rạch gần nhất. Những con rạch trong vùng này rất nhỏ, ít có ghe xuống qua lại nên rất yên tỉnh, hai bên bờ rất nhiều cây bần. Tụi tôi tìm hái những trái bần đã hơi chín, chia nhau ăn với mắm sống. Ăn đả rồi thì cả bọn xuống sông bơi lội thỏa thích; có khi chia hai phe chọi bùn với nhau. Đến trưa thì bọn tôi tìm một bãi có cát, cặp xuồng vào, và mang các thức ăn đã mang theo cùng nhau ăn trưa. Trong lúc ăn trưa thì mặc sức mà kể cho nhau nghe những chuyện vui, toàn chuyện bạn bè trong lớp, trong trường, chuyện các thầy cô và các giám thị. Sau khi nghĩ trưa một lúc, bọn tôi lại xuống xuồng chèo đi, lại kiếm bần ăn nữa, và lại xuống rạch bơi lội. Khoảng hơn 4 giờ chiều thì quay trở lại, trả xuồng, mặc quần áo lại và đạp xe về. Tối hôm đó, khi nằm ngủ, lần nào tôi cũng bị cái cảm giác cái giường lắc qua lắc lại, giống như ở trên xuồng lúc ban ngày.
Ngoài những cuộc đi chơi chung như vậy, thỉnh thoảng bọn tôi cũng đến nhà Minh họp mặt, phần lớn là những lúc sắp sửa thi lục cá nguyệt (bây giờ thường gọi là học kỳ), để cùng nhau ôn bài, đặc biệt là năm Đệ Tứ F, ôn tập những bài toán đại số và hình học, để chuẩn bị thi bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Lúc đó thì Huỳnh Hữu Thế luôn luôn là người hướng dẫn tất cả bọn tôi vì Thế là “một cây Toán” của lớp (tôi sẽ kể thêm về Thế ở phần sau). Mỗi lần như vậy thì má Minh lại cho bọn tôi ăn trưa, thường là món cà-ri vịt ăn với bánh mì. Tụi tôi ăn ào ào, cứ hết thì bác gái lại tiêp tế thêm, mấy lần như vậy mới đủ cho bọn tôi ăn. Về sau, hể nhắc đến cái vụ này thì Minh đều gọi cái món ăn nầy là “một món ba thau.”
Cuối niên khóa 1956-1957, bọn tôi đi thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp và đậu gần hết. Tựu trường niên khóa 1957-1958, tất cả bọn tôi đều lên lớp Đệ Tam, bắt đầu vào chương trình đệ nhị cấp để chuẩn bị thi bằng Tú Tài I, và đây cũng là thời điểm bắt đầu có nhiều thay đổi xảy đến cho nhóm 9 người chúng tôi.
Những thay đổi sau khi học xong Đệ Nhứt Cấp
Võ Văn Minh rời trường Petrus Ký và ra học Lớp Đệ Tam Trường Trung Học Tư Thục Cửu Long. Trần Phục rời trường vì thi đậu vào Trường Cán Sự Y Tế, sau 3 năm ra trường và về phục vụ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Dương Xã Tắc cũng rời trường vì thi đậu vào Trường Quốc Gia Sư Phạm, Lớp Cấp Tốc, học một năm để ra làm Giáo viên Tiểu học, và được bổ về dạy tại Trường Tiểu Học Bến Lức. Nguyễn Trung Hiếu vào Trường Võ Bị Thủ Đức, sau đó ra trường, mang lon Chuẩn Úy và được bổ nhiệm về Sư Đoàn 9 ở Miền Tây. Còn lại 4 người là Nguyễn Thanh Hải, Đinh Xuân Lãm, Phan Văn Quang và tôi ở lại học các lớp Đệ Tam của Trường Petrus Ký. Hải và tôi học Ban A (Vạn Vật), còn Lãm và Quang thì học Ban B (Toán). Riêng Huỳnh Hữu Thế thì là một trường hợp hết sức đặc biệt. Sau khi thi đậu xong bằng Trung Học Đệ Nhị Cấp như cả bọn tôi thì Thế đậu luôn bằng Tú Tài I Ban B, và kết quả là tựu trường niên khóa 1957-1958, trong khi tụi tôi lên lớp Đệ Tam thì Thế lên lớp Đệ Nhứt. Vì chuyện học nhảy này, Thế không được ở lại Tường Petrus Ký nữa mà phải xin vào học lớp Đệ Nhứt của Trường Chu Văn An. Cuối năm đó, Thế thi đậu luôn bằng Tú Tài II Ban B và sau đó đậu luôn kỳ thi tuyển vào Ban Toán của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Thế là vào đầu năm học 1958-1959 trong khi bọn tôi lên Lớp Đệ Nhị để chuẩn bị thi Tú Tài I thì Thế đã là sinh viên năm thứ nhứt tại Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn rồi. Nhưng thật là bất hạnh, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thế lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn (nào bịnh tật, nào chuyện đau buồn trong gia đình) khiến cho việc học hành bị trì trệ và mãi đến năm 1964 Thế mới tốt nghiệp được Đại Học Sư Phạm.
