‘Me Mít!’
Đoàn Xuân Thu

Hồi thời thực dân Pháp, phụ nữ Việt Nam lấy chồng Tây làm mấy ông cùng thời với Tía tui con tim đà tan nát.
Bởi chồng gần sao em không lấy? Lại lấy chồng xa? Lỡ mai cha yếu mẹ già; chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng?
Rồi cố gắng khuyên em rằng “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục cũng là… cái ao!”
Khuyên can hết cách nhưng vẫn trớt quớt hè! Không em nào chịu nghe để thôi lấy chồng Tây nên mấy ông quạu đeo, hậm hực gọi xách me em là ‘Me Tây’ Rồi Mỹ qua, em nào lấy Mỹ thì bị gọi là ‘Me Mỹ’.
Vì lấy Tây tất phải đẻ ra Tây con, em làm Me (tức là Mẹ) của Tây! Rồi lấy Mỹ tất đẻ ra Mỹ con, em là Me (tức là Mẹ) của Mỹ.
Sau nầy khi CS chiếm Miền Nam, bà con mình vượt biên, vượt biển qua Mỹ, qua Úc, qua Canada thì tui chưa thấy em nào lấy Úc bị gọi là ‘Me Úc’ hay ‘Me Canada’ gì ráo trọi?!
Nên gặp một em lấy Úc, tui gọi em là ‘Me Úc’. Em giận xanh mặt, giơ tay đòi vả cho tui một cái rớt hết hàm răng giả về cái tội thày lay, đi ‘bốt đờ sô’ vô đời tư của em, chỏ mũi vô chỗ không đáng chỏ.
Em còn bỉu môi rằng: “Ờ! Tui ‘Me Úc’ vậy đó; còn anh cũng là Me nhưng ‘Me Dốt’! Thời buổi nầy mà còn phân biệt chủng tộc trong chuyện lấy chồng lấy vợ! Thiệt là con rùa chậm tiến!”
Mặc dù nghe em lên lớp, thấy cũng có lý nhưng tui rán vớt vát là: “Đừng mà em! Lấy Tây lấy Mỹ làm chi? Lấy anh có cái ‘củ mì’ tốt hơn!”
Nói nào ngay hồi mới đặt chân lên nước Úc vào cuối thập niên 70, con gái ít lắm; con trai thì nhiều. Mà ít là quý, là lên giá hè; nên mặc sức mấy em kén cá chọn canh; tui vừa xấu trai, vừa nghèo mà tánh tính lại hơi tưng tửng, cà chớn chống xâm lặng nên đua hỏng có lại mấy anh mình.
Vậy là ế vợ Việt, tui bèn chứng tỏ rằng ‘củ mì’ của tui không có sượng; tui bèn gá nghĩa tao khang với một em Úc rặc đàng hoàng, Úc thổ dân, mà ông cố nội một ngàn đời của em đã đến cái hòn đảo Úc Châu khổng lồ nầy cách đây tới hơn 50 ngàn năm lận.
***
Em yêu, Úc thổ dân của tui, vốn tốt nái, mắn con. Mới đụng đầu cạnh giường là em tọt ra một đứa. Hai chục năm vầy duyên hương lửa với tui em sản xuất hơn một chục đứa, đủ cho nhà tui thành lập một đội đá banh đi tranh World Cup.
Chính vì em Úc rặc lấy chồng nước ngoài, và tui là ‘Mít’ nên lúc âu yếm, tui thường gọi em yêu là ‘Me Mít’.
Me Mít cũng thương con như Me Tây, Me Mỹ mà thôi. Cái tình mẫu tử đâu đâu cũng như nhau không có cái chuyện kỳ thị chủng tộc gì hết ráo.
Mẹ Mít thương con nhiều đến nỗi nên luôn hỏi: “Con đi đâu? Đi với đứa nào? Và chừng nào về?”
Đứa con gái tui trả lời rằng: “Tối nay con có hẹn với một cầu thủ chơi bóng bầu dục kiểu Úc gọi là ‘Footy’ cũng gốc thổ dân!”
Me Mít bèn đưa cho một cái tu huýt. “Chi vậy Me?” “À khi nó hùng hục đòi tiến tới mà con bảo thôi; nó không nghe thì đem cái tu huýt đeo trên cần cổ nè ra ‘hoét’ một cái. Là cầu thủ, nghe tiếng còi tất nó phải ngừng!”
