XXII
ĐÁM MA ÔNG CẢ
Tiền Vĩnh Lạc
Chiều nay bà Bảy rủ bà Ba đi đám ma ông Cả, nhà ở gần Cầu Hố, cách chợ An Nhơn một quãng. Hai bà bận áo dài đen, mang guốc sơn. Bà Ba đem theo một chục bông huệ mua hồi sáng. Đi ngang chợ, bà Bảy vô tiệm chạp phô mua một cặp đèn cầy lớn, một bó nhang và ba xấp giấy tiền vàng bạc. Hai bà thả bộ, vừa đi vừa nói chuyện. Ông Cả tuy đã nghỉ việc làng lâu rồi, nhưng dân làng vẫn kính trọng ông, mỗi lần gặp đều chấp tay xá và “thưa Ông Cả”.
Hai bà đi gần tới nhà có đám ma thì trời đã chạng vạng tối, nhà hai bên đường đều đỏ đèn. Riêng nhà ông Cả, đèn măng-sông thắp sáng như ban ngày, tiếng trống, tiếng kèn vang ra inh ỏi.
Ánh sáng hắt ra đường, thấy nhiều người ăn bận chỉnh tề lũ lượt kéo tới.
Ông Cả ở cái nhà thiệt lớn, ba căn, hai chái, lợp ngói âm dương, mặt tiền có hàng ba rộng, có xây lan can. Trên lan can để nhiều chậu kiểng tươi tốt: cau vàng, lưỡi rồng, đinh lăng, ngà voi, mai chiếu thủy, v.v… Nhà có sân rộng, vì có đám, nên tất cả đôn, chậu bông, voi sứ đều dẹp, để dài theo hàng rào bông bụp, lấy chỗ dựng một cái trại lá thiệt rộng, bên trái lót một bộ ván ngựa dài, phía trong là chỗ “giàn đờn” ngồi: một ông kéo đờn cò, một ông khảy đờn kìm, một ông đánh trống, một ông đánh chiêng, một ông thổi kèn tò le … Bên mặt để bốn cái bàn tròn, ghế đẩu để xung quanh, là chỗ để cho khách ngồi uống trà, ăn bánh, cắn hột dưa trước và sau khi vô thắp nhang cho ông Cả. Giữa trại lá lại đặt một cái bàn lớn hình chữ nhựt chạm tứ linh, cẩn ốc xa cừ. Hai bên bàn để ghế dựa cũng cẩn xa cừ, chạm trổ khéo lắm. Đây là chỗ ngồi của khách quý, như thầy Cai và Ban Hội Tề, đương chức có, đã nghỉ hưu có, của làng An Nhơn và mấy làng lân cận.
Bà Bảy và bà Ba bước vô nhằm lúc sắp cúng cơm. Tiếng kèn, tiếng trống im bặt. Quan tài của ông Cả bằng cây trai, đánh vẹc-ni màu cánh kiến, mặt trước có gắn chữ “Thọ” và hình long phụng sáng chói như vàng y. Trên bàn vong có chưng một tấm hình của ông Cả hồi còn sanh tiền: ông bận áo dài đen, đội khăn đóng cũng đen, quần lụa trắng, chưn mang giày hàm ếch, hai bàn tay để lên đầu gối thấy đủ mười ngón tay. Bốn vị Tăng chia nhau đứng hai bên bàn vong, sẵn sàng chuông, mõ, khánh. Quỳ trước bàn vong là bốn người con trai của ông Cả, kế đó là bốn người con dâu, rồi tới mấy người con gái, con rể, tất cả đều bận đồ tang trắng lốp. Quỳ tiếp theo là các cháu kêu ông Cả bằng bác, bằng chú, bằng cậu, đông quá. Sau cùng là đám con nít: cháu nội, cháu ngoại, cháu kêu ông Cả bằng ông bác, ông chú, ông cậu, ông dượng, ông cố, v.v… Đông quá, nên phải quỳ phía ngoài sân, trên mấy chiếc đệm bàng lớn. Đám con nít này lao chao, coi bộ vui lắm.
