Tiếng oan dậy đất! Án ngờ lòa mây!

đoàn xuân thu.

An oan day dat 01

Nước Úc có nhiều nơi đẹp tự nhiên và hoang sơ nhất trên thế giới. Một trong số đó là Uluru, tên của thổ dân đặt, một khối sa thạch khổng lồ trong hoang mạc ở miền nam Lãnh thổ Bắc Úc, nhưng lại là ngay trung tâm nước Úc, cách thị trấn gần nhất là Alice Springs, khoảng 335 km về phía tây nam.

Vùng quanh Uluru có nhiều mạch nước, hang đá và tranh vẽ cổ nên Uluru được người bản địa, tức thổ dân, xem là đất linh thiêng.

Ngày 19 tháng Bảy, năm1873, nhà địa đồ William Gosse đặt tên cho nó là Ayers Rocks, theo tên Sir Henry Ayers (1863-1873) ,Thủ hiến tiểu bang Nam Úc.

Động vật hoang dã, nước khác có, Úc cũng có, cũng hung dữ không thua ai như cá mập ngoài biển, cá sấu trong sông, rắn độc trong rừng bụi làm hàng ngàn người Úc phải mất mạng mỗi năm.

An oan day dat 02Ngoài ra, thiên hạ không có, chỉ mình Úc mới có thôi như Dingo (tồn tại cách nay ít nhất 5 ngàn năm, rồi tiến hóa trong môi trường của Úc), là một loài chó hoang, biểu tượng, độc quyền cầm, của nước Úc, như Kangaroo và Koala, thường sống theo bầy, đàn vùng hoang mạc, đồng cỏ và ven rừng, gần nơi có nước, trong các hang thỏ hoang, hay trong các hốc cây.

Dingo thường săn đuổi chồn, thỏ và mèo hoang để ăn thịt nên ngành trồng trọt Úc được hưởng lợi. Mặt khác, Dingo dù không hẳn là loại thú nguy hiểm đối với con người như cọp, beo, sư tử, gấu nhưng lại thường tấn công gia súc nên gây hại cho ngành nuôi cừu. Dân Úc phải xây hàng rào gọi là Dingo Fence, dài tới 5600 km, dài hơn Vạn Lý Trường Thành của mấy chú Ba, để ngăn Dingo bắt mấy con cừu mà ăn thịt!

Nhìn từ xa, những Dingo con trửng giỡn dễ thương như những con chó nhà. Một số tiểu bang của nước Úc cho phép nuôi Dingo làm thú cưng.

“Chúng tôi sống ở miền quê, và một nông dân ở đó nghĩ rằng con chó Dingo của tôi có thể gây án mạng, nhưng đâu có phải vậy!”

“Chúng khôn lắm đó, có trí thông minh ngang như loài khỉ. Người ta nói anh không huấn luyện Dingo được. Không đúng, được chớ; vì chúng sẽ nghe theo mệnh lệnh của anh.”

***

Tuy nhiên, những định kiến về chó dù là chó hoang như Dingo là “best friend”, bạn tốt, trung thành, dễ thương, là vô hại đã bị thực tế phũ phàng phủ nhận.

An oan day dat 03Chẳng qua có một vụ án bí ẩn, làm xôn xao dư luận không riêng gì nước Úc mà cả toàn thế giới như vầy: Ngày 17, tháng Tám, năm 1980, gia đình 4 người, ông bà Michael và Lindy Chamberlain, đứa con trai Aidan, 6 tuổi, và con gái sơ sinh, mới 9 tuần tuổi, Azaria Chantel Loren Chamberlain đến cắm trại tại Uluru! Nhưng đâu biết rằng một thảm kịch đang chực chờ giáng xuống đầu của họ.

Khi gia đình đang ăn thịt nướng bên ngoài lều thì có một tiếng chó tru lớn như muốn xé toạc màn đêm ở vùng hoang mạc hẻo lánh đó. Tiếp liền sau là tiếng khóc của một đứa bé rồi đột ngột im bặt.

Khi vừa nghe thấy tiếng khóc hãi hùng của con, bà Lindy lập tức quay về lều thì thoáng thấy một con Dingo đang ngoạm một vật gì đó, chạy vụt vào màn đêm!

Bé gái sơ sinh Azaria Chamberlain đang nằm nôi đã biến mất.

