Bạn cũ – Trường xưa
Đinh Tấn Sơn
(Nguồn: Giai Phẩm Xuân Canh Tý 2020 – Petrus Ký 1966-73 http://veque.com.free.fr/)
Tôi quen và chơi thân với Phan Trí Dũng và Nhan Quan Bảo từ năm 1967, đệ thất 3, (6-3) trường Petrus Ký.
Đây là ngôi trường công lập nổi tiếng nhất tại Sàigòn và thi đậu vào trường là giấc mơ của tất cả các học sinh tiểu học. Từ nhỏ, tôi đã ước mơ nhất định sẽ có một lần trong đời ghé thăm Sàigòn, thành phố đầy thơ mộng, một hòn ngọc viễn đông mà người ta thường gọi. Giấc mơ ấp ủ được vào chốn thị thành tiếp tục việc học, thưởng thức cảnh vật hoa lệ, tham gia sinh hoạt cùng mọi tầng lớp của người dân đô thị và những thú vui trưởng giả đã khiến tôi có nhiều nguyện tưởng.
Quê tôi ở Quảng Ngãi, tận miền trung hẻo lánh, đất đai cằn cỗi. Làng tôi An Chỉ cũng không gần thị xã gì cho lắm, sát ven núi Đình Cương và dọc bên bờ sông Vệ. Từ làng ra tỉnh chưa đầy 15 cây số mà tôi cứ tưởng như xa xôi dịu vợi. Tôi nhớ hình như từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ được ra tỉnh hai lần. Khi tôi 7 tuổi, có lần bị bịnh thương thực, ngất xỉu và sốt mê mang cả tuần. Người mẹ thân yêu mà tôi gọi là Má vội vàng đưa tôi ra tỉnh đem vào nhà thương chữa trị. Với phương tiện di chuyển đơn sơ của người dân quê cơ cực, tôi được khiêng trên võng do hai bác trai cư ngụ cùng làng. Má tôi chạy theo sau nước mắt chảy quanh và miệng lâm râm cầu trời khẩn Phật để cho tôi được tai qua nạn khỏi. Tôi là đứa con duy nhất và cũng là niềm hy vọng của người, không anh chị em thân thuộc hay người cha nâng đỡ. Cha tôi đã tập kết ra Bắc 1954, trước khi tôi mở mắt chào đời.
Lần thứ nhì tôi được ra tỉnh là do chiến tranh tàn phá. Ngôi nhà tranh của ông bà ngoại để lại bị bom đạn oanh tạc, lửa cháy khắp nơi và cuối cùng chỉ là đống gạch vụn. Má thu xếp gánh theo vài gánh gạo, dẫn theo đôi bò già, cùng bà ngoại, cậu, dì út, và cùng tôi, đứa bé 10 tuổi ra tỉnh để bán buôn sinh sống qua ngày.
Từ nhỏ tôi đã hiểu rõ thế nào là tình thương và lòng hy sinh của người mẹ, nỗi cơ cực khi phải chạy kiếm từng bữa cơm, đồng tiền kiếm được chỉ đủ để mua gạo và củ mì ghế thay cơm. Người căn dặn tôi phải rán học giỏi, thi đậu vào trường công lập, dễ bề tiến thân nhưng điều chính yếu là khỏi phải đóng tiền học phí mỗi tháng. Nếu đóng tiền học hàng tháng chắc chắn người sẽ không kham nổi. Người còn phải chăm sóc mẹ già và cả đàn em lóc nhóc nữa thì tiền học phí hàng tháng sẽ là một gánh nặng. Ông ngoại tôi mất sớm trước khi tôi sinh ra đời.
Khi được 7 tuổi , tôi thi vào trường xã Nghĩa Phước và may mắn đậu vào lớp 1. Cả xã chỉ có một trường công lập duy nhất bậc tiểu học dạy lớp 1 cho đến lớp 3. Kế tiếp là trường quận gồm 4 xã họp lại, Nghĩa Phước, Đề An, Hòa Vang, Phú Mỹ và cũng duy có một trường chỉ dạy lớp 4 và lớp 5. Lớp trên 30 học sinh và tôi là một trong những đứa trẻ nhỏ nhất lớp. Các bạn cùng lớp phần đông lớn tuổi và đôi khi phải thi vài ba lần mới vào. Ở Sàigòn vào học lớp 1 không cần phải thi đậu. Muốn lên trung học phải ra tỉnh, thi vào trường công lập, ở trọ và chi phí rất là tốn kém. Còn nếu được vào Sài Gòn hay ra Huế để học lên cao thì đó là giấc mơ xa vời, nhất là đối với người chân lấm tay bùn làm nông như Má tôi.
Vài chục năm sau này khi có dịp trở về quê và tìm lại ngôi trường tiểu học xưa, tôi gặp lại Hùng, người bạn học tự thuở nhỏ còn sống sót. Trường hợp Hùng cũng giống như tôi, cha cũng đi tập kết ra Bắc rồi bỏ mình trong trận Hạ Lào. Hùng sau này được cân nhắc làm uỷ viên an ninh xã. Chiến tranh đã lấy mất nhiều tánh mạng, gia đình ly tán, ruộng đồng bỏ hoang, cùng các thanh niên hy sinh cho một cuộc chiến vô nghĩa.
Trong mấy ngày đầu ra tỉnh, chúng tôi sống tạm trú ngay tại ngôi trường tiểu học Tư Chánh. Tiền bán đôi bò để sống qua ngày rồi cũng hết. Hai con vật đã giúp gia đình chúng tôi biết bao trong việc cày bừa, làm mía, giờ đây trong giây phút cuối cùng của cuộc đời cũng phải hy sinh tấm thân già cổi để nuôi sống chúng tôi. Người lái mua đôi bố để làm thịt bày bán ngoài chợ. Chúng đã chảy nước mắt và ứa lệ nhìn giã từ chúng tôi. Tôi đã tiếc thương và khóc rất nhiều cho số phận làm thân thú vật.