Hai bên cái bàn hình chữ nhựt, mấy ông làng bận áo dài, khăn đóng, ngồi im, không nói chuyện. Khách khứa ở mấy cái bàn tròn cũng yên lặng ngồi coi cúng cơm. Trên bộ ván dài để bảy tám cái mâm đựng lễ vật: tấm trướng, liễn, đèn, nhang, bông huệ, giấy tiền vàng bạc, và đủ thứ trái cây như chôm chôm, cam, nhãn, mảng cầu, bưởi, …
Sau khi niêm hương, vị chủ lễ đứng qua một bên, gõ khánh kêu “keng keng” và hô: “Tang chủ tựu vị, lễ tam bái!” thì tất cả con cháu đồng loạt lạy ba lạy. Quý thầy bắt đầu tụng kinh. Bà Bảy, bà Ba nghe hay quá mà không hiểu gì hết! Chừng thầy hô: “Trà châm sơ tuần, lễ nhị bái!” thì hai bà biết là thầy biểu người con trai trưởng rót trà, tất cả con cháu lạy hai lạy. Rồi quý thầy lại tụng kinh tiếp, thầy chủ lễ lại hô mấy câu chữ Nho. Một thầy nhắc nhỏ: “Dâng cơm”, “Gắp đồ ăn để lên cơm”, v.v… Tới chừng thầy hô: “Trà châm tam tuần, lễ tất tứ bái!” thì đám con cháu lạy bốn lạy rồi đứng dậy, bước ra lau mồ hôi trán. Một số ra tiếp khách, còn bao nhiêu đi vô nhà hết.
Trong lúc đang cúng cơm thì khách lần lượt tới đông dầy. Bàn tròn hết chỗ thì ngồi tạm trên bộ ván ngựa và trên mấy chục cái ghế đẩu để sẵn.
Nghi lễ cúng cơm vừa xong thì khách khứa lần lượt bước vô điếu. Ông Tư Mạnh nhà xa, ở Xóm Chùa, nên xin vô lễ trước. Một người con gái của ông Cả, năm nay cũng trên năm mươi tuổi, thắp một cây nhang trao cho ông Tư. Kèn trống trổi lên rôm rả. Tội nghiệp ông đờn kìm, ông rán khảy mà coi bộ không ai nghe, vì chiêng, trống, kèn thổi lớn, lấp tiếng đờn hết. Bản hòa tấu cúng đám ma này nghe quen cũng hay lắm!
Bên trong, ông Tư Mạnh cắm nhang lên lư hương, rồi móc túi lấy một cái bao thơ đựng tiền, không biết là bao nhiêu, để lên một cái dĩa lớn trên bàn vong. Rồi ông trịnh trọng xá và lạy ông Cả hai lạy. Bà Bảy, bà Ba nãy giờ ngồi coi ông Tư lễ, biết là ông Tư sẽ đi đưa đám ma, vì ổng lạy có hai lạy. Còn ai mắc công chuyện, không đi đưa được thì lạy luôn bốn lạy. Trong khi khách lạy thì hai bên quan tài có mấy người con, cháu thay phiên nhau lạy trả lễ.
Khách khứa lần lượt vô thắp nhang và lạy. Ai có việc thì xin kiếu, rảnh thì ngồi nán lại ăn bánh, uống trà.
