Bạn Úc thòi lòi!
Đoàn Xuân Thu

Ôi nhớ xưa! Khi miền Nam bất ngờ lọt vào tay CS Bắc Việt, bà con mình ai nấy cũng bỏ phiếu bằng chân; bằng cách vượt biên, vượt biển.
Đi bằng thuyền, làm thuyền nhân, là phải có vàng cây, vàng miếng đóng cho chủ tàu! Tui bộng, một chỉ vàng lận lưng cũng không có ; đành chọn cách đi bộ vậy!
Năm 1979, Lê Duẩn rượt đồng chí Pol Pot từ Nam Vang chạy tuốt ra tới tận Poipet, biên giới phía tây giáp với Thái Lan; vì đứa theo Nga cộng; đứa lại theo Tàu cộng!
Chờ chiến sự tạm lắng, tui lò mò qua Châu Đốc, tới Tịnh Biên để tìm cách vượt biên.
Hàng tuần, tui thồ hai cái bao nặng trĩu, đạp ì ạch qua biên giới, vào Takéo bên đất Campuchia.
Tên Công an của đồn biên phòng chận lại, tính kiếm chút cháo bào ngư, ra lịnh: “Xuống xe đạp ngay!” “Chở cái gì?”
“Lúa mà!” Không tin, tên CA nầy đổ tất cả từ bao cát ra xét. Quả nhiên toàn là lúa. Không phải hàng cấm, nên nó trả lại. Rồi tuần nầy, qua tuần khác đều xảy ra như thế. Tên CA nầy, sau rốt, bị về hưu non vì tội tham ô bất kể bao công lao nằm mùng chống Mỹ!
Một hôm đi nhậu trong một nhà hàng xịn ngoài thị trấn, hắn tình cờ gặp lại tui. Cầm ly rượu đến bàn, nó lè nhè hỏi: “Nè ông bạn! Hồi đang tại chức, tớ nghi cậu buôn lậu cái gì đó mà nghĩ hoài không ra? Cậu làm tớ mất ngủ nhiều đêm liền để suy nghĩ, nghĩ mãi vẫn không ra nên đầu bạc trắng như Ngũ Tử Tư hè!”
“Giờ tớ không còn chức quyền nữa; dám nào hỏi cậu hai câu. Một là: Cậu có buôn lậu không?” “Có chớ!” “Vậy cậu buôn lậu cái gì?” “Xe đạp!”
Nói cho cùng, tui cũng hơi khờ dại, rượu vô lời ra, tiết lộ cái bí mật nghề nghiệp nầy thì trước sau gì nó cũng điềm chỉ cho đồng bọn để bắt tui hè.
Nên lần cuối, tui cũng thồ hai bạo gạo; nhưng có thêm cái nồi nấu cơm treo lủng lẳng trước cái ghi đông, tui dông luôn.
Sau nầy qua đây, một thằng bạn Úc hỏi: “Sao đành bỏ quê hương; sao đành bỏ ruộng vườn, bỏ người thương… bên kia trời lận đận?”
Thì tui kể cho nó nghe một câu chuyện ngụ ngôn như vầy: Một người Úc và một người Việt từ địa ngục gọi điện thoại về trần thế để than phiền với thân nhân và bè bạn: “Cuộc sống dưới địa ngục nầy, ngày phải lao động là vinh quang, làm quần quật như ngựa, như trâu vẫn không đủ cái bỏ vào mồm. Đêm còn bị bọn quỷ sứ đến xét hộ khẩu để đòi ăn hối lộ nên dẫu làm đến kiệt sức vẫn không nghỉ ngơi gì được hết ráo hè!”
Quỷ sứ tính tiền cú gọi cho ông Úc là 100 đô. Còn ông Việt chỉ tốn có 20 xu. Nên ông Úc phàn nàn tính tiền như vậy bất công quá!
Diêm Vương cười hè hè giải thích: “Công bằng lắm đó. Gọi về Úc là điện thoại quốc tế, viễn liên.
Gọi về nước Việt, đang chìm đắm trong chủ nghĩa CS độc tài, chỉ là một cú gọi địa phương!”
***
Nói nào ngay những ngày đầu người Việt đến đây tỵ nạn, Úc nó thấy mấy em Việt Nam đẹp não nùng như Ngọc Trinh nên cứ thò lỏ hai con mắt ra mà dòm; thấy phát ghét.
Chính vì vậy người Việt Nam mình mới thân ái đặt cho Úc cái tên là Úc thòi lòi đó. (Thòi lòi là loài cá có hai con mắt to bằng hai cái tộ, thường hay đeo bập dừa dọc theo sông rạch quê mình!)