Cuối cùng chúng tôi cũng vào được Sàigòn sống nhờ ông cậu Hai giúp đỡ. Trước đó mấy năm ông cùng gia đình đã vào Sài gòn trước lập nghiệp và có một ngôi nhà nhỏ ở gần trường Chí Hòa, thuộc khu Hòa Hưng, quận 3 đường Lê văn Duyệt (sau này đổi tên là Cách Mạng Tháng Tám). Trường nầy vài năm trước cũng đã đào tạo một Mai Viết Kinh Luân học rất giỏi, đứng đầu trường Petrus Ký. Nhà Luân ở trong xóm Đình cũng ở cùng ngõ hẻm. Tôi vào ghi tên học lớp nhì tại trường Chí Hòa (lớp 4) nhưng lớp không còn chỗ vì trường đã nhập học một tuần trước đó. Tôi phải học trở lại lớp 3. Vài tuần sau, lớp có chỗ trống vì gia đình một học sinh thuyên chuyển, tôi may mắn được thế chỗ vào lớp 4.
Tôi còn nhớ, sức học của tôi chậm hơn các bạn cùng lớp. Chúng có vẻ biết nhiều hơn tôi về kiến thức tổng quát, cách viết luận văn và trả bài với tiếng Sài gòn lưu loát. Tôi chưa bao giờ đọc qua một quyển sách chỉ trừ cuốn Giáo khoa thư dạy trong lớp. Tiếng trả bài giọng Quảng trọ trẹ khó nghe khiến tôi mắc cở và có nhiều mặc cảm. Các bạn cùng lớp gọi tôi là thằng “ Chửng” vì tôi ưa xài tiếng này. Tôi nghe các bạn và thầy nói trong lớp không kịp nên thay vì nói từ từ hay nói chậm lại, tôi dùng “ Chửng” tiếng của người dân Quãng Ngãi có nghĩa là từ từ chậm lại.
Rồi cuối năm tôi cũng được lên lớp nhất (lớp 5). Giờ đây tôi cũng đã quen với cách học, lối viết văn, làm luận, làm toán nhanh, viết đúng lỗi chính tả và đọc sách nhiều hơn. Tôi vẫn còn nhớ lời của Má dặn là rán học giỏi và phải đậu vào trường công lập tiếp tục học bậc trung học. Tôi gần như đứng đầu lớp và cuối năm lảnh khá nhiều phần thưởng, phần thưởng trong lớp và phần thưởng ưu hạng toàn trường. Tôi hoàn toàn không biết những trường công lập khác tại Sàigòn. Tôi chỉ biết lẩn quẩn những khu vực gần nhà. Ngày ngày mỗi buổi sáng đi học tại trường Chí Hòa, và buổi chiều phụ Má bán thức ăn cho học trò ngay tại cổng trường.
Gia đình tôi nghèo lắm, phải nói là rất nghèo. Má từ nhỏ không bao giờ được tới trường, tự học ở nhà và chỉ biết đọc sơ sơ vài chữ. Vào Sàigòn, nghề làm ruộng không giúp ích được gì, người đổi ra đi bán hàng rong, bán mía ghim để độ nhật. Lúc đầu má gánh bán củ khoai lan ngọt, bánh in đậu xanh, sau đó đổi ra bán gỏi đu đủ ngâm dấm và nước mắm ngọt dọc hai bên đường tới trường. Một năm sau Má đối gánh về gần chợ Hòa Hưng chuyên bán cá khô, và tép ran. Từ sáng sớm cậu và Má đã xuống chợ cầu ông Lãnh để lảnh cá về bán trong ngày. Má sau đó lại chuyển qua ngâm gạo và giã nhỏ làm thành sợi bún tươi và bán bún gói trong lá chuối. Cuộc sống trong gia đình không mấy gì khá giả.
Người Sàigòn vẫn còn kỳ thị đối với những người bán hàng rong nhất là với giọng rao xứ Quảng trọ trẹ khó nghe. Bán thứ gì cũng không thành công cho lắm vì nghiệp của mẹ là nghề làm nông, đắp bờ, coi ruộng, đập mía. Má cuối cùng điền đơn và được giới thiệu vào làm phu bếp cho công sở của quân đội Mỹ ở Biên Hòa. Đời sống mấy năm sau, khi tôi đã đậu vào trường Petrus Ký, mới được tạm yên đôi chút, vừa đủ ăn nhưng cũng còn rất nghèo.
Tôi còn nhớ theo cậu Tám xuống nạp đơn thi vào trường trung học. Cậu quyết định bắt tôi phải nộp vào trường Petrus Ký mà không một trường nào khác. Theo cậu, đây là ngôi trường công lập số một của cả nước Việt Nam. Thầy dạy giỏi, học trò thi đậu vào phải thuộc thành phần xuất sắc trên toàn quốc, như gạo trắng trên sàn. Trường tuân theo kỷ luật học đường và áp dụng triệt để nghiêm khắc. Cậu tin tưởng tôi sẽ chắc chắn thi đậu và còn đưa tôi làm mồi cá độ với mấy người bà con cùng lứa và bạn bè nữa.
Cậu bắt tôi ngày đêm học thuộc bài từ thường thức, công dân, sử ký, địa lý, làm đủ loại sách toàn luyện thi, toán động tử đồng chiều, động tử nghịch chiều, toán đo lường, toán vòi nước, toán tỉ trọng. Nếu có rảnh một chút, cậu bắt tôi làm luận văn, đọc thêm sách giáo khoa và trước ngày đi, cậu mua chè đậu xanh, đậu đỏ bắt tôi ăn nữa.
Tôi không biết trường hợp các bạn sao chứ trong một năm lớp nhất và mùa hè chuẩn bị thi, tôi chỉ biết có học và học, cấm không được đi đâu chơi hay xem sách kiếm hiệp. Nhờ vậy, cuối cùng tôi cũng thi đậu vào trường Petrus Ký, hình như thứ hạng trên ba trăm mà tôi không nhớ rõ. Miễn đậu vào là được rồi. Đậu chót còn hơn rớt đầu.