Mặc cho những thay đổi đó, chúng tôi vẫn tiếp tục chơi với nhau rất thân. Sự khác biệt bây giờ là tụi tôi không còn là những cậu học trò bé nhỏ của thời đệ nhứt cấp nữa, mà đã thật sự trở thành những thanh niên ở tuổi 17, 18 hết rồi. Những buổi họp mặt của bọn tôi (thường chỉ còn độ 4, 5 người thôi vì những bạn kia không còn ở Sài Gòn nữa) không còn diễn ra ở nhà Minh nữa, với “một món ba thau” nữa, mà phần lớn là những buổi nhậu ở Quán Lá trong mũi tàu Phú Lâm với món “bò né”, hay những buổi “ngồi đệm” ngoài Bến Bạch Đằng uống bia với củ kiệu và khô mực, và sau đó rũ nhau ra uống cá phê đá, hay ăn kem ở tiệm kem Hà Nội trên đường Lê Lợi. Những lần khác thì kéo nhau sang nhà Hải bên Thị Nghè, ngồi trên “thạch bàn” ngoài vườn, uống trà, ăn keo đậu phộng của má Hải tiếp tế, và đấu láo cho tới khuya mới giải tán.
Cuối năm học 1958-1959, cả 4 đứa chúng tôi vẫn còn học ờ Petrus Ký đều đậu bằng Tú Tài I, và lên lớp Đệ Nhứt trong năm học kế tiếp. Cuối niên khóa 1959-1960, chỉ có một mình tôi đậu bằng Tú Tài II, và, rất may mắn, tôi đậu luôn kỳ thi tuyển vào Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Địa, Khóa 3, 1960-1963. Lãm tình nguyện vào Trường Võ Bị Đà Lạt, Khóa 17. Hải và Quang ra trường tư học lại Lớp Đệ Nhứt, và năm sau, 1961, cả 2 cùng đậu bằng Tú Tài II. Qua năm sau nữa, 1962, Hải tình nguyện vào Không Quân, Khóa 62F và Quang vào Võ Bị Đà Lạt, Khóa 19. Tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm năm 1963, và được bổ nhiệm về dạy môn Sử Địa cho các lớp đệ nhị cấp của Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa (Bến Tre). Và cũng trong năm đó, ngày 6-10-1963, tôi lập gia đình với cô Võ Thị Nhơn Nghĩa, em gái duy nhứt của anh Võ Văn Minh. Trong 4 anh chàng rể phụ cho tôi thì có 2 người thuộc nhóm bạn thân của tôi thời Petrus Ký là Huỳnh Hữu Thế và Đinh Xuân Lãm. (Hai người rể phụ còn lại là bạn Lê Hữu Chí, bạn thân của tôi hồi còn học ở các lớp đệ nhị cấp tại Trường Petrus Ký, và bạn Lâm Quang Hồng, bạn thân của tôi lúc học Ban Sử Địa, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn). Thế lúc đó còn đang học một năm nữa mới ra trường. Lãm thì đã tốt nghiệp Khóa 17, Võ Bị Đà Lạt, với cấp bậc Thiếu Úy, tình nguyện về binh chủng Thùy Quân Lục Chiến, và giữ chức vụ Đại Đội Phó, Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 2. Lãm vừa được đi phép về Sài Gòn, sau khi Tiểu Đoàn 2 TQLC chiến thắng lớn trong Trận Đầm Dơi tại Cà Mau trước đó độ gần một tháng, vào ngày 10-9-1963. Tối hôm đó, tại tiệc cưới đải chung của hai họ Lâm-Võ ở nhà hàng Đồng Khánh, có mặt gần đủ cả nhóm bọn tôi, trừ 3 người: 1) Nguyễn Trung Hiếu đang hành quân với Sư Đoàn 9 tại Miền Tây; 2) Phan Văn Quang đang thụ huấn Khóa 19 tại Trường Võ Bị Đà Lạt; và 3) Nguyễn Thanh Hải đang học lái máy bay trực thăng tại Hoa Kỳ. Đám cười của vợ chồng tôi đã tạo cơ hội cho Lãm (rể phụ của tôi) và cô Bùi Minh Lệ (dâu phụ của bà xã tôi) quen nhau, yêu nhau và sau cùng đi đến hôn nhân. Hai người sinh được hai đứa con trai, và sống hạnh phúc với nhau cho đến khi Lãm mất vào năm 2011 tại Hoa Kỳ.
