XIV

ĐI RA CHỢ CHƠI

Tiền Vĩnh Lạc

Bữa nay Chủ Nhựt, ba không đi học. Hai bài học thuộc lòng đã thuộc hết rồi: một bài “récitation” (bài học thuộc lòng) và một bài “grammaire” (văn phạm) dạy ở lớp “Cours Élémentaire” (Lớp Sơ Đẳng) là lớp nhứt trường làng, dạy cho trẻ chín mười tuổi.

Bài récitation này bằng tiếng Pháp dạy ở các trường tiểu học từ Bắc chí Nam. Những ông bạn người Trung, người Bắc cùng lứa tuổi với ba đều thuộc bài này, và cũng hay đọc lại mỗi khi nhắc tới chuyện học hành hồi nhỏ:

          Le petit écolier

          Maintenant je vais à l’école          
          J’apprends chaque jour ma leçon
          Le sac qui pend à mon épaule
          Dit que je suis un grand garçon!

          L’an passé, cela va sans dire
          J’étais petit, mais à présent
          Que je sais compter, lire, écrire
          Ainsi, mes parents sont contents

          Quand le maître parle, j’écoute
          Et je retiens ce qu’il me dit
          Il est content de moi, sans doute
          Car je vois bien qu’il me sourit

  Tạm dịch:

          Bây giờ em đi học
          Mỗi ngày em học bài
          Cặp sách mang trên vai
          Tỏ rõ em đã lớn

          Năm qua chẳng nói làm chi
          Vì em còn nhỏ, còn bây giờ
          Em đã biết đếm, đọc, viết
          Nên cha mẹ em rất vui lòng

          Khi thầy giảng bài, em lắng nghe
          Em ghi nhớ những lời thầy dạy
          Thầy hài lòng em, em chắc vậy
          Vì em thấy thầy nhìn em mỉm cười.

Dì Hồ Công Nữ, bạn của ba má, còn thuộc một bài dạy cho các bé gái:

          La petite écolière

          En partant pour l’école
          J’embrasse ma maman
          J’ai mon sac à l’épaule
          Et je m’en vais gaiement.

Tạm dịch:

          Cô bé học trò

          Trước khi em đi học
          Em ôm hôn mẹ em
          Mang chiếc cặp lên vai
          Em vui bước đến trường …

Còn bài grammaire ba cũng thuộc nhuần nhão, có thể trả bài rốp rốp:

          Le nom

          Le nom est un mot qui désigne une personne, un animal, ou une chose. Exemples: soldat, lion, drapeau.
          Soldat, lion, drapeau sont des noms.

Đây là bài số một trong cuốn Grammaire – Cours Enfantin của Claude Augé, dịch ra tiếng Việt là:

          Danh từ

          Danh từ là một từ dùng để chỉ một người, một con thú, hay một đồ vật. Thí dụ: người lính, con sư tử, cây cờ.
          Lính, sư tử, cờ là những danh từ.

Tuy trả bài rốp rốp, nhưng lúc đó nói thiệt ba không hiểu “le nom” là cái giống gì hết! Trong lớp, thầy cắt nghĩa hết hơi, tháo mồ hôi trán, mà không đứa nào hiểu nổi. Thầy cắt nghĩa bằng tiếng Việt: người lính, con sư tử, cây cờ đều là “nom”. Thầy còn nói: thầy, học trò, ông thợ hớt tóc, con chó, con chim, con mèo, con cá, cái chợ, cái nhà, xe bò, cái búa đều là tiếng “nom”. Rốt cuộc, thầy biểu thôi cứ rán học thuộc lòng, học tới mấy bài grammaire sau sẽ hiểu bài này. Ngày mai trả bài, đứa nào không thuộc bị đánh ba roi!

Trở lại ngày Chủ Nhựt bữa nay. Học thuộc bài rồi, ba đi coi đóng móng ngựa như đã kể. Kế đó, ba đi vô chợ chơi.

Chợ An Nhơn hồi đó cũng xây giống như những chợ khác thời đó: nền tráng xi-măng cao ráo, cột gạch vuông 40cm x 40cm, mái lợp ngói móc, không có vách. Bề ngang nền chừng 12m, bề dài chừng 20m (Ba ước lượng, chắc không chính xác, vì có ai đo làm chi). Chợ nhỏ như vậy mà người bán chỉ choán hai phần ba diện tích, còn một phần ba phía trong để trống cho con nít chơi.