Đó là mùa hè 1967, năm tôi 12 tuổi. Tôi nhớ cả trường Chí Hòa, có chừng 5 hay 6 đứa thi đậu vào Petrus Ký, trong đó có tôi và Châu Phú Hùng, học chung lớp Thất 3 và cùng chọn ban Pháp văn làm sinh ngữ chính. Các bạn còn nhớ chứ, vào được trường Petrus Ký là một vinh dự cho gia đình và là một hãnh diện cho cậu bé 12 tuổi như tôi. Trước khi nhập học, Má mua cho tôi một chiếc xe đạp mới. Tôi đạp xe xuống trường để biết rõ vị trí vào lớp, chỗ đậu xe và có thể dành một chỗ ngồi tốt.
Nơi đây, tôi đã gặp 2 người bạn cùng lớp xí chỗ cho nhau và chúng tôi đã ngồi chung một bàn. Đó là Nhan Quan Bảo và Phan Trí Dũng. Chúng tôi chọn bàn thứ 3 ngay dãy giữa và ngồi chung với nhau mấy năm đầu trung học. Tình bạn này tôi vẫn còn nhớ mãi tới ngày hôm nay và có dịp tôi sẽ thuật lại cùng các bạn. Họ đã gây ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc đời của tôi.
Trường Petrus Ký với cảm giác đầu tiên của riêng tôi là quá uy nghiêm và đồ sộ. Trước năm 1975, trường phía trước nằm trên đường Cộng Hòa giữa đường Nguyễn Hoàng và Thành Thái. Sau này đường Cộng Hòa đổi tên là Nguyễn văn Cừ, Nguyễn Hoàng thành Trần Phú. Phía sau là sân vận động Lam Sơn trên đường Trần Bình Trọng. Cùng chung khung viên trường là đại học Khoa Học (đại học Tự nhiên), đại học Sư Phạm, trường Quốc gia Sư phạm đào tạo giáo viên. Cấu tạo hai bên trường là hai dãy nhà hai từng lầu làm phòng học và có hành lang trước sau nối liền với nhau. Hành lang phía sau là phòng thí nghiệm vật lý, hóa học và các phòng vệ sinh. Hành lang phía trước rất rộng là hành lang danh dự. Đây là khu cấm địa của tất cả các học sinh trong giờ học và giờ ra chơi. Bên phải phía trước là thư viện, văn phòng hiệu trưởng, giám học, tổng giám thị, phòng y tế. Cửa chính ra vào chỉ dành cho thầy cô và quan khách viếng thăm trường. Phía trái là cổng dành cho học sinh có nhà đậu xe riêng đánh số thứ tự của mỗi lớp. Nền nhà được tráng xi măng sạch sẽ có hai hàng giá hai bên để dựng xe đạp. Nhà được lợp tôn với hai trụ cột sơn màu đỏ sậm.
Từ nhà đậu xe đi vào lớp phải qua con đường trải đá ong nhỏ, bên phải trồng hàng cây sào cao lớn che rợp bóng mát và tiếp theo là khu ẩm thực bày bán nước ngọt, nước đá chanh và nhất là những bao đậu phọng da cá ngon tuyệt.
Học sinh phải mặc đồng phục áo sơ mi trắng cụt tay, quần kaki xanh đậm đeo bảng hiệu đỏ thêu tên trường Trương Vĩnh Ký ngay trên túi áo. Áo trắng phái bỏ trong quần và có dây đai. Tóc cắt ngắn trên mang tai, mang dày hay dép nhựa, không được mang dép cao su, dép nhựt. Đi học phải vào lớp đúng giờ. Tất cả học sinh phải sắp hàng đợi ngay trước cửa vào lớp dưới sự kiểm soát của giám thị và chờ thầy hay cô tới cho phép từng hàng môt mới được vào lớp. Đến bàn học, học sinh phải đứng nghiêm chỉnh chờ thầy hay cô cho phép ngồi mới từ từ ngồi xuống. Giờ ra chơi cũng vậy, khi giáo sư cho phép mới được ra.
Trường chia làm hai cấp, đệ nhất cấp học buổi chiều từ lớp 6 đến lớp 9 và đệ nhị cấp học buổi sáng từ lớp 10 đến lớp 12. Trước khi vào lớp các giám thị đứng ngay cửa kiểm soát tất cả học sinh theo đúng quy luật. Nếu không phù hợp với cách ăn mặc hay không theo đúng nội quy trường, học sinh sẽ không được vào học và hôm sau phải mời cha mẹ đến gặp giám thị. Nếu đi trễ vài phút phải lên phòng giám thị xin giấy phép và trình lên giáo sư mới được vào lớp học. Bị vài lần thì chắn chắn phải đi cấm túc. Nếu vắng học một ngày, ngày hôm sau phải có giấy phép của phụ huynh ký tên nêu rõ lý do vắng mặt. Nếu trong giờ học vì lý do đi vệ sinh hay có người trong gia đình xin gặp mặt hay bị gọi lên phòng giám thị hay hiệu trưởng, phải đứng lên giơ tay xin phép mới được đi và chỉ được đi từng người một.
Thường lệ đặc biệt của trường là lễ thuợng kỳ vào buổi sáng do các lớp đệ nhị cấp và lễ hạ kỳ buổi chiều do các lớp đàn em đệ nhất cấp. Trong lễ chào quốc kỳ, tất cả các học sinh đứng sắp hàng trước lớp và hướng về cột cờ ngay giữa sân trường. Đại diện mỗi lớp, hai người thay phiên kéo cờ lên buổi sáng và hạ xuống buổi chiều dưới sự hướng dẫn của thầy giám thị.