Từ năm 1963 trở đi cho đến cái ngày lịch sử 30-4-1975, bọn 9 người chúng tôi (trừ tôi và anh Minh) rất ít khi gặp được nhau vì người nào cũng đã có gia đình, con cái và bận rộn với công việc làm của mình. Một chuyện buồn xảy đến là việc vĩnh viễn ra di của Dương Xã Tắc. Sau khi dạy học tại Bến Lức được khoảng một năm, Tắc bị động viên vào Thủ Đức. Sau khi ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy, Tắc được gia đình lo được vể phục vụ Tiểu Đoàn Địa Phương Quân tại Tiểu Khu Bến Lức. Tưởng vậy là “mang chữ Thọ” rồi. Không ngờ, trong một cuộc tấn công nhỏ của Việt Cộng, Tắc bị thương và tử trận vì bị mất máu quá nhiều do không tải thương kịp. Lúc đó vợ Tắc đang mang thai đứa con đầu lòng của hai vợ chồng Tắc.
Quang tốt nghiệp Khóa 19, Võ Bị Đà Lạt, về Biệt Động Quân, và đi hành quân liên mien, sau cùng bị thương nặng trong môt cuộc hành quân lớn, và được chuyển về phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân tại Sài Gòn. Lãm vẫn ở Tiểu Đoàn 2 TQLC, lần lượt thăng cấp lên Trung Úy rồi Đại Úy, Đại Đội Trưởng rồi Trưởng Ban 3 (Hành quân) của Tiểu Đoàn. Hải học xong về nước, phục vụ tại Phi Đoàn trực thăng 217 ở Cần Thơ, cũng lần lượt thăng cấp, sau cùng là Thiếu Tá Phi Đoàn Phó. Thế ra trường năm 1964, đậu Thủ Khoa, được bổ nhiệm về Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức. Nhưng chỉ dạy đươc một năm, Thế tình nguyện vào Thủ Đức, ra trường được bổ nhiệm về dạy môn Toán cho Trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu, rồi sau đó về dạy môn Toán, Khối Văn Hóa của Trường Võ Bị Quốc Gia tại Đà Lạt.
