XVII

NGÔI TRƯỜNG LÀNG

Tiền Vĩnh Lạc

Từ chợ An Nhơn bước qua một khoảng đất trống thì tới trường học. Trường xây bằng gạch, lợp ngói móc, nền lót gạch tàu, choán diện tích tương đương với cái chợ, tức khoảng 12m x 20m. Sân trường rộng khoảng 10m x 20m, không có rào. Đứng ở chợ nhìn qua có thể thấy học trò chơi đùa ở sân trường.  Trường chỉ có ba lớp, có bảng đề “Cours Enfantin” (Lớp Năm), “Cours Préparatoire” (Lớp Tư), và “Cours Élémentaire” (Lớp Ba). Thầy giáo và cha mẹ học trò nói chuyện với nhau thì nói  “lớp Năm”, “lớp Tư”, “lớp Ba”, nhưng trong sách học đều ghi “lớp Đồng Ấu”, “lớp Dự Bị”, “lớp Sơ Đẳng”, dịch sát với tiếng Pháp.

Cả làng chỉ có một trường công này, dân làng kêu là “Trường Nhà Nước”, và một trường tư ở Chợ Giữa, thường kêu là “Trường Cô Giáo Huấn”. Trường Nhà Nước không có bảng hiệu. Các lớp đều sáng sủa, thoáng mát, vách tường chỉ xây lên cao khỏi đầu người, bên trên đóng “mắt cáo” bằng cây. Mỗi lớp có hai dãy bàn học trò, mỗi bàn ngồi bốn trò. Lớp nào đông đủ có thể ngồi bốn mươi tám trò. Phía trên là bàn viết của thầy, để trên bục cao chừng 30cm. Ngang với bàn thầy có một tấm bảng đen đặt trên một cái giá bảng ba chưn. Bảng sơn đen, chớ không phải sơn màu xanh lục như ngày nay. Trên vách ngang bàn thầy có treo một “Bảng Danh Dự”, dán tên năm trò có điểm cao nhứt trong tháng trước. Ngoài ra còn có bản đồ Đông Pháp (chưa có bản đồ Việt Nam in riêng) và nhiều bản in hình thân thể người ta, hình hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, bộ xương người, v.v… Ba thích nhứt là bản in hình mấy con thú rừng: cọp, beo, gấu, nai, voi, tê giác, khỉ, sấu, … Riêng lớp Ba “Cours Élémentaire” lại có “Musée scolaire”, nghĩa là “Bảo Tàng của trường học”. Đó là một cái kệ đóng suốt chiều dài của lớp học, trên đó để đủ thứ dụng cụ làm ruộng, dụng cụ đánh cá, v.v… thu nhỏ lại mà giống như thiệt: ghe, xuồng, cây chèo, giỏ đựng cá, nôm, cần câu, lưới, chài, cày, bừa, cuốc, xuổng, chỉa ba, cào cào, xa gió, xe quạt lúa, cối, chày giã gạo, nia, rổ, rá, sàng, v.v…, không thể kể hết. Trước giờ học, ba thường đi dọc theo cái “Musée scolaire” này để coi chơi. Có nhiều món ba không biết là cái gì, để làm chi, ba hỏi mấy đứa khác con nhà nông, tụi nó cắt nghĩa cho ba nghe, coi bộ tụi nó rành lắm, chắc là cái nghề làm ruộng, bắt cá tuy cực mà cũng có nhiều thú vui. Theo danh nghĩa thì “Bảo Tàng của trường” phải là những món do học trò học làm thủ công, trường lựa những món làm khéo mà để lại. Nhưng những món chưng trên kệ như ba nói đều là những món làm rất khéo, không thể do học trò làm!

Bàn học trò đóng dính với băng ngồi. Trước mỗi trò có khoét một cái lỗ để bình mực, tiếng Pháp kêu là “godet”.

Hình bình mực – “godet”

Mỗi sáng thứ Hai, trước giờ học có một cậu học trò cầm một chai mực tím lớn đi từng bàn, châm mực vô godet. Lâu lâu hết mực, mỗi trò hùn vô một xu để mua mực, pha ra dùng chung, nhờ vậy mực đậm đều nhau một màu. Thuở đó chưa có viết đạn (viết Bic) như bây giờ, học trò phải lấy cây viết chấm mực mà viết. Viết rồi phải lấy “giấy chậm” mà chậm cho mực khô rồi mới đem tập lên cho thầy sửa và cho điểm.