Nói về cấm túc, đây là một kỷ luật đặc biệt tại trường Petrus Ký. Có hai loại cấm túc. Đa số các học sinh bị phạt theo loại thứ nhất, vi phạm kỷ luật nhà trường do các thầy giám thị đưa ra. Loại thứ hai thuộc về hạnh kiểm, không học bài, không làm bài, cải lời thầy cô, phá rối trật tự trong lớp.
Cấm túc cũng chia làm hai loại, nguyên buổi 4 tiếng hay nửa buổi 2 tiếng. Trong thời gian đi học, tôi bị cấm túc một lần nguyên buổi và tự hứa với mình sẽ không dám vi phạm một lần nào nữa. Mẹ tôi rất buồn với tôi do lỗi lầm đó. Học sinh bị cấm túc thông thường sẽ nhận nhận giấy báo của nhà trường vào ngày học thứ sáu, sau đó mang về cho phụ huynh ký tên và đến ngày chủ nhật trình diện tại trường ngay phòng cấm túc. Học sinh phải nhớ mang theo và nộp thầy giám thị bản ký tên của phụ huynh. Tùy theo lỗi phạt, học sinh thường phải làm bài do giáo sư đưa ra hay chép câu phạt vài trăm lần nếu vi phạm hạnh kiểm. Nếu học sinh bị cấm túc mặc dù đứng đầu lớp hay tặng bằng danh dự cũng không được lãnh. Một tai hại của cấm túc là điểm học bạ hạnh kiểm khi ra trường bị trừ điểm và khi xin đi du học nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Đó là trường hợp của Châu Phú Hùng, mặc dù đậu tú tài hai với hạng tối ưu nhưng đơn xin du học không được cứu xét.
Tôi nhớ trương chỉ nhận 550 học sinh thi vào đệ thất chia làm 10 lớp. Học sinh chọn Pháp văn làm sinh ngữ chính chỉ có 3 lớp còn lại là ban Anh văn. Đệ nhị cấp đệ tam và đệ nhị, hình như chỉ còn 2 lớp Pháp văn. Đệ nhất lớp 12 trường được bổ sung thành 3 lớp thêm từ các học sinh đậu Tú tài 1 với hạng cao xin vào. Ngoài ra có một số chọn Đức ngữ là sinh ngữ phụ cũng bị dồn vào chung với chúng tôi.
Từ ngày đầu tiên xuống chọn chỗ ngồi và thăm lớp học, chúng tôi ngồi chung với nhau suốt mấy năm học từ đệ thất tới năm đệ tứ. Phan Trí Dũng ngồi giữa tôi và Nhan Quan Bảo.
Dũng sinh ra đã là một cá tính đặc biệt có pha chất của một nữ sinh hay đỏ mặt ưa mắc cỡ. Trong lớp ai cũng biết, thương yêu nhưng lại thích quậy phá Dũng. Tụi bạn trong lớp gọi Dũng là chị Doãn theo một bài văn xuôi của Vũ Trọng Phụng “ Lấy vợ Xấu ”. Năm đó trong giờ bình luận Việt văn do giáo sư hướng dẫn cô Dung, Dũng đứng lên đọc bài văn xuôi trong đó có đoạn miêu tả về sắc đẹp của chị Doãn là “ một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phu, dáng người thô tức và những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự”. Dũng không thích gọi tên này nhưng các bạn cũng bất cần Dũng thích hay không, cứ chọc phá và cười trên nỗi đau của bạn là niềm vui rồi. Dũng cũng không thích ai đụng vào người hay thọc cù lét bên hông. Các bạn cứ thế mà chọc và phá lâu lâu cứ lấy tay chọt vào hông và mông khiến Dũng la oái kể cả trong giờ học. Nhất là giờ ra chơi Dũng trốn tiệt hay ngồi một mình sát vách. Tôi và Bảo phải để Dũng ngồi giữa để chúng bạn ít chọc ghẹo và thọc cù lét.
Lần đầu gặp, tôi đã thích và mến Dũng thật nhiều. Dũng nhẹ nhàng, nói chuyện nhỏ nhẹ, ngọt ngào, cử chỉ đáng yêu, đôi mắt đẹp trong sáng lộ vẻ thông minh, trìu mến. Dũng gọi tôi bằng bồ và tôi cũng bắt chước dùng tiếng bồ gọi lại cho thêm tình thân mật. Đôi má Dũng ra nắng hồng hào và làn da mướt rượt như chàng công tử chỉ mãi cặm cụi trong việc đèn sách. Dũng hát thật hay và múa giỏi như các nàng thiếu nữ miền sơn cước. Đôi tay nhịp nhàng theo vũ điệu uốn éo thân mình quay tròn theo tiếng nhạc. Chỉ cần các bạn nói đến tên, khen Dũng hát hay, học giỏi là Dũng đỏ mặt. Dũng trong lớp cũng lựa bạn mà chơi. Ai học giỏi, ngoan hiền, được thầy khen là Dũng lân la tới làm quen. Châu Ngọc Nhi là một trong số đó cùng với Nguyễn Công Thành sau này. Chúng tôi cũng thuộc hàng học khá trong lớp chứ không giỏi xuất sắc như Châu Ngọc Nhi và anh Lê văn Tân cùng Lê Toàn, Nguyễn Minh Đức, Lê Phú Hải, Ninh Vĩnh Khang. Nhưng tôi và Bảo thương Dũng đặc biệt hơn và luôn che chở ngăn cản chúng bạn tới thọc phá Dũng.
Nhiều lúc trước khi đi học vào buổi chiều, tôi cặm cụi lái xe đạp tới tận nhà Dũng sớm để rủ đi học chung và trên đường rũ Nhi cùng đi. Cuối tuần tôi tới nhà Dũng chơi thường và quen thân với gia đình. Cô em út Mai cũng lân la tới làm quen và đòi chơi chung với anh và đám bạn. Mai tròn trịa phúng phính rất dễ thương, tóc thường thắt bính hai bên vai. Tôi chọc út Mai từ nhỏ vốn sinh ra không biết cách đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ biết lăn như trái bánh thôi. Cô rình và có lần nhổ nước miếng vào mình tôi cho bõ ghét. Dũng và út Mai nói rành tiếng Quảng Đông vì ở và chơi với các bạn cùng xóm. Khi nào giận hay nói không lại, họ chu miệng nói riết một lô tiếng Hoa làm cho chúng tôi cũng lắc đầu cười trừ.