Xa nhau sau ngày 30-4-1975
Phần tôi, sau 3 năm dạy học ở Kiến Hòa, hè 1966 được thuyên chuyển về dạy Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức (lúc đó Thế đã vào Thủ Đức rồi). Tháng 8-1971, tôi được học bổng đi du học ở Hoa Kỳ và về nước tháng 5 năm 1973, phục vụ tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Chỉ được 2 năm thì xảy ra biến cố 30-4-1975. Nhìn lại chỉ có mình tôi và Minh là còn ở ngoài dân sự, tất cả đều là sĩ quan và phải đi trình diện học tập cải tạo. Hải là một Trung Tá, phụ trách thanh tra về an phi tại Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Tân Sơn Nhứt. Lãm là Thiếu Tá, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 16, Lữ Đoàn 468 của TQLC. Quang là Thiếu Tá, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân. Thế là Trung Úy, giảng viên môn Toán cho Khối Văn Hóa Trường Võ Bị Đà Lạt. Hiếu là Đại Úy, Sư Đoàn 9 Bộ Binh ở Miền Tây. Phục là Y Tá Trưởng tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Trước khi đi học tập, bọn tôi, lúc đó có mặt tại Sài Gòn chỉ còn 5 người, Phục, Lãm, Hải, Minh và tôi, kéo nhau đi nhậu một trận để chia tay tại quán Thanh Tuyền trên đường Nguyễn Cư Trình, gần bến xe đò Miền Đông. Cứ tưởng là xa nhau vài tháng thôi, đâu ngờ đến 17 năm sau mới được gặp lại nhau tại Hoa Kỳ vào Mùa Thu của năm 1992.
Trong một thời gian khá dài, độ 6 năm (1975-1981), tại Sài Gòn, nhóm 9 người chỉ còn có tôi và Minh lủi thủi bên nhau. Tắc thì đã mất, Hải, Hiếu, Lãm, Quang, và Thế Huỳnh thì nằm trong trại học tập, còn Phục thì đã vượt biên thành công và đang định cư tại thành phố Anaheim, Nam California, Hoa Kỳ. Và rồi tôi cũng xa Minh luôn, vì gia đình tôi được Anh Tư tôi bảo lãnh đi Canada. Khi rời Việt Nam đi Canada sáng ngày 23-9-1981, Minh cùng gia đình bên tôi và bên bà xã tôi ra tiễn biệt chúng tôi tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Lúc đó tôi buồn lắm vì cứ nghĩ là sẽ không bao giờ còn gặp lại Minh và những người thân trong gia đình nữa. Tôi đã lầm.
Sang đến Canada, tôi liên lạc ngay lại với Phục ở Nam Califfornia, nhưng chưa có cơ hội đi thăm phục được vì còn phải lo chuyện cơm áo, nuôi sống gia đình. Sau một thời gian làm việc hợp đồng gần 3 năm, tôi tìm được việc làm thường trực, lương khá với một cơ quan của chính phủ liên bang Canada tại thành phố Hamilton, thuộc tỉnh bang Ontario. Khoảng gần một năm sau, tôi vào ngạch chính thức và, qua một cuộc tuyển lựa, tôi trở thành Manager, trông coi một Department gồm 11 người. Hè năm 1985, tôi vào quốc tịch Canada, và mua được nhà. Tháng 8-1986, tôi được tin Thế Huỳnh đã vượt biên thành công với đứa con trai, và đang định cư tại Newport, tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ. Một cuối tuần, tôi lái xe đưa bà xã tôi cùng với thằng con trai nhỏ đi Newport để thăm Thế. Ðường khá xa, đi trọn một ngày mới tới. Nhưng gặp Thế rồi, tự nhiên tôi không còn thấy mệt nhọc gì nữa cả, hai đứa tụi tôi ôm nhau, vổ lưng nhau, không nói được một lời nào mà sao nước mắt ứa ra. Bà xả tôi cũng khóc, thằng con nhỏ của tôi có vẻ ngạc nhiên lắm, vì xưa nay nó có bao giờ thấy ba nó khóc đâu. Ðêm đó tụi tôi nói chuyện tới gần hai giờ mới đi ngủ. Và cả ngày hôm sau, đêm sau, ngày hôm sau nữa và đêm hôm sau luôn, trong lúc đi chơi, cũng như lúc về nhà, câu chuyện của hai đứa tụi tôi vẩn chưa cạn. Hôm sau nữa thì vợ chồng tôi phải về Canada. Cuối tuần đó Thế gọi qua, bảo tôi về rồi nó buồn quá, nhìn đâu cũng thấy những vật kỹ niệm của cuộc gặp gở vừa rồi. Thật tôi cũng không ngờ Thế còn tình cảm hơn tôi nữa. Một năm sau, Thế bảo lãnh được vợ sang và gia đình Thế đoàn tụ, tôi rất mừng cho Thế. Chúng tôi tiếp tục giữ liên lạc với nhau.