Ngòi viết có đủ kiểu, thường học trò hay dùng ngòi viết “lá tre”, hoặc ngòi viết “Flamand”. Ngoài ra còn các thứ ngòi viết khác như “bắp chuối”, “mặt quỷ”, “cổ cò”, v.v…

Hồi đó, người ta rất chú trọng chữ viết: phải viết đẹp. Viết ám tả trúng hết mà chữ xấu cũng bị trừ điểm. Bài luận văn hay mà chữ viết cẩu thả cũng bị bớt điểm.

Từ lớp Đồng Ấu cho tới lớp Nhứt (Cours Supérieur) đều có giờ tập viết. Lớp Nhứt tập viết các thứ chữ “ronde” (chữ tròn, lớn, có nét đậm, lợt), chữ “bâtarde” (chữ lớn, nghiêng, rõ nét), chữ “gothique” (chữ đứng, có nét thẳng, gãy khúc; chữ gothiquehoa rất đẹp mà khó viết lắm). Ngày nay cũng còn nhiều vị cao niên nhờ lúc nhỏ có “tập viết” nên chữ của các cụ rất đẹp. Đọc một lá thơ viết chữ đẹp, tự nhiên mình có cảm tình với người viết … Lại cũng có khoa xem nét chữ mà đoán tánh người, và có khoa “bói chữ ký” nữa.

Sau đây là hình vài loại ngòi viết thường dùng hồi ba còn nhỏ:

Bảng xếp hạng

Trước mỗi học trò, bên cạnh “godet” mực, có một tấm bảng nhỏ, sơn trắng, ghi số hạng của trò đó được xếp theo kết quả học tháng trước. Hạng 1 đến 10 sơn số đỏ, hạng 11 trở lên sơn số đen. Khi “Quan Thanh Tra” (người Pháp) tới, chỉ liếc mắt qua một lượt thì biết trò nào học giỏi, trò nào dở. Tấm bảng của ba hồi học lớp Ba trường làng, hầu như tháng nào cũng đỏ. Có khi được số 1 liên tiếp hai tháng, khỏi đổi bảng!

Học trò học mỗi ngày hai buổi. Mỗi tuần học năm ngày, thứ Năm và Chủ Nhựt nghỉ.

Buổi sáng, tám giờ mới vô học, nhưng học trò thường đến trước để chơi ở ngoài sân. Chơi những trò nhẹ để không đổ mồ hôi và không làm dơ quần áo.

Đúng giờ, một cậu học trò lớp Ba – đã được thầy giao việc – đánh ba tiếng trống: “thùng! thùng! thùng!…” (hai tiếng nhặt, một tiếng khoan) thì tất cả học trò đều ngừng chơi, đi sắp hàng đôi để vô lớp, lớp nào theo lớp nấy. Hồi ba học lớp Ba (9 tuổi), thầy giáo có sáng kiến đặc biệt: thay vì sắp hàng đôi, đứa trước đứa sau, thầy cho sắp hàng đôi nhưng hai hàng học trò đứng đối diện nhau, hai bàn tay lật ngửa, cùi chỏ nép sát hai bên hông, chính giữa hai hàng học trò chừa một khoảng trống đủ chỗ cho thầy đi. Thầy đi chẫm rãi, xét bàn tay của học trò. Bàn tay nào dơ, thầy gõ nhẹ một cái bằng thước kẻ, trò đó phải chạy đi rửa tay mau rồi trở lại chỗ đứng. Trước khi đi xét tay, thầy hô: “Verbe Aller, temps présent”, tức thời học trò đọc một lượt: “Je vais, tu vas, il va, nous allons, vous allez, ils vont”. Thầy hô tiếp: “Verbe Être, temps futur”, tức thời học trò đọc vang “Je serai, tu seras, il sera, nous serons, vous serez, ils seront”. Hômkhác, thầy hô: “Multiplication, par cinq” thì học trò đồng thanh: “Cinq fois un font cinq, cinq fois deux font dix, cinq fois trois font quinze, …”.

Nhờ vậy mà học trò lớp Sơ Đẳng được thầy dạy “chia động từ” và thuộc “cửu chương” khá lắm.