Bỗng ngoài đường “giàn Tiều bát tấu” trổi lên inh ỏi. Ai nấy dòm ra thì thấy thầy Cai Tổng bận áo dài đen, đội khăn đóng trịnh trọng bước vô. Theo sau là hai người trai bận áo bà ba trắng, mang guốc vông, bưng hai mâm lễ vật: một mâm đựng nhang, đèn, giấy tiền vàng bạc, và một tấm trướng thêu, mâm kia để trái cây. Tiếp theo là hai người đàn ông khiêng mâm con heo quay. Rồi tới giàn Tiều bát tấu thổi kèn, đánh chiêng om tai. Đây là ban nhạc của người Tiều Châu. Đi đầu là một chú thổi kèn tò le và một ông kéo đờn gáo. Kế đó là hai chú đờn thứ đờn giống như đờn kìm. Tiếp theo là hai thanh niên khiêng một cái bàn nhỏ, trên bàn có tượng một ông tướng Tàu mặt rằn như Trương Phi, đứng một chưn, còn chưn trái đá lên, hai tay nắm một cây thương vác ngang vai, ở mũi cây thương có treo lủng lẳng một cái chiêng, có một chú người Hoa đánh liên hồi. Sau tượng ông “Trương Phi” có để một cái trống, một chú người Hoa khác cũng đánh liên hồi. Đi theo cái bàn chiêng trống lại thêm hai chú, một chú đánh chụp chõa, một chú thổi ống tiêu. Ban nhạc này thật quá ồn ào, tám món nhạc khí đua nhau đánh rùm beng, đâu cần loa, mi-cờ-rô như bây giờ! Bản hòa tấu này nghe hay quá mà không ai biết là bản gì!
Bên trong, người ta bàn tán:
– Chà! Thầy Cai đi điếu lớn quá!
– Không lớn sao được! Thầy Cai là sui gia của ông Cả mà!
– Ờ, phải! Ông Cả còn mấy đám sui gia nữa mà! Không biết mấy sui gia kia đã đi chưa?
– Tôi ở gần đây mà chưa thấy. Chắc một lát nữa đây sẽ tới. Sui gia mà không tới sao được!
– Ờ phải. Ngày mai đưa đám, mấy sui gia thường đi lễ có con heo quay, tối nay đi điếu, sáng mai dùng đãi khách và cúng an sàng luôn.
Thầy Cai đã bước tới quan tài ông Cả, hai mâm lễ vật đã đặt ngay ngắn, thầy ra hiệu cho giàn Tiều bát tấu ngưng đánh. Rồi thầy trịnh trọng rút bao thơ để lên dĩa trên bàn vong. Thầy nói mấy câu gì đó với người con trai trưởng, vì bà Cả đã khuất núi mấy năm trước, rồi thắp ba cây nhang lớn cắm lên lư hương. Giàn nhạc An Nam lại trổi lên. Thầy Cai rót rượu vô ba cái chén chung và khoan thai lạy ông Cả hai lạy. Thầy biết bao nhiêu cặp mắt đều hướng về thầy để coi thầy lạy, cho nên thầy rất cẩn thận, lạy chẫm rãi, nhịp nhàng, không chê chỗ nào được. Rồi thầy lại đứng lên, tự tay rót rượu, lạy tiếp hai lạy nữa. Sau tuần rượu và lạy lần thứ ba, thầy xá quan tài ông Cả, rồi xoay người lại, xá bàn thiên ba xá. Trong lúc thầy Cai lạy, thì hai bên quan tài, đám con trai, con gái, dâu, luân phiên lạy đáp trả nghiêm túc. Một vị trưởng lão, nghe nói là em trai của ông Cả, trân trọng thỉnh thầy Cai qua ngồi ở cái bàn hình chữ nhựt. Tất cả mấy vị khách đang ngồi ở bàn đồng loạt đứng dậy cung kính xá thầy Cai, rồi tất cả an tọa. Vị trưởng lão hối trẻ rót nước trà nóng, đem bánh tây, đem nhãn ra đãi khách.