“Đó là kinh nghiệm của Me đó. Bà Ngoại bắt Me đeo cái tu huýt nầy trước ngực đêm đầu tiên hẹn hò với Tía con. Mẹ cũng đem ra thổi nhưng tiếc thay Tía con không phải là cầu thủ nên hậu quả của sự tiếc thay đó là con bây giờ nè! Và Mẹ trở thành ‘Me Mít!’
Còn đối với mấy thằng cu, Me Mít thương con nhiều đến nỗi con muốn mua chiếc xe đạp hả? Rán để dành tiền đi! Dù Me biết rằng Me thừa sức mua nó cho con!
(Me Mít nói với tui rằng: “Không phải em bủn xỉn với con mà em muốn dạy cho tụi nó tánh tự lập về tài chánh; còn số tiền thay vì mua xe đạp cho con, em sẽ đi Liquorland mua một thùng beer Úc về để hai vợ chồng mình nhậu!”)
Me Mít thương con nhiều đến nỗi có thể đứng yên suốt 2 tiếng đồng hồ để nhìn thằng cu dọn dẹp căn phòng ngủ của con cho dù việc nầy chỉ mất có 15 phút.
(Dạy con mình xả rác là tự mình phải hốt)
Và trên tất cả là Me Mít thương con nhiều đến nỗi không chấp nhận đứa con gái mà thằng ‘cu’ dắt về nhà ra mắt; cho dù điều đó làm con không còn yêu Me nữa.
Nghĩa là em yêu. Me Mít của đám con tui, là chuyện gì của con cũng xía vô; cũng muốn toàn trị theo chủ nghĩa ‘Stalinít!’
***
Me Mít, em yêu của tui, dẫu là gốc thổ dân chớ không phải là Việt Nam rặc rị nhưng bao giờ cũng muốn con mình thành bác sĩ.
Dưới mắt em yêu bất cứ đứa con trai hay gái gì cũng đều còn nhỏ dại trừ phi nó đậu vô trường Đại học Y khoa của Melbourne!
Em có nhiều cách khích tướng đám con tui là: “Mẹ sẽ không bực mình nếu con cỡi con lừa nầy đến trường. Nhưng Mẹ cũng tò mò muốn biết cách nào mà con lừa nầy có điểm bài tập giỏi hơn con?”
Bất đồng trong việc ép con học (xin lỗi) chết cha chết mẹ nầy đây đã gây ra cuộc chiến tranh lúc nóng lúc lạnh. Tui nói em là ‘Me Mít’ chớ đừng làm ‘Me Cọp’ (Tiger Mum), một người Mẹ Chệt, dùng bàn tay sắt bọc nhung ép con mình học đến đầu bù tóc rối.
Cuối cùng đám con đều trở thành luật sư, bác sĩ, nha sĩ hết trơn nên bà Mẹ Cọp nầy ra sách, khoe phương pháp giáo dục của mình nhưng quên nhìn lại là trong các bức ảnh tốt nghiệp trường Y, mặc áo thụng Tiến sĩ, đội nón chóp có cái đuôi tòn ten màu đỏ.
Nhìn sơ sơ thì thấy vinh quang nhìn đàng hoàng… thì thấy mặt mũi đứa nào cũng hâm hâm hết ráo. Học quá, nhứt là cái nghề mà mình không khoái, là một cực hình, tất nổi khùng chứ sao!
Thuyết phục mãi mà Me Mít của tui cứ ngoan cố không chịu tiếp thu (cái nầy nghe quen quen nhe!)
Em nói: “Đám con là tác phẩm của em. Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm nên em được toàn quyền!” Cảnh báo tui đừng có xía vô làm tình cảm của đôi ta sứt mẻ rồi bể luôn; không có cơ hàn và gắn.
Cứ để Me Mít nầy tối tăm mặt mũi giặt đồ, sấy đồ, rửa chén, hút bụi, dọn dẹp phòng ngủ cho con, đi chợ nấu ăn; trong khi Tía của chúng nó là thằng tui bận đi đánh golf 18 lỗ.
Sáng nào em cũng phải thức dậy 5 giờ sáng không có thời giờ để ăn sáng nhưng em yêu cũng còn có đủ thời giờ lên 10 kí lô vừa thịt vừa mỡ. Dạo phố bên cạnh anh yêu, em đi lạch bạch giống hịt con vịt bầu!
Nói nào ngay, khi em bắt đầu thèm chua, thèm me dốt là em đã mặc áo bầu. Con thứ hai mặc áo quần thường cho đến khi không còn mặc được nữa. Rồi từ đứa con thứ ba… thứ, 4, 5, 6, 7, 8… Em mặc áo bầu suốt! Tại sao vậy? Vì bụng em giờ như một cái trống chầu.