Gặp lại nhau ở hải ngoại
Sang đầu thập niên 1990, các sĩ quan cấp tá của QLVNCH học tập cải tạo ở Miền Bắc lần lượt được thả về. Quang, Lãm rồi Hải cũng được thả về và đã đến gặp Minh. Minh cố gắng tập hợp được một số bạn cùng Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957) đến nhà Minh chung vui trong một buổi nhậu đoàn tụ bạn bè, như trong hình bên dưới đây:
Hình bạn học Lớp Đệ Tứ F Petrus Ký (niên khóa 1956-57) – Từ trái qua: Người thứ 3 là Hải, kế đến là Minh, người mặc áo xanh là Quang và cuối cùng là Lãm
Sau đó, Hải và Lãm bắt đầu liên lạc lại được với tôi ở Canada. Lập tức tôi tìm cách gởi về một ít tiền về cho Hải và Lãm và đứng ra làm người liên lạc giữa hai người với chương trình ODP (Orderly Departure Program) của Hoa Kỳ nhưng không đi tới đâu cả. Khi chương trình HO được áp dụng Hải và Lãm lập tức chuyển hồ sơ qua và mọi vịệc đã xảy ra rất nhanh vì cả 2 đều đã học tập trên 10 năm. Đầu năm 1992, Lãm và gia đình sang được Hoa Kỳ và định cư tại thành phố San Jose, ở Bắc California. Cùng lúc đó, tôi nhận được thiệp cưới của Phục báo tin gả con gái đầu lòng và Phục cũng cho hay đã mời Lãm rồi. Tôi gọi điện thoại cho Thế thì Thế cho hay cũng đã nhận được thiệp của Phục. Thế là hai đứa chúng tôi cùng quyết định sẽ đi dự cám cưới con gái của Phục. Phần Thế sẽ bay thẳng từ Newport, Connecticut sang Anaheim, California. Phần tôi thì sẽ bay từ Toronto sang San Jose, rồi cùng với vợ chồng Lãm đi xuống nhà Phục ở Anaheim. Tại phi trường San Jose, tôi thuê một chiếc xe hơi nhỏ và lái đến nhà vợ chồng Lãm. Gặp lại nhau lần đầu tiên sau 17 năm (1975-1992), tôi và Lãm đều bị xúc động mạnh, nhưng không nói chuyện được nhiều vì còn phải lo đi xuống Nam California. Sau một bửa ăn nhẹ do bà xã Lãm chuẩn bị, chúng tôi lên xe rời San Jose lúc khoảng 5 giờ chiều. Trên suốt đường đi dài khoảng trên năm trăm dặm, Lãm ngồi trước với tôi và tụi tôi nói chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ đó. Đến nhà Phục ở Anaheim thì đã gần 2 giờ khuya. Thế đã có mặt ở đó rồi, và bên bình trà do vợ Phục dọn ra, 4 đứa chúng tôi nói chuyện mãi đến 5 giờ sáng. Sau cùng, bà xã của Phục phải giục chúng tôi tạm ngưng câu chuyện, đi nằm và cố gắng ngủ một chút, để 7 giờ sáng dậy lo sắp xếp nhà cửa để chuẩn bị đón họ hàng nhà trai sẽ đến vào lúc 10 giờ sáng làm lễ rước dâu. Sau khi ăn sáng xong, cả bọn chúng tôi ra trước nhà Phục chụp tấm hình lưu niệm sau đây:
Hình chụp trước nhà bạn Trần Phục, từ phài qua là Đinh Xuân Lãm, Huỳnh Hữu Thế, Trần Phục và tác giả.