Chúng tôi có thông lệ dạo Sàigòn trong đêm Giáng sinh. Năm đệ thất Dũng đề nghị các bạn họp tại nhà và cùng nhau đi bộ từ nhà Dũng qua chợ Bến Thành và hướng về nhà thờ Đức Bà ngay đêm 24. Lúc đầu có một số ít bạn trong có tôi, Nhan Quan Bảo, Châu Ngọc Nhi, Hoàng Vi Thống, sau đó mấy năm sau số bạn càng đông đi theo cũng vì quen thân với nhau. Trở về nhà Dũng, dì Mười, người mẹ của Dũng, đã sửa soạn bánh ngọt và nước uống để đãi con và các bạn. Truyền thống này tôi vẫn còn nhớ mãi đến năm đệ tam trên đường về tôi và Bảo bị đụng xe và tôi không được may mắn phái vào nhà thương Sàigòn điều trị. Xe Jeep của quân cảnh đụng tôi và Bảo khi tôi lại chiếc xe PC của Bảo và tôi bị gãy xương vai. Dũng, Nhi và các bạn đến thăm tôi ngày hôm sau trong nhà thương.
Tôi nhận ra gia đình của Dũng, và sau này Nhan Quan Bảo cũng vậy. Họ là người Nam mộc mạc, sống lâu ở Sàigòn nên có một đặc tính rất đáng yêu. Đa số tính tình họ đơn sơ, dễ dãi và xuề xòa. Họ đối xử với mọi người chung quanh với mối tình của láng giềng gần. Nếu là bạn của các con và được các con dẫn về nhà giới thiệu, họ coi như là một phần tử trong gia đình. Nếu có món ăn ngon,vật là họ đưa ra hết để đãi và nhìn thấy niềm vui của các con cùng chúng bạn là họ niềm nở vui theo. Cá tính này có thể là do thiên nhiên và vị trí của đất nước ở miền Nam bộ sung túc phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ. Tự đó sinh ra con người cũng bị ảnh hưởng và thái độ sống cùng lối cư xử tốt với nhau hơn.
Nhà Dũng ở trong hẻm đường Cô Giang. Sống chung trong gia đình có chị Dung, và út Mai cách nhau 3 tuổi. Các anh chị lớn đã lập gia đình và đi làm xa. Chị Dung học trường Gia Long và sau này nhỏ Mai cũng thi đậu vào trường Gia Long học sau tụi này 3 lớp. Chị Dung đẹp duyên dáng và dáng người thanh nhã. Giọng nói chị dòn tan và thẳng thắn. Gặp chơi ở nhà là chị mua đồ ăn vặt cho các em. Chị đối xử với các em cùng bạn bè rất thương yêu và trìu mến. Chị cũng như Dũng biết nhiều nhạc và hát rất hay. Người mẹ của Dũng, tụi này cũng bắt chước goi vú nuôi là dì Mười. Dì Mười dáng người đẩy đà và ngọt ơi là ngọt. Dì thương bạn của các con như con ruột đối xử như người trong nhà. Ba Dũng cũng vậy, bác Tín cũng thương bạn của các con. Sau này các bạn hơi trưởng thành, bác dạy tụi này uống rượu và chỉ cách uống cho đúng phép, không được đắp mô. Đắp mô là danh từ trong bàn tiệc, uống rượu xoay tròn, khi tới phiên mình phải uống chứ không được từ chối. Nếu ép mà uống không được phải nói rõ lý do nếu không bị phạt. Uống phải nghe tiếng kêu cái trót khi cạn ly và phải trình làng. Làm thân trai theo bác là nam vô tửu như kỳ vô phong.
Dũng và Bảo coi trọng và săn sóc tôi rất nhiệt tình. Dũng biết tôi từ nhỏ sống thiếu tình thương của cha, anh em và gia đình nên muốn san sẻ một phần nào tình bạn để bù đắp. Những ly nước đem theo khi tôi đá banh, những khuy áo bị đứt mất, Dũng cũng đem theo kim chỉ để khâu vào. Nhưng bao đậu phọng da cá mua vội trước khi vào lớp cũng để dành cho nhau chia sẽ nhân giờ ra chơi. Bảo vì nhà khá giả hơn tôi và Dũng nên thường thường là người trả tiền. Tôi gọi Bảo là vị Mạnh Thường Quân của cả bọn.
Bảo giúp đỡ tôi rất nhiều, tính tình hiếu khách rộng rãi. Nhất là sau ngày Dũng mất , tôi cả vài tuần không để tâm vào chuyện học và kỳ thi tú tài 2 lại sắp tới, nếu không may thi rớt lại nhập ngũ vào trường sĩ quan Thủ Đức. Bảo kêu tôi và Lộc về tận nhà học chung nhau cả tháng trời. Và cuối cùng tụi tôi cũng đậu được những thứ hạng không cao như hồi Tú Tài 1. Bảo sau đó đi du học ở Pháp, thành phố Monpellier. Lộc tiếp tục học cán sự Hóa học tại trường Phú Thọ
Hình chụp các bạn cùng lớp
Tôi nhận xét có một điều là Dũng không bao giờ đi vệ sinh chung với các bạn hay có lẽ ít khi dùng phòng công cộng tại trường. Tôi có rũ vài lần nhưng lần nào Dũng cũng lắc đầu từ chối. Tôi cũng có vài lần chọc Dũng.
“ Dũng a, tụi mình là con trai, đi chung với nhau có sao đâu, mà bồ lại mắc cở vậy.”
