Giáo sư Pháp văn Trần văn Châu và cuốn sách “L’analyse logique par l’ image”
Kinh Bồng (Trần Công Bình)
Thầy Châu người ốm, đầu bạc, tóc lưa thưa, dạy Pháp văn vào những năm 1966-1967 lớp đệ Lục. Thầy thường vận áo cộc tay, không cà vạt, mang sandale, ít khi đi giày. Tướng đi thầy nhẹ nhàng, nhưng nhanh nhẹn, thanh thoát như cơ thể của thầy. Khác với thầy Trần văn Tiễn, dạy Pháp văn, cũng ốm, nhưng dáng đi chậm rãi, từ tốn.
Thầy để lại dấu ấn trong tâm trí chúng tôi ở hai điểm.
Thư nhất là khi tập cả lớp phát âm, đặc biệt là chữ “La classe”, thầy đọc: “La class….se”. (La clat …xơ, với tiếng class lên giọng và chữ xơ kéo xuống)
Bắt nhịp để cả lớp đọc theo là tiếng vỗ tay cái bốp của thầy vang dội lớp học. Ấn tượng đến độ, học trò lén đặt thêm tên thầy là “Ông Châu la classe”!!!
Thứ hai là tác phẩm “L’analyse logique par l’image”, công trình dầy khoảng 60-70 trang, khổ 30-45 cm. Ngoài bìa sách vẽ những hình tam giác, vuộng, tròn, chữ nhật lồng vào nhau nằm trong một khuôn chữ nhật dưới tựa sách. Nội dung sách là phân tích văn phạm trong câu tiếng Pháp bằng các hình học cơ bản. Bây giờ đọc về mind map của Tony Buzane, tôi thấy thầy Châu mình đi trước thời đại trên 20 chục năm.
Mặc dù tác phẩm của thầy vì lý do chỉ phân tích văn phạm Pháp nên chỉ đề cập đến một lãnh vực duy nhất. Còn Tony Buzane, người sinh năm 1942, thì mở rộng ra nhiều lãnh vực lớn hơn trong tư duy. Nhưng xét về thời gian thì thầy Châu đã đề cập đến sơ đồ vào những năm 1957, còn sơ đồ tư duy (Mind map) của Buzane được phát minh ra vào những năm 1980. Dù sau, xét về thời gian thì thầy mình đã đi trước thế giới, dù chỉ là ý tưởng ban đầu.
Riêng tôi, chính nhờ thầy Châu gầy và cấy men logique ấy từ những năm 13-14 tuổi mà 30 năm sau khi gặp “mind map”, tôi đã rất hứng thú áp dụng và thành công trong các bài thuyết trình với sinh viên ngân hàng. Ơn thầy thật khó quên.!!!