Nãy giờ bà Bảy, bà Ba coi mãn nhãn, khen thầy Cai đi điếu rất đàng hoàng, xứng đáng là sui gia ông Cả. Trước đó hai bà đã thắp nhang cho ông Cả và đi điếu rồi. Thấy đã khuya, hai bà xin kiếu. Dọc đường, hai bà lại gặp một đám “giàn Tiều bát tấu” nữa, của ông Hương Chủ làng Hanh Thông Tây, cũng là sui gia của ông Cả, đi điếu. Cũng lễ vật, heo quay, đủ hết. Hai bà đi đã xa mà còn nghe tiếng kèn trống rền vang …
Vì ngày mai động quan, đưa ông Cả đi, nên đêm đó giàn đờn trải chiếu trước quan tài ông Cả mà “chơi đờn”. Trống, chiêng, kèn, chụp chõa không dùng tới nữa. Chỉ có đờn cò, đờn kìm, đờn tranh và ống sáo, ống tiêu. Ông thổi kèn hồi nãy bây giờ thổi ống tiêu. Ông đánh trống bây giờ đờn kìm, thế cho ông đờn kìm bây giờ đờn tranh. Ông đánh chiêng, người lớn tuổi hơn hết trong ban nhạc, bây giờ cũng đờn kìm, vừa đờn vừa nhịp song lang.
Khách khứa ai bận việc thì về, ai rảnh thì nán lại nghe đờn.
Các tay đờn so dây xong, rao Nam vài phút rồi liếc mắt ngó ông đờn kìm. Bỗng nghe tiếng song lang đánh “cốc!” một cái, rồi toàn ban hòa tấu bài Tẩu mã nghe thật rôm rả, hay hết sức. Mấy nhà hàng xóm nghe bên đám ma chơi đờn, lại kéo qua, lớp vô ngồi trên bộ ván ngựa, lớp đứng xung quanh hàng rào bông bụp, chăm chú nghe đờn.
“Giàn đờn nầy hay quá!” Cậu Ba Định, thợ hớt tóc ở chợ An Nhơn, tấm tắc khen. Cậu Ba cũng là tay đờn lão luyện, giàn đờn chơi bản nào cậu cũng biết hết, nên cậu nói cho mấy người ngồi gần nghe. Sau bài Tẩu Mã, giàn đờn chơi bài Tứ Đại Oán rồi tới Nam Ai, Nam Xuân, Đảo Ngũ Cung. Rồi tới Xàng Xê, Xang Xừ Liếu, Văn Thiên Tường, Lưu Thủy Trường, v.v…
Đờn cho tới khuya. Cậu ba Định ngứa nghề, vô ngồi trên bộ ván. Ông đờn cò là chỗ quen thân, nhường cho cậu Ba kéo mấy bài, ai nấy lấy làm khoái chí.
Bỗng cái đồng hồ “Westminster” treo trên tường gõ lên mười hai tiếng. Khuya quá rồi, mấy tay đờn đờn bài “Tạm biệt”. Bản này là bản Tây, đờn nghe ngộ ngộ. Sau này, con nít nghe bài này thì hát: “Ò e, con ma đánh đu, Tạc-Giăng nhảy dù, Zô-Rô bắn súng!”
Tiếng đờn dứt thì mọi người rút lui. Ban nhạc còn nán lại để ăn cháo gà, bánh trái do chủ nhà đãi.
Mấy đứa nhỏ đã đi ngủ từ lúc nào. Một vài người con trai và con dâu ông Cả còn thức canh quan tài cho tới sáng.
Hôm sau.
Bảy giờ động quan mà mới rạng sáng bà con, thân quyến, hàng xóm ông Cả đã lục tục kéo tới đông dầy, lớp ngồi trong trại, lớp đứng xung quanh hàng rào. Đám con nít, đứa ở trần, đứa bận áo bà ba, đi chưn đất, cũng bu lại coi.
Ngoài đường, nhà đòn đã đem xe nhà giàng tới. Nhóm đạo tỳ, khoảng chín mười chú, bận đồ bà ba đen viền trắng, ngồi bó gối trên lề đường, chờ lịnh của ông cai.
Trong nhà bận rộn lăng xăng. Thầy Hương Quản luôn miệng biểu người này làm cái này, nhắc người kia làm cái kia, hối mấy đứa con trai châm dầu hôi vô đuốc, treo mấy cặp liễn lên cành trúc, dặn phải đi ngay hàng thẳng lối, không được cười giỡn, v.v…
Gần tới giờ động quan, tất cả tang quyến đều ra quỳ trước linh cữu ông Cả. Quý thầy tụng kinh, làm lễ lần chót trước khi đưa quan tài ông Cả đi mai táng. Khi vị chủ lễ hô: “Lễ tất tứ bái!” thì toàn thể gia quyến vừa lạy, vừa khóc thút thít.