Qua năm sau, Hè 1993, vợ chồng Phục và vợ chồng Thế rũ nhau cùng sang Canada thăm vợ chồng tôi tại thành phố Hamilton, thuộc tỉnh bang Ontario. Chúng tôi lại cùng được có những ngày vui bên nhau, như trong những tấm hình bên dưới đây:
Hình chụp chung tại phòng khách nhà tác giả
Hình bạn Phục và tác giả tại Royal Botanical Garden, Hamilton, Ontario, Canada
Hình bạn Thế và tác giả tại Royal Botanical Garden, Hamilton, Ontario, Canada
Không ngờ đó là lần cuối cùng hai Thế chúng tôi gặp nhau. Năm 1997, tôi về làm việc cho Thư viện của Trường Đại Học Saskatchewan ờ Saskatoon. Trong thời gian này, trong nhiều năm, Thế vẫn thường xuyên liên lạc với tôi qua điện thoại. Chúng tôi tiếp tục trao đổi tin tức gia đình cho nhau. Tôi rất mừng được biết Phong, đứa con trai duy nhứt của Thế học rất giỏi, hiện đang làm luận án tiến sĩ, và tôi càng mừng hơn khi được Thế cho biết đã liên lạc lại được với đứa con gái lớn (với đời vợ trước của Thế) hiện đang sống và làm việc tại Thụy Sĩ. Thế rất vui khi báo cho tôi biết là cô con gái đã quyết định sang Hoa Kỳ để thăm Thế vào hè năm tới. Nhưng rồi, đùng một cái, Phục từ Nam Cali gọi sang báo tin cho tôi Thế đã mất vì đột quỵ vào ngày 29-10-2006. Bà xã Thế, quá đau buồn, đã quyết định âm thầm làm tang lễ cho Thế mà không báo cho bạn bè. Hôm đó, Phục tình cờ gọi phone thăm Thế mới được biết tin buồn này.
Trờ lại năm 1992, một thời gian ngắn sau đó, cả Quang, Hải và Hiếu cũng đến Hoa Kỳ theo diện HO. Riêng Quang thì định cư mãi tận miền Tây Bắc của Hoa Kỳ nên tôi và Quang chỉ thỉnh thoảng liên lạc với nhau qua điện thư hay điện thoại. Được biết Quang vẫn còn thích đọc sách, tôi đã gửi biếu Quang tác phẩm của tôi, và giới thiệu cho Quang Trang Web cá nhân của tôi. Hải và Hiếu cùng định cư tại thành phố Lansing, thuộc tiểu bang Michigan, gần nơi tôi ở hơn rất nhiều. Nhờ vậy, vợ chồng tôi đã có thể lái xe sang thăm Hải và Hiếu tại nhà Hải và 3 đứa tụi tôi lại có được một buổi nhậu với nhau, như trong tấm ảnh bên dưới đây:
Hình hai bạn Hải và Hiếu với tác giả tại nhà Hải ở Lansing, Michigan, Hoa Kỳ
Đến giữa thập niên 1990, trong nhóm bạn thân Petrus Ký của tôi gồm 9 người thì Tắc đã mất, trong các bạn còn lại thì đã có được 7 người định cư tại Bắc Mỹ: Hải, Hiếu, Lãm. Phục, Quang, Thế Huỳnh ở Hoa Kỳ và tôi ở Canada. Người duy nhứt còn sống tại Việt Nam là Minh. Tất cả chúng tôi đều đã có gia đình, con cái, và ở vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” hết cả rồi, nhưng lúc gặp nhau thì vẫn cứ “mày, tao” như ngày còn đi học. (Trừ 1 người duy nhứt tôi không còn mày tao nữa mà gọi là Anh Hai đàng hoàng, và đó là Võ Văn Minh). Tôi và Hải + Hiếu vì tương đối sống gần nhau (Lansing, Michigan và Hamilton, Ontario chỉ cách nhau hơn 2 giờ lái xe thôi) nên được gặp nhau nhiều lần hơn các bạn kia. Tháng 6-2007, khi cưới vợ cho thằng con trai nhỏ, vợ chồng tôi đã mời Hải + Hiếu đến dự. Hiếu vì lúc đó có việc phải về Việt Nam nên chỉ có vợ chồng Hải sang Canada dự đám cưới thôi, như trong hình bên dưới đây:
Hình đám cưới con trai của tác giả – Hai vợ chồng Hải: thứ 2 và 3, hàng ngồi, từ trái qua