Rồi tôi nắm tay kéo Dũng đi nhưng không được. Dũng nói giận và hứa sẽ không chơi chung với tôi nữa. Dũng nhiều khi vào lớp rồi mới giơ tay xin đi ra một mình để khỏi ai dòm ngó.
Tính Dũng từ hồi nhỏ đã là như vậy, theo lời của chị Dung.
Rồi tụi tôi cũng lớn lên theo thời gian và tình bạn càng ngày càng thân thiết. Từ cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968 và sau đó mùa hè đổ lửa 1972, chúng tôi sống với nhau theo vận nước và chiến tranh điêu tàn trên toàn lãnh thổ. Những lần xuống đường cùng các anh bên Đại học khoa học, đại học sư phạm, bi lựu đạn cay phải đóng cửa trường. Chúng tôi cũng được huấn luyện Quân sự học đường để quen dần với những hoàn cảnh của chiến sĩ xông pha ngoài trận biên. Rồi các trường công lập tại Saigon lại đụng chạm với nhau trong những lần đố vui để học, tranh giải thể thao và những cuộc ẩu đã giữa trường Chu Văn An, Cao Thắng và Petrus Ký đã khiến bộ Giáo dục phải sai người xuống điều đình giữa đôi bên.
Bốn năm Trung học đệ nhất cấp qua thật mau. Lớp chúng tôi có ba lứa tuổi khác nhau. Lớn nhất là các bạn sinh năm 1954. Đây là thành phần xóm nhà lá ngồi ở dãy cuối, bị học trễ, ở lại lớp hay phải thi vài lần mới đậu vào trường. Họ tương đối già dặn và cao lớn hơn chúng tôi. Trong số này có anh Lê văn Tân, Lưu thành Hồng, Nguyễn Văn Tý, Quốc già, Nguyễn Năng Chức, Phan Tấn Vinh, Nguyễn Việt Sơn, Nguyễn Việt Thắng, Phạm Năng Tánh và một số bạn khác tôi không nhớ rõ tên. Anh Lê văn Tân được chọn làm trưởng lớp mấy năm liền và là phó đại diện của cả trường cho các lớp đệ nhất cấp. Anh Tân là một học sinh gương mẫu, nói năng điềm đạm và học rất giỏi trong lớp. Nhà anh cũng không khá giả và phải nói nghèo lắm. Anh bỏ học năm đệ tam và có lần tôi đã gặp anh đạp xích lô để độ nhật giúp đỡ gia đình và các em còn nhỏ. Chúng tôi đã mất liên lạc với anh từ dạo đó. Phạm Năng Tánh bị đôn quân và đi bộ binh 1972. Sau này Tánh có vào lớp thăm các bạn trong bộ binh phục năm đệ tam 10B2. Tánh hình như sau này bị mất nghe nói trong lúc chuẩn bị vượt biên.
Thầy hướng dẫn Toán Nguyễn Minh Dân, Châu Phú Hùng và Nguyễn Công Thành năm 1973, lớp 11B2
Tôi sinh 1955 và thuộc lứa tuổi thứ nhì. Một số chúng tôi học trễ hay cần hai năm mới thi đậu vào trường. Thi rớt phải học luyện thi lại từ đầu hay một vài bạn học đệ thất ngoài trường tư để năm sau thì lại. Mùa hè đỏ lửa 1972, một số lớn chúng tôi phải ra ngoài học nhảy lớp. Trong đó có tôi, Nhan Quan Bảo, Phan Tấn Lộc, Phùng Độc Lập, Nguyễn Minh Đức, Lê Toàn, Bùi Đại Nghĩa (tôi mới biết sau này có dịp gặp Nghĩa khi qua thăm gia đình người chị ở Pennsylvania) và một số bạn khác. Chúng tôi học đệ tam buổi sáng và buổi chiều học đệ nhị. Phan Trí Dũng mặc dù cùng tuổi với tôi nhưng không học nhảy. Sau này nói chuyện với út Mai, em Dũng, mới biết là vấn đề tài chánh. Dũng không muốn là một gánh nặng trong gia đình trong khi nhà đang sinh sống chật vật. Chị Dung cũng đã nghỉ học từ giã mái trường Gia Long để ra ngoài làm việc. Tôi có gặp chị tại chùa Xá Lợi bên hông cổng trường và chị cảm thấy tiếc nuối đời sống học sinh phải từ bỏ nửa chừng. Tôi được Bảo và hai bác thân sinh giúp đỡ cho mượn một số tiền để chạy làm học bạ nhảy lớp tại trường Tân Văn. Mối nhân tình thâm sâu độ lượng của Bảo và gia đình cho tới ngày nay tôi vẫn còn nhớ mãi. Nếu hồi đó Dũng cũng lên tiếng thì tôi nghĩ Bảo cùng gia đình chắc chắn giúp đỡ trong lúc nguy ngập. Nhưng thôi, đó là số mệnh và Thượng Đế đã an bày.
Phần đông các bạn trong lớp thuộc thành phần thứ ba của lứa tuổi sinh 1956. Đây là các bạn học đầy đủ 7 năm tại trường. Nhóm nầy tuổi trẻ tài cao là những học sinh giỏi trong lớp. Giỏi nhất và đại diện cho cả bọn là Châu Ngọc Nhi. Nhi được đề cứ làm trường bạn học tập và sau đó làm trưởng lớp nhiều nhiệm kỳ. Sau này có Nguyễn Công Thành từ trường khác chuyển vào học chung năm đệ ngũ. Các bạn cùng lứa tuổi này là Quach văn An, Vũ Thái Lai, Châu Phú Hùng, Đoàn Phú Đức, Nguyễn Thanh Đạm, Phạm Chu Sơn, Phan Khải Minh, Phạm Ngọc Thiện Tuyến, Vũ Phuơng Hà, Phạm Vĩnh Thọ, Lê Phú Hải, Ninh Vĩnh Khang, La Thanh Quang, Lê Tấn Thanh, Võ Quốc Hùng, Nguyễn văn Tịnh.. Tôi có kèm theo danh đạch các bạn do Lê Toàn sưu tầm. Có một số bạn chuyển sau hình như một số thuốc ban Đức ngữ Cao Minh Tâm, Mai Thanh Tâm, Cao Hữu Phúc. Đoàn Phú Đức, Vũ Phuơng Hà (bà Hà) và Ninh Vinh Khang mới mất vài năm sau này. Lê Phú Hải bắt đầu năm đệ tam chuyển qua lớp khác. Có lẽ học không qua nổi Châu Ngọc Nhi nên đổi lớp khác hy vọng sẽ khá hơn.