Mặt tiền chợ không có đề “Chợ An Nhơn” mà ai cũng biết đây là chợ An Nhơn. Từ ngoài đường bước vô, bên mặt là hàng bán nước đá của chị Hai Thà. Chị này bán nước đá uống, nước đá nhận, nước cam và xá xị hiệu “Con Nai”. Bên trái có một bà bán bánh tráng nướng: bánh phồng, bánh khoai, bánh tráng dày có rắc mè. Bà này nướng bánh trên lửa than trong một cái trã lớn bằng đất, để nghiêng. Nướng tới đâu bán tới đó. Vô trong thì có nhiều người bán hàng bông: các loại rau, cải, bầu, bí, khoai, mướp, v.v… Không có “lê-ghim Đà Lạt”, những thứ này mắc tiền, ai muốn mua phải xuống chợ Gò Vắp mới có. Có một bà bán bún, bánh hỏi, giá, rau sống, một bà bán cá, hai ba bà bán khô. Chỉ có một thớt thịt của chú Lọt, bán thịt heo sống và thịt heo quay. Có một bà bán mắm: mắm lóc, mắm sặt, mắm nêm, mắm ruốc, mắm điệp, dưa mắm, đủ hết. Đi ngang chỗ này hôi quá! Lại có mấy chị bán kim, chỉ, nút áo, kim may, kim tây, móc tai, lược dày, lược thưa, long não, dương giấy hiệu “Ma Lè”, v.v… Lại có anh bán dao, lớn nhỏ đủ cỡ. Lại có một ông bán thúng, rổ, rá, sàng, nia, v.v.. toàn bằng tre, bằng trúc đan khéo lắm. Sạp hàng sạch sẽ, đẹp mắt nhứt là sạp bán hàng vải: vải trắng hiệu “Xe Lửa”, vải “Săn đầm” đen, vải popeline, vải baptiste trắng mịn. Hàng thì có lụa Lèo, xá xị, lục soạn, lãnh đen, lụa cẩm tự, v.v… Trên dây kẽm treo nhiều dây quai nón lá đủ màu và lưng quần lãnh màu hường, màu kiếng sen, màu đọt chuối, màu hoa cà, màu vàng chanh, … Lại có treo mấy cặp móc mùng bọc hàng màu hường, mấy cặp mặt gối thêu cườm đủ màu.

Trong cùng chợ, có một anh bán loại hàng mà bây giờ người ta kêu là “văn hóa phẩm”. Đó là đồ dùng cho học trò như tập vở, giấy, viết, mực, giấy chậm và cuốn Vần Quốc Ngữ của nhà xuất bản “Phạm-văn-Thìn”, ngoài bìa có in hình con chó và con gà (Chó giữ nhà, gà gáy sáng), với mấy cuốn tiểu thuyết nho nhỏ như Nào Ai Bẻ Thước và rất nhiều cuốn thơ: Phạm Công – Cúc Hoa, Lâm Sanh – Xuân Nương, Bạch Viên – Tôn Các, Thơ Chàng Nhái, Thơ Cậu Hai Miêng, Thơ Dương Ngọc, v.v… Thuở đó, mỗi bữa trưa thường nghe người ta đọc tiểu thuyết Tàu (Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu, Tây Du, Nhạc Phi Diễn Nghĩa, v.v…) và “nói thơ”, tức là đọc thơ theo lối “Lục Vân Tiên”. Một người đọc, hàng xóm tới nghe, mê lắm!

Ngoài những người mua bán có sạp, có chỗ ngồi cố định, lại có nhiều người buôn gánh bán bưng ngồi ở đầu chợ và xung quanh chợ. Gánh thì có gánh cháo huyết, đậu hủ nước đường, xôi, bắp, bánh tằm, bánh bèo, bánh canh ngọt, nhắc tới phát thèm!

Chợ An Nhơn tuy nhỏ nhưng cũng bán đủ đồ cần dùng hằng ngày của dân làng, đa số là nghèo, ăn uống không cầu kỳ, chỉ mua sắm những món tối cần thiết.

Bên hông chợ, Nhà Nước có đào sẵn một cái giếng nước, miệng giếng có xây gạch cao lên khoảng 60cm, người buôn bán ở chợ và hàng xóm ai ra đó lấy nước cũng được. Nước sạch, tốt.