Nhiều cha mẹ học trò khoe với bà con: “Thằng Tý của tôi nó biết tiếng Tây rồi đó! Không tin, chị hỏi nó thử coi!” Có người hỏi thiệt coi thằng Tý trả lời được không:

     – Cái đầu”, tiếng Tây nói làm sao?
     – La tết! (la tête)
     – cái mũi?
     – Lơ nê! (le nez)
     – Cái miệng?
     – La Bush! (la bouche)
     – Cái cổ?
     – Lơ cu! (le cou)
     – Nói tầm bậy! Tao hỏi thiệt mà!
     – Thì con nói thiệt mà! Tây nó kêu cái cổ là “lơ cu”, không tin dì hỏi mấy đứa khác coi! Con có nói bậy đâu!

Phát âm tiếng Pháp và tiếng Việt có những trùng âm lạ lùng, nhiều khi nghe như nói tầm bậy! Người Việt nói tiếng Pháp lại hay bỏ dấu, như “retour” thì nói “rờ-tua”, “direct” thì nói “đìa-réc”, v.v… Chia động từ “aller” thời vị lai: “il ira, nous irons, vous irez …”, học trò đọc “ỉa ra, ỉa rong, ỉa rê …” nghe kỳ quá!

Hồi ba học lớp Ba trường An Nhơn, có lần ông Thanh Tra Tiểu học, người Pháp, tới trường. Sau khi viếng các lớp và nói chuyện với mấy thầy, ổng qua lớp Ba và hỏi đứa học trò ngồi bàn đầu: “Est-ce qu’il y a des élèves borgnes à l’école de Govap?” (Ở Trường Gò Vắp có trò nào chột mắt không?) Cậu này liền đứng dậy, khoanh tay trả lời: “Non, Monsieur, les élèves ne portent pas à l‘école des goyaves!” (Thưa ông, không. Học trò không có đem ổi vô trường!) Ông Thanh Tra cười quá. Nhưng ông không rầy, vì ông biết học trò trường làng có mấy khi được nói chuyện với người Pháp chính cống. Hơn nữa, ông nói “Govap” (Gò Vắp) nghe như “Goyave” (trái ổi), cậu học trònghe “borgnes” (chột mắt)lại lầm là “portent” (đem theo), cho nên mới trả lời trật chìa như vậy. Trường An Nhơn mà ông Thanh Tra lại nói lộn là trường Gò Vắp!

Trở lại chuyện lớp học. Sau khi thầy xét tay học trò và cho ôn cách chia động từ, đọc cửu chương, thầy cho học trò vô lớp. Trò nào vô chỗ trò nấy. Con gái ngồi hai bàn đầu bên trái ngó lên bàn thầy, các bàn còn lại con trai ngồi. Đứa nhỏ con ngồi trước, đứa lớn ngồi sau, giữ chỗ đó luôn cho tới hết năm học. Lớp nào cũng vậy, phần đông mấy đứa lớn ngồi bàn sau học dở hơn mấy đứa nhỏ ngồi bàn trước.

Tất cả học trò vô lớp, đứng tại chỗ chớ chưa được ngồi. Thầy dùng thước kẻ gõ lên bàn một cái “cộp”, cả lớp đồng thanh đọc: “Nous nous levons!” (Chúng em đứng dậy!). Thầy lại gõ một cái nữa. Cả lớp đọc: “Nous nous asseyons!” (Chúng em ngồi xuống!), rồi mới được ngồi xuống, lấy tập vở ra.

Trên bảng đen thầy đã đề ngày sẵn và một câu tục ngữ, thí dụ:

     Mardi, 14 Janvier 1936
     Có công mài sắt, chầy ngày nên kim

Học trò lấy tập “Cahier de Devoirs” (Tập bài làm) ra, đề ngày, chép câu tục ngữ (hoặc châm ngôn, cách ngôn có tính cách luân lý). Thầy cắt nghĩa câu tục ngữ này cho học trò nghe, rồi mới bắt đầu điểm danh, đánh dấu vô “Registre d’Appel” (Sổ điểm danh) để biết bao nhiêu học trò có mặt, vắng mặt. Thầy ghi lên góc trái phía trên của tấm bảng đen: “P:42” (P: Présent, có mặt), “A:4” (A: Absent, vắng mặt).