Cảnh sát có mặt, nhanh chóng phát hiện nhiều dấu chân chó Dingo bên ngoài lều và bên trong có những vệt máu nhỏ. Hơn 300 thiện nguyện viên đã đến hiện trường, tiếp tay trong việc tìm kiếm, lùng sục một vùng rộng lớn nhưng vô vọng!

Tin tức về vụ mất tích nhanh chóng lan ra toàn quốc và người dân Úc hồi hộp theo dõi số phận của bé gái.

Cái chết mất xác của cháu bé sơ sinh nầy rõ ràng là một bi kịch. Tuy nhiên những gì diễn ra sau đó lại gây ra thêm nhiều nỗi đau không tả nổi cho song thân của cháu bé nầy.

An oan day dat 04Phiên tòa đầu tiên năm 1981, ở Alice Springs, Michael và Lindy Chamberlain đã khai rằng chó Dingo là thủ phạm và đã được Tòa Pháp y chấp nhận.

Tuy nhiên, bên Công tố vẫn không hài lòng với kết quả trên nên họ tiếp tục mở cuộc điều tra thứ hai vào tháng Chín, năm 1981.

Vì không có kỹ thuật thẩm tra tra DNA như ngày nay, nên các chứng cứ pháp y lúc đó như vết bụi đỏ, vướng trên quần áo, trong xe, trên chiếc kéo đều quy cho là vết máu mà không hề làm xét nghiệm lại cho chắc chắn (?!)

Các điều tra viên đã quy chụp rằng Lindy Chamberlain đã cắt cổ con mình trên cái ghế trước trong xe rồi giấu xác vào một cái thùng lớn dùng để đựng máy chụp hình. Xong chạy trở về nơi cắm trại rồi tri hô lên với những người cùng cắm trại quanh đó rằng chó hoang Dingo đã chui vào lều và tha bé Azaria đi mất.

Vì sự quan tâm đặc biệt trên toàn Australia và cả thế giới tạo ra một luồng dư luận rất xôn xao nên báo chí, truyền thanh, truyền hình nhảy vô khai thác một cách vô tội vạ bi kịch nầy.

Nhiều nghi hoặc hùa theo bên Công tố, nêu lên: “Tại sao gia đình lại mang một đứa bé sơ sinh vào hoang mạc? Tại sao hay cho cháu bé mặc đồ đen? Tại sao là một mục sư của tôn giáo tên là ‘Seventh-day Adventist’, mà đa phần người Úc không hiểu rõ. Có phải đó là một tà giáo? Azaria đã bị giết để tế thần hoang mạc rồi dựng lên hiện trường giả nhằm phi tang tội lỗi?”

An oan day dat 05Truyền thông cũng tận dụng mọi chi tiết gây sốc, tạo ra ác cảm đối với cha mẹ đứa bé. Ngay từ đầu, dân Úc đã không có cảm tình vì bà không tỏ ra “đau đớn cùng cực” và “trông rất lạnh lùng trong phiên tòa”.

Nhiều người bạn, láng giềng, dân Úc và ngay cả dân trên thế giới vẫn còn tin rằng họ là những kẻ gian dối đã giết chết con mình.

Hậu quả là người mẹ vô tội đã đau khổ vì mất con lại trở thành người đàn bà bị căm ghét nhất Australia!

Vụ này được xem là một ví dụ điển hình cho việc truyền thông và dư luận có thể tác động tiêu cực đến quá trình xử án. Nhiều chứng cứ quan trọng đã bị bỏ qua!

Phiên tòa xử trong 6 tuần và không khí phẫn nộ của người dân lên tới cực điểm. Thanh niên Úc, biểu tình ồn ào bên ngoài phiên Tòa, mặc áo T-shirt với dòng chữ: Chó dingo vô tội.“The dingo is innocent!”

“Vậy thì ai có tội?”

***

 Vào ngày 29, tháng Mười, năm 1982, lời khai của bị cáo đã bị bồi thẩm đoàn bác bỏ. Lindy Chamberlain bị kết tội sát nhân với bản án chung thân, giam trong khám đường Berrimah suốt 3 năm.

Michael Chamberlain cũng bị tội che giấu tội phạm, bị tuyên án 18 tháng tù nhưng Tòa cho hưởng án treo.

Khi bản án được tuyên, dường như cả thế giới đều hả hê mãn nguyện (?!)

An oan day dat 06Từ khi câu chuyện được lan truyền năm 1980, nhiều cuốn sách, vở opera, nhạc và được dựng thành phim với tựa đề “A Cry In The Dark” (Tiếng khóc trong đêm) do nữ diễn viên Meryl Streep thủ vai người mẹ trong vụ án này.

