Đường Cao Thắng

Đoàn Xuân Thu

(Nguồn: https://baotreonline.com/van-hoc/phiem/duong-cao-thang.baotre)

Khi viết bài, nhà báo thường tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn. Xong đem về lọc lựa, sắp xếp lại thành bài viết. Mới đây trên Google, trên Bing, có quảng cáo ‘Chat GPT’ trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Hỏi cái gì cũng được. Hỏi cái gì nó cũng biết (?!). Có ‘Chat GPT’ thiệt là đỡ công sức cho đám thợ viết chúng tôi rất nhiều.

Vậy là: “Mau lên chứ vội vàng lên với chứ”, tui đặt câu hỏi như vầy:

“Lịch sử đường Cao Thắng quận Ba Sài Gòn?”

Thì Chat GPT trả lời như vầy: “Ðường Cao Thắng là một trong những con đường lâu đời và quan trọng của quận Ba Ðình (?). Vào thời kỳ thuộc địa, đường Cao Thắng được gọi là Rue Jean-Baptiste Charnay.

“Jean-Baptiste Charnay là một nhà thám hiểm và nhà khảo cổ học người Pháp. Ông sinh vào ngày 2 tháng 5 năm 1828 tại Lyon, Pháp và mất vào ngày 24 tháng 10 năm 1915 tại Paris, Pháp. Ông là một trong những nhà thám hiểm đầu tiên đến khu vực Mexico và Trung Mỹ và đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Maya và Aztec.

Khi Việt Nam độc lập, tên đường được đổi thành Cao Thắng để tưởng nhớ đóng góp của Tổng đốc Cao Thắng.

Ðọc chưa hết câu trả lời nầy, tui thấy tức như bị bò đá. Tui hỏi đường Cao Thắng ở Sài Gòn mà Chat GPT trả lời ngoài Hà Nội, nên tui cự lại: “Trong Việt Nam vong quốc sử, cụ Phan Bội Châu có viết về Cao Thắng như sau: “…Ở hạt Hà Tĩnh, trong khoảng 11 năm, (nhiều người) đã liều mạng đánh nhau với Pháp, vất vả trăm trận đánh trở thành danh tướng một thời, trong số ấy nổi bật có Chưởng doanh nghĩa binh là Cao Thắng,… Thắng quả cảm, thiện chiến, thấy một cái súng Tây mà có thể y theo kiểu chế tạo ra tinh xảo không kém gì của Pháp. Ðánh nhau với Pháp, ông đã chém được đầu những quan một, quan hai của Pháp, quân Pháp đã phải khuyên nhau hễ gặp Thắng là phải tránh đi…”

Ngã tư Cao Thắng, Phan Thanh Giản và tiệm Bảy Mập – nguồn Flickr.com 

Như vậy “Cao Thắng là bộ tướng của lãnh tụ nghĩa quân Phan Ðình Phùng lo việc đúc súng. Ông chưa hề làm Tổng Ðốc bao giờ?

Thì trong chớp mắt, Chat GPT cư xử lịch sự như Tây: “Tôi là một trí tuệ nhân tạo và có thể mắc phải những sai sót trong quá trình trả lời câu hỏi về lịch sử của đường Cao Thắng”

Tóm lại, tới giờ phút nầy, nói qua nói lại với Chap GPT cũng nói với con vợ mình. Nghe mà hoàn toàn tin vào nó là sái cổ; là trao duyên nhầm tướng cướp!

“Người xưa đã nói thật chí lý: ‘Tận tín thư bất như vô thư’ (Nếu chỉ tin vào kinh sách một cách mù quáng thì thà rằng không có kinh sách còn hơn)”. Ðừng quên cái đầu của mình bà con ơi!

Nói nào ngay, tui dám cãi hăng tiết vịt với ‘Chat GPT’ về đường Cao Thắng vì tui rành nó sáu câu. Vì nhà tui ở gần Miễu Thần Hoàng trong hẻm đâm ra Chợ Hai Mươi gần cuối đường Cao Thắng. Bên kia đường là tiệm giặt ủi Ðức Lợi. Xít về Ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản là tiệm nước Bảy Mập (Tiệm nước nhưng không bán nước như CS; nó bán ‘cà phe’). Chắc ông Chủ tiệm nước thứ Bảy và hơi phì lũ.