Sau đám cưới, tháng 10-2007, vợ chồng tôi bay xuống California thăm bà con và bạn bè. Trong dịp nầy, chúng tôi đã dành thì giờ đi thăm hai vợ chồng Lãm ở San Jose, như trong hai tấm ảnh bên dưới đây:
Tôi và Lãm tại phòng khách nhà Lãm
Hình vợ chồng Lãm + Lệ và vợ chồng tác giả trước nhà Lãm
Thật không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Lãm. Lãm mất tại nhà một cách đột ngột vào ngày 21-6-2011, hưởng thọ 72 tuổi. Đám tang Lãm được cử hành rất trọng thể, có cả Lể Phủ Quốc Kỳ bởi các chiến hữu của Lãm trong binh chũng Thủy Quân Lục Chiến. Lý do rất là chính đáng: Thiếu Tá Đinh Xuân Lãm, Khóa 17 Võ Bị Đà Lạt, chức vụ cuối cùng là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 16, thuộc Lữ Đoàn 468 TQLC, đã trọn đời chinh chiến, luôn sát cánh với đồng đội, và được sự thương yêu của cấp dưới cũng như được cấp trên đánh giá cao. Trước khi đột ngột qua đời, trong một lần lâm bệnh, Thiếu Tá Lãm đã được chính các cấp chỉ huy đến tận nhà thăm viếng như trong tấm ảnh bên dưới đây:
Hình chụp tại nhà Lãm: người đứng bên trái là Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, cựu Tư Lệnh TQLC; người bắt tay Lãm là Đại Tá Ngô Văn Định, cựu Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 468 TQLC
Các quân nhân TQLC VNCH chào kính trước khi làm lễ di quan tại đám tang của Lãm
Trở lại chuyện của anh Võ Văn Minh. Tháng 9-1981, khi rời Việt Nam đi đoàn tụ gia đình tại Canada, tôi cứ nghĩ là không bao giờ còn gặp lại Minh nữa. Nhưng tôi đã lầm. Sang thập niên 1990, chánh phủ Việt Nam thay đổi chính sách, mở rộng cửa đón tiếp đồng bào ở hải ngoại về thăm quê hương. Tôi và bà xã tôi đã về Việt Nam rất nhiều lần và lần nào tôi cũng gặp Minh và ăn cơm chung với nhau, có khi cùng đi về Ngã Tư Long Hồ, Vĩnh Long để thăm mộ ông cụ ba của Minh và là nhạc phụ của tôi.
Minh và tôi gặp lại nhau lần đầu ở Việt Nam sau khi xa cách nhau 17 năm – Tháng 4-1998
Thời gian này, một trong các vị Giáo sư dạy bọn tôi hồi ở dệ nhứt cấp là Thầy Bùi Trọng Chương, gần như mỗi năm đều về Việt Nam. Mỗi lần như vậy, tôi đều thông báo cho Minh để tổ chức cho các bạn Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957) đến họp mặt với Thầy tại nhà Minh.
Minh và Thầy Chương tại nhà Minh ở Việt Nam – Tháng 12-2006
Về sau, khi Thầy đã trên 80 tuổi, sức khỏe không cho phép, Thầy thôi không về Việt Nam nữa. Khi Thầy mất vào tháng 3-2013, tôi đã bay sang Nam Cali, đại diện cho môn sinh của Thầy đọc điếu văn tại đám tang của Thầy. Nhân dịp này, tôi đã gặp lại Phục và cùng với Phục chụp chung một tấm ảnh với Thầy Lê Xuân Khoa (bạn đồng khóa với Thầy Chương ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, và cũng là Thầy dạy môn Quốc Văn cho bọn tôi ở Petrus Ký) tại đám tang Thầy Cương:
Hình Bạn Phục và tác giả chụp chung với Thầy Lê Xuân Khoa tại đám tang Thầy Bùi Trọng Chương – Nam Cali, Tháng 3-2013
Sau đám tang, tối hôm đó, vợ chồng Phục đã đưa tôi đi ăn tối tại một nhà hàng chuyên về món ăn Mể Tây Cơ của vợ chồng một đứa con gái. Bửa ăn ngon lại còn có thêm những màn trình diễn khiêu vũ Mể Tây Cơ rất ngoạn mục tạo cho tôi một kỷ niệm khó quên với Phục trong chuyến đi Nam Cali năm 2013 này.