Đám con cháu bước ra thì ông cai đạo tỳ cầm hai khúc cây đánh vào nhau ba tiếng “cốc! cốc! cốc!”. Đám đạo tỳ buộc vải tang trắng lên đầu, mỗi chú cầm một nén hương, xếp hàng ngay ngắn trước quan tài ông Cả. Ông cai hai tay cầm hai cây đèn cầy lớn, quỳ xuống khấn vái, cặp đèn đưa qua, đưa lại, múa men một hồi rồi mới cắm lên bàn vong. Ông cai bước lui, quỳ xuống lạy. Đám đạo tỳ lạy theo. Xong, hai chú đạo tỳ khiêng bàn vong để qua một bên. Còn mấy chú kia bước ra sân, đem mấy cây đòn và hai cuộn dây chão lớn vô. Thầy Hương Quản đặt một tờ giấy bạc “con công”, tức là tờ giấy năm đồng bạc, lên đầu quan tài, rót một ly rượu nhỏ đầy gần tới miệng, dằn lên tờ giấy bạc. Đó là số tiền thưởng cho đạo tỳ khiêng quan tài cho êm; nếu khiêng không khéo, ly rượu nhểu ướt tờ giấy bạc thì sẽ không được thưởng. Thời đó, năm đồng bạc là số tiền thưởng khá lớn, mấy đám khác thường chỉ dằn một, hai đồng bạc mà thôi. Trong lúc thầy Hương Quản đặt tiền thưởng thì có người rút cái đèn dầu phộng chong dưới đáy quan tài ra. Cái đèn này chong suốt từ hôm tẩn liệm ông Cả cho tới bữa nay để xua bớt âm khí.
Thầy Hương Quản ra hiệu. Ông cai điều khiển đám đạo tỳ làm theo rụp rụp:
– Quàng dây chão! Cốc!
– Xiên đòn dài! Cốc!
– Xỏ đòn ngang! Cốc!
– Coi chừng! Lên! Cốc
Quan tài ông Cả được nâng lên một cách nhẹ nhàng. Bộ chưn ngựa kê quan tài vừa rút ra thì thầy Hương Quản đốt một phong pháo điễn 40 viên, liệng vô ngay chỗ để quan tài mấy bữa rày. Pháo nổ lốp bốp, khói mùi diêm sinh bay mù mịt mà mấy chú đạo tỳ mải chăm chú khiêng quan tài cho thiệt êm, không để ý tới tiếng pháo. Riêng mấy đứa con nít nãy giờ đứng coi lấy làm thích thú lắm. Sau này, người ta đập một cái siêu mới thay vì đốt pháo, có lẽ là mong cho người chết được “siêu thăng”.
Quan tài ông Cả vừa nâng lên, thì mấy cô con gái, con dâu ông Cả khóc ré lên. Mấy người con trai, con rể ông Cả bặm môi, nước mắt tuôn lã chã. Còn mấy đứa con nít cháu, chắt ông Cả thì ngơ ngơ, ngác ngác, chẳng hiểu gì hết.
Quan tài ông Cả được chẫm rãi khiêng ra trong tiếng trống cơm “bùm, bum!” và tiếng đờn cò kéo nghe não nuột …
– Ra coi đám ma, bây ơi!
– Chà! Đám ma lớn quá!
– Cái xe nhà giàng thiệt là bự!
Đám tang đi tới đâu thì hai bên đường người ta kêu nhau ra coi, vừa trầm trồ, vừa bàn tán.