Kế đó, thầy lật cuốn “Journal de Classe” (Nhựt ký lớp học), bắt đầu dạy bài mới.

Thuở đó, không ai nghe nói tới “Giáo án”. Thầy, cô chỉ theo cuốn Nhựt ký đó mà dạy.

Cũng nên để ý, trường làng An Nhơn là trưởng tiểu học chỉ có ba lớp, mà tất cả sổ sách, tên lớp, cho tới đề ngày trong tập cũng đều dùng tiếng Pháp. Đó là chủ trương của nhà cầm quyền Pháp, bỏ chữ Nho, chữ Nôm và lối học từ chương, thi phú, dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, áp dụng các môn học thực dụng, để khi ra trường, người Việt có thể làm việc cho Nhà Nước hoặc cho các cơ sở thương mãi, kỹ nghệ, canh nông của Pháp.

Hồi đó, con nít xin vô trường học dễ lắm. Chỉ cần nộp một tờ Giấy Khai Sanh là đủ. Nhiều đứa tám chín tuổi mới đi học thì nộp khai sanh của em nó, sáu tuổi. Từ đó cho tới lớn mang luôn tên tuổi của em nó trong tất cả các thứ giấy tờ: bằng cấp, hôn thú, thuế thân, v.v… Tới khi em nó muốn đi học thì lấy giấy khai sanh của em nhỏ nữa. Có khi lấy khai sanh của đứa đã chết mà đi học. Con nít chết, không đi khai tử là chuyện thường.

Đi học khỏi đóng tiền gì hết. Chỉ lo quần áo, tập, viết mà thôi. Sách học cũng khỏi mua: đầu năm học, trường cho mượn sách; cuối năm đem sách trả lại trường. Không có học thêm, “học phụ đạo”. Mỗi năm nghỉ hè ba tháng là nghỉ hẳn, không có “học hè”. Nghỉ hè để đi học hè, chẳng thà học suốt còn hơn!

Ngày nay, người ta thường nói Pháp cai trị Đông Dương, áp dụng chánh sách ngu dân, tức là làm cho dân ngu để dễ cai trị. Pháp chỉ đào tạo một số người đủ để làm việc cho chúng. Nhưng ba có một ông bạn vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là nhà giáo không đồng ý với nhận định trên. Ông nói trước khi Pháp chiếm nước mình thì xứ mình chưa có trường học. Chỉ có Quốc Tử Giám là nơi dạy dỗ con các quan. Việc học trong làng xã được giao phó cho các ông đồ. Người Pháp chiếm Đông Dương, sau khi đặt nền cai trị khá vững, họ mở trường dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp từ thành thị cho tới những làng quê xa xôi, dĩ nhiên không phải vì thương dân mình, mà vì nhu cầu của việc cai trị. Lúc đó, đầu thế kỷ 20, trường học còn rất ít, quá ít, theo ông bạn của ba thì không phải do chánh sách ngu dân, mà do dân mình đến 90% là nông dân, chưa có nhu cầu học nhiều. Mặt khác cũng do tâm lý người dân lúc đó chưa “thần phục” người Pháp, không chấp nhận người nước ngoài cai trị nước mình, chưa muốn học theo chế độ giáo dục của Pháp. Vả lại, cũng theo ông bạn của ba, dưới các triều đại vua chúa Việt Nam số dân mù chữ Nho cũng không phải là ít. Không lẽ vua chúa Việt Nam đã áp dụng chánh sách ngu dân?

Còn nói Pháp mở trường chỉ nhằm đào tạo một số người để ra làm tôi mọi cho chúng, thì có nước nào, chế độ nào đào tạo người mà không để sử dụng?

Trên đây là ý kiến của ông bạn của ba, một người yêu nước, kịch liệt chống chế độ thuộc địa. Phần ba, ít học, ai nói sao hay vậy, vì ai cũng có lý, tùy theo quan điểm của mỗi người mà ý kiến khác nhau …

Nếu quả thật thực dân Pháp áp dụng chánh sách ngu dân, thì chánh sách đó đã hoàn toàn thất bại vì đã đào tạo những Đào Duy Anh, Nguyễn An Ninh, Phạm Ngọc Thạch, Dương Bạch Mai, Võ Nguyên Giáp, v.v… Những vị này đâu có bị Pháp làm cho ngu? Trái lại là khác!