Chợ chỉ nhóm buổi sáng, mặt trời chưa đứng bóng thì thiên hạ dọn về hết, có người ra quét rác rồi giội nước, rửa sạch sẽ. Chợ không vách, không ai để hàng hóa lại, nên đứng giữa chợ ngó quanh bốn bên đều trống lỏng. Con nít mấy nhà lân cận kéo ra đó chơi. Mấy đứa con trai thì chơi cờ gánh, chọi giấy xe lửa, quất bông vụ, … Con gái nhảy nhà cò, đánh đũa, búng hột me, nhảy dây, chơi “Ông đi qua, bà đi lại, chợ nhãn hồng, trồng cây bông”. Mấy đứa con gái đánh đũa lanh lắm, vừa liệng banh, gom đũa, vừa đọc:

          “Qua cầu
          “Hầu thẻ
          “Rẽ hàng
          “Sang ngón
          “Chọn tay
          “……

Ba nhớ một ông bạn vong niên của ba má là Giáo Sư Thuần Phong có nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thi sĩ. Từ các quan chức trong triều đình cho tới người nông dân chân lấm tay bùn đều biết làm thơ. Chèo ghe, cấy lúa cũng làm thơ. Buôn gánh bán bưng cũng làm thơ. Cho tới con nít chơi đùa cũng thuộc thơ. Còn về thể thơ lại vô cùng phong phú: vè, lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, … rồi thơ mới mỗi câu năm chữ, bảy chữ, tám chữ, thơ tự do, …

Độc đáo là bài thơ mỗi câu hai chữ như bài đánh đũa trên đây (Xem tiếp ở phần Phụ Lục).

Thơ mỗi câu ba chữ, thí dụ như bài:

          “Chị lấy chồng
          “Em ở giá (góa)
          “Chị ăn cá
          “Em mút xương
          “Chị nằm giường
          “Em nằm đất
          “Chị hút mật
          “Em liếm ve
          “…

          (Xem tiếp ở phần Phụ Lục)

Thơ bốn chữ là những bài vè. Bác Năm Phụng (Phan Kim Phụng), nguyên Tổng Thơ Ký Hội Truyền Bá Quốc Ngữ Nam Việt, có sáng tác nhiều bài vè, tập họp trong cuốn Vè Truyền Bá, mấy con đều có đọc. Sau năm 1975, mỗi lần Ban Liên Lạc Cựu Hội Viên Truyền Bá Quốc Ngữ họp tất niên, má mấy con đều có l̀àm một bài Sớ Táo Quân để tổng kết tình hình quốc nội, quốc ngoại và những sự việc quan trọng xảy ra trong năm qua, dưới bút hiệu là “Táo Chiêu”, rất được hoan nghinh. Tháng Tám năm 2004, Táo Chiêu qua Úc sum họp với mấy con, có làm một Sớ Táo Quân cuối cùng cho năm đó.

Còn bài thơ năm chữ nổi tiếng nhứt có lẽ là bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên:

          Mỗi năm hoa đào nở
          Lại thấy ông đồ già
          Bày mực tàu giấy đỏ
          Bên phố đông người qua

          Bao nhiêu người thuê viết
          Tấm tắc ngợi khen tài
          Hoa tay thảo những nét
          Như phụng múa, rồng bay

          Nhưng mỗi năm mỗi vắng
          Người thuê viết nay đâu
          Giấy đỏ buồn không thắm
          Mực đọng trong nghiên sầu

          Ông đồ vẫn ngồi đấy
          Qua đường không ai hay
          Lá vàng rơi trên giấy
          Ngoài trời mưa bụi bay

          Năm nay đào lại nở
          Không thấy ông đồ già
          Những người muôn năm cũ
          Hồn ở đâu bây giờ?

(Xem bản dịch Hán Việt, Pháp văn và Anh văn ở phần Phụ lục)

Nãy giờ ba đi lạc đề. Đang nói chuyện buôn bán trong chợ lại nhảy qua chuyện con nít chơi, rồi nói chuyện văn chương.

Trở lại những món hàng mua bán trong chợ An Nhơn hồi xưa, nhiều món bây giờ không còn thấy ai bán nữa. Thí dụ như móc mùng, mặt gối thêu cườm, hàng để may lưng quần lãnh, dương giấy hiệu “Ma Lè”, nước đá nhận, bánh canh ngọt, v.v… Có nhiều thứ bánh bây giờ không thấy bán nữa, như bánh chài, bánh cúng, bánh cấp, bánh nghệ (thoa mỡ hành, chấm nước mắm, ăn với bì, ngon lắm!), bánh men có hình ngôi sao ba nhánh, bốn nhánh ở giữa có một chấm đỏ cũng làm bằng bột, bánh men có hình ruột trái măng cụt, rất giống …

Ghi chú về một số hàng bán trong chợ:

Móc mùng: Ở Nam Kỳ muỗi nhiều, nên ai cũng phải ngủ trong mùng. Có hai loại mùng:

      1/ Mùng “bình dân”, bít bùng bốn phía, nóc mùng may bằng vải trắng để hứng bụi. Muốn vô mùng thì vén mép rồi chun vô, cho nên có câu:

          “Trống treo ai dám đánh thùng!
          “Bậu không … ai dám dở mùng chun vô!