Đi đầu là tám thiếu niên cầm đuốc đi làm hai hàng, mỗi bên bốn cây đuốc. Đuốc làm bằng cây tre lớn bằng cườm tay, dài chừng hai thước tây, đầu cây tre cưa cách mắt tre chừng tám phân, chế dầu hôi vô rồi lấy vải trắng nút lại, vừa làm nút, vừa làm tim. Giữa hai hàng đuốc có một vị thầy mặc áo cà sa, đội mão tỳ lư, cỡi một con ngựa kim bước chẫm rãi, một tay cầm tích trượng, tay kia lần một xâu chuỗi lớn, miệng lâm râm niệm Phật. Theo sau có tám vị thầy cũng vừa đi vừa niệm Phật.
Bọn con nít hò reo: “Ra coi đám ma, bây ơi! Có ông Tam Tạng đi thỉnh kinh bây ơi!”
Người biết chuyện thì nói: “Không phải ông Tam Tạng, mà là ông Địa Tạng Vương Bồ Tát đó!”
Tiếp theo là mười hai trai làng bận áo bà ba trắng, chia làm hai hàng, giương cao sáu cặp liễn bằng vải trắng viết chữ Nho đen, mỗi tấm treo trên một nhánh trúc dài, còn chừa một túm lá ở trên chót. Mỗi cặp liễn là một cặp câu đối nêu lên nhơn cách của ông Cả, hoặc tỏ lòng thương tiếc một người tài ba, đức hạnh, ngay thẳng, thương người … Phần đông dân làng ra coi đám ma mà không đọc được mấy cặp liễn. Chỉ có vài bác lớn tuổi đọc được, khen hay.
Tiếp theo sau, có hai người đàn ông khiêng một cái bàn nhỏ, có giá cao gắn một tấm “giá triệu” màu đỏ, thêu chữ vàng rất đẹp, nêu tên họ, tuổi tác, chức vụ của người quá cố. Người con trai trưởng của ông Cả bận đồ tang, mình thắt dây rơm, đầu đội mũ bạc, chống gậy tre đi bên cạnh bàn để “phò giá triệu”, nước mắt lưng tròng.
Bác Hai cô Hạnh đọc được giá triệu, nói với ông bạn đứng gần: “Vậy là ông Cả thọ đúng tám mươi tuổi, vì trên giá triệu ghi bát thập nhứt tuế. Theo thông lệ, người chết được ghi thêm một tuổi trên giá triệu.”
Tiếp theo bàn giá triệu là các tấm hoành, trướng màu sắc rực rỡ, có thêu hình “Bát Tiên Quá Hải”, “Tứ Linh”, “Long Phụng”, v.v… Kế đó là nhóm nhạc công, người đi đầu đánh trống cơm, hai người kế kéo đờn cò và một ông thổi kèn tò le.
Đám ma đi chầm chậm, nghe rõ tiếng nhạc đám ma, buồn não nuột.
Quan tài ông Cả đặt trên một nhà giàng lớn, hai bên có rồng chầu, có màn che, trướng phủ màu sắc sặc sỡ. Bên trên là những bức tranh bằng nỉ đen thêu bách hoa, bách điểu, hoặc diễn tả truyện xưa, tích cũ: Trúc Lâm Thất Hiền, Hứa Do – Sào Phủ, Đào Viên Kết Nghĩa, v.v… Trên đầu quan tài có để một tấm hình lớn, ông Cả mặc quốc phục, trên ngực có gắn mấy cái mề-đai, trông oai phong lẫm liệt.
Lại có bốn đứa con gái chừng sáu bảy tuổi bận đồ hát bội, giồi phấn, thoa son, đội mão cườm đứng bốn góc quan tài để hầu ông Cả, làm tăng thêm vẻ trang nghiêm, rực rỡ của nhà giàng. Một vài bà lão ngồi hai bên quan tài trên nhà giàng, còn bao nhiêu con, cháu, dâu, rể của ông Cả đi bộ theo quan tài. Đàn bà, con gái thì khóc kể thảm thiết, còn đàn ông, con trai chỉ thút thít, hai con mắt đỏ hoe. Tiếp theo là bà con, thân quyến, bạn bè, đồng liêu với ông Cả, đi thành một đoàn dài, phần đông im lặng, cũng có vài người cười nói tự nhiên.