Gần tiệm nước Bảy Mập, trên lề đường là xe bánh mì Tám Cẩu. Cẩu là 9 nút trong bài xập xám. Ổng thứ 8, tên Tám Cẩu là vậy. (Nhớ sau 75, Công An huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, có anh em sanh đôi. Anh: Sáu Lục, em: Bảy Sách. Gọi tên như vậy là dốt, là trật lất. Năm Lục, Sáu Sách mới trúng ‘sách’)

Ổng Tám Cẩu là người Tàu nhưng buôn bán lại không yêu nghề như những người Tàu lam lũ khác. Ổng vừa bán bánh mì thịt vừa coi truyền hình là cái ti vi đen trắng nhỏ xíu đặt ngay trước mặt trong thùng kiếng xe bánh mì. Buôn bán nhờ khách mà sống nhưng vừa bán vừa coi ‘ti vi’ không “eye-contact” gì ráo với khách mua bánh mì? Làm vậy đâu có được nè?!

Ngoài xe bánh mì Tám Cẩu ra, còn có tiệm Bánh mì Hoà Mã ở số 53 đường Cao Thắng. Chủ là người Bắc di cư 1954. Hòa Mã quê của ổng ngoài Bắc. Thời Pháp thuộc có tên là phố Ðô đốc Xe – nét (rue Amiral Sénés).

Hết bánh mì, tui lại nhớ tới bò vò viên trước rạp chiếu bóng Ðại Ðồng Cao Thắng. Tui nhớ chuyện ăn không hè. Hủ tiếu bò vò viên! Phá lấu bò của người Tiều (Triều Châu) là gân, lưỡi, tai, ruột, bao tử, sách bò. Ăn quá đã, ngon bá chấy bù chét!

(Ngoài ra còn rạp Ðại Ðồng ở đường Nguyễn Văn Học bên Gia Ðịnh, và hãng xe đò Ðại Ðồng chạy đường Sài Gòn Miền Tây nữa).

Hiện trường vụ ám sát Giáo Sư Nguyễn Văn Bông – nguồn corbis

Sau 75, CS bỏ tên đường Phan Ðình Phùng thay bằng Nguyễn Ðình Chiểu. CS xoá tên Phan Ðình Phùng nhưng giữ lại tên Cao Thắng thiệt là nghịch kỳ thiên. Sao kỳ vậy? Dẫu Phan Ðình Phùng yêu nước chống Pháp nhưng làm quan triều Nguyễn nên bị CS xóa tên. Chúng giữ tên Cao Thắng; vì ở ngã tư Cao Thắng Phan Thanh Giản bọn khủng bố đã đánh mìn giết chết Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành Chánh Nguyễn Văn Bông lúc 12 giờ trưa Thứ Tư ngày10 tháng 11 năm 1971.

Chỉ huy vụ ám sát là Vũ Quang Hùng, đồng bọn ngồi sau chiếc Honda 90 là Lê Văn Châu. Nguyễn Hữu Thái đã cung cấp sáu trái lựu đạn MK6 cho bọn khủng bố.

Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu dùng lựu đạn làm ngòi để ném chất nổ C4 vào xe chở ông Bông ngừng tại ngã tư Cao Thắng Phan Thanh Giản. Chúng tẩu thoát qua đường hẻm sau xe bánh mì Tám Cẩu. Hẻm nầy thông qua hẻm 382 đường Phan Thanh Giản. Quẹo phải có lò dạy cổ nhạc của nhạc sĩ Văn Vĩ và Ngọc Thạch. Quẹo trái thông qua đường Trần Quốc Toản nơi bọn khủng bố tẩu thoát.

Nguyễn Hữu Thái có chụp trong bức hình Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng trên Ðài Phát Thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Ðiều tức cười là Nguyễn Hữu Thái bây giờ đã từ bỏ thiên đường xứ ‘Ðông Lào’ để chạy tuốt qua Canada rồi mà “Thái vẫn dúi”, vẫn khoe khoang về tội giết người (?!)

Ðường Cao Thắng quận Ba Sài Gòn, con đường tui đã đi lại nhiều lần thời thơ ấu, đã nhuộm máu Giáo sư Nguyễn Văn Bông, một người trí thức yêu nước như thế đấy.