Đúng là: “Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây!”

Vợ chồng Chamberlain đã nhiều kháng án kể cả lên Tòa án tối cao nhưng đều không thành công.

Mãi tới năm1986, David Brett, một du khách người Anh, khi leo lên Ayers Rock bị rơi chết.

Cảnh sát, 8 ngày sau, tìm được xác nạn nhân xấu số này nằm trong lớp bụi và một chiếc áo khoác của trẻ sơ sinh bị rách gần một hang của loài chó hoang Dingo.

Thế là vụ án được điều tra trở lại với những quan tòa mới. Mãi gần tới 2 năm sau đó, vào ngày 15, tháng 9, năm 1988, Tòa án Khiếu nại Hình sự ở Lãnh thổ Bắc Úc phán rằng: Lindy và Michael Chamberlain không phải chịu trách nhiệm về cái chết của con gái mình.

Gia đình Chamberlains được bồi thường 1.3 triệu đô vì đã bị giam bất hợp pháp. Số tiền nầy không nhiều, chỉ đủ để trang trải chưa tới 1/3 chi phí về luật pháp.

Cuộc điều tra thứ ba được mở ra năm 1995, kết luận chính thức là bé Azaria đã chết nhưng giấy chứng tử của bé Azaria vẫn còn để trống phần ghi nguyên nhân gây ra cái chết; bởi Tòavẫn không thể kết luận cháu bé đã chết ra sao và tại ai?

Ông Michael Chamberlain, không đồng ý, nhứt quyết tranh đấu đòi phải mở một cuộc điều tra mới, để khẳng định dứt khoát nguyên nhân cái chết của con gái ông là do bị chó hoang Dingo tấn công.

Đồng thời, ông cung cấp cho Tòa án và giới truyền thông một hồ sơ về những vụ chó Dingo tấn công trẻ nhỏ! Bao gồm vụ án 2 con chó Dingo xé xác và ăn thịt một cậu bé 9 tuổi là Clinton Gage trên Đảo Fraser ở Queensland vào năm 2001.

Ngày 12, tháng Sáu, năm 2012, Tòa án Australia đưa ra một phán quyết cuối cùng, được ghi trên giấy chứng tử rằng: Chính loài chó hoang Dingo đã tha bé gái Azaria Chamberlain từ khu cắm trại của gia đình vào năm 1980 và gây ra cái chết của bé.

Quyết định này cũng giúp kết thúc một vụ án kéo dài và bí ẩn nhất lịch sử Australia.

Gia đình nhà Chamberlains trong nhiều năm đã chịu đựng nỗi oan ức, sự bất công từ hệ thống luật pháp, các nhà điều tra viên cẩu thả, kể cả dư luận của quần chúng đầy thành kiến và ác tâm đã làm gia đình nạn nhân tan nát .

An oan day dat 07Vợ chồng nhà Chamberlain ly dị năm 1991. Nếu nỗi hàm oan nầy không xảy ra có thể là hai người vẫn còn chung sống.

Người Úc từ rày về sau không còn dám nói là: “Chó hoang Dingo không nguy hiểm và chỉ tấn công con người khi bị khiêu khích!”

Bà Lindy Chanberlain đã nói: “Chúng tôi yêu đất nước Úc xinh đẹp nhưng cũng xin đồng bào phải cảnh giác về sự hiểm nguy như chuyện này đây để tự mình có cách đối phó từng bước đúng đắn mà không phải chờ một bất cứ một ai ai làm việc đó mà chỉ để cho quyền lợi của họ.

Hãy mạnh dạn đòi cho được công lý cho dù ngay cả lúc quý vị nghĩ mình đã thất bại!”

“Linh hồn con bé vẫn chưa được yên nghỉ, vì sự thật vẫn chưa được làm rõ. Tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho đến ngày tôi chết”.

***

Dẫu ‘Tiếng oan dậy đất’ cũng phải tìm cách xác minh đúng sai! Dẫu ‘án ngờ lòa mây’ cũng phải chống án đến kỳ cùng!

Ai gây nên tội? Để phục hồi thanh danh, phẩm giá cho những kẻ bị hàm oan.

Một bài học đắt giá không chỉ dành cho nước Úc không thôi mà cho cả toàn thế giới; trong đó phải kể tới ngành tư pháp của CS Việt Nam ngày nay, đã có quá nhiều người bị hàm oan, bị xử tử hình một cách oan khuất!

đoàn xuân thu.

melbourne