      2/ Mùng “nhà giàu”, phía trước có cửa. Chưa ngủ, nằm chơi thì vén cửa ra hai bên, móc vô hai cái móc treo từ trên nóc mùng xuống. Coi hát bội, coi phim Hồng-Kông thường thấy loại mùng này.

      Móc mùng lớn đủ để móc cửa mùng khi vén qua hai bên. Móc mùng có thể làm bằng cây hay bằng sừng trâu. Tiểu thơ đài các thì xài móc mùng bằng đồi mồi, bằng ngà voi. Dẫu làm bằng gì thì từ cái móc cho tới sợi dây treo đều bọc trong hàng màu hường, có giún cho đẹp. Màu hường là màu hạnh phúc nên được dùng là vậy. Thuở đó, bạn bè, người thân đi đám cưới có thể tặng cô dâu một cặp móc mùng để chúc hai vợ chồng mới luôn luôn sống với nhau có đôi như cặp móc mùng.

Dương giấy hiệu “Ma Lè”: Hồi đó, muốn cho quần áo thật trắng như khi còn mới, người ta “hồ dương”. Sau khi giặt, xả thật sạch, đem quần áo nhúng vô thau nước có pha một chút phẩm màu xanh nước biển – “xanh dương” – trước khi đem phơi. Có thể dùng dương bột hoặc dương giấy. Dương giấy là giấy có tráng một lớp dương thật đậm. Mỗi xấp dương giấy hiệu “Ma Lè” có chừng 4 tờ cỡ 10cm x 15cm, bìa bằng giấy trắng có in hình một con “Ma Lè” ngồi trong thau nước, xòe hai bàn tay ngang vai, cặp mắt trợn ngược, cái lưỡi le ra thật dài, bên trên có hàng chữ “DƯƠNG GIẤY HIỆU MA LÈ”. Hình, chữ đều in màu xanh dương. Mỗi lần hồ dương quần áo, chỉ cần lau tay thật khô rồi xé một miếng dương giấy bỏ vô thau nước, quậy cho dương tan ra đều rồi vớt bỏ miếng giấy trước khi nhúng quần áo vô. Một cái áo sơ-mi người lớn chỉ cần một miếng dương giấy bằng phân nửa cái nhãn hộp quẹt là đủ. Mấy người bán dương giấy thường rao: “Dương giấy hiệu Ma Lè, hai tay bù xòe ngồi trong thau nước đây!” Dương giấy hiệu “Ma Lè” bán chạy lắm, các tiệm tạp hóa, các chợ tỉnh, chợ quận cho tới thôn quê hẻo lánh đều có bán.

Nước đá uống: nước đá bào trong ly, chế một chút nước xi-rô, thêm nước lạnh, lấy muỗng quậy đều, rồi … uống!

Nước đá nhận: nước đá bào vô ly vun cao lên, lấy tay nhận (đè) xuống cho chắc, rồi lấy ra, chế xi-rô lên. Cầm tay, mút, vừa ngọt vừa lạnh, con nít ưa lắm!

Bánh phồng: bánh tráng làm bằng bột nếp, khi nướng nó phồng lên.

Bánh khoai: bánh tráng làm bằng bột củ khoai mì.

Lê-ghim Đà Lạt: âm chữ “légumes” của Pháp, chỉ chung rau cải xứ lạnh như bắp cải, bông cải, khoai tây, cà-rốt, trái su, v.v… thuở đó chỉ trồng ở Đà Lạt.

Bánh chài: bánh làm bằng những cọng bún ngọt thật nhuyễn, đem chiên và xếp thành hình tam giác. Giòn, ngọt, ba ưa lắm.

Bánh cúng: bánh làm bằng nếp trộn đậu đen như bột bánh tét, cũng gói lá chuối nhưng nhỏ và dài như chiếc lạp xưởng, không có nhưn, chỉ để “cúng”. Dĩ nhiên, cúng rồi ăn.

Bánh cấp: làm bằng nếp, đậu đen như bánh cúng, không có nhưn, gói như bánh tét, nhưng nhỏ hơn, rồi “cặp” lại từng đôi, đem nấu.

Bánh nghệ: làm bằng bột nếp, lấy tay xe thành cọng bằng đầu đũa, xếp thành hình như cái rế nhỏ, rồi đem hấp.