Chúng tôi ra ngoài học nhảy lớp và thi đậu hạng cao. Tôi, Nhan Quan Bảo, Phùng Độc Lập, Phán Tấn Lộc vào trường xin ghi tên học lớp 12 và may được thầy hiệu trưởng chấp nhận. Thầy cũng thông cảm cho hoàn cảnh chiến tranh và nâng đỡ học sinh đã từng theo học từ đệ thất. Tôi vào lớp 12B3 cùng với Phùng Độc Lập. Bảo vào 12B2. Lộc chọn trường Phú Thọ vào ban cán sự Hóa Học. Tôi và Bảo cùng thi vào trường Phú Thọ. Tôi đậu ban Hàng hải thương thuyền và Bảo cán sự Hóa học cùng với Lộc nhưng chỉ có Lộc vào học mà thôi. Má và các cậu nhất định không cho tôi vào học trường Hàng hải vì sợ sau nầy đời sống bôn ba trên thương thuyền va chạm với các thành phần thủy thủ trên tàu sẽ không hợp với bạch diện thư sinh như tôi.
Chiến tranh và mùa hè đỏ lửa 1972 đã đưa đất nước vào một chiến dịch tổng tấn công trên toàn lãnh thổ. Từ cổ thành Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đại lộ kinh hoàng và miền Tây Nguyên tỉnh Đắc Tô, Tân Cảnh, Kon Tum đến tận tận miền Đông Nam bộ, An Lộc, Bình Long, Tây Ninh, chính phủ hai bên đã huy động tân binh đưa ra chiến trường. Những học sinh bị đôn quân thuộc các lớp đệ tam, đệ nhị phải trình diện tại trung tâm huấn luyện Quang Trung, Thủ Đức và đưa thẳng ra chiến trường.
Dũng, người bạn thân, giờ đây học dưới tôi một lớp. Vì học cùng trường nhưng khác lớp nên chúng tôi cũng thỉnh thoảng mới gặp nhau và tình bạn không còn thắm thiết như khi xưa. Dũng buồn nhiều vì tủi thân và mặc cảm. Nụ cười hồn nhiên giờ đây đã biến mất trên khuôn mặt lúc nào cũng đăm chiêu và đầy tư lự. Sau đó Dũng bắt đầu nghỉ học và chúng tôi đã không gặp nhau trong vài tháng. Thú thật tôi cũng gần như quên hẳn đi người bạn thân kém may mắn này vì chính mình cũng lo bận học chuẩn bị cho kỳ thi tú tài phần 2 sắp tới.
Tôi còn nhớ vào một buổi tối trong tuần, Dũng tìm tới thăm tôi sau buổi cơm chiều. Đạp xe chung với Dũng có Nhan Quan Bảo và Châu Ngọc Nhi. Dũng tới nhà Nhi trước, ghé qua Bảo và cuối cùng cả bọn tới nhà thăm tôi. Tôi ngạc nhiên và mừng lắm vì lâu rồi mới gặp lại Dũng. Dũng lên nói lời từ giã vì nhận giấy nhập ngũ và trong vài ngày nữa phải trình diện tại trung tâm huấn luyện Quang Trung. Dũng cầm tay và riêng dặn tôi thỉnh thoảng tới nhà thăm dì Mười, bác Tín và làm bạn với Út Mai vì thiếu Dũng, cả nhà sẽ buồn lắm. Tôi vui vẻ nhận lời vì đã từ lâu tôi đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Sáng hôm sau vào lớp học tôi vẫn còn tưởng niệm đến người bạn cũ. Trong lòng cứ bồi hồi và lo sợ viển vông. Tôi nghĩ đến những ngày tương tai sắp tới, một nơi xa lạ , sống và sinh hoạt chung với những người con trai cùng lứa tuổi. Tôi biết chắc Dũng sẽ khó chịu và không thể nào hòa đồng với kỷ luật trong quân trường. Tắm tập thể, ăn uống sinh hoạt cũng ngủ chung trong những chiếc ghế bố dựng vội vã trong những chiếc lều thô sơ. Các bạn cùng trường nhất là Phạm Vĩnh Thọ từng nổi tiếng là quậy phá, đánh lộn và du côn nhất lớp đe dọa Dũng lối sống tập thể trong quân trường. Dũng sợ hãi nhưng biết làm gì hơn khi không có một lựa chọn cho riêng mình trong thời loạn lạc.
Vài tháng trước tôi có ghé nhà gặp Dũng và em gái đã cho biết Dũng đã uống thuốc độc tự tử một lần nhưng may nhờ đưa vào bịnh viện kịp thời nên mới được cứu sống. Tôi có cảm tưởng không tốt và bất an trong lòng. Nhân dịp giờ ra chơi, tôi ghé lại lớp 11B2 cũ ở lầu kế bên và nói ra cảm tưởng của mình cho chúng bạn. Tụi này hẹn ngay sau giờ học cả lớp đạp xe tới thăm Dũng lần cuối trước khi người bạn trình diện đi xa.