Không ai có thể tàn phá nhan sắc của một người phụ nữ bằng cánh đàn ông của chúng ta. Tui xin thay mặt toàn thể quý anh mà cúi đầu tạ tội cùng quý em nhe!
***
Cứ mỗi năm tới ngày Từ Mẫu lại gợi nhớ những ngày xưa thân ái khi tui đưa em yêu đi đập bầu ở bịnh viện Phụ sản, Royal Women’s Hospital.
Chuẩn bị vượt cạn! Con so, em mua quần áo về thêu, trang trí rất cầu kỳ. Con thứ hai lấy quần áo đó ra giặt cho sạch sẽ rồi xài lại. Con thứ ba, Me Mít tự hỏi con trai nó mặc quần áo của chị nó màu hồng được không hè?
Còn cái chuyện vợ chồng đi ăn tối cùng nhau để hâm lại tình ta đà nguội ngắt! Con so để cho vú em trông lúc đi ăn tiệm với chồng, em gọi về nhà 5 lần.
Con thứ hai, trước khi đi để số điện thoại lại cho chị vú em. Con thứ ba dặn chị vú chỉ gọi khi có đứa nào lỗ mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc.
Con so bỏ thời giờ ra ngắm con ngủ. Con thứ hai bỏ thời giờ ra canh chừng coi đứa lớn có bạt tai đá đít em mình không. Con thứ ba, mỗi ngày, Me Mít bỏ một chút thời giờ ra… đi trốn!
Vì dọn dẹp nhà cửa khi có đám nhóc ở nhà giống như mình rửa lối chạy xe vào trong khi trời đang bão tuyết.
Đám trẻ, con của mình đi học về là nhà sáng hẳn lên… Vì bọn chúng không bao giờ chịu tắt đèn!
Rồi đồng hồ báo thức chỉ để đánh thức những người không có con còn nhỏ. Nhà mình khỏi cần!
Mình làm mẹ khi đôi chân dính chặt trong nhà bếp và mình cũng chẳng than phiền gì.
Em thỏ thẻ với anh yêu rằng: làm Me Mít, hằng đêm, em vui mừng biết bao khi cả đàn con của mình đều đã lên giường đi ngủ.
“Rồi đám con mình lớn lên lần lượt nó sẽ sẽ đủ lông đủ cánh bay đi. Nó rời khỏi nhà nầy nhưng chắc chắn là tụi nó không bao giờ rời khỏi tim em.”
Nghe tui xuống xề mùi như kép Minh Chí xuống xàng xê như vậy em cảm động khóc như hà mã rống!
Rồi tui đế thêm một câu “Tiền bạc không là gì cả. Nhưng chắc chắn tiền bạc sẽ giữ đám con còn liên lạc với mẹ mình!”
Em nghe xong quay lại sừng sộ với tui là đừng có bêu xấu đám con em nhe!
***
Nhân ngày Từ Mẫu, Chủ Nhựt,13 tháng Năm, tui xin kể cái cái bài học nầy cho mấy ông ‘con’ nghe mà suy gẫm!
Một ông ngừng tại tiệm bánh hoa móc credit card ra cà rồi nhờ người bán hàng giao cho mẹ mình cách đó 200 cây số, nhân ngày từ mẫu với lời chúc mừng Happy Mother’s Day thắm thiết!
Bước ra khỏi xe, dợm bước vài tiệm bán hoa thì thấy ngay trước cửa có một em bé đứng thổn thức khóc hi hi!
“Chuyện gì vậy con gái?” “Con muốn mua một cái bông hồng cho mẹ giá 2 đô mà con chỉ có 75 xu hè!” “Đi với bác! Bác sẽ mua cho con!”
Vô tiệm, ông đặt bông nhờ tiệm giao đến tận nhà cho mẹ mình xong; mua cho cháu nhánh một bông hồng và muốn cho nó có giang về nhà.
“Vâng ạ! Nhưng bác chở cháu đến mẹ cháu trước đã!” Theo lời chỉ đường của cháu, chạy tới một nghĩa trang. Cháu gái bước xuống xe đặt nhánh bông hồng lên mộ mẹ.
Ông bèn quay xe trở lại tiệm bán bông, hủy cái chuyện giao bông đến tận nhà mà mua 70 cái bông hồng tuyệt đẹp, rồi tự tay lái xe đi 200 cây số để tặng cho mẹ mình giờ đã 70 tuổi.
Happy Mother’s Day!
đoàn xuân thu.
melbourne