Đàn bà con gái Việt Nam là dành cho người Việt vậy mà ỷ là chủ nhà, nó tính ăn cơm hớt hay sao? “Sao tao ghét hai con mắt thòi lòi bự chảng của mầy quá!” “Thì bịt mắt chú mầy lại!” “Bịt bằng cái gì?” “Bằng sợi dây giày của tao đây nè!”
À ! Thằng nầy hỗn! Nó dám chê tui mắt hí chớ!“IQ của mấy thằng ngu khoảng 40 mới biết cột dây giày. Hèn chi tao thấy mầy luôn mang dép. Thì dây giày mầy làm gì có?! Ha ha!”
Bị tui chê ngu; nó tìm cách chê lại, hỏi: “Làm thế nào chú mầy biết mấy đứa ăn trộm nầy là người Việt Nam?”
“Nhà khổ chủ lu gạo bị vét sạch không còn một hột. Chục chai nước mắm hiệu ba con cá cơm Phan Thiết cũng biến mất. Và máy thâu hình an ninh trước cửa nhà cho thấy: Bọn chúng loay hoay de xe ra khỏi lối đi; mất tới 3 tiếng đồng hồ mới được đó!”
Thành kiến và thiển cận, thằng Úc nầy nghĩ người Việt mình, ai cũng như ai, ai cũng hẩu xực thịt cầy hết ráo. (Tui đâu có thích ăn thịt người bạn tốt nhất của loài người là con chó đâu mà cũng bị vạ lây?!)
Nó đố: “Ê chú mầy! Ở Úc nầy đây, con chó vùng nào chạy nhanh nhứt?” Tui bí.
Nó cười hè hè trông rất đểu cáng rồi trả lời luôn là: “Springvale!”
(Springvale phía đông, cách thủ phủ Melbourne khoảng 30 km, nơi có rất nhiều người Việt, bà con mình sanh sống!)
Chẳng qua thằng Úc nầy đeo đuổi một em người Việt mình. Một hôm nó thành thật ngợi khen em thơm mùi nước mắm lắm! Em cho rằng nó chửi xỏ nên cấm cửa, hăm: Còn lạng quạng đến nhà, em sẽ kêu lính bắt!
Nó đành ôm mối hận lòng mà cay cú, văng miểng tới tui.
***
Tuy nhiên người Úc cũng có đứa đàng hoàng dễ thương, chơi được chớ không phải ai cũng cà chớn như thằng nầy đâu!
Đất lạ quê người, hồi mới tới, tui cũng tính tiếp tục việc học vì thời cuộc phải dở dang để có cái bằng Tiến sĩ, ‘nổ’ cho thiên hạ giựt mình chơi!
Nhưng trộm nghĩ còn vợ và hai thằng ‘cu’ đang kẹt lại ở quê nhà, nhai bo bo đến sái cổ; mình lại tìm kiếm công danh hão! Cứ hai tuần lần gạch vào cái đơn xin trợ cấp đi học của chính phủ Úc thì làm sao mà đủ?
Nên tui nộp đơn xin việc. Quản lý công ty lại là một cựu quân nhân Úc đã từng tham chiến tại Việt Nam.
Nó xem cái CV trong hồ sơ xin việc thấy tui cũng đã từng ăn cơm chảo đụn, cá mối nhà bàn của lính nên nó nhìn là đồng minh nên nhận tui vào làm ‘cu li’ cái rụp!
Chiều, nó còn mời tui đi nhậu để nhắc nhở thời chinh chiến cũ. Nó bảo: “Bồ hên lắm đó nhe! Chớ tui xuất ngũ về, rầu lắm; vì phong trào phản chiến ở Úc nầy nó theo đuôi bọn Mỹ, dè bỉu tụi mình!
Lúc mình đi lính chống CS; tụi nó phè phè ở nhà chỉ biết ăn với học nên giờ nó làm ‘boss’ của tụi mình. Thiệt là đời quá bất công!”
Tui trúng tuyển quân dịch, qua cuộc rút thăm, chánh phủ Úc gởi qua Miền Nam Việt Nam để chiến đấu chống lại bọn CS Bắc Việt xâm lược.
Bị thương tật, cấp độ tàn phế tới 50% nhưng vốn là một con người tử tế, dù phụ cấp Cựu Chiến binh cũng đủ sống nhưng ngồi nhà nhậu hoài sanh hư đốn nên tui nộp đơn xin việc.
Thằng boss của công ty hỏi: “Ở Việt Nam, ông có hành quân không?” “Sao không? Tui là lính đặc nhiệm, SASR, của Úc mà! Được hai năm, tui bị thương mới giải ngũ về đây đó chớ!”
“Nếu ông không phiền, cho tôi hỏi: Ông bị thương như thế nào? Ở đâu?”
“Thì ở Việt Nam chớ ở đâu.”