Khi cả bọn tới nhà trưa hôm đó, Dũng đã từ giã cõi đời, ra đi vĩnh viễn, hình như lúc 10 giờ sáng. Dũng đã chọn cho mình một cách giải thoát. Thân xác Dũng đã được đem xuống nằm yên trên divan đặt ngay dưới nhà, sắc mặt vẫn còn ửng đỏ và thân thể bắt đầu tái mét. Cổ vẫn còn in hằn vết đỏ của những sợi dây oan nghiệt. Mắt đã nhắm như không còn bận bịu gì trên cõi đời này nữa. Dũng chọn những sợi dây gói quà đủ màu xanh, vàng, trắng, đỏ, thắt chặt lại với nhau cột vào trụ nhà trên căn gác nhỏ và tự vận.
Các bạn thông tin với nhau và nườm nượp đạp xe tới thăm. Thầy Nguyễn Bá Kim cũng ghé và an ủi gia đình. Thầy rất thương Dũng. Tôi ở lại và cùng đi với chị Dung lên chùa trên ông Tạ thỉnh thầy đến tụng kinh cầu siêu. Thủ tục chôn cất ngay vào ngày hôm sau vì để lâu không tốt.
Ngày đưa đám, tôi được gia đình chỉ định ôm tấm hình của Dũng trước ngực ngồi trong xe tang, Bảo ngồi bên cầm lư hương. Hình như cũng ngồi trên xe có một đứa bạn nữa mà tôi không có nhớ là ai. Chúng tôi khóc sướt mướt trên xe cùng với quan tài giá lạnh của Dũng đưa tận ra nghĩa địa Bình Hưng Hòa. Các bạn cùng lớp chạy xe theo sau xe cùng gia đình.
Mộ Dũng chôn và tôi cũng ghé thăm vài lần sau đó. Tôi còn nhớ cây khế xanh chua cằn cỗi trồng gần đó. Tôi và Châu Phú Hùng trèo lên và bẻ vài trái cúng trước mộ phần. Cái chết của Dũng đã ảnh hưởng thật nhiều đối với tôi và tôi vẫn còn ray rứt tới ngày hôm nay.
Năm 2001 sau biến cố 9-11, tôi tình cờ gặp lại Thanh Mai, em gái Dũng trong một buổi họp gây quỉ cứu trợ do hội đoàn trường Gia Long tổ chức tại Washington DC. Thanh Mai cũng đã lập gia đình và có 3 con, cô gái đầu và 2 con trai. Cô gái lớn đã lập gia đình và Mai đã có cháu ngoại. Thanh Mai đã ăn chay trường từ 1990 và tu hành theo pháp môn Quán Âm, giữ gìn nghiêm chỉnh 5 giới luật và thiền định mỗi ngày. Nhờ lời giới thiệu và sách vở tham khảo, tôi cũng bắt đầu đổi cách sống, tập ăn chay, không hút thuốc, không dùng rượu bia và ngồi thiền. Vậy mà đã gần 15 năm rồi.
Tụi này vẫn còn giữ liên lạc và từ đó mới biết mộ của Dũng đã đổi về chùa Từ Thoàn trên đường Phạm Thế Hiển. Nhân chuyến về thăm năm rồi thấy mộ bị ngập nước và không còn thấy mộ bia nên ý định trùng tu và Phạm Vĩnh Thọ đứng ra phụ trách dùm. Chúng tôi đã liên lạc với gia đình và sẽ trùng tu theo lời yêu cầu nhân tiết Thanh Minh tháng 3 sắp tới. Thật ra trùng tu mộ phần mặc dù thân xác đã đổi về chùa rất là quan trọng, nhất là đối với gia đình và những người có sống. Cảm ơn Thọ và Nguyễn Minh Trí đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm và cầu mong tất cả sẽ được như ý nguyện.

Giờ đây ngồi viết lại một số kỷ niệm cũ cùng ôn lại với các bạn thân thương từ 1973 cho đến bây giờ. Dũng vãn sinh là một biến cố khó quên khiến cho cả lớp theo linh tính cùng một lượt đến thăm chỉ có vài tiếng đồng hồ sau đó.
Các bạn có tin về nghiệp quả cùng nhân duyên như lời Phật dạy không? Vãn sanh cũng do nhiều gây nên bởi bịnh hoạn, quyên sinh, tai nạn, chiến tranh.
Nhưng tất cả đều là từ bản chất cuộc sống của con người và Thượng Đế đã an bài khiến không một ai tránh khỏi. Dũng đã chọn một cái chết cho riêng mình, mặc dù theo triết lý nhà Phật là không đúng đắn vì tấm thân này mặc dù vì hoàn cảnh, vì bất cứ lý do gì cũng không được tự mình hủy hoại. Thân là do cha mẹ sinh ra, cuộc sống là do đời đời kiếp kiếp tu hành mới có đủ nhân duyên sinh đặng kiếp người. Khi tự mình hủy hoại, theo triết lý nhà Phật là đã vướng vào vòng u minh, ngạ quỷ tự đoạ mình vào địa ngục đen tối. Khi nào trả xong nghiệp hoặc thân bằng quyến thuộc bạn bè cùng nhau nhất tâm ăn chay cầu nguyện hướng về hồng ân tam bảo thì sẽ được siêu sinh. Đối với Dũng, mặc dù thân xác đã thành cát bụi nhưng ảnh hưởng đã để lại trong tôi, một người bạn thân chân thành và đáng được tha thứ. Sau này qua Mỹ, 2001, tôi tình cờ gặp lại út Mai, em gái của Dũng và nhờ nhân duyên từ người bạn, Mai chỉ cách tôi ăn chay trường và tập thiền phép Quán Âm, tôi và Mai đã mơ về Dũng và cầu nguyện. Cuối cùng mãi tới năm 2005, Dũng đã được bậc Thầy chúng tôi dẫn độ và được siêu thoát khỏi ngục A tỳ.
Giờ đây linh hồn Dũng được an bình tự tại và riêng tôi hy vọng có một ngày nào đó trong chu kỳ cuộc sống sinh ly tử biệt của nhiều kiếp người, chúng tôi sẽ gặp lại nhau và hàn huyên lại tình bạn cũ.
Đinh Tấn Sơn (12B3)