Má Hai (II)

Vưu Văn Tâm

Theo lệnh của nhà cầm quyền mới, tất cả sĩ quan, binh lính phải ra trình diện và tham dự khóa “học tập cải tạo” trong thời gian mười ngày. Địa điểm tập trung là các trường học và những nơi công cộng. Cổng trường Petrus Ký đã khép lại rồi mà kẻ đứng bên trong, người lố nhố bên ngoài vẫn còn nấn ná, những cái vẫy tay, những đôi mắt cứ nhìn nhau, ứa lệ. Má Hai giơ mấy ngón tay xương xẩu ngoắc ngoắc thằng út, tay kia quẹt hai hàng nước mắt đang tuôn rơi trên đôi gò má nhăn nheo. Tiếng thằng út vọng ra “về đi má, má về đi má” .. Vợ đưa tiễn chồng, cha mẹ chia tay con cái trong khoảng không gian không lớn lắm, ôi cái cảnh biệt ly ngó sao buồn não ruột.

Mười ngày bỗng hóa thành mười năm, mười năm đợi chờ, mười năm thương nhớ. Ngày thằng út được thả về với má Hai, bà con lối xóm phải dìu đỡ nó vào tận nhà. Sơn lam chướng khí và những đòn thù đã khiến ai nấy không còn nhận ra chàng thanh niên rắn rỏi năm nào. Gạt nước mắt, má Hai lặng lẽ chăm sóc thằng con trai từng chút một như thuở nó còn ấu thơ. Theo ngày tháng, thằng út dần được hồi sinh như một phép lạ. Nhờ vào chính sách nhân đạo của chính phủ Hoa-Kỳ thu nhận những sĩ quan, binh lính phục vụ trong quân đội ngày trước, hai má con thằng út được phép đi định cư trên vùng đất mới. Hai má con nó bỏ lại ngôi nhà nhỏ trong con hẻm rộng, phía trước có giàn hoa giấy trổ bông quanh năm, đỏ thắm. Một ngày cuối hạ, chiếc máy bay cất cánh bay vào khoảng mênh mông, trắng xóa. Nhìn qua ô cửa nhỏ, chín nhánh sông Cửu-Long đang âm thầm xuôi ra biển lớn nhưng trong trái tim của má và trong lòng thằng con út là những nỗi ngậm ngùi, những nhánh sông không còn cửa biển.

Đất nước “mở cửa”, thằng Năm giã từ quân ngũ và bắt tay qua nghề buôn bán gỗ quý. Công việc làm ăn xuôi chèo mát mái, một bước lên thang choáng váng mặt mày. Chẳng bao lâu, thằng Năm trung úy bộ đội đã trở thành đại gia có máu mặt ở đất Sài-Gòn. Vợ chồng nó gửi gắm con cái du học ở nước ngoài và cũng nuôi ý định đoàn tụ gia đình một ngày không xa.

Một buổi chiều rất đẹp ở miền Nam California, nền trời xanh thắm không gợn chút mây mù. Nắng hoàng hôn còn vương vấn trên đọt cây và xuyên qua những kẻ lá, người ta thấy hai người đàn ông đang ngồi trước tấm bia mộ hình chữ nhật nhỏ nhắn, xinh xinh. Khu nghĩa trang rộng lớn và im vắng, chỉ có tiếng gió rì rào làm lao xao những sợi tóc đã ngã màu trắng xám. Thằng út ốm nhom, ốm nhách đưa mắt ngó bâng quơ về một khoảng xa. Hình như nó đang nhớ về má Hai, người mẹ đã chăm lo và yêu thương nó suốt cuộc đời này. Sát một bên, thằng Năm vạm vỡ trong bộ veston lịch sự đang cúi đầu nhìn xuống tấm hình của người mẹ già chịu thương, chịu khó. Đôi vai nó run run, nó đang khóc. Nước mắt nó tuôn chảy trên gương mặt bọng mỡ và thấm xuống đám cỏ nửa vàng, nửa xanh, thấm luôn vào lòng đất lạnh. Nửa đời ngơ ngác đi theo ảo ảnh phù du, nửa đời sau ngẫm nghĩ lại thì mọi việc đã muộn màng. Dù trung hiếu, ngoan hiền hay ngỗ nghịch, phản trắc, đứa nào cũng là con của má sanh ra, chín tháng cưu mang, ba năm hoạn dưỡng. Những dòng sông phân nhánh đang hội tụ về một biển và bao giờ cũng bao la như tình thương của má. Dẫu đang ở một cõi xa xôi nhưng má Hai đang nở nụ cười hiền và thật lành như nét cười của Đức Phật Như Lai.

29.04.2021