Vào đầu năm 2018, nhóm bạn thân của tôi tại trường Petrus Ký nay chỉ còn lại 6 người: Minh còn ở Việt Nam, 4 người sống tại Hoa Kỳ là Hải, Hiếu, Phục và Quang, và tôi sống tại Canada. Tất cả chúng tôi đều đã gần “tám bó” hết rồi. Tôi quyết định viết bài này để ghi lại kỷ niệm với nhóm bạn thân Petrus Ký này. Mới viết được phần đầu thì tôi và bà xã tôi nhận được tin từ Việt Nam báo sang Minh bịnh nặng và đã nhập viện. Tôi và bà xã tôi lập tức lo giấy tờ để bay về Việt Nam nhưng vẫn không kịp. Thật là buồn Minh đã mất vào ngày 3-2-2018 trước khi vợ chồng tôi về đến Sài Gòn. Tôi và bà xã tôi chỉ cúng được cho Minh hai cái Thất tại Chùa Già Lam trong thời gian ở Việt Nam. Trên chuyến bay thật dài từ Sài Gòn về lại Canada, lòng tôi nặng chĩu đau buồn vì đã mất thêm một người bạn học mà cũng là một người anh thân thương trong gia đình trong một thời gian hơn nửa thế kỷ.
Thay Lời Kết
Nhóm bạn thân 9 người của tôi, của tuổi trẻ thời trung học đệ nhứt cấp tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, của những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, nay chỉ còn lại 5 người: 4 người sống tại Hoa Kỳ, và tôi, một mình lủi thủi tại Canada, tất cả đều sắp sửa bước vào ngưỡng cửa của tuổi “bát tuần.” Rồi đây, chúng tôi cũng sẽ lần lượt từ giả cuộc đời này, chỉ không biết được ai sẽ đi trước ai sẽ đi sau mà thôi. Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm qua của tình bạn chúng tôi trãi qua trong bối cảnh đau thương của đất nước và dân tộc, tôi thật sự mang ơn cuộc đời và định mệnh đã tạo cơ hội cho chúng tôi gặp được nhau, được kết bạn với nhau, và đã thật sự có được với nhau quá nhiều kỷ niệm êm đềm để không bao giờ có thể quên được “những ngày xưa thân ái” bên nhau đó.
Thành phố Hamilton, Ontario, Canada
Ngày 18 Tháng 3 Năm 2018
Viết Thêm Vào Đầu Năm 2019
Sau khi viết xong bài viết này tôi đã in ra và gởi đến 4 người bạn còn tại thế và đang sống tại Hoa Kỳ: Hải, Hiếu, Phục và Quang. Hiếu và Quang đã điện thoại báo tin cho hay nhận được bài viết và tụi tôi lại được dịp cùng nhau nhắc lại các kỷ niệm ngày trước. Chờ mãi không thấy Hải và Phục báo tin gì cả, tôi đâm nghi và lo. Tôi gọi điện thoại thì mới hay cả Hải và Phục đều có vấn đề sức khỏe và ra vô nhà thương mấy lần rồi. Đầu tháng 12-2018, tôi lại gọi điện thoại thăm Phục và được bà xã Phục cho biết không còn hy vọng nữa, và gia đình đã chuẩn bị mọi việc, kể cả tinh thần. Ngày 21-12-2018, Phục vĩnh viễn ra đi. Tôi lại mất thêm một người bạn thân nữa. Trong tấm ảnh tôi chụp chung với Thế, Lãm và Phục vào năm 1992, trước nhà Phục, khi chúng tôi cùng đến dự đám cưới của đứa con gái lớn của vợ chồng Phục (tấm hình ở cuối trang 8 bên trên), bây giờ chỉ còn lại một mình tôi. Thời gian của 4 người còn lại, Hải, Hiếu, Quang và tôi, của đám bạn thân 9 người của tôi, sẽ còn bao lâu nữa? Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng tôi tin chắc một điều là tình bạn của chúng tôi sẽ mãi mãi tồn tại trong tâm tư của chúng tôi cho đến ngày chúng tôi vĩnh viễn ra đi.
Thành phố Hamilton, Ontario, Canada
Ngày 19 Tháng 1 Năm 2019
Lâm Vĩnh Thế