Ồn ào nhứt là giàn Tiều bát tấu, vừa đánh trống, đánh phèn la, chập chõa, vừa thổi kèn đinh tai nhức óc.
Giàn Tiều bát tấu tạm im thì toán “kèn mu-dít” (mu-dít: musique), tức là kèn Tây, thổi lên rất rôm rả. Đoàn này có cái trống thiệt bự, đánh lên nghe “bùm! bùm!”, con nít khoái lắm. Lại có mấy cây kèn Tây bằng đồng sáng giới, cái tà loa lớn gần bằng cái nia, thổi lên nghe oai hết sức!
Sau cùng, có một cái xe bò lọc cọc chở theo mấy giỏ bánh mì, hai con heo quay, mấy thùng nước đá chanh và một mớ bàn ghế, ly tách. Một đám con nít chừng vài chục đứa, đứa ở trần, đứa bận áo bà ba, đi chưn đất, vài đứa chừng năm sáu tuổi bận áo bà ba mà … không có bận quần, chạy theo đám ma, reo hò rất vui vẻ. Chúng nó biết đi theo đám ma ông Cả thế nào cũng được cho ăn bánh mì, thịt quay, uống nước đá chanh!
Đám ma đi qua chợ An Nhơn thì tất cả những người đang mua bán trong chợ đều tạm ngưng, người mua thì ra đầu chợ để coi cho rõ, người bán thì đứng tại chỗ để giữ hàng, nhưng đều ngó ra đường coi đám ma. Ai nấy đều trầm trồ, khen đám ma lớn quá, ông Cả chết như vậy thiệt là sướng!
Khi quan tài của ông Cả đi tới Công Sở, tức là nơi làm việc của Ban Hội Tề, thì cả đoàn ngừng lại để ông Cả bái Sắc Thần và chào từ biệt nơi ông đã suốt đời tận tụy lo cho làng, cho nước. Nhơn dịp này, người con trai trưởng của ông Cả nói vài lời cảm ơn toàn thể quý vị đã nhín thời giờ quý báu để tiễn đưa linh cữu ông Cả đến nơi an nghỉ cuối cùng. Toàn thể con cháu ông Cả đồng quay lại đoàn người tiễn đưa, sụp lạy hai lạy để tạ ơn. Rồi đám ma lại tiếp tục đi xuống Bến Đình.
Một điều làm cho mọi người lưu ý là trên đường đám tang đi, từ nhà ông Cả cho tới Bến Đình, có ba nhà dân đặt bàn hương án trên vệ đường, bày đủ hương, đăng, trà, quả, toàn thể gia quyến ăn mặc chỉnh tề, đầu chít khăn tang, quỳ trước bàn hương án. Khi xe nhà giàng đi ngang, thì cả gia quyến sụp lạy linh cữu ông Cả bốn lạy. Thì ra, ba gia đình này trước đây bị lâm vào cảnh oan ức, rất nguy khốn, đã nhờ ông Cả xét soi, giúp đỡ, giải cứu. Vì mang ơn quá nặng mà chưa có dịp đền đáp, nên những gia đình này đặt bàn hương án để lạy linh cữu ông Cả mà đền ơn cứu mạng. Việc này cho chúng ta thấy hương chức ở các làng quê Việt Nam trước kia nào phải chỉ có toàn là cường hào, ác bá như các cuốn tiểu thuyết thời đó thường hay mô tả?
Khi linh cữu ông Cả đi tới đình làng An Nhơn, cả đoàn cũng ngừng lại một chút cho ông Cả xá Thần, từ biệt nơi khi sanh tiền ông đã nhiệt tâm đóng góp, xây dựng và bảo tồn ngôi Đình, một trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của dân làng.
Đoàn đám tang lại tiếp tục đi xuống triền, nơi an nghỉ cuối cùng của ông Cả, để lại trong lòng người dân làng An Nhơn một niềm cảm xúc sâu xa …
HẾT CHUYỆN
Viết xong tháng 8 năm 2004
Tiền Vĩnh Lạc