“Ý tôi muốn hỏi là ở đâu trên thân thể của mình đó mà!” “À! Tui đi tuần tra, tảo thanh VC, đạp nhầm trái lựu đạn gài, nổ làm bay mất hai cái ‘dế’ của tui”.
“OK! Đơn xin việc của ông đã thành công! ‘Congratulation’!
Mai, vô nhận việc lúc 10 giờ sáng nhe!” “Nè nè! Là thương binh, là một người lính dũng cảm; tui không muốn vin vào thương tật để nhận đặc ân của ai hết!” Mấy thằng Úc khác 7 giờ sáng đã đi làm! Sao tui lại tới 10 giờ?”
“Đâu có đặc ân gì đâu! Làm ‘cu li’ thì ai cũng như ai. Nhưng mấy thằng Úc khác đến đây lúc 7 giờ sáng, ngồi gãi ‘dế’ để suy nghĩ bữa nay sẽ làm cái gì trước , tới 10 giờ mới bắt tay vào việc!
Thế nên ông đâu cần tới sớm cả 3 tiếng để làm gì? Tới lúc 10 giờ là phải rồi!”
***
Từ độ ấy, tui làm thân với thằng ‘boss’ của tui. Vì công việc tốt không bằng có thằng ‘boss’ tốt!
Cuối tuần nghỉ làm là hai đứa bò ra Footscray để uống beer. Chuyện riêng tư của Úc nó giữ riêng cho mình trong nhựt ký. Sống để bụng chết mang theo. Nhưng với tui là chiến hữu đồng minh; nên buồn trong kỷ niệm, nó đều dốc bầu tâm sự hết ra để tìm sự cảm thông.
Một lần nhậu, mỗi đứa cạn hết gần chục lon, nó rơm rớm kể lại mối tình năm cũ.
Trước khi qua căn cứ Núi Đất, tỉnh Phước Tuy, nó cũng có người yêu bỏ lại Footscray nầy. Sợ em bỏ nó, theo thằng khác. Nó bèn làm thơ gởi về em:“Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có buồn lê thê/ Em ơi em cứ đợi…Lòng ai dù tái tê/ Chẳng mong chi ngày về
Thì em ơi cứ đợi!/ Đợi anh hoài em nghe/ Tin rằng anh sắp về!
Trông chết cười ngạo nghễ/ Tan giặc bước đường quê/ Anh của em lại về”
Rồi một hôm nó nhận được một lượt hai bức thơ từ hậu phương gởi ra tiền tuyến. Một của em yêu. Bức thứ hai của bà nội nó. Cả hai đều kêu hãy gởi hình về để xem dung nhan đó bây giờ ra sao?
Tuy nhiên, nó chỉ có một tấm hình chụp trần truồng trên Bãi Sau ở Vũng Tàu.
Nó bèn cắt tấm hình đó ra làm hai. Phần trên gởi về em yêu dấu. Phần dưới gởi về cho bà Nội dấu yêu vui; vì tuổi già mắt mũi kèm nhèm không thấy gì đâu.
Bà Nội nó nhận được tấm hình, nhìn rồi thở dài: “Ôi tội nghiệp cho thằng cháu cưng cuả tui! Bận hành quân liên miên nên không có thời giờ để cạo mặt nên râu ria xồm xàm. Mà nó giống ông Nội nó biết là bao! Lúc nào cũng ngậm điếu xì gà trên miệng!”
Bị thương không còn ‘dế’ để gãi, em yêu của nó cũng đi xuống thuyền bông lấy chồng từ độ ấy; nên giờ nó rất cô đơn chỉ sống cùng một con chó cưng và bốn bức tường.
Nó khuyên tui là: “Cứ đi nhậu với nó, tiền bạc khỏi phải lo, mà tiếng Anh không cần tới trường cũng giỏi. Học trên bàn nhậu!” Nhậu mà không phải chi tiền! Thiệt là hiếm có!
Em yêu của tui lại không hiểu; cho rằngtui xạo để có cớ mà đi bù khú với bạn bè. Chớ Footscray nầy em đi chợ hà rầm, tiếng Việt mình là sinh ngữ một đó nhe! Cần gì phải học tiếng Anh chi cho mỏi miệng. Cho đến một hôm đứa cháu nội làm em sực tỉnh ra.
Cuối tuần ba má nó chở về thăm. Mới bước vô nhà là: “Hi ông nội!”
Em yêu của tui vội đính chánh ngay lập tức: “Đâu có con! Từ hồi về với ông Nội, dẫu biết bao nhiêu thằng khác đeo đuổi nhưng bà Nội đã thề rằng: “Dẫu ai thêu phượng vẽ rồng. Bà nội chỉ một ông chồng mà thôi!”
Sao giờ con lại nói là ‘hai’ ông nội hả?”
Happy New Year!
đoàn xuân thu.
melbourne